Tóm tắt: Bài viết này tập trung phân tích quá trình hoàn thiện các quy định pháp luật về hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội tại Cộng hòa Pháp (CH Pháp), kể từ Bộ luật Hình sự 1791 đến khi Bộ luật Tư pháp hình sự người chưa thành niên (TPHS NCTN) được ban hành và có hiệu lực vào ngày 30 tháng 9 năm 2021. Sau khi nghiên cứu tổng quan lịch sử phát triển, bài viết tập trung làm rõ các quy định hiện hành về hình phạt đối với người chưa thành niên (NCTN) phạm tội ở CH Pháp, từ đó chỉ ra các điểm tương đồng và khác biệt với các quy định tương ứng trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Cuối cùng, bài viết rút ra các bài học có giá trị từ CH Pháp để tiếp tục nghiên cứu ở Việt Nam.
Từ khoá: Người chưa thành niên phạm tội, Hình phạt, Nghiên cứu pháp luật so sánh, Lịch sử phát triển pháp luật, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tư pháp hình sự người chưa thành niên
Abstract: This article analyzes the development of legal regulations concerning penalties for juvenile offenders in the French Republic, from the 1791 Penal Code to the enactment and implementation of the Code of Criminal Justice for Minors on September 30, 2021. Following a historical overview, the article clarifies current regulations on penalties for juvenile offenders in France, highlighting similarities and differences with corresponding regulations in the Vietnamese legal system. Finally, the article draws valuable lessons from France for further research in Vietnam.
Keywords: Juvenile offenders, Punishment, Comparative legal studies, Historical legal evolution, Penal Code, Juvenile Criminal Justice Code
Việc áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội luôn là thách thức lớn đối với các hệ thống tư pháp của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Cộng hòa Pháp (CH Pháp). Từ ngày 30 tháng 9 năm 2021, Bộ luật Tư pháp hình sự người chưa thành niên (TPHS NCTN) chính thức có hiệu lực tại quốc gia này, đánh dấu quá trình liên tục cải cách nhằm xây dựng hệ thống quy tắc chuyên biệt cho người chưa thành niên (NCTN), bao gồm các quy định về hình phạt. Nghiên cứu so sánh pháp luật giữa CH Pháp và Việt Nam là cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam hiện nay “so sánh về hình phạt với các nước cũng chưa được nghiên cứu nhiều”[1]. Hơn nữa, PGS.TS.Hồ Sỹ Sơn cho rằng “các vấn đề về sự hình thành và phát triển của pháp luật cũng như của một số văn bản riêng rẽ đã tồn tại trong các quốc gia khác nhau chỉ có thể phân tích được khi gắn chúng với những thời kỳ lịch sử cụ thể nhất định”[2]. Do đó, nghiên cứu pháp luật hiện hành về hình phạt dành cho NCTN phạm tội của CH Pháp cần kết hợp với việc tìm hiểu quá trình phát triển các quy định về hình phạt dành cho NCTN phạm tội, để hiểu rõ hơn về động lực và nguyên nhân hình thành các quy định hiện tại, từ đó chỉ ra sự tiến bộ trong tư duy pháp lý và chính sách đối với vấn đề NCTN phạm tội ở CH Pháp. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên dự kiến sẽ được thông qua tại Việt Nam vào Kỳ họp 8, Quốc hội XV (tháng 11/2024).
Bài viết này tập trung vào: (1) tổng quan quá trình hoàn thiện quy định về hình phạt đối với NCTN phạm tội ở CH Pháp; (2) các quy định hiện hành; và (3) so sánh giữa CH Pháp và Việt Nam, từ đó rút ra bài học cho Việt Nam trong quá trình hoàn thiện pháp luật.
Lịch sử phát triển các quy định về hình phạt đối với NCTN phạm tội nói riêng và yếu tố quyết định đến việc áp dụng hình phạt ở CH Pháp được đánh dấu bằng các giai đoạn quan trọng gồm: (1) Giai đoạn phát triển quan niệm về “khả năng nhận thức” ở NCTN (từ 1791 đến 1911); (2) Giai đoạn hình thành hệ thống tòa án dành riêng cho NCTN (từ 1912 đến 1944); (3) Giai đoạn xây dựng tư pháp hình sự NCTN hiện đại (từ 1945 đến 1980); (4) Giai đoạn tăng cường bảo vệ, hỗ trợ, giám sát và giáo dục đối với NCTN (từ 1981 đến 1993); (5) Giai đoạn thắt chặt hơn của tư pháp hình sự NCTN (từ 1994 đến 2000); và (6) Giai đoạn tái khẳng định lại các nguyên tắc được ghi nhận trong Sắc lệnh 1945 và cải cách mạnh mẽ TPHS NCTN (từ 2001 cho đến 2019).
Ở mỗi giai đoạn, việc hoàn thiện các quy định liên quan đến hình phạt đối với NCTN phạm tội ở CH Pháp đã ghi nhận những kết quả như sau:
Thứ nhất, giai đoạn từ 1791 đến 1911, pháp luật cho phép thẩm phán xác định TNHS của NCTN dựa trên “khả năng nhận thức”[3], và ngưỡng tuổi trưởng thành hình sự (majorité pénale) được xác định là 16 tuổi. Từ ngưỡng tuổi này trở lên, NCTN được coi là có khả năng nhận thức, có thể phải chịu TNHS và bị kết án tù[4]. Dưới ngưỡng tuổi này, nếu NCTN phạm tội được cho là không có khả năng nhận thức, không phải chịu TNHS nhưng có thể bị đưa vào cơ sở giáo dục cải huấn (maison de correction).
Thứ hai, giai đoạn từ 1912 đến 1944, việc thiết lập hệ thống công lý thực sự cho NCTN[5] nhờcác quy định như sau: NCTN dưới 13 tuổi không còn bị đưa ra trước tòa án hình sự mà được xử lý bởi hệ thống tòa án dân sự; NCTN từ 13 đến 18 tuổi bị xét xử bởi tòa án dành cho trẻ em và thành thiếu niên (le tribunal pour enfants et adolescents); thẩm phán có thể tiến hành một cuộc điều tra xã hội về điều kiện sống gia đình của NCTN và các hình phạt có thể đi kèm với sự giám sát tự do cho đến khi NCTN21 tuổi (Luật ngày 24 tháng 7 năm 1912). Luật 1912 còn góp phần thay đổi lớn liên quan đến tội phạm và hình phạt cho NCTN đó là: quy định mới về tội lang thang[6] và hình phạt đối với tội này[7] phân biệt theo độ tuổi, cụ thể: (i) từ 13 đến 16 tuổi thì có thể bị phạt giao quản lý cho cha mẹ, một cơ sở, một cá nhân, một trường cải tạo hoặc cơ sở giam giữ/cải tạo; (ii) người trên 18 tuổi có thể bị phạt tù từ 3 đến 6 tháng.
Thứ ba, giai đoạn từ 1945 đến 1980, ban hành Sắc lệnh ngày 2 tháng 2 năm 1945 về trẻ em phạm tội (L'ordonnance du 2 février 1945 relative à l'enfance délinquante) (sau đây gọi tắt là Sắc lệnh 1945), thiết lập nhiều nguyên tắc hiện đại cho tư pháp hình sự NCTN như: (i) bảo vệ và giáo dục NCTN trở thành nguyên tắc ưu tiên; (ii) thiết lập tòa án hình sự NCTN và thẩm quyền của tòa án chuyên biệt dành cho trẻ em; và loại bỏ nguyên tắc trách TNHS dựa trên khả năng nhận thức (khả năng hiểu và mong muốn thực hiện một việc nào đó) [8]. Do đó, NCTN được hưởng lợi từ nguyên tắc suy đoán vô tội (présomption d'irresponsabilité). Như vậy, kể từ sau Sắc lệnh 1945, trọng tâm của các quy định về NCTN phạm tội đã chuyển từ đánh giá khả năng nhận thức để truy cứu TNHS sang bảo vệ và giáo dục[9]. Cũng ở giai đoạn này, việc sử dụng nguyên tắc xác định TNHS dựa trên yếu tố “khả năng nhận thức” của NCTN đã quay trở lại và chính thức được giải thích bởi một bản án của Tòa án phá án năm 1956 (bản án Laboube) [10].
Thứ tư, từ 1981 đến 1993, bãi bỏ hình phạt tử hình ở CH Pháp năm 1981 (Luật số 81-908 ngày 9tháng 10 năm 1981); bổ sung hình phạt lao động công ích (Travail d’intérêt général) áp dụng cho NCTN vào năm 1983 (Luật số 83-576 ngày 9 tháng 7 năm 1984); Bổ sung Điều 122-8 BLHS, trên cơ sở quy định đã được đề cập trong Sắc lệnh 1945 về việc áp dụng các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ, giám sát và giáo dục có điều kiện và các điều kiện áp dụng hình phạt đối với NCTN từ đủ 13 tuổi trở lên[11]. Theo quy định này, một ngưỡng tuổi đã được thiết lập cho NCTN để có thể áp dụng hình phạt (13 tuổi).
Thứ năm, từ 1994 đến 2000, các hoạt động tư pháp hình sự đối với NCTN được củng cố, đáng chú ý liên quan đến hình phạt như: hình phạt giám sát bởi thiết bị điện tử được áp dụng đối với NCTN (Luật số 97-1159 ngày 19 tháng 12 năm 1997); các hình phạt bổ sung không thể được áp dụng đối với những NCTN (Luật số 98-468 ngày 17 tháng 6 năm 1998);
Thứ sáu, từ 2001 cho đến 2019, có những thay đổi về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự và các yếu tố xác định trách nhiệm hình sự đối với NCTN, cụ thể như: (i) khẳng định lại nguyên tắc xác định TNHS dựa trên yếu tố “khả năng nhận thức” của NCTN; (ii) bổ sung ngưỡng tuổi có khả năng bị áp dụng hình phạt (10 tuổi): người dưới 10 tuổi sẽ không phải chịu hình phạt mà chỉ bị áp dụng biện pháp giáo dục. Đồng thời, các "hình phạt giáo dục" được tạo ra cho những NCTN từ 10 tuổi trở lên (Luật Perben I ngày 9 tháng 9 năm 2002); (iii) bổ sung mới hình phạt buộc tham gia chương trình đào tạo công dân áp dụng cho NCTN từ đủ 13 tuổi đến dưới 18 tuổi (Luật Perben II ngày 9 tháng 3 năm 2004, có hiệu lực từ ngày 1 tháng 10 năm 2004); (iv) thiết lập hình phạt tối thiểu từ lần tái phạm đầu tiên đối với các tội phạm có mức án tối thiểu ba năm tù giam (các hình phạt tối thiểu): (v) nguyên tắc giảm nhẹ hình phạt cho NCTNtừ 16 đến 18 tuổi vẫn được duy trì trong trường hợp tái phạm lần đầu[12], (vi) bãi bỏ các hình phạt tối thiểu và sự ra đời của công lý phục hồi (Luật số 2014-896 ngày 15 tháng 8 năm 2014); (vii) hình phạt quản thúc tại nhà với sự giám sát của thiết bị điện tử được áp dụng cho NCTN từ 13 tuổi trở lên (Luật số 2019-222 ngày 23 tháng 3 năm 2019)
Cải cách tư pháp hình sự NCTN được thực hiện từ sau ngày 30 tháng 9 năm 2021- ngày Bộ luật TPHS NCTN chính thức có hiệu lực. Đây được coi là cải cách quan trọng nhất của CH Pháp liên quan đến tư pháp NCTN, đã thể hiện được những điểm tiến bộ trong việc thiết lập các nguyên tắc của TPHS NCTN; trong việc xác định độ tuổi chịu TNHS; và trong việc quyết định biện pháp giáo dục và hình phạt đối với NCTN (sẽ được phân tích cụ thể ở phần sau).
Nghiên cứu các giai đoạn quan trọng của quá trình hoàn thiện pháp luật về hình phạt đối với NCTN phạm tội ở CH Pháp cho phép khẳng định một số yếu tố tác động đến sự thay đổi trong các quy định liên quan như sau:
Cơ quan lập pháp đã có nhận thức rất sớm và đúng đắn dựa về phát triển tâm lý và xã hội của NCTN, từ đó, sử dụng yếu tố này để xây dựng các nguyên tắc xác định TNHS và áp dụng hình phạt đối với NCTN phạm tội. Điển hình là việc sử dụng nguyên tắc xác định TNHS dựa trên “khả năng nhận thức” của NCTN để xác định TNHS được nhà lập pháp khẳng định rất sớm và hoàn thiện qua những lần sửa đổi BLHS (từ BLHS 1791), thay vì đơn thuần dựa trên độ tuổi và hành vi phạm tội. Nguyên tắc này được làm rõ hơn theo thời gian, bằng quy định của pháp luật, bằng án lệ và được hoàn thiện nhất tại BL TPHS NCTN hiện hành của CH Pháp.
Đã có những giai đoạn pháp luật hình sự NCTN ở CH Pháp chuyển trọng tâm từ trừng phạt sang bảo vệ và giáo dục. Điều này là kết quả của quá trình thay đổi của xã hội (những phản ứng đối với hệ thống giam giữ NCTN như phân tích ở trên) và thay đổi của pháp luật mà mục tiêu hướng tới việc bảo vệ, sửa chữa và giáo dục NCTN thay vì trừng phạt. Điển hình của sự thay đổi đó là: Nguyên tắc giả định không có TNHS (NCTN được giả định là không có TNHS trừ khi tòa án có thể chứng minh điều ngược lại); Cục giáo dục giám sát được hình thành và hoạt động độc lập với cơ quan quản lý nhà tù sau Sắc lệnh 1945; thành lập Cục Giáo dục giám sát trở thành Cục Bảo vệ tư pháp NCTN năm 1990; bổ sung một điều luật mới vào BLHS (Điều 122-8) năm 1992 về việc áp dụng các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ, giám sát và giáo dục có điều kiện và các điều kiện áp dụng hình phạt đối với NCTN từ đủ 13 tuổi trở lên; bổ sung các hình phạt “mang tính chất giáo dục” như: lao động công ích, buộc tham gia chương trình đào tạo…
Việc CH Pháp gia nhập Công ước quốc tế về Quyền trẻ em 1989[13] với các yêu cầu nhằm bảo vệ quyền của trẻ em và áp dụng những biện pháp tư pháp công bằng và nhân đạo đối với NCTN, yêu cầu về độ tuổi tối thiểu (Điều 40) đã ảnh hưởng đến việc thay đổi chính sách, pháp luật CH Pháp. Quá trình hội nhập quốc tế và hài hóa hóa pháp luật quốc gia với các chuẩn mực về nhân quyền đã thúc đẩy quốc gia này đưa ra các cải cách mạnh mẽ đối với hệ thống TPHS dành cho NCTN. Điển hình là việc quy định nguyên tắc xác định TNHS dựa trên “khả năng nhận thức”; thống nhất độ tuổi tối thiểu xác định TNHS và áp dụng hình phạt (13 tuổi), quy định nhiều hơn các hình phạt mang tính chất giáo dục cho lứa tuổi từ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi.
Nguyên tắc đặc thù dành cho NCTN phạm tội được quy định trong Bộ luật TPHS NCTN của CH Pháp là nền tảng cho các quy định cụ thể về hình phạt đối với NCTN phạm tội ở quốc gia này. Ngay từ điều khoản mở đầu, Bộ luật TPHS NCTN của CH Pháp đã thiết lập nguyên tắc đặc thù cho việc xử lý NCTN phạm tội: “Bộ luật hiện tại điều chỉnh các điều kiện mà theo đó trách nhiệm hình sự của trẻ vị thành niên được xác định, bằng cách xem xét, vì lợi ích tốt nhất của họ, việc giảm nhẹ trách nhiệm này tùy theo độ tuổi của họ và sự cần thiết phải có biện pháp giáo dục và nâng cao đạo đức thông qua các biện pháp phù hợp với độ tuổi và nhân thân của họ, được quyết định bởi một tòa án chuyên biệt hoặc theo các thủ tục thích hợp” (Điều khoản mở đầu). Cụm từ “vì lợi ích tốt nhất của họ” đã được bổ sung bởi Điều 3 của Luật số 2021-218 ngày 26 tháng 2 năm 2021, là nỗ lực điều chỉnh của pháp luật quốc gia để phù hợp hơn với nguyên tắc cơ bản đã được quy định trong Công ước Liên Hợp Quốc về Quyền trẻ em 1989 “Trong mọi hành động liên quan đến trẻ em, dù được thực hiện bởi cơ quan phúc lợi xã hội của nhà nước hay tư nhân, bởi tòa án, các nhà chức trách hành chính hay cơ quan lập pháp, thì lợi ích tốt nhất của trẻ em phải là mối quan tâm hang đầu” (khoản 1 Điều 3 Công ước của Liên Hợp Quốc về Quyền trẻ em 1989). Cùng với đó, CH Pháp đặt ra nguyên tắc cho tất cả quy trình xử lý NCTN phạm tội, trong đó có việc quyết định và áp dụng hình phạt bao gồm: “trách nhiệm hình sự giảm nhẹ, theo độ tuổi” và biện pháp áp dụng “phù hợp với độ tuổi và nhân thân”, do “tòa án chuyên biệt quyết định”.
Một số nguyên tắc đặc thù khác cũng được nêu rõ trong Bộ luật TPHS NCTN của CH Pháp như: “Các quyết định đối với người chưa thành niên hướng tới việc nâng cao giáo dục và đạo đức, cũng như ngăn ngừa tái phạm của họ và bảo vệ lợi ích của các nạn nhân” (Điều L11-2 về hướng xử lý đối với NCTN) và “ Người chưa thành niên bị tuyên có tội do thực hiện một tội phạm có thể bị áp dụng các biện pháp giáo dục và, hình phạt nếu hoàn cảnh và nhân thân của họ đòi hỏi điều đó ” (Điều L11-3) và “Các hình phạt mà người chưa thành niên phải chịu được giảm nhẹ theo các quy định của bộ luật hiện tại” (Điều L11-5).
Bên cạnh đó, Bộ luật TPHS NCTN cũng quy định nguyên tắc áp dụng các quy định của pháp luật hình sự, tố tụng hình sự và thi hành án hình sự có liên quan đối với NCTN phạm tội như sau: “Các quy định pháp luật và quy chế liên quan đến luật hình sự và thủ tục hình sự, đặc biệt là các quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự và Bộ luật Thi hành án, đều áp dụng cho người chưa thành niên, trừ khi có quy định khác trong bộ luật hiện tại” (Điều L13-1). Quy định này làm rõ mối quan hệ giữa các quy định về Bộ luật Hình sự (BLHS), Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) và Bộ luật Thi hành án (BLTHA) về người chưa thành niên với quy định trong Bộ luật TPHS NCTN của CH Pháp. Theo đó, các quy tắc đặc thù trong Bộ luật TPHS NCTN sẽ được ưu tiên áp dụng trước. Trong trường hợp không có quy tắc riêng, việc áp dụng quy định trong BLHS, BLTTHS và BLTHA mới được áp dung.
Như vậy, các nguyên tắc đặc thù trong xử lý đối với NCTN phạm tội ở CH Pháp đã làm rõ được: (i) mối quan hệ giữa luật chung và luật riêng về tư pháp NCTN; (ii) mục tiêu của việc xử lý NCTN phạm tội (giáo dục, ngăn ngừa tái phạm và bảo vệ nạn nhân); (iii) hình phạt là biện pháp sau cùng được áp dụng; (iv) nếu phải áp dụng hình phạt thì các hình thức giảm nhẹ cho NCTN phạm tội so với người thành niên được xem xét như: giảm nhẹ TNHS, giảm nhẹ hình phạt; (v) hình phạt phải phù hợp với độ tuổi và với sự phát triển của trẻ; (vi) hình phạt phải do tòa án chuyên biệt quyết định.
Loại hình phạt đối với NCTN phạm tội ở CH Pháp được xây dựng dựa trên các quy định nền tảng về (i) độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự; (ii) sự phù hợp của hình phạt với độ tuổi và (iii) phân loại tội phạm và (iv) thẩm quyền xét xử. Theo đó, Điều L11-1 của Bộ luật TPHS NCTN[14] quy định độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự ở CH Pháp là từ đủ 13 tuổi. Như vậy, không một hình phạt nào được áp dụng đối với người chưa thành niên dưới 13 tuổi[15] và hình phạt áp dụng phải được xác định dựa theo độ tuổi của người chưa thành niên vào thời điểm thực hiện tội phạm[16]. Đồng thời, trên cơ sở phân loại loại tội phạm của BLHS CH Pháp[17] theo các mức độ từ thấp đến cao gồm : tội vi cảnh (contravention)[18], tội ít nghiêm trọng (délit)[19] và tội nghiêm trọng (crime)[20], pháp luật CH Pháp quy định loại hình phạt khác nhau theo thẩm quyền xét xử khác nhau. Hệ thống xét xử NCTN phạm tội ở CH Pháp hiện nay gồm : tòa án cảnh sát (Le Tribunal de police), thẩm phán trẻ em (Le Juge des enfants), tòa án trẻ em (Le Tribunal pour enfants) và tòa án hình sự NCTN (La Cour d’assises des mineurs)[21].
Do đó, tùy vào tính chất nguy hiểm của hành vi, vào thẩm quyền xét xử, các hình phạt cụ thể như sau:
Các hình phạt được quyết định bởi Tòa án cảnh sát
Tòa án cảnh sát có thẩm quyền xét xử đối với các tội vi cảnh từ loại 1 đến 4 do NCTN từ đủ 13 tuổi thực hiện[22]. Theo quy định tại Điều L121-3 Bộ Luật Tư pháp NCTN tòa án cảnh sát có thể tuyên bố (1) Miễn hình phạt (dispense de peine); (2) Hình phạt tiền có thể hoặc không được hoãn thi hành và (3) Một trong các hình phạt bổ sung được liệt kê tại Điều 131-16 của BLHS. Như vậy, nếu không thuộc trường hợp được miễn hình phạt, thì NCTN từ đủ 13 tuổi có thể bị áp dụng 1 trong 2 hình phạt: hình phạt tiền hoặc các hình phạt như: tạm ngừng giấy phép lái xe; cấm sở hữu hoặc mang vũ khí cần có giấy phép; tịch thu vũ khí đang sở hữu hoặc đang có quyền sử dụng; tước hoặc cấm xin giấy phép săn bắn; cấm lái một số phương tiện giao thông đường bộ (kể cả phương tiện không cần giấy phép); buộc tham gia chương trình giáo dục; tịch thu động vật sử dụng để phạm tội; cấm sở hữu động vật; tước giấy phép lái tàu.
Các hình phạt được quyết định bởi Thẩm phán trẻ em
Thẩm phán trẻ em có thẩm quyền xét xử đối với các tội vi cảnh loại 5 (contravention de 5e class)[23], các tội ít nghiêm trọng do NCTN từ đủ 13 tuổi thực hiện. Thẩm phán trẻ em có thể xét xử 1 mình, trong một phiên tòa duy nhất, và theo đề nghị của công tố viên, thẩm phán trẻ em có thể quyết định áp dụng các hình phạt sau: (1) tịch thu công cụ phạm tội hoặc (2) buộc tham gia chương trình giáo dục (về quyền công dân, nâng cao nhận thức về mức độ nguy hiểm của các chất ma túy…) hoặc (3) lao động công ích (nếu NCTN từ đủ 16 tuổi trở lên vào thời điểm quyết định hình phạt) [24].
Các hình phạt được quyết định bởi Tòa án trẻ em hoặc Tòa án hình sự NCTN
Tòa án trẻ em có thẩm quyền xét xử đối với các tội vi cảnh loại 5, các tội ít nghiêm trọng và một số tội nghiêm trọng do NCTN từ đủ 13 tuổi thực hiện[25].Hội đồng xét xử sẽ bao gồm: 01 thẩm phán trẻ em, chủ tọa và 02 hội thẩm[26]. Tòa án trẻ em được bố trí ít nhất 01 trong khu vực thẩm quyền của tòa phúc thẩm[27]. Tòa án trẻ em có thể quyết định một trong các hình phạt sau: (1) phạt tiền, (2) phạt tù kèm án treo (gồm án treo đơn giản, án treo thử thách, án treo tăng cường); (4) lao động công ích; (3) buộc tham gia chương trình giáo dục (peine de stage); (4) quản thúc tại nhà dưới sự giám sát bằng thiết bị điện tử; (5) hình phạt khắc phục hậu quả (sanction réparation); (6) các hình phạt tước hoặc hạn chế tự do được quy định tại Điều 131-6 BLHS như: tạm đình chỉ, hủy giấy phép lái xe, cấm lái một số phương tiện, tịch thu hoặc tạm giữ một hoặc nhiều phương tiện đang sở hữu; cấm sở hữu hoặc mang theo một vũ khí cần giấy phép, tịch thu một hoặc nhiều vũ khí thuộc sở hữu hoặc có quyền sử dụng, rút giấy phép săn bắn, cấm phát hành sé, tịch thu vật dụng đã sử dụng hoặc dự định sử dụng để phạm tội, cấm thực hiện một hoạt động nghề nghiệp, xã hội, cấm xuất hiện tại một số địa điểm, cấm sử dụng tài khoản truy cập vào các dịch vụ trực tuyến, cấm giao du hay liên lạc với một số người, (7) các hình phạt bổ sungđược quy định tại Điều 131-10 BLHS như: cấm, tước quyền; yêu cầu điều trị hoặc thực hiện nghĩa vụ, tạm giữ hoặc tịch thu một vật, tịch thu một động vật, đóng cửa một cơ sở; (8) hình phạt giám sát xã hội-tư pháp (suivi socio-judiciare) [28].
Tòa án hình sự NCTN (La Cour d’assies des mineurs) có thẩm quyền xét xử đối với các tội nghiêm trọng do NCTN từ đủ 16 tuổi trở lên thực hiện (chẳng hạn như giết người, hiếp dâm, bắt cóc..). Hội đồng xét xử bao gồm: 03 thẩm phán chuyên nghiệp, trong đó có 02 thẩm phán trẻ em (trừ trường hợp bất khả kháng) và 06 bồi thẩm viên (ở phiên tòa sơ thẩm) hoặc 09 bồi thẩm viên (ở phiên tòa phúc thẩm) được chọn ngẫu nhiên. Các loại hình phạt có thể được áp dụng bởi Tòa án hình sự NCTN bao gồm: hình phạt tù, hình phạt tiền.
Như vậy, để xác định loại hình phạt được áp dụng, pháp luật CH Pháp yêu cầu trước hết cần xác định độ tuổi vào thời điểm thực hiện tội phạm, xác định loại tội đã thực hiện, sau cùng là thẩm quyền xét xử. Hình phạt được quyết định đối với NCTN từ đủ 13 tuổi trở lên vào thời điểm thực hiện hành vi phạm tội (trừ trường hợp hình phạt lao động công ích - được quyết định đối với NCTN từ đủ 16 tuổi trở lên vào thời điểm quyết định hình phạt).
Ở mức độ nhẹ nhất: khi thực hiện các tội vi cảnh từ loại 1 đến loại 4, NCTN từ đủ 13 tuổi trở lên có thể được miễn hình phạt. Trong trường hợp không được miễn hình phạt thì có thể bị áp dụng 02 loại: phạt tiền hoặc các hình phạt như: tịch thu vũ khí đang sở hữu hoặc đang có quyền sử dụng; tước hoặc cấm xin giấy phép săn bắn; cấm lái một số phương tiện giao thông đường bộ (kể cả phương tiện không cần giấy phép); buộc tham gia chương trình giáo dục; tịch thu động vật sử dụng để phạm tội; cấm sở hữu động vật; tước giấy phép lái tàu.
Ở mức nặng hơn: khi thực hiện các tội ít nghiêm trọng hoặc tội vi cảnh loại 5, NCTN từ đủ 13 tuổi trở lên có thể phải chịu hình phạt: (1) tịch thu công cụ phạm tội hoặc (2) tham gia chương trình giáo dục (về quyền công dân, nâng cao nhận thức về mức độ nguy hiểm của các chất ma túy…). Hình phạt lao động công ích chỉ đặt ra trong trường hợp nếu NCTN đạt 16 tuổi vào thời điểm tuyên bố hình phạt.
Ở mức độ nặng nhất, khi thực hiện các tội nghiêm trọng, NCNT từ đủ 16 tuổi trở lên, hình phạt chỉ có thể là: phạt tù, phạt tiền, trong khi NCTN dưới 16 tuổi, thì ngoài phạt tiền, thẩm phán còn có thể áp dụng các hình phạt đa dạng hơn (mang nhiều tính chất giáo dục hơn) như: phạt tù kèm án treo, lao động công ích, buộc tham gia chương trình giáo dục; quản thúc tại nhà dưới sự giám sát bằng thiết bị điện tử; hình phạt khắc phục hậu quả; các hình phạt tước hoặc hạn chế tự do được quy định tại Điều 131-6 BLHS; các hình phạt bổ sung được quy định tại Điều 131-10 BLHS; giám sát xã hội-tư pháp(suivi socio-judiciare).
Cùng với việc quy định các loại hình phạt được áp dụng, pháp luật hình sự và pháp luật TPHS NCTN còn có quy định về các loại hình phạt không được áp dụng, đó là: Hình phạt tù giam dưới hoặc bằng 1 tháng[29]; Hình phạt cấm nhập cảnh vào lãnh thổ Pháp; hình phạt tiền theo ngày (jour-amende); Hình phạt cấm quyền công dân, quyền dân sự và quyền gia đình, cấm thực hiện chức năng công hoặc hoạt động nghề nghiệp hay xã hội, cấm cư trú, đóng cửa cơ sở và cấm tham gia vào các thị trường công và Hình phạt công khai hoặc phát tán bản án[30]. NCTN không bị áp dụng hình phạt tử hình (hình phạt này bị xóa bỏ trên toàn lãnh thổ Pháp) và hình phạt chung thân (hình phạt được thay thế bằng tù có thời hạn).
Nguyên tắc giảm nhẹ hình phạt được áp dụng khi quyết định mức hình phạt đối với NCTN phạm tội. Điều L11-5 của Bộ luật TPHS NCTN quy định chung: “Các hình phạt mà người chưa thành niên phải chịu được giảm nhẹ theo quy định của bộ luật hiện tại”. Đây là nguyên tắc giảm nhẹ do độ tuổi, được cụ thể hóa trong các điều L121-5 và L121-6 của Bộ luật này. Tuy nhiên việc áp dụng nguyên tắc giảm nhẹ này chỉ tự động đối với NCTN phạm tội dưới 16 tuổi. NCTN từ đủ 16 tuổi trở lên có thể bị xét để loại trừ nguyên tắc này nếu các thẩm phán cho rằng hành vi đủ nghiêm trọng và người chưa thành niên được coi là đủ trách nhiệm hình sự[31]. Mức hình phạt được Bộ luật TPHS NCTN cụ thể đối với hình phạt tù, hình phạt tiền, hình phạt quản thúc tại nhà giám sát bằng thiết bị điện tử; một số yêu cầu cụ thể về điều chỉnh hình phạt cho phù hợp với độ tuổi được quy định cho hình phạt: lao động công ích, buộc tham gia chương trình đào tạo.
Đối với hình phạt tù, Điều L121-5 Bộ luật TPHS NCTN quy định “tòa án dành cho trẻ em và tòa hình sự dành cho người chưa thành niên không được tuyên hình phạt tước tự do vượt quá ½ mức hình phạt tối đa có thể áp dụng”. Do đó, có 02 trưởng hợp xảy ra:
Trường hợp thứ nhất: được áp dụng giảm nhẹ hình phạt do yếu tố tuổi chưa thành niên, mức hình phạt áp dụng chung cho NCNT từ đủ 13 tuổi theo quy định tại Điều 121-5 Bộ luật TPHS NCTN cụ thể như sau:
- Nếu điều luật quy định hình phạt tù có thời hạn thì mức tối thiểu là 1 năm và mức tối đa không quá ½ mức tối đa mà điều luật quy định.
- Nếu điều luật quy định hình phạt tù chung thân thì mức hình phạt tối thiểu là 2 năm và mức tối đa không vượt quá 20 năm tù.
Trường hợp thứ hai: không được áp dụng giảm nhẹ hình phạt do yếu tố tuổi chưa thành niên[32]. NCTN từ đủ 16 tuổi trở lên có thể phải chịu mức hình phạt như người trưởng thành nếu điều luật quy định hình phạt tù có thời hạn và mức hình phạt tù tối đa là 30 năm tù nếu điều luật quy định hình phạt chung thân (khoản 2 Điều L121-7 Bộ luật TPHS NCTN). Tuy nhiên, để ra được quyết định không áp dụng giảm nhẹ cho NCTN từ đủ 16 tuổi trở lên, cần có một nghị án về hình phạt với ít nhất 5/6 phiếu tán thành[33].
Đối với hình phạt tiền, Điều L121-6 Bộ luật TPHS NCTN: “Không thể tuyên mức phạt tiền đối với một người chưa thành niên vượt quá một nửa mức hình phạt tối đa mà pháp luật quy định, cũng như không thể tuyên mức phạt tiền vượt quá 7.500 euros”. Như vậy, pháp luật CH Pháp cho phép tòa án có thẩm quyền quyết định mức phạt tiền dưới ½ mức dành cho người trưởng thành và quy định mức tối đa không thể vượt qua của hình phạt.
Tuy nhiên, người từ đủ 16 tuổi trở lên, nếu không được áp dụng nguyên tắc giảm nhẹ hình phạt do yếu tố tuổi chưa thành niên, thì phải chịu mức phạt tiền như quy định cho người trưởng thành[34].
Đối với các hình phạt quản thúc tại nhà dưới sự giám sát điện tử, tương tự như đối với hình phạt tù và hình phạt tiền, nếu được áp dụng nguyên tắc giảm nhẹ hình phạt, mức tối đa của hình phạt này không vượt quá ½ mức tù giam có thể áp dụng. Hình phạt chỉ được quyết định khi có sự đồng ý của người đại diện hợp pháp và phải kèm theo một biện pháp giáo dục (Điều L122-6 Bộ luật TPHS NCTN). Nếu không được áp dụng nguyên tắc giảm nhẹ, hình phạt như người trưởng thành.
Đối với một số hình phạt mang tính chất giao dục như lao động công ích, buộc tham gia khóa học, thì pháp luật quy định việc điều chỉnh hình phạt phù hợp với NCTN. Cụ thể, đối với hình phạt lao động công ích (hình phạt chỉ được áp dụng cho NCTN đủ 16 tuổi tại thời điểm quyết định hình phạt)[35], Bộ luật TPHS NCTN chỉ quy định: “Các công việc lao động công ích phải được điều chỉnh phù hợp với người chưa thành niên và mang tính giáo dục hoặc có tính chất thúc đẩy sự hòa nhập xã cho những thanh niên bị kết án” (khoản 3 Điều L122-1). Đối với hình phạt buộc tham gia khóa học, “….khi áp dụng hình phạt buộc tham gia khóa học cho trẻ vị thành niên, nội dung của khóa học được điều chỉnh phù hợp với độ tuổi của trẻ” (Điều L122-5).
Đối với các hình phạt còn lại, nếu không có quy định riêng trong Bộ luật TPHS NCTN sẽ áp dụng như BLHS, tức là như đối với người trưởng thành.
Quá trình hoàn thiện pháp luật về hình phạt dành cho NCTN phạm tội ở CH Pháp và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng. Đây là quá trình diễn ra liên tục trong thời gian dài, bắt đầu từ việc cải thiện các nguyên tắc xác định TNHS, áp dụng hình phạt đối với NCTN trong BLHS, sau đó là sự ra đời của hệ thống tòa án chuyên biệt và cuối cùng là ban hành luật riêng về tư pháp NCTN. Quá trình này ở cả hai quốc gia đều cho thấy nỗ lực để cải thiện chính sách xử lý đối với NCTN theo hướng nhân đạo hơn, tăng cường giáo dục thay cho trừng trị đối với NCTN phạm tội; làm rõ hơn các quy định đặc thù dành cho NCTN phạm tội so với người thành niên phạm tội; xác định rõ hơn vị trí, vai trò và mối quan hệ giữa BLHS và Luật TP NCTN trong việc xử lý NCTN phạm tội.
Ở CH Pháp, quá trình này bắt đầu từ năm 1791, với nhiều lần sửa đổi, bổ sung BLHS, việc ra đời của hệ thống xét xử riêng dành cho NCTN (1912-1944) và sau cùng là sự ra đời của Luật TPHS NCTN năm 2021. Ở Việt Nam, quá trình này được thực hiện qua những lần pháp điển lớn như: BLHS 1985, BLHS 1999 và BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung 2017; Thành lập tòa án gia đình và người chưa thành niêntừ sau khi Luật Tổ chức Tòa án 2014 có hiệu lực và hiện nay Việt Nam đang xây dựng dự thảo Luật TP NCTN[36].
Nghiên cứu quá trình hoàn thiện pháp luật ở CH Pháp có thể thấy rõ một đặc trưng đó là: việc thay đổi các quy định của pháp luật chịu nhiều ảnh hưởng từ xã hội (chẳng hạn như những phản ứng của xã hội Pháp đối với hệ thống giam giữ trẻ em đã dẫn tới sự thay đổi mạnh mẽ trong cách xác định TNHS của NCTN và áp dụng biện pháp xử lý). Trong khi đó, ở Việt Nam, quá trình này chịu ảnh hưởng từ ý chí chính trị (việc xây dựng dự thảo Luật nhằm triển khai các chủ trương, quan điểm của Đảng và pháp luật của Nhà nước; thể chế hóa quy định của Hiến pháp về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em nói chung và xử lý người chưa thành niên vi phạm pháp luật nói riêng; phù hợp với các cam kết và khuyến nghị của quốc tế).
BLHS của CH Pháp có phạm vi tương đối rộng hơn so với BLHS Việt Nam khi quy định cả những tội vi cảnh (tương đương với vi phạm hành chính ở Việt Nam). Vì vậy, hệ thống hình phạt và thẩm quyền xét xử dành cho NCTN phạm tội ở CH Pháp cũng đa dạng hơn so với ở Việt Nam. Tuy nhiên, nếu nghiên cứu so sánh với các quy định có tính chất tương đương giữa pháp luật của 02 quốc gia, có thể thấy một số điểm tương đồng và khác biệt sau đây:
Thứ nhất, pháp luật của cả hai quốc gia có điểm tương đồng trong các nguyên tắc đặc thù dành cho NCTN phạm tội như: (i) bảo đảm lợi ích tốt nhất cho NCTN; (ii) không áp dụng hình phạt tử hình, chung thân đối với NCTN phạm tộii; (iii) áp dụng hình phạt giảm nhẹ đối với NCTN; (iv) ưu tiên áp dụng biện pháp mang tính giáo dục đối với NCTN phạm tội. Ở CH Pháp, hệ thống biện pháp xử lý đối với NCTN phạm tội gồm: biện pháp giáo dục và hình phạt. Ở Việt Nam, hệ thống biện pháp xử lý đối với NCTN phạm tội gồm: biện pháp xử lý chuyển hướng và hình phạt. Tuy nhiên, nhiều biện pháp xử lý chuyển hướng của Việt Nam lại được gọi là hình phạt đối với NCTN phạm tội ở CH Pháp, chẳng hạn như: quản thúc tại gia đình, cấm tiếp xúc với người có nguy cơ dẫn đến người chưa thành niên phạm tội mới; cấm đến địa điểm có nguy cơ dẫn đến người chưa thành niên phạm tội mới; tham gia chương trình học tập, dạy nghề; thực hiện công việc phục vụ cộng đồng (Điều 36 của dự thảo Luật TPNCTN Việt Nam).
Thứ hai, pháp luật của cả hai quốc gia có điểm tương đồng về độ tuổi đối đa của NCTN ở CH Pháp và Việt Nam là dưới 18 tuổi. Tuy nhiên, độ tuổi tối thiểu cho việc truy cứu TNHS ở Pháp sớm hơn (13 tuổi) so với ở Việt Nam (14 tuổi), điều đó có nghĩa là: ở CH Pháp sẽ có nhiều hơn NCTN phạm tội có thể bị truy cứu TNHS và bị áp dụng hình phạt.
Thứ ba, pháp luật của cả hai quốc gia có điểm tương đồng về áp dụng nguyên tắc giảm nhẹ hình phạt đối với NCTN phạm tội. Tuy nhiên, về cách quy định mức tối thiểu, tối đa của hình phạt dành cho NCTN phạm tội ở hai quốc gia có sự khác biệt. CH Pháp có phần hoàn thiện hơn khi có quy định về mức hình phạt tối thiểu, có quy định thống nhất công thức tính mức tối đa của phạt tù có thời hạn, phạt tiền, hoặc quản thúc tại gia đình có giám sát bằng thiết bị điện tử: không quá 1/2 mức hình phạt dành cho người trưởng thành. Trong khi ở Việt Nam, mức hình phạt tối thiểu không được quy định, và công thức tính phức tạp hơn. Công thức tính này khác nhau ở những lứa tuổi khác nhau, đối với những hình phạt khác nhau, và các tội khác nhau. Chẳng hạn, đối với hình phạt tiền: không quá ½ mức phạt tiền dành cho người trưởng thành nếu NCTN từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội; không quá 2/3 mức phạt tiền dành cho người trưởng thành nếu NCTN từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi (Khoản 2, 3 Điều 110 của dự thảo Luật). Đối với hình phạt tù có thời hạn: không quá 3/5 mức phạt tù dành cho người trưởng thành nếu NCTN từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi; không quá 2/5 mức phạt tù dành cho người trưởng thành nếu NCTN từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi (khoản 1, khoản 3 Điều 112 của dự thảo Luật). Với 5 loại tội đặc biệt như: giết người, hiếp dâm, hiếp dâm người dưới 16 tuổi, cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi và tội sản xuất trái phép chất ma túy thì công thức lần lượt là: không quá 3/4 mức phạt tù mà điều luật quy định nếu NCTN từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi và không quá ½ mức phạt tù mà điều luật quy định nếu NCTN từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi.
Thứ tư, pháp luật của cả hai quốc gia có điểm tương đồng khi có sự phân loại TNHS của NCTN phạm tội ở lứa tuổi khác nhau. Chọn ngưỡng 16 tuổi để có chính sách xử lý nghiêm khắc hơn là điểm chung của cả hai quốc gia. Tuy nhiên, nếu như việc phân định giữa NCTN phạm tội dưới ngưỡng 16 tuổi với NCTN phạm tội trên ngưỡng này ở CH Pháp khá đơn giản thông qua quy định: nguyên tắc giảm nhẹ hình phạt chỉ được tự động áp dụng đối với NCTN dưới 16 tuổi vào thời điểm phạm tội ở CH Pháp. NCTN từ đủ 16 tuổi trở lên ở CH Pháp có thể phải chịu hình phạt như người trưởng thành nếu thẩm phán không đưa ra được lý lẽ cho việc giảm nhẹ hình phạt. Trong khi ở Việt Nam, nguyên tắc giảm nhẹ áp dụng cho tất cả NCTN ở trong khoảng tuổi từ đủ 14 đến dưới 18 tuổi, người trên ngưỡng 16 tuổi sẽ được giảm nhẹ ít hơn. Việc người từ đủ 16 tuổi có thể phải chịu hình phạt như người trưởng thành cho thấy pháp luật của CH Pháp có phần nghiêm khắc hơn so với pháp luật Việt Nam.
Thứ năm, pháp luật của cả hai quốc gia có điểm tương đồng khi áp dụng nguyên tắc quyết định hình phạt phù hợp với độ tuổi của NCTN (độ tuổi khi thực hiện tội phạm). Tuy nhiên, ở CH Pháp, một hình phạt có thể được quyết định dựa vào độ tuổi của NCTN tại thời điểm xét xử: hình phạt lao động công ích (áp dụng với NCTN từ đủ 16 tuổi trở lên vào thời điểm xét xử). Trong khi đó, ở Việt Nam, loại hình phạt được áp dụng chỉ căn cứ vào độ tuổi của NCTN vào thời điểm phạm tội, loại và mức tội phạm mà NCTN đã thực hiện.
Thứ sáu, pháp luật của cả hai quốc gia có điểm tương đồng khi quy định về biện pháp quản thúc tại gia đình. Tuy nhiên, quản thúc tại gia đình ở CH Pháp là một loại hình phạt và có giám sát bằng thiết bị điện tử. Trong khi ở Việt Nam, quản thúc tại gia đình là một biện pháp xử lý chuyển hướng và không có giám sát bằng thiết bị điện tử.
Kể từ khi Bộ luật TPHS NCTN có hiệu lực ở CH Pháp, một số tổ chức độc lập đã có đánh giá tích cực về hiệu quả của luật mới này như: các quy định góp phần hiện đại hóa cần thiết trong thủ tục, cũng như thể hiện một số tiến bộ như việc áp dụng nguyên tắc suy đoán không đủ khả năng nhận thức đối với trẻ dưới 13 tuổi[37]; tác động tích cực đối với người chưa thành niên bị giam giữ và ghi nhận sự giảm đáng kể số lượng bị cáo là NCTN[38]. Thống kê do Bộ Tư pháp thực hiện cũng cho thấy số lượng NCNT liên quan đến các vụ án do Viện công tố xử lý giảm 14% từ năm 2021 đến năm 2022[39]. Cụ thể liên quan đến hình phạt, thống kê số liệu năm 2022 ở CH Pháp phản ánh: (i) sự giảm mạnh về số lượng NCTN bị kết án (giảm 32% so với năm 2022); (ii) sự giảm mạnh về số lượng NCTN bị áp dụng hình phạt (giảm từ 45.964 vào năm 2021 xuống còn 31.346 NCTN vào năm 2022)[40]. Những kết quả tích cực nêu trên cho phép khẳng định hiệu quả trên thực tế của các quy định về hình phạt đối với NCNT phạm tội ở CH Pháp.
Các bài học có thể rút ra trong trong chính sách xử lý NCTN phạm tội ở CH Pháp, có giá trị đối với Việt Nam, cụ thể như sau:
Một là, quy định mức tối thiểu cho hình phạt tù có thời hạn đối với NCTN phạm tội cần được nghiên cứu thêm ở Việt Nam trong thời gian tới để tránh việc áp dụng hình phạt tù ngắn hạn, mà thay vào đó, lựa chọn các hình phạt không tước tự do khác. Đồng thời, nghiên cứu thêm các hình thức phụ trợ như giám sát bằng thiết bị điện tử để đảm bảo hiệu quả thi hành hình phạt không tước tự do như kinh nghiệm của CH Pháp. Điều này có ý nghĩa hơn trong việc đảm bảo tái hòa nhập xã hội đối với người phạm tội ở Việt Nam[41].Theo kinh nghiệm của người pháp thì hình phạt tù dưới 1 tháng[42] là biện pháp kém hiệu quả trong việc xử lý tội phạm nhẹ. Những án tù ngắn hạn không góp phần vào quá trình tái hòa nhập xã hội của phạm nhân mà thay vào đó có thể làm tăng nguy cơ tái phạm do ngắt quãng quá trình tái hòa nhập cá nhân vào xã hội và gia đình[43]. Thay vào đó, các biện pháp thay thế như án treo, giám sát điện tử, hoặc lao động công ích được coi là hiệu quả hơn trong việc tái hòa nhập xã hội và ngăn ngừa tái phạm.
Hai là, cách thức tính mức hình phạt tối đa dành cho NCTN phạm tội cần phải được nghiên cứu thêm ở Việt Nam trên cơ sở học tập kinh nghiệm của CH Pháp nhằm làm đơn giản hóa và thống nhất công thức tính cho các lứa tuổi của NCTN, cho các loại hình phạt khác nhau đối với NCNT phạm tội. Điều này góp phần làm giảm áp lực cho thẩm phán, đồng thời, cho phép áp dụng pháp luật một cách dễ dàng hơn.
Ba là, việc xử lý đối với NCTN từ đủ 16 tuổi trở lên phạm tội cần được nghiên cứu thêm ở Việt Nam trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm của CH Pháp như: (i) thống nhất cùng một công thức tính hình phạt giảm nhẹ cho NCTN phạm tội như đối với người dưới 16 tuổi phạm tội, đồng thời (ii) đưa thêm yêu cầu phải chứng minh về việc áp dụng nguyên tắc giảm nhẹ này cho NCTN từ đủ 16 tuổi trở lên; và (iii) thiết kế nguyên tắc xác định hình phạt dựa trên độ tuổi của NCNT vào thời điểm xét xử. Chăng hạn như: áp dụng hình phạt dành lao động công ích chỉ áp dụng cho NCTN đạt ngưỡng 16 tuổi này vào thời điểm xét xử như kinh nghiệm của CH Pháp.
Việc ban hành Luật TPNCTN chỉ là khởi đầu cho quá trình hoàn thiện pháp luật về hình phạt đối với NCTN phạm tội ở Việt Nam. Kinh nghiệm của CH Pháp cho thấy: đây là một quá trình dài và liên tục chỉnh sửa để phù hợp hơn. Do đó, việc sửa đổi các quy định của pháp luật cần dựa trên các đặc điểm phát triển của NCTN, lắng nghe phản ứng của xã hội và học tập kinh nghiệm của nước ngoài là cần thiết cho Việt Nam trong thời gian tới.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
Tài liệu nước ngoài
1. CH Pháp, Bộ luật Hình sự 1791, 1810 và các lần sửa đổi, bổ sung (sửa đổi, bổ sung gần nhất ngày 30 tháng 9 năm 2024);
2. CH Pháp, Bộ luật Tổ chức tư pháp 1978 và các lần sửa đổi, bổ sung (sửa đổi, bổ sung gần nhất ngày 1 tháng 9 năm 2024);
3. CH Pháp, Bộ luật Tố tụng Hình sự 1958 và các lần sửa đổi, bổ sung (sửa đổi, bổ sung gần nhất ngày 14 tháng 10 năm 2024);
4. CH Pháp, Bộ luật Tư pháp hình sự người chưa thành niên 2021 (sửa đổi, bổ sung gần nhất ngày 30 tháng 9 năm 2024);
5. Công ước của Liên Hợp quốc về quyền trẻ em 1989;
6. CH Pháp, Sắc lệnh số 45-174 ngày 2 tháng 2 năm 1945 về Trẻ em phạm tội;
7. Arrêt No.55-05.772, https://www.legifrance.gouv.fr, Cour de Cassation, Chambre criminelle, du13/12/1956, Bulletin;
8. Benoit Descoubes và Frederic Phaure, Aménagements des peines d'incarcération à l'égard des mineurs), Les Cahiers Dynamique No. 41, 57- 60(2008);
9. Citoyens & Justice, Code de la Justice pénale des mineurs : les premiers effets un an après(4/11/2022).
10.Cnape, Réforme de la justice pénale des mineurs: quell bilan dans SAH? (10/2022).
11.Cour d’assies des mineur (4/11/2024 9:37 PM), https://www.service-public.fr;
12.Dominique Youf, Seuils juridiques d’âge : du droit romain aux droits de l’enfant, (11/4/2024,9:17 PM), https://journals.openedition.org;
13.Jean-Jcques Yvorel, Le discernement: construction et usage d’une catégorie juridique en droit pénal des mineurs. Etude historique, Recherches familiales No.12, 153-162(2012);
14.Kari Evanson, Vers le chemin de la vie: le discours communiste lors de la campagne médiatique contre les bagnes d’enfants, 1934-1938, Revue d’histoire de l’enfance “irrégulirère” No.15, pp 1-14(2013);
15.Marc Bessin, La catégorie de minorité juridique : principes, pratiques et enjeux sociaux, Les cahiers de la Sécurité Intérieure No.29, 49-60(1997);
16.Michèle Becquemin-Girault, La loi du 27 juillet 1942 ou l'issue d'une querelle de monopole pour l'enfance délinquante, Revue d’histoire de l’enfance “irrégulière”, No.3, 55-76 (2000);
17.Ministère de la Justice, Rapport d’évaluation sur la mise en ouvre du Code de la Justice Pénale des mineurs (10/2023).
18.Ministère de la Justice, Références Statistiques Justice 2023, Chapitre 17 (2023).
19.Vagabondage des mineures, (4/11/2024 9:22 PM), https://enfantsenjustice.fr;
20.Véronique Blanchard, Les enfants enfermé, une histoire sans fin, Enfance& Psy No.83, 13-21(2019).
Tài liệu trong nước
21.Việt Nam, Bộ luật Hình sự 1985, 1999, và 2015 sửa đổi bổ sung 2017;
22.Việt Nam, Hồ sơ Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên (trình tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội XV (tháng 11/2024)).
23.HỒ SỸ SƠN, LUẬT HÌNH SỰ SO SÁNH, NXB CHÍNH TRỊ QUỐC GIA SỰ THẬT, HÀ NỘI (2018).
24.Nguyễn Khắc Hải, Yvon Dandurand, Tái hòa nhập xã hội đối với người phạm tội, Luật học (ĐHQGHN) Số 3, 24-38 (2013).
25.NHÀ PHÁP LUẬT VIỆT PHÁP, OFI, TỪ ĐIỂN THUẬT NGỮ PHÁP LUẬT PHÁP VIỆT, NXB TỪ ĐIỂN BÁCH KHOA, HÀ NỘI (2009).
26.Trịnh Tiến Việt, Tổng kết những nghiên cứu lý luận về luật hình sự Việt Nam từ năm 1986 đến nay và định hướng tương lai, Luật học (ĐHQG Hà Nội) số 1, 59-78 (2022).
* ThS Trần Hà Thu, Viện Nghiên cứu Lập pháp. Duyệt đăng 20/11/2024. Email: thuth@quochoi.vn
[1] Trịnh Tiến Việt, Tổng kết những nghiên cứu lý luận về luật hình sự Việt Nam từ năm 1986 đến nay và định hướng tương lai, Luật học (ĐHQG Hà Nội) số 1, 59, 75 (2022).
[2] HỒ SỸ SƠN, LUẬT HÌNH SỰ SO SÁNH, NXB CHÍNH TRỊ QUỐC GIA SỰ THẬT, HÀ NỘI, 15(2018).
[3] Khái niệm khả năng nhận thức (discernement) được sử dụng lần đầu tại BLHS 1791 (Code Criminel Révolutionnaire de 1791), sau đó được tiếp tục được sử dụng (nhưng chưa được định nghĩa rõ ràng) để xác định TNHS và hình phạt đối với NCTN từ đủ 16 tuổi (BLHS 1810 - Code pénal de 1810) (tham khảo Jean-Jcques Yvorel, Le discernement: construction et usage d’une catégorie juridique en droit pénal des mineurs. Etude historique, Recherches familiales No.12, 153, 153(2012)).
[4] Dominique Youf, Seuils juridiques d’âge : du droit romain aux droits de l’enfant, (11/4/2024,9:17 PM), https://journals.openedition.org.
[5] Dominique Youf, tlđd, 4.
[6] Tội danh bị xóa bỏ bởi Sắc lệnh ngày 30/10/1935, cùng với đó là hình phạt từ cha mẹ được thay thế cho việc giam giữ tại cơ sở giáo dục có giám sát hoặc trong cơ sở chỉ định.
[7] Vagabondage des mineures, (11/4/2029 9:22PM), https://enfantsenjustice.fr.
[8] Marc Bessin, La catégorie de minorité juridique : principes, pratiques et enjeux sociaux, Les cahiers de la Sécurité Intérieure No.29, 49, 50-52(1997).
[9] Sylvain Jacopin, Présomption(s) et minorité en droit pénal: Entre fiction(s) et réalité, quel respires?, Revue de science criminelle et de droit pénal comparé No.1, 27, 40(2020).
[10] Arret No.55-05.772, https://www.legifrance.gouv.fr, Cour de Cassation, Chambre criminelle, du 13/12/1956, Bulletin.
[11] Điều 122-8 BLHS “Những người chưa thành niên bị xác định là có tội do các vi phạm hình sự sẽ được áp dụng các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ, giám sát và giáo dục theo các điều kiện do luật đặc biệt quy định. Luật này cũng xác định các điều kiện mà theo đó các hình phạt có thể được tuyên bố đối với những người chưa thành niên từ 13 tuổi trở lên." (Luật số 92-684 ngày 22 tháng 7 năm 1992). Theo quy định này, một ngưỡng tuổi đã được thiết lập cho NCTN để có thể áp dụng hình phạt (13 tuổi).
[12] Tuy nhiên, trong trường hợp tái phạm lần thứ hai với các tội có tính bạo lực hoặc xâm hại tình dục, nguyên tắc này không còn được áp dụng(Luật số 2007-1198 ngày 10 tháng 8 năm 2007).
[13] CH Pháp phê chuẩn Công ước quốc tế về quyền trẻ em (CIDE) ngày 20 tháng 11 năm 1989.
[14] Điều L L11-1 BL TPHS NCTN CH Pháp: “Khi có khả năng nhận thức, ngời chưa thành niên, theo nghĩa của Điều 388 Bộ luật Dân sự phải chịu trách nhiệm hình sự đối với các tội phạm hoặc vi phạm mà họ bị kết tội…..Người chưa thành niên từ 13 tuổi trở lên được coi là có khả năng nhận thức”.
[15] Điều L11-4 của BL TPHS NCTN về nguyên tắc không áp dụng hình phạt đối với NCTN dưới 13 tuổi.
[16] Điều L13-2 BL TPHS NCTN về nguyên tắc xác định hình phạt áp dụng dựa theo độ tuổi của NCTN vào thời điểm phạm tội.
[17] Điều 111-1 BLHS CH Pháp.
[18] Tội vi cảnh là tội phạm ít nghiêm trọng nhất được chia thành nhiều bậc và bị áp dụng hình phạt vi cảnh gồm : phạt tiền, tước bỏ hoặc hạn chế một số quyền và hình phạt bổ sung. Mức cao nhất của hình phạt tiền là 3000 euros đối với thể nhân. Tội vi cảnh được phân thành 5 loại từ thấp đến cao gồm : tội vi cảnh loại 1 (ví dụ như không tuân thủ quy định về đỗ xe) ; tội vi cảnh loại 2 (ví dụ như không có giấy chứng nhận bảo hiểm) ; tội vi cảnh loại 3 (ví dụ như đe dọa gây thương tích nhẹ) ; tội vi cảnh loại 4 (ví dụ như đe dọa phá hoại tài sản) và tội vi cảnh loại 5 (ví dụ như : mại dâm). Chỉ tội vi cảnh ở cấp độ 5 mới bị ghi vào lý lịch tư pháp.
Xem thêm Điều 131-12 và tiếp theo của BLHS CH Pháp và tham khảo NHÀ PHÁP LUẬT VIỆT PHÁP, OFI, TỪ ĐIỂN THUẬT NGỮ PHÁP LUẬT PHÁP VIỆT, NXB TỪ ĐIỂN BÁCH KHOA, HÀ NỘI, 192(2009).
[19] Tội ít nghiêm trọng là loại tội mà người phạm tội phải chịu hình phạt tiểu hình. Hình phạt tiểu hình đối với thể nhân là hình phạt tù (tối đa đến 10 năm), hình phạt tiền (từ 3750 euros trở lên), hình phạt tiền theo ngày, lao động công ích, hạn chế quyền và hình phạt bổ sung.
Xem thêm Điều 131-3 và tiếp theo của BLHS CH Pháp và xem thêm NHÀ PHÁP LUẬT VIỆT PHÁP, OIF ,TLĐD, 21, 245.
[20] Tội nghiêm trọng (trọng tội) là tội phạm nghiêm trọng nhất, có thể là tội phạm thường hoặc tội phạm chính trị mà hình phạt áp dụng đối với thể nhân là tù chung thân hoặc tù có thời hạn từ 10 năm đến 30 năm, phạt tiền và hình phạt bổ sung.
Xem thêm Điều 131-1 và tiếp theo của BLHS CH Pháp và tham khảo NHÀ PHÁP LUẬT VIỆT PHÁP, OIF ,TLĐD, 21,.216.
[21] Các Điều L251-1 đến L254-1Bộ luật Tổ chức tư pháp 1978 (Code de l’organisation judiciarie), sửa đổi, bổ sung gần nhất năm 2024, quy định về tổ chức và hoạt động của hệ thống tòa án trong hệ thống tư pháp.
[22] Điều L121-1 Bộ luật TPHS NCTN.
[23] Tội phạm mà luật quy định phạt tiền từ 1500 euros trở lên và 3000 euros trong trường hợp tái phạm (theo khoản 5
[24] Điều 121-4 Bộ Luật TPHS NCTN.
[25] Điều L251-1 Bộ luật Tổ chức tư pháp: Tòa án trẻ em giải quyết, theo các điều kiện được quy định bởi Bộ luật Tư pháp Hình sự dành cho người chưa thành niên, các vi phạm hành chính và tội phạm do người chưa thành niên thực hiện, cũng như các tội nghiêm trọng do người chưa thành niên dưới mười sáu tuổi thực hiện.
[26] Điều L251-3 Bộ luật Tổ chức tư pháp:
Tòa án trẻ em bao gồm một thẩm phán trẻ em, chủ tọa, và nhiều hội thẩm.
Thẩm phán trẻ em đã phụ trách điều tra hoặc đã chuyển vụ án ra trước tòa án trẻ em không thể làm chủ tọa của cơ quan này.
Khi xảy ra trường hợp không tương thích như quy định tại đoạn hai và số lượng thẩm phán trẻ em trong tòa án tư pháp yêu cầu, chức vụ chủ tọa của tòa án trẻ em có thể được đảm nhận bởi một thẩm phán trẻ em từ tòa án trẻ em khác trong khu vực thẩm quyền của tòa phúc thẩm, do chánh án tòa phúc thẩm chỉ định theo quyết định.
[27] Điều L251-2 Bộ luật Tổ chức tư pháp:
Có tối thiểu một tòa án trẻ em trong khu vực thẩm quyền của mỗi tòa phúc thẩm.
[28] Các Điều L121-5, 121-7 và 123-1 Bộ luật TPHS NCTN.
[29] Luật 2019-222 ngày 23 tháng 3 năm 2019 cho phép áp dụng các biện pháp điều chỉnh hình phạt kể từ năm 2020 ở Pháp, theo đó, văn bản này yêu cầu “xóa bỏ hình phạt tù ít dưới hoặc bằng một tháng”, vì vậy, Điều 132-19 BLHS CH Pháp được sửa đổi bởi Điều 74 Luật số 2019-222 ngày 23/3/2019) đã quy định không cho phép tòa án quyết định một hình phạt tù giam dưới hoặc bằng 1 tháng.
[30] Điều L121-1 Bộ luật TPHS NCTN.
[31] Điều L121-7 Bộ luật TPHS NCTN “Nếu người chưa thành niên từ 16 tuổi trở lên, tòa án cảnh sát, tòa án thiếu niên và tòa án hình sự thiếu niên có thể, trong những trường hợp đặc biệt và xét đến hoàn cảnh cụ thể của vụ việc, tính cách của người chưa thành niên cũng như tình trạng của họ, quyết định không áp dụng các quy định giảm nhẹ hình phạt được đề cập tại các điều khoản L. 121-5 và L. 121-6. Quyết định này chỉ có thể được đưa ra bằng một điều khoản được giải thích đặc biệt”.
[32] Điều L121-7 Bộ luật TPHS NCTN “Nếu người chưa thành niên từ 16 tuổi trở lên, tòa án cảnh sát, tòa án thiếu niên và tòa án hình sự thiếu niên có thể, trong những trường hợp đặc biệt và xét đến hoàn cảnh cụ thể của vụ việc, tính cách của người chưa thành niên cũng như tình trạng của họ, quyết định không áp dụng các quy định giảm nhẹ hình phạt được đề cập tại các điều khoản L. 121-5 và L. 121-6. Quyết định này chỉ có thể được đưa ra bằng một điều khoản được giải thích đặc biệt”.
[33] Tòa án hình sự người chưa thành niên (Cour d’assies des mineur) (4/11/2024 9:37PM), https://www.service-public.fr.
[34] Điều L121-7 Bộ luật TPHS NCTN quy định không áp dụng giảm nhẹ hình phạt tại Điều L121-5 về hình phạt tiền.
[35] Khoản 1 Điều L122-2 Bộ luật TPHS NCTN.
[36] Dự kiến được thông qua tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội XV (tháng 11/2024).
[37] Cnape, Réforme de la justice pénale des mineurs: quell bilan dans SAH?, (10/2022).
[38] Citoyens & Justice, Code de la Justice pénale des mineurs : les premiers effets un an après, (4/11/2022).
[39] Ministère de la Justice, Rapport d’évaluation sur la mise en ouvre du Code de la Justice Pénale des mineurs, (10/2023).
[40] Ministère de la Justice, Références Statistiques Justice 2023, Chapitre 17 (2023).
[41] Nguyễn Khắc Hải, Yvon Dandurand, Tái hòa nhập xã hội đối với người phạm tội, Luật học (ĐHQGHN), số 3, 24, 24-38(2013).
[42] Quy định tại Điều 132-19 (sửa đổi bởi Điều 74 Luật số 2019-222 ngày 23/3/2019) và Điều 132-25 BLHS CH Pháp cho phép áp dụng biện pháp điều chỉnh trong trường hợp hình phạt tù dưới 1 năm.
[43] Benoit Descoubes&Frederic Phaure, Aménagements des peines d'incarcération à l'égard des mineurs, Les Cahiers Dynamique No.41, 57, 58(2008).
Link nội dung: https://pld.net.vn/qua-trinh-hoan-thien-phap-luat-va-quy-dinh-hien-hanh-o-cong-hoa-phap-a18585.html