Tạp chí điện tử Kinh doanh và Phát triển vừa phối hợp cùng Trung tâm Phát triển doanh nghiệp nông thôn Việt (VietED) tổ chức Tọa đàm "Tài chính vi mô: Cơ hội vươn lên cho người nghèo và doanh nghiệp siêu nhỏ". Tọa đàm nhằm tạo ra một diễn đàn mở để các bên cùng chia sẻ, thảo luận về các chính sách thiết yếu nhằm thúc đẩy thị trường tài chính vi mô phát triển mạnh mẽ, phù hợp với Chiến lược phát triển tài chính toàn diện Quốc gia và những điều chỉnh mới trong Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi, tháng 1/2024). Đồng thời, buổi tọa đàm cũng tập trung làm rõ những thách thức trong quản lý và vận hành của các chương trình, tổ chức tài chính vi mô hiện nay, từ đó đề xuất giải pháp cải thiện dựa trên nền tảng pháp lý của các nghị định, quyết định và thông tư hiện hành.
Tạo cơ hội phát triển kinh tế bền vững cho cộng đồng nghèo và doanh nghiệp siêu nhỏ
Thời gian qua, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 149/QĐ-TTg. Chiến lược đặt mục tiêu mở rộng khả năng tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ tài chính an toàn, phù hợp, có chi phí hợp lý, hướng tới tính trách nhiệm và bền vững, đồng thời được cung cấp bởi các tổ chức hợp pháp.
Sau gần 5 năm triển khai, đây là thời điểm cần thiết để chúng ta nhìn lại tiến độ thực hiện và đánh giá các vấn đề tồn tại. Đặc biệt, cần chú trọng đến hiệu quả triển khai đối với các nhóm yếu thế: cư dân nông thôn, vùng sâu vùng xa; người nghèo, phụ nữ và những đối tượng dễ bị tổn thương khác, cũng như các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, hợp tác xã và hộ kinh doanh gia đình.
Tọa đàm là diễn đàn mở để các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia và doanh nghiệp cùng thảo luận về vai trò của tài chính vi mô trong việc hỗ trợ người nghèo và doanh nghiệp siêu nhỏ tiếp cận nguồn vốn. Đồng thời, sự kiện tập trung vào những thách thức trong quản lý tài chính vi mô và giải pháp phù hợp với Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia cũng như các điều chỉnh mới của Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi.
Trong khuôn khổ tọa đàm, các tham luận nổi bật đã làm sáng tỏ những vấn đề quan trọng trong lĩnh vực tài chính vi mô, bao gồm những chủ đề về tài chính vi mô trong chiến lược tài chính toàn diện; Tài chính vi mô giúp giảm nghèo và phát triển kinh tế bền vững; Khó khăn và thách thức của các tổ chức tài chính vi mô...
Tài chính vi mô không chỉ là công cụ thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế mà còn đóng vai trò then chốt trong việc xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, đồng thời tạo ra những cơ hội phát triển kinh tế bền vững cho các cộng đồng nghèo và doanh nghiệp siêu nhỏ. Bằng cách cung cấp các nguồn lực tài chính thiết yếu cho những đối tượng khó tiếp cận các kênh tài chính truyền thống, tài chính vi mô không chỉ giúp họ vượt qua khó khăn mà còn mở ra những cơ hội mới để họ vươn lên, cải thiện cuộc sống và đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.
Chiến lược tài chính toàn diện hướng đến mục tiêu tối đa hóa cơ hội cho người dân tiếp cận và sử dụng an toàn các sản phẩm, dịch vụ tài chính phù hợp, chi phí hợp lý, bền vững, và có trách nhiệm, do các tổ chức hợp pháp cung cấp. Trong đó, tài chính vi mô đóng vai trò quan trọng, giúp những người có thu nhập thấp và các doanh nghiệp siêu nhỏ vượt qua rào cản tài chính, tiếp cận nguồn vốn cần thiết để cải thiện đời sống và phát triển kinh doanh.
Thúc đẩy mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia
Các ý kiến đóng góp trong buổi tọa đàm đã làm rõ hơn hiệu quả thực tiễn của các mô hình tài chính vi mô, không chỉ trong việc nâng cao đời sống người dân mà còn trong việc thúc đẩy mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia.
Chương trình đã tập trung vào các nội dung quan trọng như: Thảo luận về dự thảo nghị định mới và những thay đổi; Thách thức trong việc tiếp cận tài chính vi mô ở vùng sâu vùng xa; Phân tích vai trò của giáo dục tài chính trong việc nâng cao hiệu quả của các chương trình tài chính vi mô... Buổi tọa đàm đã đưa ra những kiến nghị thiết thực, thúc đẩy tài chính vi mô phát triển bền vững, góp phần mở rộng cơ hội kinh tế cho người nghèo và doanh nghiệp nhỏ.
Chia sẻ tại tọa đàm, GS.TS Đào Văn Hùng - nguyên Viện trưởng Viện chiến lược và chính sách, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết, bức tranh tài chính vi mô hiện nay có những bước phát triển đáng kể về chiều sâu. Tuy nhiên, sự nhộn nhịp của thị trường vẫn còn kém so với 20 năm trước. Một trong những nguyên nhân chủ yếu là do nhiều người nghèo đã thoát nghèo, trong khi ở các quốc gia còn nghèo đói, vẫn tồn tại một khoảng cách lớn giữa người giàu và người nghèo.
Cần có những giải pháp để phát triển tài chính vi mô như tăng cường hoạt động của các cơ quan điều phối tài chính vi mô chung: Cần mạnh mẽ hơn trong việc đẩy mạnh các hoạt động của cơ quan điều phối chung, tạo ra một tiếng nói mạnh mẽ trong lĩnh vực tài chính vi mô. Điều này sẽ giúp truyền tải các đề xuất phát triển tài chính vi mô đến các cơ quan, tổ chức có liên quan, nhằm tạo ra một môi trường thuận lợi hơn cho việc phát triển tài chính vi mô; Xây dựng chính sách phù hợp và tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo: Để giúp người nghèo thoát nghèo, cần có những chính sách phù hợp, giúp họ dễ dàng tiếp cận các nguồn tài chính vi mô. Việc điều chỉnh chính sách cần phải linh hoạt và kịp thời để đáp ứng nhu cầu thực tế.
Đề nghị thành lập một hiệp hội để điều phối các hoạt động của tài chính vi mô, tạo ra sự đồng bộ và hiệu quả trong việc triển khai các chính sách; Tăng cường sự tham gia của các tổ chức có ảnh hưởng đến chính sách: Cần tìm kiếm các nhà tài trợ lớn và có tầm ảnh hưởng để hỗ trợ phát triển tài chính vi mô. Để tài chính vi mô phát triển bền vững, cần phải tiếp cận lại các chính sách hiện có và sửa đổi, bổ sung những điểm còn thiếu sót hoặc chưa phù hợp;
Đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng công nghệ: Cần có thêm các nghiên cứu toàn diện hơn về tài chính vi mô, đặc biệt là các nghiên cứu bao quát, đánh giá tổng thể để có cái nhìn sâu sắc hơn về thực trạng và tiềm năng phát triển. Một trong những giải pháp quan trọng là thúc đẩy phát triển tài chính vi mô dựa trên nền tảng công nghệ, ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả và khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính vi mô, từ đó tạo ra những thay đổi tích cực trong hệ thống này.
"Với những giải pháp này, chúng ta có thể tạo ra những bước đi vững chắc hơn cho sự phát triển bền vững của tài chính vi mô, giúp người nghèo tiếp cận được nguồn lực tài chính để cải thiện cuộc sống và đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội" - GS.TS Đào Văn Hùng cho biết thêm.
Nói về vai trò và nội dung giáo dục, thông tin tuyên truyền giúp nâng cao hiệu quả của các chương trình tài chính vi mô, giúp người dân nghèo hiểu rõ hơn về quản lý tài chính cá nhân, PGS.TS Lê Văn Luyện - nguyên Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng - chia sẻ, việc hoàn thiện quá trình giáo dục tài chính, nhân sự trong các tổ chức tài chính vi mô cần được trang bị kiến thức toàn diện, không chỉ về kinh tế mà còn về nhiều lĩnh vực liên quan khác.
Điều quan trọng là phải giúp đối tượng mà tài chính vi mô hướng tới hiểu rõ bản chất và lợi ích của các sản phẩm tài chính mà họ tiếp cận. Ví dụ, chúng ta cần giải thích cho các thành viên về lý do tại sao lãi suất vay tại các tổ chức tài chính vi mô thường cao hơn so với vay ngân hàng. Sự khác biệt này xuất phát từ những yếu tố đặc thù mà chúng ta chưa có đủ cơ hội để giải thích một cách đầy đủ và chi tiết.
Hơn nữa, phương thức giáo dục cũng đóng vai trò rất quan trọng. Mỗi cá nhân có điều kiện, thời gian và hoàn cảnh khác nhau, vì vậy cần áp dụng các hình thức học tập linh hoạt. Ví dụ, sử dụng các công cụ như Zoom để tổ chức các buổi học online sẽ là giải pháp hiệu quả. Đây là một kênh thuận tiện để chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và các quy định pháp luật, giúp lan tỏa thông tin đến đông đảo đối tượng một cách nhanh chóng và dễ dàng.
Cũng tại chương trình, ông Ambrosio N. Barros - Trưởng đại diện văn phòng quốc gia khu vực Mekong, Giám đốc Quốc gia IFAD Việt Nam, Lào, Myanmar và Thái Lan - Đại diện nhà tài trợ IFAD tại Việt Nam, thông tin, tài chính vi mô dành cho người nghèo và doanh nghiệp siêu nhỏ là một trụ cột quan trọng trong Chiến lược Quốc gia của Việt Nam, đồng thời cũng là sứ mệnh toàn cầu của Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế (IFAD).
Trong 30 năm qua, thông qua 16 dự án đã hoàn thành và đang triển khai với tổng vốn đầu tư 690 triệu USD, IFAD đã hỗ trợ phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu và định hướng thị trường tại 11 tỉnh trên cả nước. Trong mỗi dự án, việc cung cấp dịch vụ tài chính vi mô cho người nghèo và doanh nghiệp siêu nhỏ là yếu tố bắt buộc. IFAD cũng đã hỗ trợ thành lập và nâng cao năng lực của 11 Quỹ Phát triển Phụ nữ tại Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Gia Lai, Đắk Nông, Ninh Thuận, Bến Tre và Trà Vinh.
Bức tranh tài chính vi mô hiện nay có những bước phát triển đáng kể về chiều sâu, tuy nhiên, sự nhộn nhịp của thị trường vẫn còn kém so với 20 năm trước. Một trong những nguyên nhân chủ yếu là do nhiều người nghèo đã thoát nghèo, trong khi ở các quốc gia còn nghèo đói, vẫn tồn tại một khoảng cách lớn giữa người giàu và người nghèo.
Xây dựng hệ thống pháp lý đồng bộ và đầy đủ cho chương trình tài chính vi mô
Theo ông Hồ Minh Trung - Phó Giám Đốc Quỹ Hỗ trợ Phụ nữ phát triển tỉnh Gia Lai - dự án tài chính vi mô được triển khai từ năm 2015. Tuy nhiên, thực tế triển khai ghi nhận rằng hành lang pháp lý dành cho chương trình này còn rất thiếu hụt, gây khó khăn cho công tác thực hiện và giám sát. Hiện tại, chỉ có hai văn bản pháp lý được áp dụng cho chương trình tài chính vi mô.
Điều này dẫn đến việc thiếu cơ sở vững chắc để triển khai và quản lý các hoạt động của các quỹ tài chính vi mô, để cải thiện tình hình, cần phải xây dựng một hệ thống pháp lý đồng bộ và đầy đủ hơn cho chương trình tài chính vi mô, đặc biệt là để hướng dẫn và hỗ trợ các quỹ tài chính vi mô hoạt động hiệu quả. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh công tác giáo dục tài chính tại các khu vực như Tây Nguyên cũng rất quan trọng để nâng cao nhận thức của người dân về việc tiết kiệm, quản lý chi tiêu và sử dụng tài chính hợp lý. Chỉ khi người dân hiểu rõ về các công cụ tài chính và tầm quan trọng của việc quản lý tài chính cá nhân, họ mới có thể sử dụng các dịch vụ tài chính vi mô một cách hiệu quả và bền vững.
Chương trình là diễn đàn kinh nghiệm, kiến nghị về khung pháp lý nhằm phát triển thị trường tài chính vi mô bền vững, tạo cơ hội giúp đỡ người nghèo và các doanh nghiệp siêu nhỏ trong quá trình vươn lên phát triển kinh tế hiện tại và tương lai.
Phương Thúy