Triệt phá đường dây lừa đảo đầu tư Bitcoin, làm nhiệm vụ TikTok xuyên quốc gia

Một đường dây lừa đảo xuyên quốc gia núp bóng đầu tư tiền ảo đã dụ dỗ các nạn nhân tham gia đầu tư Bitcoin, chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng. Hoạt động tinh vi với mô hình tổ chức chuyên nghiệp tại Philippines, nhóm đối tượng này đã khiến hàng nghìn người Việt mắc bẫy, mất trắng tài sản.

Triệt phá đường dây lừa đảo đầu tư Bitcoin xuyên quốc gia, bắt giữ 56 đối tượng

triet-pha-duong-day-lua-dao-xuyen-quoc-gia-0852-1739502866.jpg

Đường dây lừa đảo bị bắt giữ. (Ảnh: Công an Hà Tĩnh)

Công an tỉnh Hà Tĩnh vừa phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Công an, Cơ quan đại diện Bộ Công an tại Campuchia, Công an tỉnh Tây Ninh, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Mộc Bài bắt giữ 30 đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Thủ đô Phnom Penh (Campuchia).[1]

Đồng thời, đơn vị phối hợp lực lượng Cảnh sát Philippines và Đồn Công an Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Nội Bài, bắt giữ thêm 26 đối tượng khi các đối tượng nhập cảnh vào Việt Nam.

Đây là đường dây lừa đảo dưới hình thức đầu tư tiền điện tử Bitcoin (BTC) trên ứng dụng UNISAT và lừa đảo làm nhiệm vụ TikTok, hoạt động tinh vi, xuyên quốc gia, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho nhiều nạn nhân.

Kết quả điều tra cho thấy, từ cuối năm 2023 đến đầu năm 2024, nhiều công dân Việt Nam đã sang Philippines làm việc cho tổ chức lừa đảo do người Trung Quốc cầm đầu tại Thủ đô Manila (Philippines). Nhóm này tổ chức các văn phòng lừa đảo chuyên nghiệp, phân chia thành nhiều bộ phận với quản lý, tổ trưởng, nhân viên và đội kỹ thuật hậu thuẫn. Các đối tượng liên tục thay đổi nơi làm việc và chỗ ở để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng.

Để thực hiện hành vi lừa đảo, nhóm này lập các tài khoản Facebook ảo, giả danh doanh nhân thành đạt, khoe hình ảnh về sự giàu có để tạo lòng tin với nạn nhân.

Sau khi làm quen, các đối tượng dụ dỗ bị hại tải ứng dụng "UNISAT", tham gia đầu tư đồng tiền điện tử Bitcoin với mức tối thiểu 8 triệu đồng để hưởng lợi nhuận cao trong thời gian ngắn.

Để lấy lòng tin của nạn nhân, bị hại ban đầu được phép rút cả gốc lẫn lãi, nhưng khi đầu tư số tiền lớn hơn, các đối tượng viện lý do lỗi hệ thống, tiền thuế, phí bảo hiểm… để yêu cầu nộp thêm tiền, sau đó chặn liên lạc và chiếm đoạt toàn bộ số tiền bị hại đã nộp.

lua-dao-dau-tu-bitcoin-lam-nhiem-vu-tiktok-0903-1739502866.jpeg

Tang vật thu giữ. (Ảnh: Công an Hà Tĩnh)

Các đối tượng được phân công nhiệm vụ rõ ràng, từ lập tài khoản Facebook, nuôi dưỡng hình ảnh lừa đảo, điều phối hoạt động nạp, rút tiền.

Khi có người mới tham gia, tổ trưởng sẽ cung cấp kịch bản lừa đảo, hướng dẫn cách tương tác với bị hại. Với những cách thức hoạt động tinh vi, chuyên nghiệp, tổ chức này đã lừa đảo hàng nghìn bị hại là người Việt Nam, chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng.

Theo tài liệu, chứng cứ điều tra, trong số các đối tượng cầm đầu có Nguyễn Thế Anh (sinh năm 1996, trú tại tỉnh Yên Bái) tham gia tổ chức lừa đảo tại Philippines từ tháng 4/2023.

Nguyễn Thế Anh giữ vai trò quản lý, điều hành toàn bộ hoạt động lừa đảo của hơn 80 người Việt Nam dưới sự chỉ đạo của chủ người Trung Quốc. Đối tượng trực tiếp quản lý các tổ trưởng, hướng dẫn nhân viên thực hiện hành vi lừa đảo, cấp máy tính, điện thoại, tài khoản Facebook ảo cho các tổ lừa đảo sử dụng.

Ngoài ra, hệ thống còn có các đối tượng như: Nguyễn Văn Đồng (sinh năm 2000, trú tại thôn Nhân Lý, xã Trường Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang), Nguyễn Quang Phương (sinh năm 1995, trú tại Bắc Giang) trong vỏ bọc "doanh nhân thành đạt" trên mạng xã hội Facebook…

Các đối tượng thường dụ dỗ nạn nhân đầu tư số tiền nhỏ và cho phép rút lợi nhuận đến 30% để tạo sự tin tưởng. Khi nạn nhân tiếp tục rót tiền vào hệ thống, đường dây lừa đảo sẽ đưa họ vào danh sách theo dõi diễn biến tâm lý.

Nếu nạn nhân có dấu hiệu nghi ngờ hoặc không còn khả năng đầu tư, tổ chức lừa đảo này sẽ tiến hành "giết khách" như chặn liên lạc, khóa tài khoản giao dịch, chiếm đoạt toàn bộ số tiền của nạn nhân rồi biến mất.

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long, Ban Giám đốc Công an Hà Tĩnh đã xây dựng phương án chi tiết, huy động tổng lực, phối hợp chặt chẽ với cảnh sát Campuchia, cảnh sát Philippines, cơ quan đại diện Bộ Công an tại Campuchia, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Mộc Bài, Đồn An ninh sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Tây Ninh và nhiều đơn vị nghiệp vụ khác. Các mũi trinh sát đồng loạt áp sát, triển khai phương án đánh úp từ nhiều hướng.

Tại Phnom Penh, lực lượng chức năng bất ngờ ập vào nơi trú ẩn của các đối tượng, khống chế, bắt giữ 30 nghi phạm khi chúng còn chưa kịp trở tay.

Cùng thời điểm, tại các sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và Nội Bài, những tổ công tác bí mật chốt chặn, nhanh chóng khống chế thêm 26 đối tượng vừa từ Philippines đặt chân về nước trước khi sang Campuchia. Chiến dịch được triển khai chính xác, đồng bộ, khóa chặt toàn bộ đường lui của các đối tượng trong đường dây.

Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hà Tĩnh đã ra quyết định khởi tố 50 bị can về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" liên quan đến hình thức đầu tư tiền điện tử Bitcoin và lừa đảo làm nhiệm vụ TikTok.

Công an tỉnh Hà Tĩnh đang tiếp tục mở rộng điều tra vụ án.

Thế nào là lừa đảo chiếm đoạt tài sản?

Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chủ sở hữu, người quản lý tài sản tin tưởng và giao tài sản nhằm mục đích chiếm đoạt.

Các yếu tố cấu thành tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản"

Khách thể của tội phạm

Là quyền sở hữu tài sản, cụ thể là các quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản của chủ sở hữu tài sản đối với tài sản bị chiếm đoạt. Đối tượng tác động là tài sản bao gồm tiền, vật, giấy tờ có giá và quyền về tài sản.

Mặt khách quan của tội phạm

Là hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản mà ngay lúc đó người bị chiếm đoạt không nhận ra hành vi gian dối. Dùng thủ đoạn gian dối là việc đưa thông tin giả nhưng người khác tin đó là thật. Thủ đoạn gian dối này phải có biểu hiện ra thực tế và phải có trước hành vi chiếm đoạt, đây là nguyên nhân trực tiếp khiến người bị hại tin tưởng mà giao tài sản cho người phạm tội.

Hậu quả của tội phạm là tài sản bị chiếm đoạt có giá trị từ hai triệu đồng trở lên hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. Giữa hành vi lừa đảo và hậu quả về vật chất bắt buộc phải có mối quan hệ nhân quả.

Chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" phải thỏa mãn cả hai điều kiện là đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự và có năng lực trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật.

Mặt chủ quan của tội phạm

Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý trực tiếp, khi thực hiện hành vi họ ý thức được hậu quả của mình và mong muốn hậu quả đó xảy ra. Mục đích và động cơ phạm tội không được xem là dấu hiệu định tội của tội này.[2]

Tội chiếm đoạt tài sản bị xử lý như thế nào?

Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về Tội chiếm đoạt tài sản, cụ thể như sau:

Khung 1: Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 02 đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 02 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

- Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

- Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội sau đây, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm:

- Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

- Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.

Khung 2: Phạt tù từ 02-07 năm khi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Phạm tội có tổ chức;

- Có tính chất chuyên nghiệp;

- Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng;

- Tái phạm nguy hiểm;

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

- Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

Khung 3: Phạt tù từ 07-15 năm khi phạm tội thuộc một trong các trường hợp:

- Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng;

- Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

Khung 4: Phạt tù từ 12-20 năm hoặc tù chung thân khi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên hoặc lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Hình phạt bổ sung: Phạt tiền từ 10-100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01-05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.[3]

Lưu ý:

Nếu xảy ra thiệt hại, người lừa đảo chiếm đoạt tài sản còn phải đền bù cho nạn nhân theo quy định tại Điều 586 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

- Người chưa đủ 15 tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu.

- Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.

Như vậy, người phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm, phạt tù đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Đồng thời, có thể bị phạt tiền đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định đến 05 năm hoặc tịch thu toàn bộ tài sản.[4]

Đầu tư Bitcoin có bị coi là vi phạm pháp luật không?

Khác với một số quốc gia khác, Bitcoin không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam, vì vậy tất cả giao dịch sử dụng đồng Bitcoin làm phương tiện thanh toán là không đúng với các quy định của pháp luật hiện hành.

Nguyên nhân xuất phát từ vấn đề về an ninh, rủi ro tài chính, và quản lý tiền tệ. Công nhận Bitcoin đồng nghĩa với việc đánh mất công cụ điều tiết nền kinh tế, kiểm soát nguồn cung tiền, và có thể đối mặt với nguy cơ gian lận và rửa tiền. Sự biến động giá của Bitcoin cũng là một nguyên nhân, cho việc không công nhận đồng tiền này.

Căn cứ theo Khoản 6, Khoản 7 Điều 1 Nghị định số 80/2016/NĐ-CP quy định:

"6. Phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt sử dụng trong giao dịch thanh toán (sau đây gọi là phương tiện thanh toán), bao gồm: Séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

7. Phương tiện thanh toán không hợp pháp là các phương tiện thanh toán không thuộc quy định tại Khoản 6 Điều này."[5]

Theo đó, pháp luật Việt Nam không công nhận Bitcoin là phương tiện thanh toán hợp pháp. Vì vậy giao dịch Bitcoin như một phương tiện thanh toán tại Việt Nam là hành vi vi phạm pháp luật, tùy theo mức độ vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên, nếu sử dụng Bitcoin như vật trung gian để trao đổi. Nghĩa là dùng tiền để mua bitcoin và dùng bitcoin để bán lấy tiền thì pháp luật không có quy định cấm hoạt động này.

Bên cạnh đó, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điểm h Khoản 1 Điều 206 Bộ luật Hình sự 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017).

"Tội vi phạm quy định trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài

1. Người nào trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mà cố ý thực hiện một trong các hành vi sau đây gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

h) Phát hành, cung ứng, sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp; làm giả chứng từ thanh toán, phương tiện thanh toán; sử dụng chứng từ thanh toán, phương tiện thanh toán giả;"[6]

Như vậy, việc sử dụng bitcoin như một phương tiện thanh toán là vi phạm pháp luật, còn đầu tư bitcoin thì vẫn chưa có quy định điều chỉnh.

Cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo đầu tư tiền ảo phổ biến hiện nay

Thủ đoạn kinh doanh đa cấp tiền ảo

Hình thức lừa đảo này được phát triển dưới vỏ bọc dự án đầu tư, hứa hẹn mang lại những khoản lợi nhuận lớn, cố định mỗi tháng cho nhà đầu tư khi rót vốn vào (khoảng 30-40%/tháng, cao hơn rất nhiều so với các quỹ ủy thác tài chính khác).

Các dự án này thường huy động vốn của nhà đầu tư và trả lãi theo nhiều tầng, đồng thời dự án còn đặt ra mức hoa hồng vài chục đến hàng trăm phần trăm cho người giới thiệu nhằm thu hút thêm nhiều thành viên khác tham gia.

Bản chất của mô hình đa cấp lừa đảo này nằm ở việc những đối tượng không tập trung vào phát triển sản phẩm của dự án mà chỉ chú trọng lôi kéo càng được nhiều người tham gia đầu tư dự án nhất có thể, lấy tiền của người tham gia sau để trả lãi suất và hoa hồng cho người tham gia trước.

Để xây dựng hình ảnh, các trưởng nhóm (leader) dùng ảnh xe sang, biệt thự để quảng bá, đánh vào tâm lý tham lam của người chơi. Nhiều nhà đầu tư cho rằng họ bị “hấp dẫn” bởi những bài đăng trên Facebook của các leader và một mực tin tưởng rằng đây là mô hình có thể làm giàu nhanh.

Tuy nhiên chính bởi các chiêu trò và hứa hẹn cùng với việc tạo hình ảnh của người thành đạt, giàu có… nên không ít các đối tượng đã lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của người tham gia để huy động vốn. Đến một thời điểm nào đó, bọn chúng sẽ tự đánh sập dự án và bỏ trốn cùng số tiền đã huy động của những nhà đầu tư trên.

Thủ đoạn thông qua sàn giao dịch quyền chọn nhị phân

Không chỉ lừa đảo bằng việc “vẽ” ra các dự án ma và kêu gọi đầu tư, kẻ lừa đảo còn lừa đảo sản tiền ảo thông qua sàn giao dịch quyền chọn nhị phân. Khác với thủ đoạn lừa đảo trên, ở hình thức này, kẻ lừa đảo sẽ mở một sàn giao dịch không đăng ký kinh doanh các sản phẩm mà thực hiện dưới dạng đầu tư tài chính.

Các sàn giao dịch này thường do một nhóm đối tượng ẩn danh tổ chức hoạt động, không có đăng ký kinh doanh, không có trụ sở tại Việt Nam hay người đứng đầu cụ thể và cũng không kinh doanh các sản phẩm mà hình thức đầu tư tài chính, giao dịch mà người mua sẽ đưa ra dự đoán xu hướng tăng hoặc giảm của các loại tài sản như hàng hóa, tiền tệ, cổ phiếu, chỉ số tại thời điểm dự đoán.

Bên cạnh đó, các đối tượng lừa đảo còn lập một đội chuyên đọc lệnh, lập nhiều nhóm trên mạng xã hội chia sẻ kinh nghiệm đầu tư và thường xuyên đăng ảnh nhận lãi khủng, mua nhà, mua xe nhằm lôi kéo những người không rành về tài chính, những người lớn tuổi hay người sống ở các vùng nông thôn…. Sức hấp dẫn từ lời mời, lãi suất cao khó cưỡng đã thôi thúc hàng nghìn người tham gia.

Bằng các thủ đoạn trên, chúng giới thiệu sàn đầu tư tài chính với hình thức chơi chủ yếu là dự đoán về các giao dịch liên quan đến tiền ảo, cổ phiếu… thông qua các lệnh như mua - bán, lên - xuống, xanh - đỏ… Thủ đoạn này tương tự như những trò tài xỉu online hoặc cá cược bóng đá online. Người chơi sẽ có một khoảng thời gian để lựa chọn và nếu thắng thì sẽ nhận về đến 95% số tiền đặt cược, nếu thua thì sẽ mất hết tất cả số tiền đã cược trước đó.

Kẻ lừa đảo lợi dụng tâm lý thắng thua, đam mê bài bạc của các nạn nhân cùng với cam kết trả lợi nhuận cao thậm chí có thể rút vốn cũng như lãi bất cứ lúc nào để dụ dỗ, lôi kéo người chơi thực hiện đầu tư vào sàn giao dịch. Sau khi đã thu hút được một số lượng lớn người chơi nạp tiền vào sàn, bọn chúng sẽ lợi dụng công nghệ cao để can thiệp vào hệ thống xử lý các lệnh giao dịch, chiếm quyền của các tài khoản của người chơi và đánh sập sàn giao dịch, chiếm đoạt tiền của các nạn nhân.

Thủ đoạn tặng tiền ảo

Thời gian gần đây lại rộ lên chiêu thức lừa đảo mới là tặng tiền ảo. Ở chiêu trò này, kẻ lừa đảo thường giả danh CEO của các dự án coin lớn, yêu cầu người dùng gửi tiền ảo vào ví để nhận lãi khủng. Đặc biệt, số coin này sẽ không thể quy thành tiền hay bất cứ loại tài sản nào khác.

Tuy nhiên, sau khi người chơi đã gửi tiền thành công, các đối tượng sẽ thông báo hệ thống lỗi và nạn nhân sẽ không nhận được tiền lãi cũng như có nguy cơ mất toàn bộ số tiền đã nạp trước đó. Nếu nhận ra dấu hiệu lừa đảo, nạn nhân muốn bán toàn bộ coin có trong ví của mình thì cũng sẽ phát hiện toàn bộ số tiền trong ví đã biến mất và không thể thực hiện được bất kỳ giao dịch nào.[7]

[1] Đức Quang – Anh Cường, Triệt phá đường dây lừa đảo xuyên quốc gia hoạt động tại Philippines, Campuchia, Công an nhân dân, ngày 13/2/2025,
https://cand.com.vn/Ban-tin-113/triet-pha-duong-day-lua-dao-xuyen-quoc-gia-hoat-dong-tai-philippines-campuchia-i758982

[2] Bộ Luật Hình sự số: 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)

[3] Điều 174 Bộ Luật Hình sự số: 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về Tội chiếm đoạt tài sản

[4] Điều 586 Bộ luật Dân sự 2015 số: 91/2015/QH13 ngày 24/11/2015

[5] Nghị định số 80/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt.

[6] Điều 206 Bộ Luật Hình sự số: 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) Tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng

[7] Trung Đức, Một số thủ đoạn lừa đảo sàn tiền ảo phổ biến, Công an tỉnh Kon Tum, ngày 09/02/2023, https://congan.kontum.gov.vn/an-ninh-trat-tu/mot-so-thu-doan-lua-dao-san-tien-ao-pho-bien.html

 

Yến Nhi

Link nội dung: https://pld.net.vn/triet-pha-duong-day-lua-dao-dau-tu-bitcoin-lam-nhiem-vu-tiktok-xuyen-quoc-gia-a18806.html