Bàn về khái niệm năng lực và năng lực số

Năng lực là khái niệm được nhiều nhà nghiên cứu đề cập đến, không chỉ trong môn Ngữ văn mà trong nhiều môn học và lĩnh vực khác. Thuật ngữ này có nguồn gốc từ tiếng Latinh, nguyên gốc là “competentia” có nghĩa là “gặp gỡ”. Khái niệm này được quan tâm bắt đầu vào những năm 70 của thế kỷ XX. Năng lực gắn bó chặt chẽ với tính định hướng chung của nhân cách. Người ta cũng nhận thấy có những giai đoạn lứa tuổi đặc biệt thuận lợi cho quá trình hình thành và phát triển một số năng lực nhất định. Có ý kiến cho rằng, sự hình thành năng lực dựa trên những yếu tố bẩm sinh.

1. Về khái niệm năng lực

Theo Từ điển Tâm lý học của Vũ Dũng (2008), năng lực là tổ hợp các thuộc tính tâm lý độc đáo hay các phẩm chất tâm lý của cá nhân, đóng vai trò là điều kiện bên trong, tạo điều kiện cho việc thực hiện tốt một dạng hoạt động nhất định. Năng lực có những biểu hiện như tính nhạy bén, chắc chắn, sâu sắc và dễ dàng trong quá trình lĩnh hội một hành động nào đó. Người có năng lực là người đạt hiệu suất và chất lượng hoạt động cao trong các hoàn cảnh khách quan và chủ quan như nhau (điều kiện hoạt động, vốn kiến thức ban đầu, kinh nghiệm…). Mức độ biểu hiện của năng lực được đánh giá bằng phương pháp sử dụng test. Những nghiên cứu tổng hợp về các đặc điểm tâm lý khác nhau của năng lực cho phép phân loại chúng thành những năng lực chung (thoả mãn đồng thời nhiều dạng hoạt động) và các năng lực riêng (thích ứng với một hoạt động nhất định). Từ thế kỷ XIX, năng lực đã trở thành đối tượng nghiên cứu chuyên sâu trong các công trình thực nghiệm của Galton.

Theo Từ điển tiếng Việt thì "năng lực" có 2 nghĩa chính, một là: "Khả năng, điều kiện chủ quan hoặc điều kiện tự nhiên sẵn có để thực một hoạt động nào đó"; hai là: "Phẩm chất tâm lí và sinh lí tạo cho con người khả năng hoàn thành một loại hoạt động nào đó với chất lượng cao" (Hoàng Phê, 2003). Trong hai nghĩa này, thì nghĩa thứ 2 gắn với thuộc tính con người và hầu hết các thảo luận về năng lực gần đây đều hướng đến. Tuy vậy, nội hàm "phẩm chất tâm lí và sinh lí" và "chất lượng cao" là như thế nào thì còn chưa được định rõ.

Trong giáo dục nghề nghiệp, văn bản pháp quy về yêu cầu năng lực trong đào tạo nghề của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội giải thích "Năng lực của người học đạt được sau khi tốt nghiệp là những kiến thức, kĩ năng, thái độ, trách nhiệm nghề nghiệp và khả năng làm việc của cá nhân trên cơ sở áp dụng các kiến thức, kĩ năng và trách nhiệm trong giải quyết công việc tương ứng với trình độ và ngành, nghề đào tạo". Với cách hiểu này, nội hàm của năng lực vuợt lên phẩm chất tâm lí và sinh lí; năng lực như vậy là danh mục các thuộc tính kiến thức, kĩ năng, khả năng. Tác giả Đỗ Mạnh Cường thì coi năng lực "như là sự tích hợp của kiến thức - kĩ năng - thái độ làm thành khả năng thực hiện một công việc sản xuất và được thể hiện trong thực tiễn sản xuất". Như vậy, năng lực là một bước tiến vượt trên danh mục các thuộc tính kiến thức, kĩ năng, thái độ.

Trong lĩnh vực giáo dục, cũng có nhiều định nghĩa khác nhau về năng lực. Tác giả Nguyễn Thu Hà xem năng lực là "sự kết hợp của các khả năng, phẩm chất, thái độ của một cá nhân hoặc tổ chức để thực hiện một nhiệm vụ có hiệu quả". Tương tự, theo Nguyễn Lộc và Nguyễn Thị Lan Phương thì "năng lực của một người là nói đến khả năng kết hợp các kiến thức, kĩ năng (nhận thức và thực hành), thái độ, động cơ, cảm xúc, giá trị, đạo đức để thực hiện các nhiệm vụ trong bối cảnh, tình huống thực tiễn có hiệu quả" thể hiện quan điểm năng lực như là sự kết hợp các thuộc tính đầu vào. Trong khi đó, Thông tư về đào tạo giáo viên của Bộ Giáo dục và Đào tạo lại định nghĩa "năng lực của người học đạt được sau khi tốt nghiệp là khả năng làm việc cá nhân và làm việc nhóm trong… tương ứng với trình độ và ngành đào tạo trên cơ sở những kiến thức, kĩ năng, thái độ, ý thức trách nhiệm…, tính chủ động sáng tạo trong giải quyết các vấn đề liên quan, tuân thủ các nguyên tắc về đạo đức…", như vậy nhấn mạnh năng lực như là việc đạt đến kết quả đầu ra.

Một số nghiên cứu về quản trị nhân sự lại xem năng lực là "toàn bộ kiến thức, kĩ năng, thái độ, giá trị và các thuộc tính cá nhân để thực hiện thành công một hoạt động nào đó, trong một tình huống nhất định" hay "bất cứ thái độ, kĩ năng, hành vi, động cơ hoặc các đặc điểm cá nhân khác (KSAOs) có vai trò thiết yếu để hoàn thành công việc, hoặc quan trọng hơn là có thể tạo ra sự khác biệt về hiệu quả công việc giữa người có thành tích vượt trội và người có thành tích trung bình". Như vậy, năng lực là một danh mục các thuộc tính cá nhân có liên quan tới hiệu quả công việc.

Ở góc độ quản lí nhà nước, Bộ Y tế là một trong những Bộ đi đầu trong việc áp dụng năng lực trong quản lí chuyên môn. Từ năm 2012, Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản về chuẩn năng lực nghề nghiệp trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Tuy vậy, các văn bản này cũng có sự khác nhau về định nghĩa năng lực. Ví dụ, quyết định về việc phê duyệt tài liệu chuẩn năng lực cơ bản của bác sĩ đa khoa của Bộ Y tế xem "Năng lực (competence) là tổng hợp những thuộc tính của cá nhân con người, đáp ứng những yêu cầu của hoạt động và đảm bảo cho hoạt động đạt được những kết quả cao", tương tự góc nhìn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Còn theo Chuẩn giám đốc bệnh viện thì "năng lực là tổ hợp kiến thức, thái độ và kĩ năng thực hành trong bối cảnh cụ thể" cho thấy ảnh hưởng của trường phái quản trị. Việc quan niệm về năng lực khác nhau này rõ ràng sẽ tác động tới việc sử dụng chúng trong nghiên cứu cũng như đưa vào thực tiễn như là một cách tiếp cận để nâng cao chất lượng, hiệu quả trong giáo dục – đào tạo và quản trị.

Theo Tiêu chuẩn ISO 9000:2015 định nghĩa: Năng lực là khả năng áp dụng kiến thức và kỹ năng để đạt được kết quả dự kiến. Chú thích 1: Năng lực được chứng tỏ đôi khi được coi là trình độ chuyên môn. Vậy xác định năng lực là xác định các kiến thức, hiểu biết, kỹ năng, kinh nghiệm hoặc khả năng cho phép một cá nhân một cá nhân có thể thực hiện một công việc được giao và đạt được kết quả như dự kiến của công việc đó hay nói cách khác là đạt được đầu ra mong muốn của quá trình đó.

Bolt (1987) định nghĩa năng lực "là sự kết hợp đồng thời những kiến thức, kỹ năng và thái độ cần có để hoàn thành tốt một vai trò hay một công việc được giao". Như vậy, năng lực là khả năng thực hiện một nhiệm vụ nào đó một cách đầy đủ và có chất lượng. Năng lực thể hiện bằng hành vi có thể quan sát, đo lường trong điều kiện làm việc.

Những khuynh hướng mới trong tư tưởng giáo dục đã góp phần hình thành nên một cách tiếp cận toàn diện trong định nghĩa về năng lực cũng như việc áp dụng giáo dục dựa trên năng lực vào thực tế giáo dục. Hướng tiếp cận toàn diện có thể được tóm tắt thành ba nội dung cốt lõi, bao gồm:

1) Năng lực được định nghĩa là "khả năng đáp ứng thành công các yêu cầu của một bối cảnh cụ thể thông quá vận dụng các yếu tố tâm lý xã hội (bao gồm cả khía cạnh nhận thức và phi nhận thức)" (Rychen & Salagnik, 2003). Theo đó, năng lực nên được hiểu là những cấu trúc tinh thần bên trong của con người tạo điều kiện cho hành vi bao gồm các kỹ năng về nhận thức, kiến thức, động lực, giá trị, đạo đức, thái độ, tình cảm và những yếu tố hành vi xã hội khác có thể được vận dụng một cách hiệu quả trong một tình huống cụ thể (Rychen, 2004). Tuy các yếu tố thành phần của năng lực được xác định một cách rất đa dạng qua nhiều nghiên cứu khác nhau, nhưng ba thành tố được công nhận phổ biến cấu thành nên năng lực chính là kiến thức, kỹ năng và thái độ (Collins, 1993; European Commission, 2012; Sargent, 2014).

2) Năng lực có thể dạy được và học được (Gilomen, 2002; Rychen & Salagnik, 2003). Năng lực không nên được xem là một thuộc tính cố định không thể thay đổi theo thời gian mà là kết quả của một quá trình học tập và rèn luyện của cá nhân thông qua học tập độc lập và thông qua sự hướng dẫn, hỗ trợ của các cá nhân khác trong xã hội. Do đó, năng lực được xem như là tồn tại trên một thước đo liên tục. Đánh giá năng lực không phải là việc kiểm định xem "cá nhân đó có sở hữu hay không sở hữu một năng lực nhất định hay một nhóm năng lực mà là xác định xem kết quả hành động của một người đạt được đang nằm ở đâu, cao hay thấp trên thước đo liên tục ấy" (Rychen và Salagnik, 2003).

3) Năng lực không thể được đo đạc hay quan sát một cách trực tiếp mà chỉ có thể suy ra được tự việc quan sát các kết quả của hành động. (Oates, 2003; Wolf, 2005). Do năng lực là những cấu trúc tiềm ẩn bên trong của con người được phản ánh ra bên ngoài bằng những hành động cụ thể thông qua sự kết hợp, vận dụng các yếu tố cấu thành cho nên kết quả của hành động chính là thước đo đáng tin cậy nhất để đánh giá năng lực.

Những nghiên cứu trở thành nền tảng của hướng tiếp cận toàn diện hầu như xuất phát từ dự án DeSeCo (Dự án Định nghĩa và chọn lựa năng lực) được thực hiện bởi OECD từ năm 1997. Mục tiêu chính của dự án là cung cấp những lý thuyết nền tảng để hình thành nên khái niệm năng lực nhằm xây dựng và đánh giá các chuẩn đầu ra về học tập (Rychen và các tác giả khác, 2002). Khái niệm mang tính toàn diện của năng lực trở thành quan điểm cốt lõi cho những dự án có tầm ảnh hưởng lớn khác của OECD bao gồm cả PISA (chương trình đánh giá học sinh quốc tế) (Anaidou & Claro, 2009). Liên Minh Châu Âu cũng áp dụng hướng tiếp cận toàn diện trong việc xây dựng các khung năng lực thông qua các công trình nghiên cứu của Hội Đồng Châu Âu, CEDEFOP (Trung tâm phát triển đào tạo nghề nghiệp Châu Âu) và KeyCoNet (Mạng lưới năng lực cốt lõi trong giáo dục trường học). Hướng tiếp cận toàn diện trong việc định nghĩa năng lực và giáo dục dựa trên năng lực đã trở thành tiếp cận phổ biến nhất tại các quốc gia Châu Âu, OECD và nhiều quốc gia khác trong giai đoạn hiện nay (Arjomand và các tác giả khác, 2013; ERI-Net, 2013; Rychen, 2002). Tuy nhiên cho đến nay, những cuộc tranh cãi về bản chất của năng lực và các hướng tiếp cận của giáo dục dựa trên năng lực vẫn chưa dừng lại. Nhiều khía cạnh của cách định nghĩa và tiếp cận này vẫn nhận nhiều sự hoài nghi và chỉ trích. Chắc hẳn trong tương lai với sự phát triển không ngừng của khoa học cùng những bài học trong thực tế khi áp dụng cách tiếp cận này sẽ lại mở ra những cơ hội mới để khái niệm năng lực tiếp tục phát triển và hoàn thiện.

Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể giải thích khái niệm năng lực như sau: "Năng lực là thuộc tính cá nhân được hình thành, phát triển nhờ tố chất sẵn có và quá trình học tập, rèn luyện, cho phép con người huy động tổng hợp các kiến thức, kĩ năng và các thuộc tính cá nhân khác như hứng thú, niềm tin, ý chí,... thực hiện thành công một loại hoạt động nhất định, đạt kết quả mong muốn trong những điều kiện cụ thể". Từ định nghĩa này, có thể rút ra những đặc điểm chính của năng lực là: Năng lực là sự kết hợp giữa tố chất sẵn có và quá trình học tập, rèn luyện của người học; Năng lực là kết quả huy động tổng hợp các kiến thức, kĩ năng và các thuộc tính cá nhân khác như hứng thú, niềm tin, ý chí,…; Năng lực được hình thành, phát triển thông qua hoạt động và thể hiện ở sự thành công trong hoạt động thực tiễn.

Khuyến nghị về các Năng lực Chính cho Học tập Suốt đời (Key Competences for Lifelong Learning) xác định các năng lực chính là cơ bản cho các công dân để làm tròn bổn phận cá nhân, vì một lối sống lành mạnh và bền vững, có khả năng làm việc, quyền công dân tích cực và hòa nhập xã hội. Tất cả các năng lực chính là bổ sung và kết nối lẫn nhau. Nói cách khác, các năng lực cơ bản cho lĩnh vực này sẽ hỗ trợ phát triển năng lực trong lĩnh vực khác. Điều này cũng là đúng giữa năng lực số và các năng lực chính khác. Vài sự kết nối lẫn nhau quan trọng được nhấn mạnh bên dưới, dù chúng không là vét cạn, ý định của chúng là tập trung nhiều hơn vào cách để bản chất tự nhiên bổ sung này có thể xảy ra được trong các môi trường số.

2. Về năng lực số và cấu phần năng lực số

Theo Jane Secker, khái niệm năng lực số đã hình thành trong khoảng hơn 20 năm và thường được sử dụng cùng lúc với các khái niệm như kỹ năng số, năng lực thông tin, năng lực truyền thông hay năng lực học thuật (Secker, 2018). Đã có rất nhiều nghiên cứu về năng lực số trong những năm gần đây được thực hiện. Voogt và Roblin (2012) đã xác định có khoảng 178 ấn phẩm về năng lực số và có 8 yếu tố cốt lõi của năng lực số được rút ra và được công nhận rộng rãi. Các nghiên cứu này phát hiện ra rằng các yếu tố này tập hợp thành một hệ thống năng lực chung cần có của thế kỷ XXI, bất chấp sự khác biệt về thuật ngữ và quy trình tổng hợp.

Tranh cãi xảy ra xung quanh việc khái niệm nào bao trùm lên khái niệm nào, khái niệm nào quan trọng hơn, cũng như nhận thức về vai trò của công nghệ, thái độ, hành vi trong các khái niệm này. Tuy nhiên, tựu chung lại, có một khối lượng thông tin khổng lồ đang tồn tại dưới dạng số và người học cần có khả năng nghi ngờ hợp lý, tư duy phản biện để đánh giá chúng và nắm bắt được cách thức sử dụng các công cụ số trong chia sẻ thông tin phục vụ nghiên cứu và biểu đạt chính bản thân mình. Năng lực số, vì thế, được xem là yếu tố sống còn để đạt đến thành công trong học tập, nghiên cứu và phát triển sự nghiệp trong tương lai (Killen, 2018): đa phần mọi vị trí việc làm sẽ được số hóa, khả năng sử dụng công nghệ số là đòi hỏi của hầu hết mọi ngành nghề, các ngành công nghiệp số trở thành nhân tố then chốt của nền kinh tế, các cơ sở giáo dục trở thành những mô hình doanh nghiệp số, giảng viên và sinh viên phải là những người tận dụng được các lợi ích của công nghệ, đồng thời hỗ trợ cộng đồng và thúc đẩy khả năng đổi mới, sáng tạo của các thế hệ kế tiếp. UNESCO định nghĩa năng lực số là khả năng truy cập, quản lý, hiểu, kết hợp, giao tiếp, đánh giá và sáng tạo thông tin một cách an toàn và phù hợp thông qua công nghệ số để phục vụ cho các công việc từ đơn giản đến phức tạp cũng như khởi nghiệp. Năng lực số là tổng hợp của năng lực sử dụng máy tính, năng lực công nghệ thông tin, năng lực thông tin và năng lực truyền thông" – (UNESCO, 2018). Đây cũng là định nghĩa chính được sử dụng làm nền tảng định hướng cho phát triển khung năng lực trong khuôn khổ nghiên cứu này. Năng lực số được thừa nhận rộng rãi bao gồm kiến thức và kỹ năng nhưng lại có những góc nhìn khác nhau đối với yêu cầu về thái độ hay năng lực tự chịu trách nhiệm. Trong phạm vi nghiên cứu này, năng lực tự chịu trách nhiệm được coi là một phần không thể thiếu của năng lực số và có tác động quan trọng khi đưa ra đề xuất khung năng lực số bởi nó là cần thiết để một người có cam kết và động lực để tích lũy đủ năng lực này. Năng lực số của mỗi cá nhân được phát triển dựa trên các nền tảng của năng lực thấu cảm, tư duy phản biện, giải quyết vấn đề, sáng tạo và đổi mới.

Gilster (1997) – một nhà sử học, giáo dục học đã giới thiệu thuật ngữ "Năng lực số" trong cuốn sách cùng tên. Ông lập luận rằng, năng lực số không chỉ đơn thuần chỉ kỹ năng sử dụng công nghệ. Đó là sự "làm chủ ý tưởng, không phải gõ phím (máy tính)". Tác giả này định nghĩa năng lực số là "khả năng hiểu và sử dụng thông tin ở nhiều định dạng từ nhiều nguồn khác nhau khi nó được trình bày qua máy tính". Năng lực số liên quan đến khả năng đánh giá, phê bình thông tin và đưa ra quyết định sử dụng thông tin này một cách hợp lý trong các bối cảnh thực tế khác nhau.

Có 4 khái niệm thống trị hầu hết các quan niệm và nghiên cứu về máy tính, kỹ thuật số gồm: hiểu biết về thông tin; hiểu biết về phương tiện truyền thông; hiểu bết về máy tính và hiểu biết về kỹ thuật số (Brown, Czerniewicz, Huang & Mayisela, 2016). Các thuật ngữ này bổ sung cho nhau và trên thực tế là những thành phần quan trọng để hiểu về năng lực số trong thế kỷ XXI. Khái niệm năng lực số mới thực sự chỉ được chú ý ở thập niên đầu tiên của thế kỷ này. Ban đầu, năng lực số chủ yếu được xem là kỹ năng và năng lực chức năng mà mọi người cần để sử dụng máy tính và Internet. Tuy nhiên, hiện nay quan niệm này được mở rộng ra nhiều để phù hợp hơn với bối cảnh môi trường số.

JISC (2015) đã liệt kê các khả năng người dùng cần có để sống và làm việc tốt trong môi trường kỹ thuật số bao gồm: Thông tin, phương tiện truyền thông, hiểu biết về dữ liệu (sử dụng quan trọng); sáng tạo kỹ thuật số, học thuật và đổi mới (sản xuất sáng tạo); truyền thông kỹ thuật số, cộng tác và tham gia (tham gia); học tập kỹ thuật số và phát triển cá nhân/nghề nghiệp (học tập); nhận dạng kỹ thuật số và phúc lợi (thực tế).

Năng lực số là một trong những Năng lực Chính cho Học tập Suốt đời. Lần đầu tiên nó được định nghĩa vào năm 2006, và sau đó một bản cập nhật của Khuyến nghị của Hội đồng châu Âu vào năm 2018, nó nêu như sau: "Năng lực số liên quan tới sử dụng tự tin, nghiêm túc và có trách nhiệm của, và tham gia với, các công nghệ số cho việc học tập, làm việc, và tham gia trong xã hội. Nó bao gồm sáng thông tin và dữ liệu, truyền thông và cộng tác, sáng phương tiện, tạo lập nội dung số (bao gồm việc lập trình), an toàn (bao gồm phúc lợi số và các năng lực liên quan tới an ninh không gian mạng), các câu hỏi có liên quan tới sở hữu trí tuệ, giải quyết vấn đề và tư duy phản biện" (Khuyến nghị của Hội đồng về các Năng lực Chính cho Học tập Suốt đời, 22/05/2018, ST 9009 2018 INIT). Các năng lực là sự kết hợp cả kiến thức, kỹ năng và thái độ, nói cách khác, chúng được tạo nên từ các khái niệm và sự kiện (nghĩa là, kiến thức), mô tả các kỹ năng (nghĩa là, khả năng triển khai các quy trình) và thái độ (nghĩa là, sự định hướng, tư duy để hành động). Các năng lực chính được phát triển qua cuộc sống. Các khung tham chiếu như khung DigComp tạo ra một tầm nhìn đồng thuận về những gì cần thiết đối với các năng lực để vượt qua các thách thức phát sinh từ số hóa trong hầu hết tất cả các khía cạnh của cuộc sống hiện đại. Mục tiêu của chúng là để tạo ra sự hiểu biết chung bằng việc sử dụng một từ vựng được đồng thuận sau đó có thể được áp dụng nhất quán trong tất cả các nhiệm vụ từ việc hình thành chính sách và nhằm thiết lập kế hoạch chỉ dẫn, đánh giá và giám sát. Rốt cuộc, điều đó tùy thuộc vào những người sử dụng, các cơ sở, các bên trung gian hoặc các nhà phát triển các sáng kiến để tùy chỉnh khung tham chiếu cho các nhu cầu của họ khi sửa đổi các can thiệp (nghĩa là phát triển chương trình giảng dạy) cho phù hợp với các nhu cầu đặc thù của các nhóm mục tiêu.

Với sự ra đời của máy tính và sự tham gia của chúng vào cuộc sống hàng ngày, trình độ tin học (khả năng sử dụng máy tính một cách hiệu quả cho nhiệm vụ được giao) cũng trở nên nổi bật. Sau đó, khi internet, ICT, các nền tảng trực tuyến và phương tiện kỹ thuật số trở nên phổ biến; thuật ngữ tin học đã được thay thế rộng rãi bằng kỹ thuật số. Cam và Kiyici (2017) nói rằng trong bối cảnh của thế kỷ XXI, thuật ngữ năng lực số có một cách hiểu khác, rộng hơn. Họ cũng nói thêm rằng "năng lực kỹ thuật số là quá trình thu nhận kỹ năng" trở nên phù hợp và hiệu quả hơn trong thế giới kỹ thuật số hiện tại. Nó đã được liên kết rộng rãi với hiểu biết về phần mềm, hiểu biết về thông tin, hiểu biết về thị giác và trình độ tin học. Đã có nhiều định nghĩa và thông số khác nhau về năng lực kỹ thuật số với những điểm tương đồng và trùng lặp đáng kể (Gillen & Barton, 2009). Đôi khi, việc sử dụng các thuật ngữ và yếu tố khác nhau cũng gây ra nhầm lẫn (Abbas và cộng sự 2019). Hầu hết các định nghĩa trước đây về năng lực số đều tập trung vào các kỹ năng chức năng hoặc khả năng sử dụng, giao tiếp và sáng tạo bằng các công cụ và nền tảng kỹ thuật số.

Hiệp hội Thư viện Hoa Kỳ (2012) đã định nghĩa kỹ năng số là "khả năng sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông để tìm kiếm, đánh giá, tạo và truyền đạt thông tin, đòi hỏi cả kỹ năng nhận thức và có kỹ thuật". Greene và cộng sự (2014) cho rằng, một người phải có khả năng tìm kiếm, quản lý, xem xét kỹ lưỡng và tích hợp thông tin kỹ thuật số để được coi là có năng lực số. Một số nhà nghiên cứu nói rằng, năng lực số trang bị cho các cá nhân những kỹ năng cần thiết để đọc văn bản từ màn hình và giải thích ý nghĩa của các từ kỹ thuật số, ký hiệu và biểu thức đồ họa (Kress, 2003; Gee, 2003). Mặc dù bao gồm nhiều kỹ năng và năng lực về các công cụ kỹ thuật số và trực tuyến, không ai trong số họ nói về các khía cạnh xã hội, đạo đức hoặc đạo đức của kiến thức kỹ thuật số. Các phiên bản định nghĩa sau này của năng lực số, bắt đầu kết hợp các khía cạnh xã hội và đạo đức vào đó. Chan và cộng sự (2017) đã định nghĩa năng lực số là một khuôn khổ chung để phát triển kiến thức, kỹ năng và đạo đức trong thế giới kỹ thuật số. Adeoye và Adeoye (2017) đã giải thích kỹ hơn bằng cách nói rằng, năng lực số không chỉ đơn giản là tiếp cận với thế giới kỹ thuật số và có thể sử dụng nó. Đó là về cộng tác, giữ an toàn, giao tiếp hiệu quả và có trách nhiệm với người khác trong khi tương tác trực tuyến. Năng lực số là hiểu biết xã hội, văn hóa và nhận thức để sử dụng các công cụ và nền tảng kỹ thuật số một cách có trách nhiệm. Đó là việc biết và hiểu khi nào, ở đâu và làm thế nào để sử dụng các công nghệ kỹ thuật số một cách thích hợp. Do tính khả dụng và dễ dàng truy cập vào các phương tiện kỹ thuật số này và thực tế là người đứng sau các thiết bị và nền tảng đó là vô hình; các khía cạnh đạo đức và xã hội của năng lực số thậm chí còn trở nên quan trọng hơn. Spiers và cộng sự. (2019) tuyên bố rằng mặc dù công nghệ kỹ thuật số đã được sử dụng rộng rãi trong thập kỷ gần đây và được coi là một trong những năng lực thiết yếu của kỹ năng phát triển thế kỷ XXI; ngày càng có nhiều mối quan tâm trong giới học thuật về việc sử dụng nó an toàn và có trách nhiệm với xã hội. Năng lực số là một khái niệm rất quan trọng trong thế giới trực tuyến vì nó không chỉ yêu cầu sử dụng thành thạo công nghệ mà còn sử dụng công nghệ có đạo đức và có trách nhiệm, điều cuối cùng dẫn đến việc trở thành một công dân có trách nhiệm. Trẻ em và thanh niên là những người sử dụng tích cực hơn các công nghệ mới, do đó có nhiều nguy cơ bị tiêu cực và đi sai hướng trong thế giới trực tuyến (Burnett & Merchant, 2011). Do đó, vai trò của các nhà nghiên cứu và nhà giáo dục trở nên quan trọng hơn trong việc thuyết giảng và thúc đẩy kiến thức kỹ thuật số bằng cách sử dụng công nghệ-xã hội (Gruszczynska, Merchant, & Pountney, 2013).

ThS. Phạm Văn Phú Trường Chính trị Tỉnh Đắk Lắk

Link nội dung: https://pld.net.vn/ban-ve-khai-niem-nang-luc-va-nang-luc-so-a18826.html