Tìm lời giải cho thu hút đầu tư tư nhân trong giáo dục

Để thu hút nguồn vốn đầu tư của tư nhân trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo, hướng đến một nền giáo dục toàn diện cho học sinh Việt Nam, chúng ta cần xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp và tạo môi trường đầu tư công bằng.

Tìm lời giải cho thu hút đầu tư tư nhân trong giáo dục- Ảnh 1.

Đầu tư vào giáo dục không chỉ mang lại lợi ích cho từng cá nhân, mà còn tác động sâu rộng đến cộng đồng và quốc gia - Ảnh: VGP/MT

Khi đầu tư vào lĩnh vực giáo dục-đào tạo (GDĐT), điều mong muốn lớn nhất của các nhà đầu tư không phải là lợi nhuận cao, mà là những khoản đầu tư đó thực sự mang lại lợi ích cho xã hội và cộng đồng.

Hiện nay, chính sách hợp tác và đầu tư trong GDĐT của Việt Nam đã được cải thiện nhằm tạo sự hấp dẫn để thu hút đầu tư tư nhân. Hành lang pháp lý về xã hội hóa giáo dục cũng từng bước được hoàn thiện. Thế nhưng, nhiều chuyên gia kinh tế, giáo dục vẫn cho rằng, với một ngành rất quan trọng như giáo dục, nhất là giáo dục đại học liên quan đến chất lượng nguồn nhân lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thì đây vẫn là lĩnh vực chưa hấp dẫn với nhà đầu tư tư nhân.

Trong bài viết: "Phát triển kinh tế tư nhân - Đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng", Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ những bất cập hiện kinh tế tư nhân đang phải đối mặt. Những bất cập này cũng chính là điểm nghẽn để thu hút nguồn vốn tư nhân. 

Để góp phần tìm lời giải cho việc tạo động lực, thu hút mạnh mẽ hơn nữa nguồn vốn từ các nhà đầu tư tư nhân cho lĩnh vực GDĐT, Báo Điện tử Chính phủ đã trao đổi với những chuyên gia, nhà quản lý giáo dục và kinh tế để đưa ra những giải pháp, hiến kế vào quá trình thu hút đầu tư tư nhân nói chung, trong đó có lĩnh vực GDĐT.

Luật sư Phan Xuân Quý - Giám đốc bộ phấn tư vấn luật và thuế - Công ty Luật Frasers: Xây dựng văn hóa trong kinh doanh

Tìm lời giải cho thu hút đầu tư tư nhân trong giáo dục- Ảnh 2.

Luật sư Phan Xuân Quý - Giám đốc bộ phấn tư vấn luật và thuế - Công ty Luật Frasers - Ảnh: VGP/MT

Môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, mà cụ thể hơn, đó là văn hóa trong kinh doanh của từng quốc gia, từng DN sẽ là động lực giúp nền kinh tế các nước gia tăng dòng vốn đầu tư vào các lĩnh vực của nền kinh tế, trong đó có GDĐT (là một ngành đầu tư cho tương lai), để từ đó thúc đẩy tăng trưởng và phát triển đất nước.

Theo tôi, trước tiên chúng ta phải xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh, tạo môi trường đầu tư minh bạch để tạo niềm tin và thu hút các nhà đầu tư.

Đối với ngành giáo dục, một ngành có mức đầu tư lớn, thời gian lâu dài, tỉ suất lợi nhuận không cao, thì việc chưa tạo nên một môi trường kinh doanh lành mạnh, ổn định... không chỉ sẽ khó thu hút dòng vốn, mà còn dẫn đến những hệ lụy: Phụ huynh và học sinh mất niềm tin vào giáo dục và giá trị của học tập, ảnh hưởng đến động lực học tập và phát triển bản thân; ảnh hưởng đến tâm lý và đạo đức của những người tham gia và thụ hưởng giáo dục; giảm chất lượng nguồn nhân lực tương lai và giảm sức hấp dẫn của thị trường và cản trở dòng vốn đầu tư, đặc biệt là đầu tư tư nhân và quốc tế.

Cùng với Luật Giáo dục sửa đổi, bổ sung, các nghị định liên quan đã mở ra cánh cửa rộng lớn cho thu hút đầu tư khối tư nhân vào lĩnh vực này, điển hình là Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn FPT, Tập đoàn EQuest, Nguyễn Hoàng Group (NHG)…

Đồng thời, Nghị quyết số 35/NQ-CP cũng đã chỉ rõ, cần thu hút các nguồn lực đầu tư cho xã hội, cho GDĐT, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Chính phủ đã khuyến khích và tạo nhiều điều kiện để các nhà đầu tư cho GDĐT ở tất cả các cấp học, lĩnh vực đào tạo. Đặc biệt, Nghị quyết số 35/NQ-CP đã chỉ rõ, xã hội hóa cho GDĐT phải được xem là một chỉ tiêu trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Như vậy, tôi cho rằng, trong lĩnh vực kinh tế hay giáo dục, khi đã xây dựng được văn hóa trong kinh doanh, hợp tác, đồng nghĩa với việc xây dựng những quy định càng được thiết lập đồng bộ, thống nhất, cụ thể và đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư, thì chắc chắn càng tạo nên một môi trường đầu tư ổn định, an toàn và minh bạch, từ đó mới tạo động lực, niềm tin để các DN, nhất là DN tư nhân mạnh dạn rót vốn đầu tư.

PGS.TS. Ngô Văn Cẩm (Viện Quản trị và Công nghệ FSB, Trường Đại học FPT): Thúc đẩy liên kết, hợp tác để cùng phát triển

Tìm lời giải cho thu hút đầu tư tư nhân trong giáo dục- Ảnh 3.

PGS.TS. Ngô Văn Cẩm, Viện Quản trị và Công nghệ FSB, Trường Đại học FPT - Ảnh: VGP/MT

Tính minh bạch trong môi trường kinh doanh không chỉ thúc đẩy đầu tư, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc liên kết và hợp tác giữa các DN trong nước. Với các thông tin về thị trường, đối tác và các cơ hội kinh doanh được công khai và minh bạch, DN có thể dễ dàng tìm kiếm và lựa chọn các đối tác phù hợp để hợp tác kinh doanh.

Liên kết và hợp tác giữa các DN nhằm tận dụng được thế mạnh của mỗi bên, chia sẻ rủi ro, và tối ưu hóa nguồn lực. Đặc biệt, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt và yêu cầu ngày càng cao về chất lượng sản phẩm và dịch vụ, việc hợp tác giữa các DN có thể tạo ra các chuỗi giá trị mạnh mẽ, giúp cải thiện hiệu suất và tăng cường năng lực cạnh tranh của cả ngành.

Trong bối cảnh quốc tế hóa giáo dục là xu thế toàn cầu, Việt Nam luôn đẩy mạnh hợp tác quốc tế. Vì thế, khi tạo ra một môi trường kinh doanh minh bạch, chúng ta không chỉ thu hút đầu tư FDI, mà còn là tạo động lực cho DN trong nước liên kết, hợp tác với nhau để cùng phát triển.

Đầu tư vào giáo dục cần vốn lớn trong thời gian dài, nhưng chậm sinh lời, do đó thu hút đầu tư vào giáo dục muốn thay đổi, thúc đẩy thì cần cải thiện cách nghĩ, cách làm của cơ quan quản lý nhà nước, DN trong lĩnh vực giáo dục. Các DN đầu tư vào giáo dục không nên quá đặt nặng vấn đề lợi ích, coi đầu tư vào giáo dục để sinh lời, hoặc thiếu tầm nhìn, dẫn đến chất lượng GDĐT thấp, gây ảnh hưởng không tốt đến chất lượng đào tạo, đến lợi ích của phụ huynh, học sinh. 

Bên cạnh đó, chúng ta cần tạo môi trường kinh doanh ổn định, phát triển kinh tế bền vững, tạo dựng lòng tin - cơ sở vững chắc cho mọi hoạt động hợp tác thúc đẩy giao lưu, học hỏi, nâng cao trình độ của cả 2 phía.

Thạc sĩ Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững, Trưởng làng/cộng đồng Sáng tạo mở xã hội): Cần tạo động lực, niềm tin cho nhà đầu tư

Tìm lời giải cho thu hút đầu tư tư nhân trong giáo dục- Ảnh 4.

Thạc sĩ Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững - Ảnh: VGP/MT

Hiện nay chúng ta chưa thu hút được nhiều dòng vốn từ khối tư nhân vào các dự án, chương trình đầu tư cho giáo dục mang tính rộng, sâu. Đây là điểm yếu, nhưng cũng là cơ hội lớn cho các nhà đầu tư mong muốn tìm kiếm cơ hội hợp tác.

Ngành giáo dục Việt Nam hứa hẹn sẽ ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng với trị giá lên đến 89 tỷ USD vào năm 2026. Khi quy mô và lợi nhuận đủ lớn, các nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước sẽ mạnh tay rót vốn hàng nghìn tỷ đồng cho các trường đại học.

Theo Sở GD&ĐT TPHCM, hiện nay trung bình mỗi năm ngân sách TPHCM chi ra khoảng 2.700 tỷ đồng để đầu tư hạ tầng và cơ sở vật chất cho hệ thống các trường học. Tuy nhiên, với tốc độ tăng trưởng mỗi năm khoảng 65.000 người học, thì nhu cầu xây thêm các cơ sở đào tạo là vô cùng lớn.

Vì thế thu hút nguồn vốn từ các nguồn lực khác, như FDI, tư nhân là con đường duy nhất để giải quyết những vấn đề cấp bách của ngành giáo dục hiện tại. Một trong những giải pháp để "hút" nguồn vốn đó chính là tạo động lực, niềm tin cho nhà đầu tư bằng việc xây dựng một môi trường kinh doanh, đầu tư an toàn, ổn định.

Chính phủ đã có nhiều chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các bên. Bộ GD&ĐT cũng đã có các quyết định cho phép nhiều hình thức hợp tác khác nhau nhằm hướng đến đảm bảo mục tiêu chung về GDĐT mà Nhà nước và xã hội yêu cầu. Do đó, vấn đề đặt ra là bên cạnh đa dạng hóa các hình thức liên kết, hợp tác thì cần tạo ra một "sân chơi" bình đẳng, minh bạch để thu hút nhiều hơn nữa sự đầu tư và hợp tác từ khối tư nhân.

Đồng thời, để việc đầu tư cho giáo dục mang lại kết quả là đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng xu hướng phát triển kinh tế hiện nay, rất cần người đứng đầu các tổ chức giáo dục phải có tâm và có tầm.

Thanh Thủy (thực hiện)

Link nội dung: https://pld.net.vn/tim-loi-giai-cho-thu-hut-dau-tu-tu-nhan-trong-giao-duc-a19341.html