Ngày 20/4 vừa qua, Công ty CP Phục vụ mặt đất Sài Gòn (SAGS) đã chính thức bàn giao toàn bộ hoạt động phục vụ mặt đất tại cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho Vietjet Air
Quyết định này đánh dấu bước chuyển mình đáng kể của Vietjet Air trong chiến lược nội địa hóa toàn diện chuỗi dịch vụ hàng không. Đồng thời, đây cũng là sự kiện có ảnh hưởng lớn đối với SAGS – doanh nghiệp lâu năm trong lĩnh vực dịch vụ sân bay – khi mất đi một trong những khách hàng chiến lược, đóng góp gần 40% doanh thu hàng năm.
Doanh thu SAGS khả năng mất trăm tỉ đồng/năm
Theo báo cáo tài chính năm 2024, Vietjet Air mang về cho SAGS doanh thu xấp xỉ 600 tỉ đồng, tương đương gần 40% tổng doanh thu thuần trong năm – con số này là khoảng 1.518 tỉ đồng. Năm 2023, con số đóng góp cũng đạt 540 tỉ đồng, cho thấy mức độ phụ thuộc không nhỏ của SAGS vào Vietjet.
Việc Vietjet tách khỏi SAGS để tự thực hiện dịch vụ mặt đất khiến công ty này phải đối mặt với thách thức nghiêm trọng trong hoạt động kinh doanh, điều đã được SAGS xác nhận trong báo cáo gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là “sự kiện có ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh”.
Cổ phiếu SGN của SAGS đã lập tức lao dốc, giảm sàn liên tiếp hai phiên và tiếp tục mất thêm 1,2% trong sáng 23/4, xuống còn 65.100 đồng/cổ phiếu.
Vietjet – Cổ đông lớn nhưng vẫn quyết “chia tay”
Điều đáng chú ý là Vietjet Air hiện đang sở hữu 9,11% vốn điều lệ của SAGS, là cổ đông lớn thứ ba sau Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV – 48%) và America LLC (gần 25%).
Dù là cổ đông lớn, Vietjet vẫn lựa chọn rút khỏi hợp đồng hợp tác kinh doanh, một động thái cho thấy hãng này đang theo đuổi chiến lược kiểm soát hoàn toàn chuỗi vận hành dịch vụ mặt đất – điều mà nhiều hãng hàng không lớn trên thế giới đã thực hiện nhằm tối ưu chi phí và tăng tính chủ động trong khai thác.
Trong bối cảnh mất đi khách hàng trọng yếu và áp lực dòng tiền ngày càng tăng, SAGS đối diện với nhiều thách thức trong việc duy trì hiệu quả kinh doanh. Báo cáo thường niên cho biết, công ty phục vụ 94.431 chuyến bay trong năm 2024, nhưng các hãng hàng không nội địa đang gặp khó khăn tài chính, thanh toán chậm, ảnh hưởng đến hoạt động của công ty.
Dù vậy, điểm sáng hiếm hoi là việc SAGS đã ký kết được một số hợp đồng mới với khách hàng quốc tế, mở ra kỳ vọng giảm thiểu rủi ro phụ thuộc vào thị trường nội địa.
Động thái của Vietjet Air được cho là có thể mở ra một làn sóng mới trong ngành hàng không Việt Nam, khi các hãng có xu hướng “in-house hóa” dịch vụ, thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào các đối tác mặt đất.
Dù chịu ảnh hưởng lớn, SAGS vẫn còn thời gian và cơ hội để tái cấu trúc, mở rộng dịch vụ, đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế nhằm lấy lại đà tăng trưởng sau sự chia tay bất ngờ với Vietjet Air.
Anh Mai
Link nội dung: https://pld.net.vn/vietjet-air-nhan-ban-giao-hoat-dong-phuc-vu-mat-dat-tai-cang-hang-khong-quoc-te-tan-son-nhat-cua-sags-a19381.html