Lỗ lớn và bên bờ vực phá sản, những ngân hàng nào là “chủ nợ” của Vietnam Airlines?

Tính tổng cả vay nợ ngắn hạn và dài hạn thì Vietcombank hiện đang là “chủ nợ” lớn nhất của Vietnam Airlines với tổng cộng 7.500 tỷ đồng, tiếp theo là BIDV với tổng cộng 2.600 tỷ đồng.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây đã công bố Báo cáo về tình hình phát triển doanh nghiệp trong năm 2020 và 5 tháng đầu năm 2021. Báo cáo cho thấy tình hình hoạt động sụt giảm nghiêm trọng của lĩnh vực hàng không.

Theo báo cáo, nhu cầu vận tải hàng không giảm mạnh từ 34.5% - 65.9% so với năm 2019. Doanh thu dịch vụ vận tải hàng không năm 2020 sụt giảm trung bình trên 61% so với 2019.

Đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 3 trong giai đoạn cao điểm sát Tết đã khiến doanh thu của ngành hàng không giảm khoảng 80% so với cùng kỳ năm 2020 (thời điểm sát Tết năm 2020 dịch chưa bùng phát). Khả năng thanh toán của các doanh nghiệp cũng suy giảm và tiến tới sát giới hạn mất khả năng thanh toán.

Anh 1
Các khoản vay ngắn hạn của Vietnam Airlines tại các ngân hàng năm 2020 (Đơn vị tính: Tỷ đồng))

Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, cùng với tình hình dịch bệnh diễn ra phức tạp, tâm lý khách hàng trên khắp thế giới bị thay đổi, dự báo hoạt động vận tải hàng không sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong năm 2021, nếu như tình hình COVID-19 được kiềm chế, phải đến năm 2024 hoạt động của ngành hàng không mới có thể phục hồi như trước khi có dịch bệnh.

Đáng chú ý, "ông lớn" hàng không Vietnam Airlines dự kiến số lỗ 6 tháng đầu năm có thể lên đến 10.000 tỷ đồng, sau khi đã lỗ 4.800 tỷ ở quý 1. Hiện tại số nợ phải trả quá hạn đạt tới 6.240 tỷ đồng và đang rơi vào trạng thái cực kỳ khó khăn, bên bờ vực phá sản, trong khi các ngân hàng thương mại chưa nhìn thấy gói giải cứu 12.000 tỷ đồng của Chính phủ nên không cho Vietnam Airlines giải ngân tiếp hoặc không gia hạn hoặc cấp tiếp hạn mức tín dụng.

Vietnam Airlines hiện đang đối mặt với rủi ro pháp lý với số nợ quá hạn quá cao và rủi ro trong việc không cân đối trả các khoản vay ngắn hạn đến hạn tại các ngân hàng.

Anh 2
Các khoản vay dài hạn của Vietnam Airlines tính đến cuối năm 2020 tại các ngân hàng (Đơn vị tính: Tỷ đồng))

Trong báo cáo tài chính mới nhất là quý 1/2021 của Vietnam Airlines không nêu chi tiết các khoản nợ. Tuy nhiên ở báo cáo tài chính hợp nhất năm 2020 đã kiểm toán cho thấy hãng hàng không này đang vay ngắn hạn (đều không có tài sản đảm bảo) gần 6.800 tỷ đồng và vay dài hạn gần 9.000 tỷ và nợ thuê tài chính dài hạn 18.260 tỷ đồng.

Các khoản vay ngắn hạn từ các ngân hàng đều tăng mạnh, hoặc cho vay mới trong năm 2020, tổng dư nợ tăng từ 1.274 tỷ đồng lên 6.793 tỷ. Trong đó dư nợ tại Vietcombank tăng từ 769 tỷ đồng lên hơn 2.700 tỷ, tại BIDV tăng từ 345 tỷ lên hơn 1.100 tỷ; tại Tecchombank tăng từ mức 113 tỷ lên 849 tỷ đồng; ở SeABank từ 36 tỷ lên hơn 460 tỷ đồng. Riêng khoản vay từ MSB (239 tỷ), MB (369 tỷ) và Ngân hàng Bangkok Đại Chúng (110 tỷ) là các khoản vay mới phát sinh.

bidv
Sau Vietcombank, BIDV là ngân hàng "chủ nợ" lớn thứ 2 của Vietnam Airlines)

Với các khoản vay dài hạn, Vietcombank đang là chủ nợ lớn nhất với dư nợ 4.841 tỷ đồng, tiếp đến là BIDV với 1.534 tỷ, Eximbank 832 tỷ, MB hơn 501 tỷ, VietinBank hơn 426 tỷ, VRB hơn 302 tỷ, Indovina hơn 254 tỷ, VIB hơn 171 tỷ, TPBank hơn 62 tỷ, Techcombank hơn 46 tỷ, MSB hơn 19 tỷ đồng. Ngân hàng VPBank và Agribank cũng còn dư nợ dài hạn tại Vietnam Airlines nhưng chỉ rất ít, lần lượt 2,6 tỷ đồng và 1,2 tỷ đồng.

Các chủ nợ thuê tài chính lớn nhất của Tổng công ty này là Tập đoàn ING (hơn 8.100 tỷ), ngân hàng Citibank (gần 5.800 tỷ), các ngân hàng MUFG (gần 1.700 tỷ), JP Morgan Chase (gần 1.300 tỷ), HSBC (gần 1.200 tỷ), Credit Agricole (225 tỷ) và Công ty TNHH Viettel-CHT 2,6 tỷ.

Con số thua lỗ và vốn chủ âm chỉ là các thước đo về khả năng thanh toán (solvency). Doanh nghiệp có thể thua lỗ triền miên hết năm này qua năm khác, vốn chủ có thể âm hàng chục nghìn tỷ nhưng công ty không bị phá sản nếu vẫn đảm bảo được thanh khoản (liquidity).

Nói cách khác, chừng nào doanh nghiệp vẫn có tiền để trả nợ hoặc đàm phán được với chủ nợ để thì chừng đó doanh nghiệp vẫn có thể hoạt động tiếp.

Tuy nhiên với Vietnam Airlines, tình hình thanh khoản cũng nguy ngập không kém. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết số nợ quá hạn của Tổng công ty này tính đến tháng 6/2021 đã lên tới 6.240 tỷ đồng. Tại ngày 31/12/2020, số nợ quá hạn là 6.640 tỷ, chưa kể các khoản đã được giãn thời hạn trả.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định Tổng công ty này "đang rơi vào trạng thái cực kỳ khó khăn, bên bờ vực phá sản".

Cổ đông lớn nhất của Vietnam Airlines hiện nay là Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp với tỷ lệ sở hữu 86,2%. Nhà nước đã ban hành các chính sách đặc thù để giải cứu cho Tổng công ty hàng không này.

Cụ thể, các tổ chức tín dụng sẽ được Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn tối đa 4.000 tỷ đồng với lãi suất tái cấp vốn 0% nếu cho Vietnam Airlines vay với lãi suất ưu đãi. Ngoài ra, Vietnam Airlines còn được Quốc hội cho phép phát hành cổ phiếu ra công chúng để tăng vốn thêm 8.000 tỷ đồng mà không cần phải thỏa mãn yêu cầu làm ăn có lãi trong năm trước năm chào bán như quy định trong Luật Chứng khoán 2019.

Đây là ưu đãi mà các hãng hàng không tư nhân như Vietjet Air và Bamboo Airways không được hưởng. Bởi vậy, các nhà đầu tư và chủ nợ của Vietnam Airlines có lý do để hy vọng Nhà nước sẽ tiếp tục có biện pháp đặc thù để giải cứu, không để Tổng công ty này rơi vào phá sản.

Linh Thùy

Link nội dung: https://pld.net.vn/lo-lon-va-ben-bo-vuc-pha-san-nhung-ngan-hang-nao-la-chu-no-cua-vietnam-airlines-a2130.html