Lan đột biến “lên sàn” tiền mã hóa

Chuyển đổi số đang là một xu thế trong thời đại hiện nay và nhóm ngành sinh vật cảnh cũng không ngoại lệ. Mới đây, lan đột biến được mã hóa thành tài sản NFT để giao dịch, nhưng người mua sẽ chỉ sở hữu lan dạng kỹ thuật số, trên mạng blockchain.

NFT (Non-Fungible Token) là thuật ngữ nổi lên đầu năm 2021. Đây là dạng vật phẩm ảo sử dụng công nghệ blockchain làm giấy chứng nhận quyền sở hữu. Token NFT có thể được tìm thấy ở nhiều nền tảng blockchain khác nhau, nhưng hiện nay chủ yếu được tạo ra và sử dụng trên blockchain của Ethereum. Về cơ bản, mỗi NFT đại diện cho một vật phẩm duy nhất, không thể sao chép hay tách rời.

Lan đột biến “số hóa”

Khoảng 1 tuần trở lại đây, trên sàn giao dịch OpenSea bắt đầu xuất hiện những vật phẩm "Lan NFT" - Lan đột biến được mã hóa thành tài sản NFT để giao dịch. Thông qua hình thức đấu giá và giao dịch bằng tiền mã hóa, phổ biến nhất là đồng Ethereum.

Người ta đã sử dụng công nghệ AR để đưa những cây lan đột biến ngoài đời thực thành dạng kỹ thuật số sau đó biến chúng thành NFT bằng cách sử dụng các công nghệ như smart contract, blockchain,... Người mua lan đột biến NFT không sở hữu cây thật mà chỉ sở hữu phiên bản kỹ thuật số cây lan đó và được công nhận trên mạng blockchain.

Anh 2
Bức ảnh Everdays: The First 5000 days của nghệ sĩ Beeple được bán với giá kỷ lục gần 70 triệu USD)

Theo ghi nhận, mặt hàng lan đột biến NFT đang được rao bán tương đối đa dạng. Người dùng có thể tìm mua nhiều chủng loại, kiểu dáng lan NFT khác nhau như lan Phú Thọ, lan Hồng Mỹ Nhân, lan Hồng Yên Thủy…

Giá trị của NFT lan đột biến trên sàn giao dịch được quyết định thông qua đấu giá. Theo lý thuyết, những dòng lan hiếm, có giá trị cao ngoài đời thực khi trở thành NFT cũng sẽ có giá trị cao.

Thời gian và số lượng NFT phát hành của các loại lan khác nhau sẽ khác nhau để tạo sự khác biệt về giá trị. Chỉ rất ít những dòng lan đột biến có giá trị càng cao sẽ được phát hành.

Ví dụ, dòng lan HO thường có giá 250 USD mỗi cây, lan Phú Thọ giá 100 USD mỗi cây và sẽ có tối đa 2.000 NFT được phát hành. Còn với các loại lan quý hiếm hơn như lan Ngọc Sơn Cước có giá 10.000 USD/cây, hay lan Cờ Đỏ 12.500 USD/cây, sẽ chỉ phát hành tối đa 100 NFT. Mỗi NFT đều được đánh số.

Ông Phan Đức Nhật - chuyên gia về đầu tư tiền số nhận định, "Với hình thức này, người mua lan đột biến sẽ không sở hữu bản vật lý của cây lan để thưởng thức, nhưng bù lại, không cần tốn công chăm sóc mà vẫn 'khoe' việc mình sở hữu cây lan này. Đồng thời, chúng cũng không bị mất đi và có thể giao dịch trên khắp thế giới".

Tính đến 20/6, mới có khoảng hơn 100 NFT lan được đưa lên trên sàn OpenSea. Số lượng giao dịch cũng ít và mức đấu giá cao nhất cho một lan NFT hiện là 0,2 Ethereum (khoảng 10 triệu đồng).

Ông Phan Đức Nhật cho rằng, trước khi quyết định mua NFT lan cũng như bất cứ loại NFT nào, người đầu tư nên cân nhắc kỹ bởi nếu được quan tâm và săn lùng thì giá trị của chúng có thể lên tới hàng triệu USD, nhưng cũng có thể bằng 0 nếu không được giao dịch.

Một chuyên gia về blockchain khác chia sẻ, mức độ rủi ro với NFT còn phụ thuộc vào hợp đồng (smart contract) với vật phẩm đó, chẳng hạn có những hợp đồng đi kèm điều khoản cho phép người mua được sở hữu phiên bản thật của vật phẩm. Tuy nhiên, điều này chưa khả thi khi áp dụng với lan NFT.

Cẩn trọng trước rủi ro của NFT

Công nghệ blockchain giúp con người sở hữu nhiều loại vật phẩm khác nhau dưới dạng NFT. Ngoài lan đột biến, người dùng có thể tìm thấy một số sản phẩm âm nhạc dưới dạng NFT do nghệ sĩ Việt phát hành, như ca khúc “NHẠC ANH 2.0” của rapper Andree và Wxrdie.

Tại Việt Nam, người dùng quan tâm đến tác phẩm nghệ thuật dưới dạng NFT có thể tìm đến gian hàng của Cổng Trời, một trong những sàn giao dịch NFT đầu tiên tại thị trường trong nước.

Anh 1
Lan đột biến Phú Thọ được bán với giá 0,08 Ethereum (khoảng 148,29 USD))

Dự án này do các chuyên gia Việt phát triển với mục tiêu ngăn chặn tình trạng đạo nhái tác phẩm, vi phạm tác quyền, đồng thời cung cấp cho giới sưu tầm các tác phẩm áp dụng công nghệ blockchain.

Phong trào đầu tư NFT bùng nổ kể từ sự kiện nghệ sĩ kỹ thuật số Mike Winkelmann bán một đoạn video có thời lượng 10 giây với giá 6,6 triệu USD. Trước đó, một đoạn video hoạt họa Nyan Cat cũng đã được bán với giá 587.000 USD.

Mặc dù, NFT đang trong một trạng thái bùng nổ, thu hút sự chú ý của giới đầu tư. Nhưng nghệ sĩ Beeple, người đã bán tác phẩm NFT với giá kỷ lục gần 70 triệu USD, cho rằng thị trường này có thể là "bong bóng".

"Đầu tư vào các tác phẩm nghệ thuật NFT chỉ dành cho những người chấp nhận rủi ro bởi giá trị của chúng có thể về 0", nghệ sĩ Beeple nói với tờ New York Times.

Người nghệ sĩ này cũng nhiều lần cảnh báo giới đầu tư về những rủi ro và sự bấp bênh khi đổ tiền vào NFT, dù ông đã bán được một số sản phẩm dạng này. Tác phẩm đình đám nhất của ông có tên Everdays: The First 5000 days - một file ảnh .jpeg - đã được mua lại với giá gần 70 triệu USD sau khi có NFT.

Beeple cho rằng thị trường NFT đang khá giống với giai đoạn đầu của sự bùng nổ Internet, khi mọi thứ đã bị thổi phồng một cách quá đà. "Sẽ có lúc chúng ta nhận ra rằng mình đang có một chút điên rồ và gán những giá trị điên rồ đó cho những thứ vô thưởng vô phạt".

Tuy nhiên, Beeple cũng đánh giá rằng NFT sẽ không biến mất trong tương lai. Thay vào đó, nó sẽ là cách thức mới để lưu giữ các tác phẩm nghệ thuật truyền thống. "Bong bóng Internet từng phình to và nổ tung, nhưng nó không xóa sổ Internet. Nó chỉ quét sạch những thứ không đáng tồn tại. NFT có thể cũng vậy", Beeple dự đoán.

Thùy Linh

Link nội dung: https://pld.net.vn/lan-dot-bien-len-san-tien-ma-hoa-a2239.html