Kinh tế chịu nhiều tiêu cực do các dự án đầu tư công chậm tiến độ

Giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư, bố trí vốn và năng lực của chủ đầu tư là những nguyên nhân khiến hàng loạt dự án đầu tư công chậm tiến độ.

Tổng hợp báo cáo của 113/125 bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty 91 trên Hệ thống Thông tin về giám sát, đánh giá đầu tư chương trình, dự án đầu tư sử dụng vốn Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong năm 2020 có 70.679 dự án thực hiện đầu tư.

Trong đó, nhiều dự án còn chậm tiến độ và tỷ lệ các dự án phải điều chỉnh vẫn còn cao. Gần nửa trong số đó là các dự án chuyển tiếp (32.120 dự án, chiếm 45,44%) và phần còn lại là dự án khởi công mới (38.559 dự án, chiếm 54,56%). Trong số dự án khởi công mới, chủ yếu là dự án nhóm C với 37.510 dự án.

Điều đáng nói, trong số 70.679 dự án thực hiện đầu tư, có 1.867 dự án chậm tiến độ, chiếm 2,6% số dự án thực hiện đầu tư trong kỳ, trong đó nhóm A là 45 dự án, nhóm B là 529 dự án, nhóm C là 1.293 dự án.

Trong đó, số dự án sử dụng vốn Nhà nước thực hiện báo cáo giám sát trên hệ thống mới đạt 47,3% tổng số dự án thực hiện; được kiểm tra mới đạt 25,6%; được đánh giá đạt 39,2%.

anh 2
Các dự án chậm tiến độ là một trong những nguyên nhân làm tăng chi phí, giảm hoặc không còn hiệu quả đầu tư, tác động tiêu cực đến nền kinh tế)

Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, chính các dự án chậm tiến độ là một trong những tác nhân chủ yếu làm tăng chi phí đầu tư, giảm hoặc không còn hiệu quả đầu tư, tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Bên cạnh đó, những dự án đầu tư phải điều chỉnh, đặc biệt là tăng tổng mức đầu tư, một mặt gây rất nhiều khó khăn cho công tác cân đối nguồn vốn thực hiện, mặt khác cũng ảnh hưởng đến tiến độ và hiệu quả đầu tư.

Tuy số lượng các dự án thực hiện báo cáo giám sát trên Hệ thống thông tin, dự án được kiểm tra, đánh giá có tăng so với các năm trước, nhưng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số lượng các dự án thực hiện báo cáo còn thấp so với tổng số dự án thực hiện trong kỳ.

Các nguyên nhân chủ yếu gây ì ạch, chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chủ yếu do công tác giải phóng mặt bằng (1.074 dự án), do thủ tục đầu tư (407 dự án), do bố trí vốn không kịp thời (219 dự án), do năng lực của chủ đầu tư, ban quản lý dự án và nhà thầu (157 dự án)...  trong đó chủ yếu là điều chỉnh mục tiêu, quy mô đầu tư; điều chỉnh tiến độ đầu tư; vốn đầu tư… vẫn còn nhiều bất cập.

Số dự án sử dụng vốn nhà nước thực hiện báo cáo giám sát trên Hệ thống mới đạt 47,3% tổng số dự án thực hiện; được kiểm tra mới đạt 25,6%; được đánh giá đạt 39,2%. Chất lượng các báo cáo giám sát, đánh giá, đặc biệt là số liệu, thông tin của các dự án cập nhật trên Hệ thống thông tin còn rất sơ sài, cho thấy nhiều chủ đầu tư chưa nghiêm túc thực hiện công tác giám sát, đánh giá dự án theo quy định. Nhiều bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế nhà nước chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong việc theo dõi, kiểm tra đối với các chương trình, dự án đầu tư.

Bên cạnh đó, tổng hợp số liệu báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, trong năm 2020, các cơ quan quản lý nhà nước đã tiến hành kiểm tra 18.109 dự án, tổ chức đánh giá lại 27.717 dự án. Qua kiểm tra, trong năm đã phát hiện 51 dự án vi phạm quy định về thủ tục đầu tư, 17 dự án vi phạm về quản lý chất lượng, 923 dự án có thất thoát, lãng phí. Các dự án có thất thoát, lãng phí chủ yếu là chi phí không hợp lý, được phát hiện trong giai đoạn thanh, quyết toán, kiểm toán.

Mới đây, tại hội nghị trực tuyến với các bộ, ngành đánh giá tình hình giải ngân vốn đầu tư công, ông Bùi Văn Cường - Tổng thư ký Quốc hội nhận định: Đầu tư công là bệ đỡ cho tăng trưởng kinh tế. Tỉnh nào giải ngân đầu tư công tốt thì đầu tư xã hội cũng chạy theo nhiều, từ đó thúc đẩy tăng trưởng.

“Nếu tình trạng giải ngân vốn đầu tư công cứ tiếp tục chậm, các dự án đầu tư lớn, nhất là các dự án đầu tư trọng điểm vẫn ách tắc như vừa qua thì nền kinh tế của chúng ta không thể tăng trưởng được”, Tổng thư ký Quốc hội nhấn mạnh.

Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị, trong thời gian tới, các cơ quan cần xem xét kỹ lưỡng quá trình lựa chọn các chương trình, dự án thực hiện đầu tư, khởi công mới, phù hợp khả năng cân đối của nguồn ngân sách, tránh đầu tư dàn trải, hiệu quả thấp.

Đồng thời, các cơ quan cần tích cực theo dõi, chấn chỉnh, giải quyết kịp thời các phát sinh trong quá trình đầu tư, bảo đảm các dự án đã có trong kế hoạch được thực hiện đúng trình tự, thủ tục đầu tư, tiến độ, chất lượng, đảm bảo thời hạn đưa công trình vào khai thác sử dụng.

Mai Ngọc

Link nội dung: https://pld.net.vn/kinh-te-chiu-nhieu-tieu-cuc-do-cac-du-an-dau-tu-cong-cham-tien-do-a2599.html