Một trong những chính sách được chờ đợi nhất tại Dự thảo Nghị định là chính sách về đại lý thanh toán, hay còn gọi là đại lý ngân hàng. Chính sách này sẽ cho phép các ngân hàng uỷ thác cho các bên thứ ba thực hiện một số dịch vụ cơ bản như mở tài khoản, nạp rút tiền mặt, chuyển tiền, thu hộ chi hộ với hạn mức nhỏ. Các ngân hàng có trách nhiệm giám sát hoạt động của đại lý và trả hoa hồng/phí đại lý theo thỏa thuận. Được biết, nhiều quốc gia trên thế giới và trong khu vực đã cho phép hoạt động đại lý ngân hàng với mô hình thành công khác nhau.
Tại Việt Nam, trong thời gian qua Ngân hàng Nhà nước cũng đã triển khai thí điểm 3 mô hình đại lý ngân hàng của MBank, PGBank và Vietcombank với những kết quả tích cực.
Theo cơ quan soạn thảo, hoạt động đại lý ngân hàng góp phần tăng cường khả năng tiếp cận, sử dụng các dịch vụ tài chính của người dân, bảo đảm mọi người dân không phân biệt thành phần, điều kiện sống, khu vực địa lý đều có thể hưởng lợi từ các thành quả phát triển kinh tế hướng tới tăng trưởng kinh tế bền vững.
Về phía doanh nghiệp, các ngân hàng đang đặt nhiều kỳ vọng chính sách mới sẽ tạo đột phá gia tăng độ phủ ngân hàng (hiện mới ở mức không quá 50% dân số), đặc biệt hướng đến khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa.
Với quan điểm thận trọng và quan ngại về rủi ro, Ngân hàng Nhà nước đã quy định nhiều hạn chế lên mô hình này, đặc biệt đối với các đại lý là doanh nghiệp phi ngân hàng, chẳng hạn như quy định các đại lý phải là doanh nghiệp nhưng 80% phải hoạt động tại khu vực nông thôn, tổng giá trị giao dịch không hơn 200 triệu/ngày đồng thời không được thu phí cao hơn phí niêm yết tại ngân hàng. Đồng thời mỗi ngân hàng bị cấm giao đại lý là tổ chức phi ngân hàng nhiều hơn số lượng chi nhánh hiện có. Các hạn chế này khiến cho giới ngân hàng quan ngại chính sách mới khó có tính khả thi trên thực tế.
Các chính sách còn “cứng nhắc”
Luật sư Trần Thành Quyết, Đoàn luật sư Hà Nội nhận xét, luật Các tổ chức tín dụng chỉ quy định các tổ chức tín dụng được thực hiện nghiệp vụ đại lý tại điều 106. Như vậy, cơ sở pháp lý của hoạt động đại lý ngân hàng phải là chế định đại lý thương mại tại Luật Thương mại.
Theo quy định của Luật Thương mại, đại lý thương mại là hoạt động thương mại, bên giao đại lý và bên đại lý thỏa thuận việc bên đại lý nhân danh chính mình mua, bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ của bên giao đại lý cho khách hàng để hưởng thù lao.
Đồng thời, hoạt động đại lý được thực hiện theo sự thỏa thuận của hai bên, trong đó bao gồm cả việc đại lý có quyền hưởng thù lao thông qua chênh lệch giữa giá dịch vụ mình cung cấp với giá của bên giao đại lý. Việc dự thảo mới này buộc các đại lý thanh toán không được thu phí cao hơn mức phí niêm yết của ngân hàng giao đại lý là không phù hợp với Luật Thương mại.
Một hạn chế khác có trong tại Dự thảo Nghị định lần này là quy định mỗi ngân hàng có số lượng đại lý là tổ chức khác không vượt quá số lượng chi nhánh hiện có. Theo đánh giá của các chuyên gia, quy định này sẽ khiến các ngân hàng nhỏ gặp nhiều khó khăn khi mở đại lý, trong khi chính họ mới là đối tượng có nhu cầu đại lý hơn các ngân hàng lớn có sẵn nhiều chi nhánh.
Theo đề xuất của Ngân hàng nhà nước, các ngân hàng nhỏ có thể giao đại lý cho các ngân hàng lớn có nhiều chi nhánh, phòng giao dịch để mở rộng phạm vi hoạt động. Tuy nhiên, theo đại diện một ngân hàng thương mại, từ góc độ kinh doanh, đề xuất này rất khó thực hiện: “Không kể đến vấn đề cạnh tranh, nhận diện thương hiệu, về kỹ thuật một ngân hàng không thể sử dụng hệ thống của ngân hàng khác để cung cấp dịch vụ được. Do đó, mặc dù Luật Các tổ chức tín dụng từ năm 2010 đã cho phép, việc một ngân hàng làm đại lý cho ngân hàng khác là khó khả thi. Nếu mục tiêu chính sách là mở rộng độ phủ dịch vụ ngân hàng, giúp ngân hàng tìm kiếm khách hàng mới thì đối tượng ưu tiên phải là các đại lý nằm ngoài hệ thống ngân hàng hiện tại”.
Chia sẻ về vấn đề này, TS Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia Tài chính ngân hàng đưa ra quan điểm rằng, ông không quá ủng hộ chính sách này. Theo ông, các dịch vụ của ngân hàng đều mang tính chất nhạy cảm và yêu cầu bảo mật cao. Chính vì vậy, các ngân hàng ủy quyền cho một bên thứ ba như một tổ chức tài chính, một quỹ hoặc một công ty nào đó ở vùng xa xôi để thực hiện các chức năng thay ngân hàng, sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Tuy nhiên, ông cũng chia sẻ, nếu chính sách trên đi vào thực hiện, Ngân hàng Nhà nước nên quy định chặt chẽ những dịch vụ nào có thể được ủy quyền cho bên thứ ba. Đồng thời, đại lý được ủy quyền phải có trụ sở, vốn điều lệ tối thiểu và không có bất cứ sai phạm nào liên quan đến vấn đề tài chính, tiền tệ. Ngoài ra, các thông tin cá nhân giao dịch phải được bảo mật tuyệt đối và ngân hàng phải bảo lãnh cho những đại lý này, trong trường hợp gây thiệt hại cho khách hàng hoặc xảy ra tranh chấp.
Đánh giá chung về nghị định mới của Ngân hàng Nhà nước, chuyên gia kinh tế, TS Trần Đình Thiên cho rằng chính sách đại lý ngân hàng, kể cả khi xây dựng theo hướng cởi mở hơn nữa, cũng chỉ là kế thừa kinh nghiệm thực thi cả thập kỷ của các quốc gia khác. Nghị định mới còn thiếu vắng tính định hướng cho sự phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam, trong bối cảnh cách mạng công nghệ và hội nhập quốc tế, đặc biệt là vai trò của ngân hàng số ngày càng được nhiều quốc gia chú ý.
Ông Thiên khẳng định: “Mỗi chính sách đều thể hiện cam kết và uy tín của cơ quan chủ quản. Do đó, khi hoạch định chính sách cần đảm bảo độ mở cần thiết để nó đạt được hiệu quả đáp ứng kỳ vọng của người dân. Trong một số giai đoạn, quan điểm thận trọng, an toàn là cần thiết. Tuy nhiên, với tình hình hiện nay, như người đứng đầu Chính phủ mới đã xác định, hoàn cảnh đặc biệt đòi hỏi phải có những hành động mạnh mẽ và quyết liệt. Để đảm bảo mục tiêu kép phát triển kinh tế và phòng chống dịch bệnh của Việt Nam hiện nay, chúng ta sẽ có thể sẽ không còn kham nổi chi phí cơ hội cho những chính sách nửa vời”.
Thùy Linh
Link nội dung: https://pld.net.vn/du-thao-mo-hinh-dai-ly-ngan-hang-con-nhieu-ban-khoan-ve-chinh-sach-a2720.html