Công tác phòng chống Covid-19 ở xã Cổ Đô luôn được thực hiện đúng với những yêu cầu của Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 TP Hà Nội và huyện Ba Vì |
Kiểm soát chặt người đi và về để phòng chống Covid-19
Sau đúng 2 ngày người dân Cổ Đô cùng nhân dân TP. Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ (ngày 25/7/2021), ngoài tuyên truyền thực hiện 5K của Bộ Y tế và các biện pháp phòng, chống dịch khác như treo khẩu hiệu, băng rôn để khuyến cáo và nhắc nhở, Cổ Đô còn cấp phát đến tất cả các hộ gia đình mỗi hộ một cuốn vở 48 trang được đóng dấu cuối sổ và dấu giáp lai của UBND xã, kèm theo một bút bi để ghi chép, gọi là Sổ Nhật ký Covid.
Sổ Nhật ký Covid là cách làm độc đáo của Cổ Đô nhằm tăng hiệu quả quản lý, kiểm soát lịch trình của người dân thuộc địa bàn trong tình hình dịch diễn biến phức tạp. Tìm gặp ông Thân Đức Thắng, thành viên tổ Covid cộng đồng cơ sở 1, thôn Cổ Đô, một trong những thôn đông nhất xã với trên 1.300 hộ, ông Thắng cho biết: “Chúng tôi thấy rằng đây là cách làm hay, có thể coi như sáng kiến phòng, chống dịch từ lãnh đạo xã, có ý nghĩa thiết thực trong tình hình hiện tại”.
Cán bộ xã trao "Sổ nhật ký phòng chống Covid-19 đến từng hộ dân Cổ Đô |
Đối với người dân, họ cảm nhận được một phần thông điệp chung mà Nhà nước gửi đến nhân dân thông qua việc trao sổ, đó là: “Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh Covid-19”; đồng thời cũng là lời nhắc nhở, cảnh báo nhân dân không lơ là mất cảnh giác, luôn đề cao tinh thần phòng chống dịch, nâng cao ý thức cộng đồng trong mỗi nhà, với mỗi người”…
Cách ghi chép trong sổ được xã bố trí, hướng dẫn rất bài bản. Ngay trang đầu tiên là họ, tên chủ hộ và các thành viên gia đình; số điện thoại liên lạc; địa chỉ số nhà, xóm ngõ. Những thành viên hay đi lao động thời vụ ngoài địa phương được ghi rõ nơi làm việc, thời gian đi, về…
Cuối sổ là số điện thoại đường dây nóng của xã, thôn. Qua mấy ngày thực hiện giãn cách, tình cờ xem cuốn nhật ký gia đình ông Nguyễn Quang Huỳnh, chị Trần Thị Thu Ninh đều thấy các hộ này ghi nhật ký từng ngày, ai đi đâu, ai đến chơi, kể cả những người hàng xóm, anh em, hay ngày giờ đi chợ… các thông tin đều ghi đầy đủ, rõ ràng cẩn thận… rất tiện lợi cho công tác kiểm tra truy vết khi cần thiết.
Những thông tin trong sổ sẽ rất hữu ích và kịp thời để có thể đánh giá và phân loại nội dung cần kiểm chứng, truy xét… nếu có ca nghi nhiễm hoặc cần cách ly trên địa bàn xã |
Cách làm tích cực, chủ động, sáng tạo
Ông Nguyễn Văn Núi, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban Công tác mặt trận cho biết thêm: “Chúng tôi không quy định phải nộp sổ, nhưng thường xuyên tuyên truyền nhắc nhở mọi nhà ghi chép cẩn thận các thông tin gia đình và cập nhật kịp thời theo đường dây nóng đến ban chỉ đạo thôn, xã. Nắm được thông tin qua các ngõ, xóm, dòng họ, cán bộ cơ sở và phát hiện của nhân dân, thành viên tổ Covid cộng đồng được phân công theo dõi khu vực sẽ đến xác minh, kiểm tra thông tin trong sổ để kịp thời đánh giá và phân loại nội dung cần kiểm chứng, truy xét… cách làm này thật là hiệu quả, có ích và được đông đảo nhân dân ghi nhận, vừa tiết kiệm thời gian của cán bộ mà các gia đình, cá nhân cũng không phải ra trụ sở khai báo như trước”.
Tìm hiểu thêm gia đình ông Nguyễn Văn Yên, thôn Kiều Mộc, một trong những gia đình gương mẫu và có ý thức cộng đồng, ông Yên cho rằng Sổ Nhật ký Covid là minh chứng khẳng định sự vào cuộc tích cực, chủ động, sáng tạo của lãnh đạo địa phương và hệ thống chính trị; nâng mức cảnh báo và đề cao ý thức tự giác của từng gia đình, cá nhân.
Tôi cho rằng việc xã dành ra một khoản tiền cấp đủ cho gần 3 ngàn cuốn vở, bút viết… tự thân công việc đã toát lên ý nghĩa tích cực, truyền đi thông điệp của Đảng, Nhà nước, Chính phủ… và chính quyền các cấp: “Hãy dành những điều tốt đẹp nhất cho dân”, và đề cao vai trò “Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh Covid-19”. Ở Cổ Đô, thông điệp này đã và đang được lan tỏa sâu rộng.
Trong khuôn khổ bài viết, tác giả không hẳn tham vọng phản ảnh đầy đủ công việc và kết quả tốt đẹp công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 ở Cổ Đô, mà ở khía cạnh từ cuốn Nhật ký Covid, được chứng kiến từng gia đình ghi chép, treo cẩn thận ở nơi dễ thấy, dễ tìm nhất, mới thấm thía trách nhiệm của nhân dân với làng xã, chính quyền, ngược lại, thấm thía trách nhiệm, sự tận tụy của lãnh đạo xã, của chính quyền với nhân dân.
Nhìn rộng ra là tình nghĩa, thủy chung, là trách nhiệm với Tổ quốc của cán bộ, nhân dân Cổ Đô mà Sổ Nhật ký Covid chỉ là một nét sáng tạo, chủ động trong phong cách sáng tạo, chủ động thực hiện nhiệm vụ, chung tay cùng cả nước chiến thắng dịch bệnh Covid-19.
Bên cạnh đó, người dân Cổ Đô thường xuyên tham gia vệ sinh khơi thông mương máng, cống rãnh để đảm bảo có môi trường sống xanh - sạch - đẹp |
Vừa vận động vừa kiên quyết xử lý
Trao đổi với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường, ông Nguyễn Minh Đức, Chủ tịch UBND xã Cổ Đô cho biết: Thực hiện các biện pháp chống dịch Covid-19 theo tinh thần chỉ thị số 17/CT-UBND thành phố Hà Nội, UBND xã đã yêu cầu kể từ 00h00 ngày 26/7/2021 tất cả các công chức, viên chức người lao động thuộc UBND xã khi đi ra khỏi địa bàn xã phải báo cáo thường trực Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 của xã, Chủ tịch UBND xã bằng văn bản và được Chủ tịch UBND xã cho phép.
UBND xã Cổ Đô cũng giao Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã chủ trì phối hợp với các đoàn thể chính trị của xã (Đoàn thanh niên, hội nông dân, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh xã…) tổ chức tuyên truyền đến các hội viện đoàn viên của mình, các tầng lớp nhân dân, các chủ cửa hàng, khu vực trợ dân sinh …thực hiện nghiêm chỉ thị số 17/CT-UBND thành phố Hà Nội.
Đồng thời, giao Giao Công an xã chủ trì phối hợp dân quân, các ngành đoàn thể kiểm tra, phát hiện kiên quyết xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm và thông báo trên hệ thống loa truyền thanh của xã. Còn Cấp ủy các Chi bộ, các Trưởng thôn kích hoạt tổ Covid cộng đồng, tăng cường công tác tuyên truyền giám sát, kiểm soát người dân chấp hành nghiêm công tác phòng chống dịch theo chỉ thị số 17/CT-UBND thành phố Hà Nội.
Song song với đó, Cổ Đô kêu gọi và yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như: mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, khám chữa bệnh, tiêm chủng và các trường hợp khẩn cấp khác; đi công tác công vụ, làm việc tại cơ quan, công sở, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu được phép hoạt động. Thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp, không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và nơi công cộng.
“Điểm đặc biệt nhất của công tác phòng chống Covid-19 ở Cổ Đô chính là việc toàn xã thực hiện mỗi gia đình một quyển sổ, một cây bút, để ghi chép di biến động nhân khẩu hàng ngày trong mỗi gia đình nhằm thực hiện khai báo chi tiết, trung thực nhân khẩu đi đến tại gia đình để đảm bảo phòng chổng Covid-19 ngay từ gia đình mình. Phòng chống Covid-19 là một điều khó và với một xã ở xa trung tâm Thủ đô Hà Nội như Cổ Đô chúng tôi lại càng khó khăn hơn, vất vả nhiều. Với sự đồng thuận của toàn dân, chúng tôi tin, Cổ Đô sẽ làm tốt nhất có thể để thành công trong cuộc chiến cam go này” - ông Nguyễn Minh Đức chia sẻ
Khép lại bài viết này, xin được lấy kết quả cuộc vận động cùng cả nước chung tay đóng góp Quỹ Vắc-xin phòng, chống dịch Covid-19 tại Cổ Đô, chỉ trong vòng một tuần, nhân dân thôn Cổ Đô đã tự nguyện đóng góp ủng hộ 50.627.000 đồng… Hiếm có cuộc vận động nào được làng quê nhỏ bé vùng Xứ Đoài, Ba Vì mây trắng hưởng ứng nhanh và đạt được kết quả cao như vậy.
Nghĩa tình này thật là trân quý!
Hai Phương - Châu Tuấn
Link nội dung: https://pld.net.vn/so-nhat-ky-phong-chong-covid-19-cach-lam-docca3c-dao-cua-nguoi-dan-co-do-a2816.html