Theo Bộ Xây dựng, dự thảo nghị định này đã kế thừa những quy định tích cực của Nghị định số 139/2017/NĐ-CP, đồng thời bổ sung những quy định mới phù hợp luật Xử lý vi phạm hành chính và hệ thống pháp luật chuyên ngành xây dựng.
Đáng chú ý, dự thảo nghị định đã tăng mức phạt tiền lên đến 800 triệu đồng đối với một số hành vi kinh doanh bất động sản như: chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án mà không đảm bảo đầy đủ các yêu cầu hoặc các điều kiện theo quy định; bàn giao nhà, công trình xây dựng cho khách hàng khi chưa hoàn thành đầu tư xây dựng nhà ở, công trình xây dựng và các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo tiến độ ghi trong dự án đã được phê duyệt, chưa đảm bảo kết nối với hệ thống hạ tầng chung của khu vực; huy động, chiếm dụng vốn trái phép; sử dụng vốn huy động của tổ chức, cá nhân hoặc tiền ứng trước của bên mua, bên thuê, bên thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai không đúng mục đích cam kết… Theo Nghị định số 139/2017/NĐ-CP hiện hành, mức phạt cao nhất chỉ là 300 triệu đồng.
Ông N.Q.K, đại diện một doanh nghiệp vừa là chủ đầu tư và tham gia phân phối dự án bất động sản cho biết: "Khi phát triển một dự án thì thời gian làm thủ tục pháp lý, xây dựng bước đầu thường kéo dài một vài năm mới đưa sản phẩm ra thị trường. Do đó doanh nghiệp thường chấp nhận chịu phạt để đưa sản phẩm ra đúng thời điểm "sóng" dù mức phạt là 300 hay 800 triệu, thậm chí là 2 tỷ đồng".
Cũng theo ông K, bản thân các doanh nghiệp bất động sản chân chính đều mong muốn làm theo đúng luật cho “nhàn đầu” nhưng nhiều khi là “bất đắc dĩ”. “Mong muốn của chúng tôi là những thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động kinh doanh bất động sản ngày càng được cải cách theo hướng minh bạch, thông thoáng, đơn giản hóa và công bằng, khi đó các doanh nghiệp sẽ không phải cũng như không thể lách luật nữa” - ông K chia sẻ.
Ông Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam nhận định, đối với dự án có tổng mức đầu tư cả trăm tỷ đồng, hay cả nghìn tỷ đồng thì sai phạm, xử phạt hành chính cao nhất chỉ 2 tỷ đồng là không đủ sức răn đe. Đây là điểm bất cập lớn, kẽ hở của luật pháp để các chủ đầu tư lách, sẵn sàng vi phạm rồi nộp phạt. Nếu không sớm khắc phục điểm này sẽ dẫn đến nhờn luật, mất niềm tin vào pháp luật của người dân, gây thiệt hại cho khách hàng.
Cùng quan điểm với ông Tùng, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, mức phạt 800 triệu đồng như dự thảo Nghị định do Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến đưa ra là chưa đủ sức răn đe.
“Thậm chí, nếu phạt kịch khung trong luật Xử lý vi phạm hành chính là 2 tỷ đồng thì cũng chưa đủ răn đe đối với các chủ đầu tư dự án vài trăm đến hàng nghìn tỷ đồng. Đây chính là bất cập, là kẽ hở pháp luật để chủ đầu tư lách luật, đẩy rủi ro về phía người mua nhà”, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam nói.
Để thay đổi luật có hiệu quả, mang tính đột phá, ông Tùng cho rằng, luật Xử lý vi phạm hành chính cần sửa đổi, bổ sung theo hướng nâng mức phạt, tăng chế tài đối với các ngành, lĩnh vực có tiềm lực kinh tế lớn, trong đó có bất động sản. Mức phạt phải đủ sức răn đe để các chủ đầu tư, người vi phạm thấy rõ nếu có vi phạm thì bản thân chịu thiệt nặng trước, không có lợi lộc gì.
Đồng thời, cần xem xét các yếu tố để hình sự hoá các vụ việc, xử lý nghiêm, dứt điểm. Như vậy mới đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, đủ sức răn đe, chấm dứt được tình trạng đẩy thiệt hại về cho khách hàng như nhiều vụ việc từ trước đến nay. Thậm chí, cần quy trách nhiệm cụ thể, có chế tài xử lý nghiêm đối với người đứng đầu địa phương, các cấp cán bộ khi để xảy ra vi phạm.
Ông Tùng cũng khuyến cáo, người mua nhà cần đủ tỉnh táo trước khi đặt cọc, ký hợp đồng, xuống tiền mua sản phẩm bất động sản. Phải tìm hiểu, nắm chắc được các thủ tục pháp lý của dự án, tránh tiền mất tật mang.
Đức Anh
Link nội dung: https://pld.net.vn/vi-pham-trong-kinh-doanh-bds-phat-toi-da-800-trieu-dong-co-du-suc-ran-de-a3013.html