80% sàn bất động sản tạm đóng cửa do ảnh hưởng của làn sóng COVID–19

Tính đến thời điểm này, chỉ có các sàn giao dịch bất động sản thuộc những doanh nghiệp quy mô lớn, có tiềm lực tài chính và trực tiếp làm chủ đầu tư dự án mới tiếp tục duy trì hoạt động. Còn lại, khoảng 80% các sàn giao dịch bất động sản chỉ làm trung gian môi giới thì hầu như phải “đóng cửa”...

 
3731_anh_1
 Khoảng 80% các sàn giao dịch bất động sản chỉ làm trung gian môi giới thì hầu như phải “đóng cửa”... (Ảnh minh họa))

Trong báo cáo thị trường bất động sản quý II năm nay vừa công bố, Bộ Xây dựng đã thông tin cụ thể về lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền chuyển nhượng.

Cụ thể, theo tổng hợp số liệu từ Sở Xây dựng các địa phương có báo cáo, có 29.949 giao dịch bất động sản thành công; tổng lượng giao dịch bình quân bằng khoảng 118% so với quý trước và bằng khoảng 101% so với cùng kỳ năm 2020.

Riêng tại Hà Nội có 1.094 giao dịch thành công, bằng khoảng 20% so với quý trước, còn ở TP HCM có 3.002 giao dịch thành công, bằng khoảng 87% so với quý trước.

Tính chung ở miền Bắc có 6.384 giao dịch thành công, còn ở miền Trung có 7.300 giao dịch và tại miền Nam có 16.265. Đa số các giao dịch thành công tập trung nhiều ở phân khúc trung cấp và cao cấp.

Bộ Xây dựng cho biết, từ cuối tháng 4, đại dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4, kéo dài và diễn biến phức tạp hơn những lần trước đã có những tác động đến thị trường bất động sản.

"Các sàn giao dịch bất động sản chưa kịp phục hồi hoàn toàn từ những lần trước, do đó chịu tác động, ảnh hưởng nặng nề hơn. Tính đến thời điểm này, hầu như chỉ có các sàn giao dịch bất động sản thuộc những doanh nghiệp quy mô lớn, có tiềm lực tài chính và trực tiếp làm chủ đầu tư dự án mới tiếp tục duy trì hoạt động. Còn lại khoảng 80% các sàn giao dịch bất động sản chỉ làm trung gian môi giới hầu như phải tạm dừng hoạt động", Bộ Xây dựng thông tin.

Thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, tính đến thời điểm này, hầu như chỉ có các sàn giao dịch bất động sản thuộc những doanh nghiệp quy mô lớn, có tiềm lực tài chính và trực tiếp làm chủ đầu tư dự án như: công ty cổ phần dịch vụ địa ốc Đất Xanh Miền Bắc, công ty cổ phần Đầu tư và kinh doanh Bất động sản Hải Phát Land, Tập đoàn CEN Group… mới tiếp tục duy trì hoạt động.

Tuy nhiên hầu hết các sàn này đều hoạt động theo phương thức kinh doanh như bán hàng trực tuyến, áp dụng công nghệ 4.0 vào việc quản lý thông tin, quản lý giao dịch, thanh toán, quảng cáo. Còn lại, khoảng 80% số lượng các sàn giao dịch bất động sản chỉ làm trung gian môi giới thì hầu như đang phải tạm dừng hoạt động.

Nói về thực trạng trên, ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam nhìn nhận, không phải chỉ khi dịch bệnh bùng phát mà từ trước đó, các sàn giao dịch bất động sản đã phải đối mặt với nhiều khó khăn. Dịch bệnh đến càng làm những khó khăn đó thêm trầm trọng.

“Trong hoạt động kinh doanh của họ, sàn giao dịch, môi giới bất động sản luôn phải chịu đựng áp lực, cạnh tranh khốc liệt, thậm chí cả những sự bất công đối với sàn giao dịch để có thể nhận được dự án, sản phẩm. Ngoài việc phải chứng minh năng lực kinh doanh, họ phải giảm phí hoa hồng, phí môi giới xuống mức thấp nhất, để cạnh tranh. Đồng thời còn phải chuẩn bị một lượng tài chính không nhỏ, thường dao động từ 30 -50 triệu đồng trên một căn hộ được nhận bán để nộp cho chủ đầu tư. Có những dự án, khoản tiền phải nộp này lên đến cả trăm tỷ đồng.

“Đây là khoản chi phí lớn nhất mà những tổ chức, cá nhân làm môi giới bất động sản phải đối mặt. Thông thường các sàn giao dịch đều phải đi vay và gặp rất nhiều rủi ro như lãi quá hạn vì tiêu thụ chậm… Nhiều sàn giao dịch bất động sản phải chịu cảnh thua lỗ, nợ nần bởi các khoản chi phí này.

Tệ hơn, nhiều sàn giao dịch sau khi đã hoàn thành bán sản phẩm cho dự án nhưng lại bị chây ì hoàn trả tiền ký cược, thậm chí cả tiền công môi giới. Điều này làm không ít sàn giao dịch bất động sản lâm vào cảnh khốn đốn, nhất là trong tình trạng giãn cách xã hội, hàng hoá không bán được, lại không có tiền tích luỹ để đầu tư, duy trì hoạt động… ”, ông Đính lý giải.

Tại một số tỉnh/thành phố (TP HCM, Hà Nội…) xuất hiện hiện tượng trên các trang thông tin về bất động sản, rất nhiều đơn vị môi giới bất động sản đã mạo danh Chủ đầu tư rao bán, tìm đủ mọi cách lừa người mua đặt cọc nhà ở xã hội. Ngoài ra, các dự án bất động sản bỏ hoang còn tồn tại rất nhiều ở hầu hết các địa phương, gây lãng phí tài nguyên đất đai và làm mất mỹ quan đô thị.

Đức Anh

Link nội dung: https://pld.net.vn/80-san-bat-dong-san-tam-dong-cua-do-anh-huong-cua-lan-song-covid-19-a3026.html