Đề xuất xây dựng Luật về xử lý nợ xấu

Trong bối cảnh lo ngại 425.400 tỉ đồng nợ xấu chưa xử lý xong và thêm vào đó là các khoản nợ tiềm tàng vì dịch bệnh COVID-19, Ngân hàng Nhà nước đề xuất Chính phủ trình Quốc hội xem xét xây dựng Luật về xử lý nợ xấu.

 
Anh 1
 Ngân hàng Nhà nước muốn luật hóa các quy định tại Nghị quyết 42. (Ảnh minh họa))

Từ khi Nghị quyết 42 được ban hành, xử lý nợ xấu đạt kết quả tích cực. Tổng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đến 31/5/2021 là 425.400 tỷ đồng (bao gồm nợ xấu nội bảng, nợ hạch toán ngoại bảng cân đối kế toán, nợ xấu đã bán cho VAMC được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt được xác định theo Nghị quyết 42), giảm 3,4% so với cuối năm 2020.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh dẫn đến khả năng trả nợ của khách hàng vay suy giảm, nợ xấu của các tổ chức tín dụng có khả năng tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới, việc kiểm soát tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng ở mức dưới 2% trong thời gian tới được coi là thách thức không nhỏ đối với ngành ngân hàng. Bên cạnh đó, mô hình tăng trưởng của Việt Nam là mô hình phụ thuộc vào quy mô vốn đầu tư; trong đó chủ yếu dựa vào tín dụng từ khu vực ngân hàng.

"Nếu các khó khăn, vướng mắc trong khuôn khổ pháp lý liên quan đến xử lý nợ xấu (đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp) chưa được tháo gỡ thì sẽ không thể khơi thông được nguồn vốn của hệ thống ngân hàng, qua đó ảnh hưởng đến mức độ an toàn, lành mạnh của hệ thống ngân hàng và tăng trưởng GDP của nền kinh tế", Ngân hàng Nhà nước cho hay.

Tuy nhiên, Nghị quyết 42 là Nghị quyết thí điểm nên hiệu lực chỉ kéo dài 5 năm, đến ngày 15/8/2022 sẽ hết hiệu lực thi hành. Khi hết hiệu lực thi hành, toàn bộ cơ chế về xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 đang được thực hiện sẽ chấm dứt, việc xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng, Công ty TNHH MTV quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan, không được ưu tiên áp dụng một số chính sách được quy định tại Nghị quyết 42.

Việc chấm dứt cơ chế xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 sẽ dẫn đến các khoản nợ cũ chưa xử lý xong , trong khi đó nợ xấu mới tiếp tục hình thành do đại dịch COVID-19, sẽ phải kéo dài hoặc không thể xử lý được. Đồng thời, tổ chức tín dụng thiếu cơ chế tự xử lý nợ xấu, vấn đề này có thể gây bất ổn cho nền kinh tế nói chung và hệ thống ngân hàng nói riêng.

"Tiếp tục kéo dài cơ chế xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 là rất cần thiết. Việc không ban hành Luật sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tiến độ, hiệu quả xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, thiếu hụt cơ chế, chính sách khuyến khích để hỗ trợ TCTD/VAMC xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm, hỗ trợ tài chính cho việc cơ cấu lại tổ chức tín dụng cũng sẽ kéo dài tiến trình cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém", Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh.

Do đó, Ngân hàng Nhà nước kiến nghị Chính phủ đề xuất Quốc hội xem xét xây dựng Luật về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng theo hướng tiếp tục kế thừa các quy định về xử lý nợ xấu tại Nghị quyết số 42 còn phù hợp; sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Nghị quyết số 42 mà thực tiễn triển khai trong thời gian qua gặp khó khăn, vướng mắc.

Đề xuất cho ngân hàng được thu giữ tài sản bảo đảm của nợ xấu mà không cần phải thoả thuận trong hợp đồng

Bên cạnh việc đề xuất luật hoá Nghị quyết 42/2017/QH14, Ngân hàng Nhà nước cũng đưa ra đề xuất sửa đổi chính sách về quyền thu giữ tài sản không cần phải thoả thuận trong hợp đồng.

Điểm b Khoản 2 Điều 7 Nghị quyết 42/2017/QH14 quy định, điều kiện tổ chức tín dụng có quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu là "Tại hợp đồng bảo đảm có thỏa thuận về việc bên bảo đảm đồng ý cho tổ chức tín dụng có quyền thu giữ tài sản bảo đảm…".

Tuy nhiên, các hợp đồng bảo đảm được ký kết trước thời điểm Nghị quyết 42 có hiệu lực đều không quy định trực tiếp nội dung này (vì tại thời điểm hợp đồng được ký kết thì Nghị định 163/2006/NĐ-CP không quy định nội dung này). Do vậy, để đủ điều kiện áp dụng quyền thu giữ tài sản bảo đảm theo quy định trên, các tổ chức tín dụng phải đàm phán lại với bên vay/bên bảo đảm để ký lại hợp đồng bảo đảm có điều khoản thu giữ.

Nhưng khách hàng thường không hợp tác (không ký lại nội dung điều chỉnh hợp đồng bảo đảm có điều khoản thu giữ), vì vậy, các tổ chức tín dụng rất khó để thực hiện việc thu giữ tài sản bảo đảm theo Điều 7 Nghị quyết 42.

Bởi vậy, Ngân hàng Nhà nước đề xuất sửa đổi quy định về việc thu giữ tài sản bảo đảm theo hướng tổ chức tín dụng có quyền thu giữ tài sản bảo đảm cho khoản nợ xấu mà không cần phải có thỏa thuận về việc bên nhận bảo đảm đồng ý cho tổ chức tín dụng có quyền thu giữ tài sản bảo đảm trong hợp đồng bảo đảm.

Theo phân tích của Ngân hàng Nhà nước, điều này sẽ giảm các vụ việc phải giải quyết tại Tòa án, rút ngắn được quá trình xử lý tài sản bảo đảm, qua đó giảm thiểu chi phí cho Nhà nước và tổ chức tín dụng, tối đa hóa giá trị thu nợ từ tài sản bảo đảm, giảm nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng, tăng quyền tiếp cận tín dụng ngân hàng cho các doanh nghiệp.

Quy định này cũng là biện pháp phù hợp nhằm tránh tình trạng con nợ lợi dụng quy định tại Nghị quyết để không hợp tác trong quá trình xử lý nợ (gồm cả việc thực thi các quyền và nghĩa vụ đã được thỏa thuận trong các hợp đồng tín dụng).

Tuy vậy, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, quy định này cũng có thể dẫn tới mặt tiêu cực như nảy sinh một số tranh chấp trong quá trình thu giữ.

Nguyễn Linh

Link nội dung: https://pld.net.vn/de-xuat-xay-dung-luat-ve-xu-ly-no-xau-a3132.html