Kiến nghị giảm 30% giá điện và giảm 50% chi phí dịch vụ tại cảng biển
Trong công văn gửi Văn phòng Chính phủ và Bộ Kế hoạch Đầu tư góp ý Dự thảo Nghị quyết hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đề xuất giảm tiền điện cho các doanh nghiệp chế biến thủy sản giai đoạn 6 tháng cuối năm 2021 cũng như nhiều loại phí khác đến giữa năm 2022 để hỗ trợ phục hồi sản xuất, xuất khẩu thủy sản.
VASEP cho biết nếu chỉ giảm tiền điện cho “kho bảo quản” như dự thảo Nghị quyết sẽ không giúp được chuỗi sản xuất - chế biến, xuất khẩu thủy sản.
Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký VASEP giải thích, các doanh nghiệp chế biến thuỷ sản không tách rời với sản xuất của cả chuỗi thuỷ sản, bao gồm lực lượng đông đảo nông dân nuôi trồng và ngư dân khai thác biển. Một doanh nghiệp chế biến thuỷ sản sẽ gồm đủ tổ hợp cần điện để thực hiện được nhiệm vụ chế biến, đó là chế biến - cấp đông - kho bảo quản. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn đầu tư cả khâu nuôi trồng để hoàn thiện chuỗi cung ứng.
Hơn nữa, ngành thủy sản Việt Nam khẳng định được vị thế hiện nay nhờ vào sự đầu tư lớn của các doanh nghiệp cả khu vực chế biến lẫn nuôi trồng thủy sản để được cấp các chứng nhận quốc tế về phát triển thủy sản bền vững trong tất cả khâu như tiêu chuẩn GlobalGAP, ASC, BAP... Bên cạnh lĩnh vực chế biến, đại dịch COVID-19 đã làm nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại nặng nề nên cần được hỗ trợ để duy trì, tái đầu tư làm nền tảng giữ vững vị thế của thủy sản Việt Nam trên thị trường thế giới.
Vậy nên, VASEP đề nghị giảm 30% tiền điện cho các doanh nghiệp từ khâu nuôi trồng - chế biến - cấp đông - bảo quản. Đây là giải pháp cần thiết, sẽ có ý nghĩa lớn tác động đến việc phục hồi sản xuất - xuất khẩu thuỷ sản của cả chuỗi.
Ngoài ra, theo VASEP hầu hết tỉnh thành đã yêu cầu các doanh nghiệp chỉ được duy trì hoạt động khi đảm bảo điều kiện "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường – 2 địa điểm" để phòng, chống dịch bệnh lây lan vào các nhà máy, các khu công nghiệp. Tuy nhiên, thực tế hiện nay chỉ có khoảng 30% các doanh nghiệp thủy sản tại các tỉnh thành phía Nam đảm bảo được điều kiện "3 tại chỗ".
Với những nhà máy thực hiện được, thì số lượng công nhân có thể huy động cũng chỉ 30 - 50% số lượng lao động, số còn lại phải nghỉ việc hoặc nghỉ không lương. Công suất sản xuất trung bình đã giảm chỉ còn 40 - 50% so với trước đây.
Hơn nữa, các doanh nghiệp còn phải chịu gánh nặng bởi các loại chi phí phát sinh do COVID-19 như trang bị cho công nhân làm việc 3 tại chỗ, trả thêm lương, chi phí xét nghiệm hàng tuần…
Trong khi đó, chi phí logistics tăng “phi mã” thời gian qua càng làm tăng thêm gánh nặng chi phí với các doanh nghiệp.
Ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Minh Phú cho biết tình hình cước vận tải rất khó đoán định: “Hiện tại container đang thiếu trầm trọng. Trong khi đó phía Trung Quốc đang cố gắng kéo hết vỏ container về phía họ. Giá container đã tăng rất nhiều, cước tăng 2 - 4 lần so với bình thường mà chúng tôi cũng không biết cước có tăng nữa không và có container để xuất không", ông Quang chia sẻ.
Trong khi vấn đề cước vận tải chưa thể giải quyết dứt điểm, VASEP đề nghị các cảng biển giảm ít nhất 50% các phí dịch vụ tại cảng gồm phí nâng hạ container, phí bốc dỡ, lưu kho, cắm điện,... từ tháng 8/2021 đến hết tháng 6/2022.
VASEP cũng đề nghị TP.HCM và Hải Phòng dừng thực hiện việc thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu, cảng biển từ tháng 8/2021 đến hết tháng 6/2022; đồng thời điều chỉnh giảm ít nhất 30% các mức phí đang áp dụng.
Kiến nghị bảo hiểm xã hội trả lương cho người lao động
VASEP cũng kiến nghị bảo hiểm xã hội trả lương cho lao động đang đóng bảo hiểm khi người lao động đang phải đi cách ly hoặc dừng làm việc theo quy định chống dịch trong thời gian giãn cách.
Hiện quỹ kết dư bảo hiểm xã hội đang rất lớn, đến hết năm 2020 tổng số kết dư quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp gần 935.100 tỷ đồng. Vì thế trong bối cảnh doanh nghiệp phải co hẹp sản xuất hoặc ngừng sản xuất vì COVID-19, việc bảo hiểm xã hội chi trả lương cho người lao động đang đóng bảo hiểm phải đi cách ly hoặc dừng làm việc vì quy định giãn cách, chống dịch là hoàn toàn hợp lý.
Ở khía cạnh này, Hiệp hội Dệt may (Vitas) kiến nghị dừng đóng các khoản thu không phải chi ngay mà để kết dư, như dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất và tăng thời gian dừng đóng lên 1 năm, thay vì 6 tháng theo Nghị quyết 68. Với các doanh nghiệp nằm trong địa phương đang giãn cách xã hội thì được giảm 50% số tiền phải nộp.
Giảm phí công đoàn
VITAS và VASEP cũng đưa ra đề xuất về việc giảm phí công đoàn, áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp. Lý do là doanh nghiệp đang đối mặt với vô vàn khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã ngưng hoạt động trong khi khoản kinh phí công đoàn và đoàn phí công đoàn là vô cùng lớn.
Đại diện VASEP đề nghị giảm mức đóng kinh phí công đoàn từ 2% quỹ lương xuống tối đa 1%, áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp chứ không chỉ “doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19".
“Việc giảm mức đóng này là chính sách hỗ trợ thiết thực cho cả người lao động và doanh nghiệp, đồng thời phát huy vai trò của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, vừa có ý nghĩa để chung tay với Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp đẩy lùi dịch bệnh”, đại diện VASEP chia sẻ.
Còn VITAS thì đưa ra đề nghị dừng thu kinh phí công đoàn và đoàn phí công đoàn trước mắt đến 30/6/2022, với các điều kiện như quy định tại Nghị quyết 68/NQ-CP về dừng nộp vào quỹ hưu trí và tử tuất (tức là ít nhất có 15% lao động, kể cả lao động ngừng việc, tạm hoãn, thỏa thuận nghỉ không lương) thay vì 50% như quy định tại Công văn số 2059/TLĐ của Tổng Liên đoàn Lao động ngày 28/5/2021.
Riêng với các doanh nghiệp tại các địa phương thực hiện Chỉ thị 16 thì không phải giảm mức đóng về 1% mà “miễn đóng đến 31/12/2021”, bà Hoàng Ngọc Ánh - Tổng thư ký VITAS đề xuất thêm.
Đồng thời, VITAS kiến nghị cho phép doanh nghiệp phối hợp với Công đoàn cơ sở được sử dụng quỹ công đoàn đang kết dư tại doanh nghiệp trả chi phí test nhanh, chi phí xét nghiệm cho người lao động và hỗ trợ người lao động gặp khó khăn.
Đợt dịch thứ 4 đang khiến doanh nghiệp dệt may, thuỷ sản rơi vào cảnh hết sức khó khăn. Theo báo cáo của VITAS, giãn cách xã hội kéo dài tại các tỉnh phía Nam khiến 50% doanh nghiệp dệt may tại đây bị ảnh hưởng. Hiện tỷ lệ nhà máy phải đóng cửa đã lên tới 35%, do không đủ kinh phí để thực hiện "3 tại chỗ". Còn với ngành thuỷ sản, con số này là 70%.
Dệt may, thuỷ sản cũng đang đối diện thách thức thiếu hụt lao động, tỷ lệ tiêm vaccine thấp. Dự báo, kim ngạch xuất khẩu dệt may năm nay chỉ đạt 32 - 33 tỷ USD, còn thuỷ sản đạt 8 - 9 tỷ USD.
Thùy Linh
Link nội dung: https://pld.net.vn/doanh-nghiep-det-may-thuy-san-kien-nghi-giam-bot-nhieu-khoan-phi-a3548.html