Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB): Ẩn số nợ xấu, tăng trưởng âm, tiềm ẩn rủi ro nhà đầu tư ?

Quý 2/2021 ngành ngân hàng nói chung được đánh giá có sự tăng trưởng mạnh mẽ, nhưng với SCB lại ngược lối, khi ghi nhận tăng trưởng âm trên 1.131 tỷ đồng. Phần lớn lợi nhuận của nhà băng này cậy nhờ từ nguồn thu bán bảo hiểm và hiện nay nợ xấu của SCB cũng đang là một ẩn số, tiềm ẩn rủi ro cao cho nhà đầu tư?
ngan hang tmcp sai gon scb an so no xau tang truong am tiem an rui ro nha dau tu
Ông Bùi Anh Dũng - Chủ tịch SCB

Rủi ro cao khi tài sản có khác chiếm 25,77% tổng tài sản

SCB của đại gia Bùi Anh Dũng là Chủ tịch, có quy mô tổng tài sản đạt 671 tỷ đồng, tăng 6% so với đầu năm và hiện là ngân hàng TMCP tư nhân có tổng tài sản lớn nhất.

Theo công bố trên website thì tỷ lệ nợ quá hạn và nợ xấu của SCB được kiểm soát tốt, tỷ lệ lần lượt là 1,19% và 0,89%. Và hoạt động huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư của SCB tiếp tục tăng trưởng mạnh với tỷ lệ 5,8% so với cuối năm 2020, đạt 612.375 tỷ đồng, trong đó tiền gửi từ dân cư chiếm 93,6%.

Phải tới tháng 8, SCB mới “dè dặt” đưa ra báo cáo tài chính quý 2 của mình trên website của ngân hàng, nhưng nhà băng này vẫn giữ truyền thống khi không công bố báo cáo lưu chuyển tiền tệ và thuyết minh báo cáo tài chính.

Theo số liệu trong báo cáo tài chính mới nhất quý 2/2021 của SCB cho thấy. So với đầu năm, cho vay khách hàng của SCB chỉ tăng nhẹ thêm 8,8 tỷ đồng, tương ứng tăng 2,54%, hiện đạt 356,896 tỷ đồng. Đây được xem là mức tăng trưởng tín dụng thấp nhất trong hệ thống ngân hàng thương mại.

So với đầu năm, mặc dù tiền gửi khách hàng của SCB có tăng thêm 11,44 tỷ đồng, hiện đạt 479,216 tỷ đồng, nhưng chi phí lãi của nhà băng này lại giảm 103 triệu đồng, tương ứng giảm 1,07%. Số liệu công bố này của SCB liệu có bất thường ?

Khoản mục tài sản có khác của SCB đang ở mức rất cao so với trong toàn hệ thống ngân hàng thương mại, đạt trên 154.534 tỷ đồng, chiếm tới 25,77% tổng tài sản có của ngân hàng.

Theo giới chuyên gia tài chính - ngân hàng, khoản mục tài sản có khác không nên chiếm quá 5% tổng tài sản của ngân hàng. Nếu phần tài sản có khác này, tức là “tài sản chết” càng cao thì khả năng sinh lời thực tế càng thấp, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho ngân hàng. Ngân hàng phải đối mặt với thách thức chất lượng tài sản bị suy yếu, do không thể khơi thông dòng vốn.

ngan hang tmcp sai gon scb an so no xau tang truong am tiem an rui ro nha dau tu

Ẩn số nợ xấu, thu nhập lãi âm

Nợ xấu quý 2/2021 và từ đầu năm 2021 của SCB hiện đang là một ẩn số? Vì sao SCB lại không công bố phần thuyết minh của báo cáo tài chính từ đầu năm đến nay ?

Chỉ biết rằng nợ xấu quý 2/2020 của nhà băng này ở con số trên 2.319 tỷ đồng, đến quý 3/2020 nợ xấu đã tăng thêm 288 tỷ đồng, lên thành 2.607 tỷ đồng. Và năm 2021, SCB đã phải nâng tổng quỹ dự phòng rủi ro lên tới gần 13.600 tỷ đồng. Trong đó SCB đã trích lập tới 2.000 tỷ đồng để chi phí cho dự phòng rủi ro tín dụng.

Điều này dự báo nợ xấu của SCB sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, trong tương lai gần sẽ có thêm nhiều tỷ đồng khác và tiếp tục đè nặng lợi nhuận.

Điều đáng bàn ở đây là, cách nay 6 tháng, vào thời điểm 31/12/2020, nợ xấu của SCB cao kỷ lục và bất ngờ, tới 36,77%. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) là một con số khủng hơn 22.247 tỉ đồng, trong khi năm 2019, số nợ này là 0. Nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) là 973 tỉ đồng, tăng 99% so với năm 2019. Nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) là 2.191 tỉ đồng, tăng 130% so với năm 2019.

Không rõ, SCB có “thủ thuật tài chính" gì mà có thể hoá giải số nợ xấu khổng lồ trên chỉ trong vòng 6 tháng, trong khi kinh doanh “èo uột” đến như vậy?

Chưa kể, SCB vẫn còn hơn 10.000 tỉ đồng nợ xấu bán cho VAMC và hơn 1.100 tỉ đồng nợ quá hạn tại thời điểm đầu năm 2021.

Việc không công bố thuyết minh báo cáo tài chính phải chăng SCB đang cố gắng che đậy điều gì ?

Số liệu từ báo cáo tài chính cũng cho thấy thu nhập lãi thuần của SCB trong quý 2/2021 giảm sâu nhất trong 4 quý trở lại đây, khi âm tới 1.131 tỷ đồng, dẫn tới lũy kế 6 tháng đầu năm của nhà băng này âm tới 1.236 tỷ đồng. Trong khi đó, quý 2/2020 thu nhập lãi thuần của SCB đạt 302,99 tỷ đồng.

Không chỉ thu nhập lãi thuần quý 2/2021 của SCB bị giảm đều và sâu ở các quý, mà tổng lợi nhuận sau thuế và lợi nhuận sau thuế của ngân hàng mẹ cũng giảm sâu và đều liên tiếp từ quý 4/2020 đến nay. Cho thấy các chỉ số tài chính của SCB đều ở mức thấp và thiếu bền vững trong hệ thống ngân hàng.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid -19 vẫn đang diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, đặc biệt các tỉnh, thành phố lớn đang phải thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, dẫn tới nhiều doanh nghiệp buộc phải dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng để đảm bảo công tác phòng chống dịch, người lao động bị giảm thu nhập đáng kể, việc này sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới thu nhập của các tổ chức tín dụng... Liệu nhà đầu tưu có tiếp tục tin tưởng đặt niềm tin vào hoạt động của SCB khi tăng trưởng chưa ngoi lên khỏi mặt đất ?

Nguyễn Long

Link nội dung: https://pld.net.vn/ngan-hang-tmcp-sai-gon-scb-an-so-no-xau-tang-truong-am-tiem-an-rui-ro-nha-dau-tu-a3792.html