Đưa các nghiên cứu đột phá ra thị trường
Paul Verschure thành lập startup Eodyne Systems tại Barcelona vào năm 2014 để ứng dụng các nghiên cứu vào việc chữa trị phục hồi chức năng thần kinh cho bệnh nhân.
Năm 2014, ông bắt đầu nhận tài trợ ERC để nghiên cứu lý thuyết, từ đó mang lại các phương pháp tiếp cận mới để phục hồi chức năng thần kinh. Chính hoạt động này đã mở đường cho việc ông tiếp tục xin khoản tài trợ PoC của ERC hiện nay, để mở rộng hệ thống trò chơi phục hồi chức năng của Eodyne (RGS), ban đầu được thiết kế để điều trị suy giảm vận động sau đột quỵ, hỗ trợ phục hồi nhận thức.
Verschure cho biết: “Khoản tài trợ PoC cho phép chúng tôi cải thiện mức độ sẵn sàng về công nghệ của nghiên cứu can thiệp nhận thức này và thực hiện nghiên cứu lâm sàng”. Tiền đề này sau đó đã được tổng quát hóa và mở rộng trong một dự án về sức khỏe tinh thần EIT Health có tên RGS @ home, trong đó phiên bản sử dụng tại nhà của hệ thống RGS đang được phát triển. Các phương pháp phục hồi chức năng của công ty được sử dụng tại khoảng 100 phòng khám, phần lớn ở châu Âu và đã điều trị cho hàng nghìn bệnh nhân. Phương pháp cũng đã được chấp thuận ở Hoa Kỳ và công ty đang tìm hiểu quan hệ đối tác với các công ty công nghệ y tế quốc tế.
Tương tự với nhóm của Verschure, các nhóm nghiên cứu khác như MOXOFF và Glycanostics cũng được hưởng lợi từ tài trợ cho nghiên cứu đổi mới sáng tạo của ERC.
Alfio Quarteroni nhận tài trợ cho công ty MOXOFF tại Milano, do ông thành lập vào năm 2010 cùng với hai giáo sư khác trong Phòng thí nghiệm về Mô hình hóa và Máy tính Khoa học (MOX) tại Khoa Toán học tại Politecnico di Milano. MOX phát triển các công cụ mô phỏng phù hợp để giải quyết các vấn đề của ngành công nghiệp. MOXOFF nhận được tài trợ PoC vào năm 2013 để khám phá tiềm năng thương mại của một mô hình toán học mô phỏng sự lưu thông máu trong toàn bộ cơ thể. Khoản tài trợ PoC nhằm khám phá ứng dụng của của mô hình để xây dựng công cụ đánh giá nguy cơ phình động mạch chủ bụng.
Chỉ với kinh phí một năm, nhóm đã tập trung vào việc mô phỏng lưu lượng máu. Sau đó, tới gói tài trợ PoC thứ hai, nhóm có thể phát triển mô hình toán học cho cấu trúc cơ học, kết hợp với thước đo chất lỏng và áp dụng cho nhiều bệnh nhân hơn.
Còn startup Glycanostics ở Bratislava của nhà đồng sáng lập Jan Tkáč nhận được tài trợ PoC để nghiên cứu trong giai đoạn tiền chuyển giao ra thị trường. Ông đã nhận được một khoản trợ cấp ERC bắt đầu từ năm 2013 để nghiên cứu tại Viện Hóa học ở Bratislava về các phương pháp mới để phát hiện glycans, loại đường phức tạp liên quan đến nhiều khía cạnh của sinh lý và bệnh lý tế bào. Vào năm 2017, cùng với Tomáš Bertók, nghiên cứu sinh tiến sĩ của mình trong dự án, Tkáč đã thành lập Glycanostics để thương mại hóa công nghệ này để sử dụng trong chẩn đoán ung thư. PoC đã tài trợ, giúp công ty xây dựng dữ liệu lâm sàng và đơn đăng ký bằng sáng chế.
Lấp khoảng Trống về đầu tư mạo hiểm
Đó là ba trường hợp tiêu biểu cho thấy quỹ tài trợ này của ERC đã linh hoạt, nối dài việc tài trợ nghiên cứu, từ chuyển giao công nghệ từ kết quả nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, cho đến đầu tư cho hoạt động khởi nghiệp như thế nào. Khoản tài trợ PoC của ERC ra đời nhằm mục đích tối đa hóa giá trị của nghiên cứu xuất sắc, để nối dài các chương trình nghiên cứu cơ bản hoặc định hướng ứng dụng mà ERC đã tài trợ trước đó. Nhưng không ngẫu nhiên các kết quả tài trợ sẽ tới đúng địa chỉ. Để tài trợ cho các nghiên cứu từ lab đến biz như vậy, ERC tìm hiểu các công ty, các nhóm nghiên cứu đã nhận được tài trợ của ERC từ trước đó. PoC có một quy trình đánh giá chặt chẽ và nghiêm ngặt với các tiêu chí:
Tiềm năng đổi mới đột phá: Các nhóm đề xuất sẽ phải chứng minh rằng các nghiên cứu ứng dụng này có tiềm năng thúc đẩy sự đổi mới và sáng tạo trong kinh doanh và / hoặc giải quyết các thách thức xã hội, và các kết quả dự kiến được đề xuất là sáng tạo hoặc khác biệt so với các giải pháp hiện có.
Cách tiếp cận và phương pháp luận: Các đề xuất có tính khả thi trong phạm vi thời gian và nguồn lực kinh phí đã đề xuất, đồng thời có tiềm năng đổi mới.
Năng lực và cam kết của ứng viên: Ứng viên đề xuất cần chứng minh khả năng tiến hành quản lý dự án, tổng hợp thông tin và dữ liệu cần thiết để đưa ra các quyết định chiến lược và thực hiện kế hoạch đã đề ra.
Nguồn tài trợ PoC của ERC sẽ giúp các nhà nghiên cứu, startup tiếp tục các nghiên cứu thử nghiệm, trình diễn và đánh giá khả năng đưa vào thị trường, tính khả thi của các nghiên cứu ứng dụng; cũng như tiến hành các nghiên cứu cần thiết thực hiện hoàn thiện cho quy mô thị trường, đánh giá những điểm yếu của các nghiên cứu khi đưa vào ứng dụng trên quy mô rộng; quản lý tài sản trí tuệ hình thành từ nghiên cứu hoặc chuyển giao tài sản trí tuệ cho các đối tác công nghiệp, các tổ chức xã hội hoặc văn hóa, các nhà hoạch định chính sách hoặc bất kỳ bên liên quan tiềm năng nào khác hỗ trợ việc chuyển đổi kết quả nghiên cứu; đánh giá khả năng tiếp nhận của “thị trường” cũng như tiềm năng đổi mới...
ERC đã thực hiện một cuộc khảo sát để hiểu về các nhóm nghiên cứu đã nhận tài trợ, kết quả cho thấy 11% nhóm nhận tài trợ đã hình thành nên một công ty khởi nghiệp hoặc chuyển giao kết quả nghiên cứu cho một công ty ra đời từ trước đó, và 51% số nhận được tài trợ từ PoC đang thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Hiện tại ERC đang xây dựng một một cơ sở dữ liệu về các công ty khởi khiệp được hình thành từ nguồn tài trợ của ERC.
Dữ liệu bước đầu hiện nay về hơn 400 công ty, cho thấy các thông tin cơ bản về tình hình hoạt động của các công ty khởi nghiệp này, ý tưởng nghiên cứu, khởi nghiệp cũng như cách các công ty phát triển sau khi nguồn tài trợ của ERC, cách họ kêu gọi thêm nguồn tài trợ để hoạt động...
Laura Pontiggia, nhà phân tích chính sách cố vấn cho Hội đồng Khoa học ERC về đổi mới sáng tạo cho biết: “Chúng tôi muốn tiếp tục đánh giá các công ty khởi nghiệp từ các kết quả nghiên cứu học thuật để xem liệu những công ty do ERC tạo ra có thành công hơn không”.
Nguồn: sciencebusiness;
erc.europa.eu
Bảo Như tổng hợp
Link nội dung: https://pld.net.vn/erc-ho-tro-dau-tu-mao-hiem-a3795.html