Nhờn luật.
Việc vi phạm trong khai thác và buôn lậu than của Công ty CP Yên Phước đã diễn ra trong thời gian dài, cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên đã từng phát hiện, từng xử phạt nhưng không hiểu sao lại "buông lỏng quản lý" để Công ty này tiếp tục gia tăng qui mô khai thác lậu với số lượng hàng triệu tấn, thu lời bất chính hàng trăm tỷ đồng?.
Theo đó, từ 2019 đến năm 2021, các cơ quan chức năng của tỉnh Thái Nguyên đã tiến hành 05 đợt kiểm tra đối với hoạt động khai khoáng và những dấu hiệu vi phạm của Công ty Cổ phần Yên Phước.
Cùng thời điểm với việc xác minh đơn tố cáo Bí thư huyện ủy Đại Từ Lê Kim Phúc và các cộng sự, tỉnh Thái Nguyên cũng đã có đoàn Thanh tra về việc chấp hành quy định pháp luật trong hoạt động khai thác, chế biến, kinh doanh than của Công ty CP Yên Phước.
Theo Kết luận thanh tra số 1311/KLTT-SCT của Sở Công Thương tỉnh Thái Nguyên do ông Nguyễn Văn Thủy, Phó Giám đốc ký ngày 20/7/2020, Công ty CP Yên Phước được Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cấp giấy phép số 1091/GP-UBND ngày 2/6/2014 khai thác than tại Mỏ than Minh Tiến, thuộc địa bàn xã Minh Tiến và xã Na Mao, huyện Đại Từ, với thời hạn khai thác đến hết ngày 28/6/2031.
Trong quá trình hoạt động (từ ngày 1/1/2019 đến thời điểm thanh tra), Công ty có đầy đủ hồ sơ pháp lý, lập bản đồ hiện trạng khai thác mỏ, thực hiện các thủ tục thuê đất, sử dụng đất để phục vụ hoạt động khai thác than và xây dựng công trình phụ trợ khai thác than...
Tuy nhiên, qua kiểm tra, xác minh, quá trình hoạt động khai thác khoáng sản của Công ty CP Yên Phước còn các vi phạm như: Khai thác không đúng thông số về chiều cao tầng của hệ thống khai thác đã xác định trong thiết kế mỏ; khai thác vượt ra ngoài ranh giới khu vực được khai thác 843 m2. Công ty này sử dụng 189.844 m2 đất rừng vào hoạt động khai thác khoáng sản không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định; kê khai thiếu khối lượng đất đá thải, thiếu sản lượng để tính phí bảo vệ môi trường; lập sổ theo dõi xuất nhập vật liệu nổ ghi chưa đầy đủ, hộ chiếu nổ mìn lập không đầy đủ nội dung...
Trước những sai phạm này, Sở Công Thương tỉnh Thái Nguyên yêu cầu Công ty CP Yên Phước phải tuân thủ đúng quy định pháp luật theo Giấy pháp khai thác khoáng sản được Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cấp; tuân thủ quy trình, quy phạm trong khai thác theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong khai thác mỏ lộ thiên QCVN 04:2009/BCT, tiêu chuẩn quốc gia về an toàn trong khai thác mỏ lộ thiên TCVN: 5326:2008, thực hiện quan trắc dịch động; thực hiện cắt tầng khu vực khai thác đảm bảo tuân thủ theo thiết kế mỏ; phải cắm mốc khép góc khu vực khai thác khoáng sản theo tọa độ ghi trong Giấy phép khai thác khoáng sản...
Điều đáng nói là qua thanh tra không phát hiện Công ty CP Yên Phước sai phạm về hành vi khai thác, mua bán hàng triệu tấn than trái phép tại Mỏ than Minh Tiến (Đại Từ); mặc dù ngay trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, doanh nghiệp này cũng đã lập một kho chứa lớn trước khi chuyển đi tiêu thụ.
Điều đáng ngạc nhiên hơn nữa, ngày 20/7/2020, ông Nguyễn Văn Thủy, Phó Giám đốc Sở Công thương mới ký Kết luận thanh tra số 1311/KLTT-SCT, nhưng ngày 17/7/2020 UBND tỉnh Thái Nguyên đã ký quyết định số 2206/QĐ-XPVPHC xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty CP Yên Phước với tổng số tiền hơn 500 triệu đồng do có các hành vi vi phạm: Khai thác không đúng thông số về chiều cao tầng của hệ thống khai thác đã xác định trong thiết kế mỏ; khai thác vượt ra ngoài ranh giới khu vực được cấp phép, sử dụng đất rừng vào mục đích khác không được cơ quan có thẩm quyền cho phép; không thu gom chất thải nguy hại theo quy định; hộ chiếu nổ mìn lập không đầy đủ nội dung. Quyết định này cũng yêu cầu Công ty cổ phần Yên Phước buộc phải khai thác đúng các thông số của hệ thống khai thác trong thiết kế mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường, đưa các khu vực đã khai thác vượt ra ngoài phạm vi được cấp phép về trạng thái an toàn?
Buông lỏng quản lý hay có bảo kê?
Hơn một năm kể từ ngày có quyết đinh xử phạt, Công ty CP Yên Phước và Công ty Đông Bắc Hải Dương vẫn tiếp tục tổ chức khai thác và buôn lậu với số lượng hàng triệu tấn nhưng lại lập khống hồ sơ nghiệm thu, báo cáo số lượng khai thác với UBND tỉnh và Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Thái Nguyên, sản lượng khai thác hàng năm chỉ bằng đúng với số lượng được cấp phép và điều đáng nói là cơ quan chức năng Thái Nguyên cũng tin đúng như vậy?!
Rất nhiều câu hỏi đặt ra là để vận chuyển trót lọt hàng triệu tấn than lậu từ địa bàn Tỉnh Thái Nguyên qua các Tỉnh khác sang đến Tỉnh Hải Dương các đối tượng trên đã làm thế nào để qua mặt một loạt các cơ quan chức năng như Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông, Quản lý thị trường...? Tấm "kim bài" kiểu "logo xe vua" nào giúp các đối tượng này thông chốt? Chỉ là "buông lỏng quản lý" hay có sự bảo kê của các lực lượng chức năng?
Và, trước khi trả lời cơ quan điều tra trả lời được những câu hỏi này thì hàng triệu tấn than khai thác vượt lậu đã được bị can Linh cùng Giang và Thanh tổ chức tiêu thụ trái phép trót lọt và thu lợi bất chính hàng trăm tỷ đồng.
Kết quả điều tra
Kết quả điều tra, lực lượng chức năng xác định Châu Thị Mỹ Linh, Giám đốc Công ty CP Yên Phước đã câu kết, bàn bạc với Bùi Hữu Thanh, Bùi Hữu Giang là người điều hành Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương tổ chức thực hiện khai thác, mua bán hàng triệu tấn than trái phép tại mỏ than Minh Tiến ở xã Minh Tiến và xã Na Mao, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, thu lợi bất chính hàng trăm tỷ đồng.
Theo đó, năm 2019, Châu Thị Mỹ Linh và Hà Anh Tuấn (đại diện Công ty Đông Bắc Hải Dương) ký hợp đồng để cho Công ty Đông Bắc được khai thác, chế biến than tại mỏ than Minh Tiến; Giá thành khai thác 1 tấn than thành phẩm là 450.000 đồng; Khối lượng khai thác ít nhất 400.000 tấn/năm; Hiệu lực hợp đồng là 5 năm, kể từ ngày ký kết.
Công ty CP Yên Phước bán tất cả các sản phẩm than và đá đen kẹp than sau khai thác cho Công ty Đông Bắc Hải Dương, không được bán cho bất cứ đơn vị thương mại nào khác, giá bán cụ thể xác định theo từng loại than và thay đổi theo thị trường. Thực tế, khi thực hiện 2 hợp đồng trên là Bùi Hữu Thanh và Bùi Hữu Giang thực hiện việc khai thác, chế biến, tiêu thụ than và trả tiền cho Châu Thị Mỹ Linh.
Ngay từ khi thỏa thuận và ký hợp đồng, Châu Thị Mỹ Linh đã để Công ty Đông Bắc Hải Dương vào khai thác gấp 47 lần công suất hàng năm (8.500 tấn), vượt cả sản lượng mỏ được cấp phép (136.000 tấn).
Từ tháng 3/2019 đến tháng 8/2021, Công ty Đông Bắc Hải Dương trực tiếp thực hiện việc khai thác dưới sự chỉ định và giám sát của nhân viên Công ty CP Yên Phước với sản lượng khai thác khoảng hơn 2 triệu tấn than nguyên khai. Bình quân hàng năm, lượng than công ty này khai thác lậu gấp hơn 120 lần số lượng được phép khai thác.
Tháng 8/2021, lực lượng chức năng đã khám xét các bãi than thuộc các doanh nghiệp tại Thái Nguyên và Hải Dương. Phần lớn các bãi than có khối lượng chênh lệch so với hóa đơn nhập hàng. Có bãi than, lực lượng chức năng phát hiện hàng chục nghìn tấn không rõ nguồn gốc, không có hóa đơn. Theo quả điều tra ban đầu xác định, công ty của Linh đã bán cho công ty của Giang và Thanh hơn 1 triệu tấn than được khai thác lậu, thu về số tiền hơn 121 tỷ đồng.
Tiếp đó, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam, lệnh khám xét đối với 12 bị can vì có hành vi "Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên". Trong đó có 4 bị can là lãnh đạo, nhân viên Công ty CP Yên Phước, trụ sở tại xóm Nhất Trí, xã Yên Lãng (Đại Từ) gồm: Châu Thị Mỹ Linh (Giám đốc); Ngụy Quang Thuyên (nhân viên); Doãn Thị Định (nhân viên kế toán); Đỗ Thị Luyến (nhân viên).
Được biết: Hiện nay, ngoài những người đã bị bắt, cơ quan chức năng đang phối hợp điều tra làm rõ trách nhiệm của nhiều người khác có liên quan đến đường dây khai thác, tiêu thụ than lậu với quy mô lớn này. Đồng thời làm rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước tại Thái Nguyên và Hải Dương trong việc để khai thác, tiêu thụ khối lượng than lậu khủng, trong thời gian dài cũng đang được cơ quan có thẩm quyền điều tra làm rõ.
Việt Bắc - Hoàng Nam