10 năm thực hiện Luật Khoáng sản - những đóng góp cho nền kinh tế: Tìm giải pháp “gỡ khó”

Sau 10 năm thực thi Luật Khoáng sản, Bộ TN&MT đang tiến hành rà soát, đánh giá và nhận thấy, một số quy định của pháp luật về khoáng sản không còn phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước, vì vậy, sửa đổi Luật khoáng sản để phù hợp với tình hình mới là nhiệm vụ then chốt hiện nay.

 Còn nhiều tồn tại, bất cập

Sau 10 năm thực hiện Luật Khoáng sản năm 2010, công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đã bộc lộ một số tồn tại, bất cập. Quy định về thuế tài nguyên; thuế xuất khẩu... chưa khuyến khích được doanh nghiệp đầu tư vốn, công nghệ, thiết bị tiên tiến để thu hồi tối đa, sử dụng tổng hợp, hợp lý, tiết kiệm khoáng sản khi khai thác, chế biến; chưa có quy định cụ thể việc hạch toán các chi phí phục hồi môi trường; hỗ trợ xây dựng, cải tạo các công trình hạ tầng kỹ thuật do hoạt động khoáng sản gây ra.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành đã chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn và đi đến chấm dứt hoạt động khai thác trái phép, đến nay, tình trạng này đã giảm cả về số lượng địa phương có hoạt động khai thác trái phép cũng như số lượng các khoáng sản bị khai thác trái phép. Tuy nhiên, khai thác trái phép khoáng sản, nhất là cát, sỏi lòng sông vẫn còn phức tạp ở nhiều địa phương, dù đã giảm nhưng vẫn có nguy cơ tái diễn. Còn nhiều doanh nghiệp khai thác không thực hiện nghĩa vụ cải tạo, phục hồi môi trường trong quá trình khai thác và khi kết thúc khai thác (đóng cửa mỏ) gây tác động xấu không chỉ về môi trường và cả về kinh tế - xã hội.

Một số quy định của pháp luật về khoáng sản không còn phù hợp, chưa thống nhất, đồng bộ với pháp luật hiện hành. Ảnh: MH
Một số quy định của pháp luật về khoáng sản không còn phù hợp, chưa thống nhất, đồng bộ với pháp luật hiện hành. Ảnh: MH)

Tìm hướng giải quyết những tồn tại

Để khắc phục những vấn đề trên, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã đề xuất các giải pháp cụ thể. Theo đó, cần đẩy mạnh và thực hiện tốt việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Bên cạnh đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản, nhất là đối với công tác thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản, xác định sản lượng khoáng sản khai thác thực tế; thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường; kiên quyết xử lý đối với hành vi vi phạm pháp luật về khoáng sản và môi trường.

Tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 30/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản. Theo đó, các địa phương hoàn thành việc xây dựng Quy chế phối hợp quản lý khoáng sản ở khu vực giáp ranh hai hay nhiều tỉnh nhất là khoáng sản cát, sỏi lòng sông; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân, xử lý cơ quan hoặc người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra sai phạm tại địa bàn quản lý; tăng cường và thực hiện tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý khai thác cát, sỏi; tăng cường quản lý, kịp thời phát hiện, tố cáo các hành vi tiêu cực trong quản lý, hoạt động khoáng sản nói chung, khoáng sản cát, sỏi nói riêng.

Đại diện lãnh đạo Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cho rằng, trước yêu cầu thực tiễn ngày càng cao để phát triển đất nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Tổng cục sẽ hoàn thành nhiệm vụ tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 25/4/2011 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trong tháng 10/2021 để Bộ trình Ban Cán sự đảng Chính phủ trình trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 02-NQ/TW nhằm định hướng Chiến lược địa chất, khoáng sản và phát triển công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trên cơ sở đó xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược địa chất và khoáng sản đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.

Triển khai đánh giá tác động chính sách, quy định của Luật Khoáng sản sau 10 năm thực hiện, rà soát các vấn đề vướng mắc phát sinh trên thực tiễn để xuất nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Khoáng sản nhằm thống nhất nội dung quản lý Nhà nước về địa chất, khoáng sản trong giai đoạn tới.

o-ho-duc-hop
Ông Hồ Đức Hợp - Giám đốc Sở TN&MT Yên Bái
Khắc phục tồn tại để đáp ứng các yêu cầu hội nhập
Trong quá trình thực hiện Luật Khoáng sản, tôi cho rằng còn một số khó khăn vướng mắc cần bổ sung, sửa đổi như: Chưa có quy định cụ thể việc liên doanh, liên kết trong hoạt động khai thác khoáng sản để gắn trách nhiệm của các bên liên quan trong hoạt động khoáng sản để phù hợp, đồng bộ với Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp.
Đồng thời, cũng chưa có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vốn, công nghệ, thiết bị tiên tiến để thu hồi tối đa, sử dụng tổng hợp, hợp lý, tiết kiệm khoáng sản, chưa có quy định cụ thể về mức độ chế biến sâu; chưa có cơ chế kiểm soát chặt chẽ chất lượng công tác thăm dò, đảm bảo tính chính xác của kết quả thăm dò.
Việc hạch toán các chi phí phục hồi môi trường hiện chưa có quy định cụ thể; hỗ trợ xây dựng, cải tạo các công trình hạ tầng kỹ thuật công cộng do hoạt động khoáng sản gây ra, dẫn đến không thể tính toán rõ hiệu quả khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của địa phương và người dân nơi có khoáng sản được khai thác.
Ngoài ra, quy định về phương thức xác định thiệt hại, cơ quan có trách nhiệm chủ trì việc đền bù thiệt hại khi khu vực khoáng sản được công bố là khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm cấm hoạt động khoáng sản cũng cần được bổ sung; Và các quy định về thu hồi, xử lý tài sản khi Giấy phép khai thác khoáng sản bị thu hồi, chấm dứt hiệu lực cũng cần được quy định.
Tôi cho rằng, cần có quy định cụ thể về trách nhiệm của đơn vị khai thác khoáng sản đối với người dân và địa phương nơi có khoáng sản được khai thác để làm cơ sở cho các doanh nghiệp triển khai thực hiện và công tác quản lý của các cơ quan Nhà nước… Đó là một số tồn tại trong thực hiện mà để phát triển công nghiệp khai khoáng đáp ứng các yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển bền vững mà chúng ta cần khắc phục và hoàn thiện.
o.-minh-pgd-so-dak-nong
Ông Võ Văn Minh - Phó Giám đốc Sở TN&MT Đắk Nông
Cần điều chỉnh thêm một số quy định
Từ khi Luật Khoáng sản năm 2010 có hiệu lực thi hành, tỉnh Đắk Nông đã nghiêm túc triển khai thực hiện. Trong đó, Đắk Nông đã cơ bản phòng ngừa, ngăn chặn, đảm bảo an ninh - trật tự có liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản. Tuy vậy, vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc khi triển khai thực hiện tại địa phương.
Cụ thể, trong quản lý khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường theo quy định tại Điều b, Khoản 2, Điều 64 Luật Khoáng sản 2010 có quy định tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường không phải đề nghị cấp Giấy phép khai thác khoáng sản khai thác trong diện tích đất ở thuộc quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân để xây dựng các công trình của hộ gia đình, cá nhân trong diện tích đó.
Tuy nhiên, trên thực tế tại địa phương xảy ra các trường hợp như khai thác đất san lấp thuộc đất ở hộ gia đình, cá nhân khai thác trong diện tích đất ở thuộc quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân đó nhưng không sử dụng mà cho người khác sử dụng hoặc đổ vào các vị trí được UBND các huyện, thị xã dự kiến là bãi thải đất đá dư thừa trong quá trình khai thác đất của hộ gia đình, trường hợp này phải được xử lý như thế nào?
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông có một số doanh nghiệp khai thác đá bazan làm vật liệu xây dựng thông thường, nhưng có thu hồi một khối lượng đá có thể sử dụng làm đá ốp lát và trang lát, theo Báo cáo của cơ quan Thuế thì khối lượng không nhiều, khoảng 3.000 - 4.000 m3/năm, nhưng theo quy định thì thẩm quyền thu hồi loại khoáng sản này thuộc Bộ TN&MT. Song, thủ tục hành chính này chưa được quy định rõ ràng... trước những vướng mắc đó, Sở TN&MT Đắk Nông kiến nghị Bộ TN&MT tiếp tục có hướng dẫn để giúp địa phương thực hiện quản lý về khoáng sản được hiệu quả hơn trong thời gian tới.
o-vo-van-ngoc
Ông Võ Văn Ngọc, Phó Giám đốc Sở TN&MT Nghệ An
Cần quy định rõ về đất dôi dư trong quá trình cải tạo nền nhà, vườn, ruộng đồng
Đó là một trong những kiến nghị của Sở TN&MT tỉnh Nghệ An về một số vướng mắc trong quá trình thực thi Luật Khoáng sản năm 2010 tại địa phương. Theo đó, Luật Khoáng sản 2010 chưa có quy định rõ về xử lý lượng đất dôi dư trong quá trình cải tạo nền nhà, vườn, ruộng đồng. Cụ thể, Nghệ An là tỉnh có địa hình bán sơn địa, người dân tại các huyện chủ yếu làm nhà sống theo các sườn đồi; ruộng nương không bằng phẳng. Khi xây dựng nhà ở, cải tạo vườn đồi, ruộng đồng thì có một lượng đất dôi dư.
Tuy nhiên, theo quy định tại Điểm b, Khoản 2, Điều 64, Luật Khoáng sản 2010 quy định “Khai thác trong diện tích đất ở thuộc quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân để xây dựng các công trình của hộ gia đình, cá nhân trong diện tích đó”. Vì vậy, không có cơ sở để giải quyết đối với lượng đất dôi dư khi người dân có nhu cầu hạ nền nhà, cải tạo vườn hoặc cải tạo ruộng nương. Vì thế, đề nghị được đưa nội dung cải tạo đất vườn, đồi, đất sản xuất nông nghiệp (không phải là đất ở) dôi dư trong quá trình cải tạo được phép tận thu và đóng các loại thuế, phí cho ngân sách Nhà nước.
Ngoài ra, theo thực tế tại địa phương, công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác là nhiệm vụ thường xuyên, nhưng đến nay chưa có hướng dẫn cụ thể về nguồn kinh phí, định mức chi, cơ chế phối hợp… dẫn tới gặp nhiều vướng mắc, khó khăn khi thực hiện. Vấn đề nữa là đối với các khu vực mỏ đã được đấu giá quyền khai thác khoáng sản vẫn phải thực hiện nội dung chấp thuận chủ trương đầu tư trong thành phần Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép hoạt động khoáng sản được quy định tại Khoản 1, Điều 51 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ...
Thanh Ngà - Phạm Hoài - Đình Tiệp (Ghi)

Lan Chi

Link nội dung: https://pld.net.vn/10-nam-thuc-hien-luat-khoang-san-nhung-dong-gop-cho-nen-kinh-te-tim-giai-phap-go-kho-a3959.html