“Ồn ào sao kê” - giới nghệ sĩ từ thiện có đường lùi?

Câu chuyện làm từ thiện của một bộ phận giới văn nghệ sĩ gần đây gây nhiều ồn ào trong dư luận xã hội. Khắp các diễn đàn, cộng đồng mạng sôi sục đòi các nghệ sĩ Thủy Tiên, Đàm Vĩnh Hưng, Trấn Thành in sao kê tài khoản. Các nghệ sĩ buộc phải đi đến cùng của câu chuyện sao kê, cách duy nhất để chứng minh uy tín, lấy lại niềm tin ở công chúng.
 

PGS.TS. Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực, Ủy ban Văn hóa và Giáo dục của QH cho biết, nghệ sĩ làm từ thiện lâu nay được xã hội ghi nhận, tin tưởng, tuy nhiên gần đây một số câu chuyện lùm xùm liên quan tới trục lợi, bớt xén khiến chúng ta phải nhìn nhận nghiêm túc hơn về chuyện làm từ thiện. Chúng ta chưa đủ cơ sở, chứng cớ kết luận nghệ sĩ có trục lợi tiền từ thiện hay không, nhưng rõ ràng họ không đảm bảo yếu tố công khai minh bạch, từ đó công chúng mới nảy sinh nghi ngờ, đòi hỏi nghệ sĩ phải sao kê, chứng minh tâm sáng của người nghệ sĩ. Đòi hỏi đó của công chúng là hợp lí, bởi trong bất cứ hoạt động giao dịch nào ở bất cứ lĩnh vực nào đều cần sự minh bạch. Có người đề xuất ở ngưỡng tiền tỷ là bắt buộc phải sao kê nhưng tôi cho rằng, với yêu cầu minh bạch thì một đồng cũng cần được sao kê!

Thực tế có nghệ sĩ đã lập tức thực hiện yêu cầu từ công chúng, có người vẫn lựa chọn im lặng. Đó là quyền lựa chọn của cá nhân nhưng chúng ta cần lưu ý rằng, với nghệ sĩ, hình ảnh, uy tín, thương hiệu của mình mới là tài sản vô giá. Việc yêu cầu sao kê là một chỉ báo cho thấy sự mất niềm tin của khán giả đối với nghệ sĩ. Đó là sự mất mát lớn nhất chứ không phải là một số tiền cụ thể nào đó. Người làm từ thiện nói chung, nghệ sĩ nói riêng đều mang cái tâm khi làm điều tốt đẹp cho xã hội. Tấm lòng từ thiện giúp con người hướng đến những giá trị tốt đẹp của cuộc sống, làm nảy nở đạo đức tốt đẹp cho xã hội, đồng thời cũng là mục đích sống cho nhiều người. Câu chuyện sao kê chắc chắn không phải là lực cản khiến cho những tấm lòng tốt trong xã hội, trong đó có tấm lòng của những nghệ sĩ chân chính, rụt rè, e sợ không dám tiếp tục hành động đẹp, ngược lại đó là lý do để họ có thể làm từ thiện chuyên nghiệp, hiệu quả hơn. Hy vọng thời gian tới, chúng ta có được hành lang pháp lý để hướng dẫn, hỗ trợ người làm từ thiện một cách chuyên nghiệp, minh bạch hơn.

Liên quan đến những lùm xùm về việc làm từ thiện của một bộ phận văn nghệ sĩ, Trung tá - chuyên gia nghiên cứu tội phạm học Đào Trung Hiếu cho rằng, mọi vấn đề xuất phát từ những livestream bóc phốt, tố cáo trên mạng xã hội hướng đến những cá nhân đứng ra kêu gọi, nhận quyên góp từ thiện.

Các clip đã cáo buộc theo kiểu vạch mặt, chỉ tên từng người với danh tính, nghề nghiệp rõ ràng, mà hầu hết là những người nổi tiếng hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật như ca sĩ, nghệ sĩ. Sau khi bị "bóc phốt", mỗi "nạn nhân" đều có những động thái khác nhau để bảo vệ uy tín, danh dự. Người thì trả lời sẽ khởi kiện, tố cáo ra cơ quan pháp luật người đã gây hại cho mình; người thì đăng các hình ảnh sao kê tài khoản làm từ thiện lên mạng xã hội như một cách bảo vệ sự trong sạch.

Ông Hiếu nhận định, hiện dư luận đang rất hoang mang, sợ mình đã lầm tưởng, tin yêu nhầm những người sống hai mặt, sẵn sàng lợi dụng, kiếm ăn trên tình nhân ái của đồng bào. Mặt khác, dư luận cũng mong muốn một bằng chứng là các "sao kê" từ nghệ sĩ, mong muốn này hoàn toàn hợp lý để họ đặt niềm tin vào một trong hai bên (bên cáo buộc và bên bị cáo buộc) nhưng sự chậm trễ 'chứng minh' đã khiến nhiều người có niềm tin về khả năng tố cáo 'ăn chặn' từ thiện trên mạng là đúng.

"Nếu bị vu oan thì người ta đã sôi sục để bảo vệ danh dự cá nhân, một biện pháp dễ nhất là trình các sao kê trước để chứng minh đó là cáo buộc vô căn cứ, vu khống, làm nhục", nhưng ông Hiếu nói 'họ' đã không làm nhanh nên dư luận có quyền đặt nghi vấn.

Chuyên gia tội phạm học phân tích thêm, hiện nay các tố cáo trên mạng xã hội đã mang tính pháp lý. Nếu người tố cáo nghệ sĩ 'ăn chặn từ thiện' đúng thì đây là việc làm cần thiết với cộng đồng, họ đã vạch ra những khoảng tối, những khuất tất trong đời sống nghệ sĩ mà ít người biết đến. Giúp cơ quan bảo vệ pháp luật có thể phát hiện ra những tội phạm 'ẩn'.

Bản chất của kêu gọi từ thiện mà không chuyển hết khoản từ thiện đến đúng đối tượng cần giúp đỡ, muốn chiếm đoạt, điều này có dấu hiệu của tội Lừa đảo chiếm đoạt tải sản hoặc Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. "Người ta tin tưởng, chuyển cho mình tiền để làm việc nhưng khi nhận tiền xong không làm hết trách nhiệm thì rõ ràng là lừa đảo", ông Hiếu nói.

Nhận xét thêm về các livestream 'bóc phốt', cáo buộc công khai trên mạng xã hội, ông Hiếu cho hay, sẽ tác động vô cùng lớn về khách thể đó là quyền bất khả xâm phạm danh dự, nhân phẩm của con người. Nếu chỉ vì động cơ cá nhân mà bịa ra rồi tố cáo thì hành vi này của người tố cáo đã vi phạm nghiêm trọng pháp luật, có dấu hiệu của tội "Làm nhục người khác" hoặc "Vu khống", pháp luật xử lý tội này không hề nhẹ.

Đánh giá tổng quát về những 'ồn ào' từ thiện của nghệ sĩ, chuyên gia phân tích tội phạm nhận định, trong sự việc khả năng có dấu hiệu khuất tất nào đó, cái đơn giản là "sao kê" mà họ không dám làm, phản ứng chậm trễ là quá bất thường.

lum-xum-tu-thien-gioi-nghe-si-tu-thien-co-duong-lui-18-.3258
 Ca sĩ Thủy Tiên làm từ thiện)

Chẳng hạn như ca sĩ Thủy Tiên, để thoát được lùm xùm từ thiện thì ông Đào Trung Hiếu cho rằng, chỉ còn cách "chứng minh", bởi số tiền mà nữ ca sĩ nhận được từ các nhà hảo tâm rất lớn. Vì vậy, Thủy Tiên càng phải có trách nhiệm với những người đã chuyển tiền và nghĩ rằng, người ta đã tin tưởng, giao cho mình, bây giờ xảy ra nghi vấn thì phải làm họ hiểu, không còn lo lắng.

"Để thoát được lùm xùm từ thiện với Thủy Tiên rất đơn giản, cô ấy chỉ cần sao kê tài khoản, niêm yết công khai", ông Hiếu nói, trừ khi có gì khuất tất mới không dám bộc lộ, còn khi đã minh bạch, "cây ngay không sợ chết đứng" thì sợ gì những việc dư luận đòi hỏi.

Không chỉ với ca sĩ Thủy Tiên mà với những nghệ sĩ từ thiện khác như Đàm Vĩnh Hưng, Trấn Thành... để thoát khỏi "lùm xùm" từ thiện chỉ có cách minh bạch tài khoản ngân hàng là cách để lấy lại niềm tin ở công chúng.

Nghệ sĩ kêu gọi từ thiện nhưng bị hoài nghi về tính minh bạch chính là sự thất bại. Bởi khi mọi người đáp ứng lời vận động đã trao không ít tiền bạc, vật chất cho nghệ sĩ, nghĩa là họ đã tin tưởng. Niềm tin xây dựng đã khó, nhưng đánh mất rất nhanh. Sau câu chuyện sao kê từ thiện này, sẽ là bài học lớn cho các nghệ sĩ tham gia làm thiện nguyện.

Bình Nguyên

Link nội dung: https://pld.net.vn/on-ao-sao-ke-gioi-nghe-si-tu-thien-co-duong-lui-a4002.html