Khái niệm Công nghệ

“ Công nghệ là tập hợp các phương pháp gia công, chế tạo, làm thay đổi trạng thái, tính chất, hình dáng nguyên vật liệu hay bán thành phẩm sử dụng trong quá trình sản xuất để tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh” ( từ điển kỹ thuật liên xô).

Theo các tài liệu nghiên cứu của tác giả Vũ Cao Đàm thì có 3 khái niệm về công nghệ

Khái niệm 1: “Công nghệ là một trật tự nghiêm ngặt các thao tác của quá trình chế biến vật chất/thông tin

Khái niệm 2: “Công nghệ là một phương tiện (device) chế biến vật chất/thông tin, gồm: Phần cứng và Phần mềm”.

Khải niệm 3 (Mô hình Sharif): “Công nghệ là một cơ thể (hệ thống) tri thức về quá trình chế biến vật chất hoặc thông tin về phương tiện và phương pháp chế biến vật chất và/hoặc thông tin. Công nghệ gồm 4 yếu tố: Kỹ thuật (Technoware); Thông tin (Inforware); Con người (Humanware); Tổ chức (Orgaware)

Theo Luật Chuyển giao Công nghệ (2006): “Công nghệ là giải pháp, quy trình, bí quyết kỹ thuật có kèm hoặc không kèm công cụ, phương tiện dùng để biến đổi nguồn lực thành sản phẩm”.

Theo Luật Khoa học và Công nghệ (2000): “Công nghệ là tập hợp các phương pháp, quy trình, kỹ năng, bí quyết, công cụ, phương tiện dùng để biến đổi các nguồn lực thành sản phẩm”.

Theo Ủy ban kinh tế và xã hội khu vực Châu Á Thái Bình Dương ( ESCAP) đưa ra: công nghệ là kiến thức có hệ thống về quy trình và kỹ thuật dùng để chế biến vật liệu và thông tin. Công nghệ bao gồm kiến thức, kỹ năng. Thiết bị, phương pháp và các hệ thống dùng trong việc tạo ra hàng hóa và cung cấp dịch vụ.

Định nghĩa về công nghệ của ESCAP được coi là bước ngoặt trong quan niệm về công nghệ. Theo định nghĩa này, không chỉ sản xuất vật chất mới dùng công nghệ mà khái niệm công nghệ được mở rộng ra tất cả lĩnh vực hoạt động xã hội.

UNCTAD ( 1972) đưa ra định nghĩa “ công nghệ là một đầu vào cần thiết cho sản xuất, và như vậy, nó được mua và bán trên thị trường như một hàng hoá được thể hiện ở những dạng sau:

+ Tư liệu sản xuất và đôi khi là các sản phẩm trung gian, được mua và bán trên thị trường, đặc biệt là gắn vớí các quyết định đầu tư.

+ Nhân lực, thông thường là nhân lực có trình độ và đôi khi là nhân lực có trình độ cao và chuyên môn sâu, với khả năng sử dụng đúng các thiết bị và kỹ thuật và làm chủ được bộ máy giải quyết vấn đề và sản xuất thông tin.

+ Thông tin, dù đó là thông tin kỹ thuật hay thông tin thương mại, được đưa ra trên thị trường hay được giữ bí mật như một phần của hoạt động độc quyền.

Định nghĩa này cho thấy về bản chất công nghệ là tư liệu sản xuất, nhân lực có trình độ và thông tin, đồng thời có mục tiêu đầu vào cần thiết cho sản xuất.

Trong nghiên cứu này, tác giả sử dụng khái niệm công nghệ theo cách tiếp cận có chọn lọc của hai văn bản Luật. Công nghệ là tập hợp các phương pháp, quy trình, kỹ năng, bí quyết, phương tiện dùng để biến đổi các nguồn lực thành sản phẩm có độ tin cậy. Sản phẩm ở đây bao gồm các dạng: dây chuyền công nghệ (dây chuyền công nghệ là mục tiêu) và sản phẩm cụ thể được sản xuất từ dây chuyền công nghệ (dây chuyền công nghệ đóng vai trò là phương tiện sản xuất).

Link nội dung: https://pld.net.vn/khai-niem-cong-nghe-a4033.html