Không chỉ Thủ đô Hà Nội mà ở các thành phố lớn như Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, hay các thành phố loại 2 phong trào “đặt tên Tây” cũng không thua kém khi các nhà đầu tư đều cho ra những dự án với tên gọi rất kêu. Kể đến như: Vinhomes Central Park, Vinhomes Golden River, Vinhomes Grand Park, Lavita Garden, Moonlight Boulevard, Lavita Garden, NovaWorld Phan Thiết, Nova Hill Mũi Né, NovaBeach Cam Ranh Resort & Villas, NovaWorld Ho Tram, The Grand Manhattan, Diamond Park, Saigon Mia, Citizen Trung Sơn, Diamond Riverside,… Điều này khiến không ít người dân nơi tỉnh lẻ này phải ngán ngẩm với tên gọi của nó. Tại Long An, dự án lớn mang tên Mekong Riverside nằm tọa lạc ngay giữa lòng trung tâm đô thị mà khi xướng tên cũng khiến cho nông dân Nam Bộ khó khăn để có thể phát âm.
Có một thực tế hiện nay, các chủ đầu tư đều muốn đặt cho dự án của mình những cái tên mang âm hưởng, màu sắc nước ngoài cho dù khách hàng mà họ hướng tới là người Việt Nam, được xây dựng trên đất nước Việt Nam. Ngay cả những chương trình nghệ thuật, gắn liền với văn hóa cũng không tránh khỏi việc gắn mác những cái tên tiếng Anh như: Heniken Countdown, The Remix,…
Điều này trái ngược hoàn toàn với thực tế ở các quốc gia phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Trung Quốc. Ở Trung Quốc, ngay cả những thương hiệu toàn cầu nếu muốn được du nhập vào thị trường này thì phải sử dụng tên đã được phiên âm sang tiếng bản địa sau đó mới kèm thương hiệu gốc. Trên những con phố của Nhật Bản, Hàn Quốc hiếm hoi xuất hiện những biển hiệu tiếng Anh mà chủ yếu được viết bằng ngôn ngữ bản địa.
Việc lạm dụng tên riêng tiếng nước ngoài thực chất là đánh vào tâm lý “sính hàng ngoại” của người dân. Thực tế, người dân Việt Nam thích chơi sang, thích mua sắm đồ có liên quan đến nước ngoài. Họ thường quan niệm rằng: cái gì có “mác” ngoại thì chất lượng sẽ tốt hơn, quý phái và sang trọng hơn.
Trả lời truyền thông, bà Diễm Quỳnh, Giám đốc Công ty Bất động sản trực tuyến Việt Nam cho biết, phần lớn các nhà đầu tư, các đối tác hay công ty môi giới thường để ý đến việc các dự án mang tên ngoại hay nội. Nếu là tên ngoại thì thường được chú ý hơn. Các dự án có tên nước ngoài thường mang đến sự gợi mở, mới lạ và khơi trí tò mò của khách hàng tìm hiểu về dự án.
Xu hướng hội nhập và quốc tế hóa cũng được các doanh nghiệp giải thích trong việc đặt tên sản phẩm. Việc đặt tên bằng tiếng nước ngoài hay tiếng Việt cho sản phẩm, theo ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Tư vấn The Pathfinder, tùy theo định vị và đối tượng nhắm tới. Thông thường, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ thường sử dụng một cái tên thuần Việt để thể hiện bản sắc, hàm ý nơi xuất xứ, trong khi các mặt hàng thời trang như quần áo, giày dép, nữ trang hay bất động sản… lại cần một cái tên bằng tiếng nước ngoài để đáp ứng nhu cầu thương mại của thị trường. Yếu tố xuất khẩu cũng được các doanh nghiệp nhắc đến. Đối với các dự án bất động sản là những tòa cao ốc, việc đối tượng nhắm đến là khách nước ngoài cũng nằm trong chiến lược, và theo họ, điều đó “hoàn toàn phù hợp trong cách tiếp cận khách hàng, tiếp thị trong bối cảnh chuyển đổi của nền kinh tế”. Khi đó, với một cái tên bằng tiếng Việt, khách hàng nước ngoài sẽ gặp vấn đề trong cách phát âm.
Thực tế đây không phải là vấn đề quá to lớn khi đặt nó trong sự so sánh với các vấn đề khác như quy hoạch, môi trường hay kinh tế chính trị. Nhưng dưới góc độ văn hóa, thì đây là động lực của dân tộc, là nét đặc trưng của mỗi quốc gia.
Nhìn vào đất nước phát triển như Hàn Quốc, Chính phủ đã xây dựng đất nước phát triển dựa vào các yếu tố mà trong đó yếu tố quyết định là khơi dậy lòng tự tôn dân tộc, đặt lợi ích quốc gia trên hết, dựa trên nền tảng văn hóa dân tộc. Điều đó thể hiện qua việc họ luôn ưu tiên sử dụng các sản phẩm nội địa cũng như các nhà sản xuất coi việc tạo dựng thương hiệu bằng tên tiếng Hàn là nghĩa vụ. Ví dụ như HYUNDAI là công ty sản xuất ôtô lớn nhất Hàn Quốc, hãng xe lớn thứ 4 trên thế giới, HYUNDAI trong tiếng Hàn có nghĩa là hiện đại. Công ty sản xuất ôtô lớn thứ 2 tại Hàn Quốc mang tên gọi KIA có nghĩa là khởi Á (vượt lên khỏi châu Á). SAMSUNG có nghĩa là ba ngôi sao. Hay tập đoàn tài chính SHINHAN có nghĩa là Tân Hàn (Hàn Quốc mới).
Có thể thấy dù không đặt “tên Tây” nhưng sự phát triển của các tập đoàn Hàn Quốc không hề bị yếu thế. Quay trở lại Việt Nam, chưa có một tập đoàn lớn nào tự tin đặt cho sản phẩm của mình một cái tên thuần Việt. Kể cả “ông lớn” Vingroup với khát vọng đưa nền công nghiệp Việt Nam ra ngoài thế giới thì sản phẩm được giao trọng trách gánh vác khát vọng đấy, cũng mang thương hiệu không hề thuần Việt – VINFAST.
Theo Nghị định 103/2009NĐ-CP quy định rất cụ thể về việc đặt tên: trong các biển tên yêu cầu phải có tên tiếng Việt và tiếng Việt bao giờ cũng phải viết to hơn, nằm ở trên, còn tiếng nước ngoài nếu có thì được viết ở dưới. Quy định là thế nhưng chẳng có ai kiểm soát hay xử lý khi sai phạm. Chưa một ai ý thức được việc mình cần góp một phần tạo nên thương hiệu của Việt Nam.
Một dân tộc muốn phát triển bền vững phải dựa vào những giá trị cốt lõi của dân tộc đó, trong đó có văn hóa, ngôn ngữ. Các giá trị văn hóa truyền thống góp phần thôi thúc con người tự nhận thức và thực thi trách nhiệm xã hội của mình đối với đất nước. Đối với quốc gia đang phát triển như Việt Nam, nhất thiết phải coi sự phát triển bền vững về văn hóa cùng với sự phát triển bền vững về kinh tế, chính trị - xã hội và môi trường. Bởi vậy, những thương hiệu mạnh của Việt Nam, trước hết hãy là nhưng thương hiệu Việt, có bản sắc và có tính toán để có thể hội nhập thành công với quốc tế.
Thùy Linh
Link nội dung: https://pld.net.vn/su-bien-mat-cua-nhung-cai-ten-thuan-viet-a447.html