Thông tin từ Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cho biết 80% các nhà máy sản xuất da giày tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ để phòng chống dịch Covid -19, phải ngừng sản xuất do không đủ điều kiện thực hiện quy chế “3 tại chỗ” và “1 cung đường, 2 điểm đến”.
Tại các địa phương miền Trung và miền Bắc, dù diễn biến của dịch bệnh không quá “nóng” như khu vực phía Nam nhưng các doanh nghiệp da giày cũng chỉ hoạt động cầm chừng với 50-70% công suất.
Do phải cắt giảm số lao động làm việc để thực hiện giãn cách, dẫn đến sản lượng bị giảm đáng kể, đồng thời phát sinh thêm nhiều chi phí do đứt gẫy chuỗi cung nguyên phụ liệu, chi phí phòng chống dịch Covid (như xét nghiệm, tiêm chủng, lo ăn, ở 3 tại chỗ cho người lao động...). Nhiều lao động bỏ về quê để tránh lây lan dịch bệnh, cùng đó là khó khăn trong việc di chuyển giữa các địa phương khiến doanh nghiệp thiếu lao động.
Tình trạng thiếu container rỗng, chi phí logistics và vận chuyển tàu biển quốc tế tăng cao gấp 5-10 lần xảy ra từ năm 2020 chưa trở về bình thường. Chi phí nhiên liệu và giá nguyên phụ liệu nhập khẩu tăng cao khiến doanh nghiệp đã khó càng thêm khó. Cùng đó, áp lực và nỗi lo bị phạt chậm tiến độ giao hàng đang đè nặng lên doanh nghiệp.
Những trắc trở trong sản xuất khiến xuất khẩu của ngành da giày trong tháng 8 tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề, kim ngạch xuất khẩu đạt 1 tỷ USD, giảm 38,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, mặt hàng giày dép đạt 850 triệu USD, giảm 38,5% và túi xách đạt 150 triệu USD, giảm 37,9%.
Nhìn vào diễn biến xuất khẩu suốt 13 tháng qua của ngành da giày, tháng 8/2021- lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu xuống tới con số 1 tỷ USD, thậm chí thấp hơn cả kim ngạch tháng 2/2021 (1,209 tỷ USD) với thời gian nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài. Điều này, cho thấy các doanh nghiệp da giày đang dần kiệt sức trước tác động của dịch bệnh.
Về thị trường xuất khẩu, theo thống kê 7 tháng đầu năm, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất, với mặt hàng giày dép chiếm 40,3%, túi xách chiếm 44% trong tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng này của Việt Nam. Tiếp theo là EU chiếm thị phần 23,4% về giày dép và 22,2% về túi xách. Các thị trường khác là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Theo đại diện Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam, chuỗi cung vắc xin đang khan hiếm, việc tìm nguồn mua không dễ dàng, trong khi mỗi người cần tiêm ít nhất vắc xin sẽ mang lại hiệu quả cao hơn, đồng thời giảm gánh nặng cho Nhà nước.
Trên thực tế, với những doanh nghiệp da giày còn đang hoạt động không phải vì mục đích lợi nhuận, thậm chí còn chấp nhận lỗ để duy trì sản xuất nhằm giữ đơn hàng cho năm tới. Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam cũng đã đề xuất phương án mở cửa sản xuất với 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 đưa lao động vào sản xuất không quá 30% công suất trong 2 tuần đầu, trên cơ sở đánh giá, rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện, tiếp tục triển khai giai đoạn 2 và 3 với 50% và 70% công suất. Tuy vậy, tiêm đủ vaccine cho người lao động vẫn là giải pháp được cho là chắc chắn nhất thời điểm hiện tại giúp các doanh nghiệp mở cửa lại sản xuất.
Được biết, Hiệp hội Da giày- Túi xách Việt Nam cùng 3 hiệp hội: Dệt may, doanh nghiệp điện tử, mỹ nghệ và chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh đã có văn bản kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin hoặc hỗ trợ doanh nghiệp mua vắc xin khẩn trương và hợp pháp để tiêm miễn phí cho người lao động của các ngành hàng xuất khẩu.
Trong đó, các hiệp hội đề nghị được mua vaccine từ nguồn cung tự tìm kiếm để tiêm miễn phí cho người lao động. Các hiệp hội cho biết đã chủ động tìm nguồn cung vắc xin từ 1 tập đoàn tại UAE và kiến nghị Chính phủ và Bộ Y tế chủ trì đàm phán với đối tác hoặc chỉ định đơn vị nhập khẩu Việt Nam có đủ điều kiện triển khai thủ tục nhập khẩu, ưu tiên hỗ trợ các hiệp hội thực hiện việc tiêm chủng cho người lao động. Mọi chi phí để triển khai các hoạt động trên sẽ do các doanh nghiệp của các hiệp hội ngành hàng trực tiếp chịu trách nhiệm./.
Bao Huy
Link nội dung: https://pld.net.vn/anh-huong-cua-dich-covid-19-thang-8-xuat-khau-da-giay-giam-382-a4558.html