Quy định hoạt động của phương tiện thủy trên tuyến vận tải ven biển

Bộ Giao thông vận tải đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân với dự thảo Thông tư quy định về hoạt động của phương tiện thủy nội địa trên tuyến vận tải ven biển.

 
Phương tiện phải được cơ quan có thẩm quyền tổ chức quản lý, đăng ký hành chính theo quy định - Ảnh minh họa

Theo đó, phương tiện thủy nội địa trên tuyến vận tải ven biển (sau đây gọi là phương tiện thủy nội địa mang cấp VR-SB) được phép hoạt động trên tuyến vận tải ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang giữa các cảng, bến thủy nội địa, cảng biển thuộc các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh, Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang theo quy định tại các Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.

Phương tiện thủy nội địa mang cấp VR-SB hoạt động trên tuyến vận tải ven biển phải tuân thủ, phù hợp với quy định yêu cầu tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy phạm phân cấp và đóng phương tiện thủy nội địa và các sửa đổi, bổ sung do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành.

Phương tiện phải được cơ quan có thẩm quyền tổ chức quản lý, đăng ký hành chính theo quy định. Thuyền viên làm việc trên phương tiện thủy nội địa mang cấp VR-SB phải có giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn phù hợp theo quy định.

Việc bố trí chức danh, lập sổ danh bạ thuyền viên và định biên an toàn tối thiểu chức danh thuyền viên làm việc trên phương tiện phải tuân thủ theo quy định do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành.

Dự thảo nêu rõ Cục Đường thủy nội địa Việt Nam có trách nhiệm tổ chức và thực hiện quản lý nhà nước đối với phương tiện, thuyền viên và kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa dọc theo tuyến vận tải ven biển; tổ chức khóa đào tạo, bồi dưỡng cấp chứng chỉ điều khiển phương tiện thủy mang cấp VR-SB cho các thuyền viên đủ điều kiện theo quy định.

Đồng thời chủ trì tổng hợp báo cáo hằng tháng từ Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan liên quan về tình hình hoạt động vận tải trên tuyến vận tải ven biển của các địa phương; kịp thời phối hợp xử lý các vấn đề phát sinh; tuyên truyền, phổ biến, cập nhật các quy định có liên quan đến an toàn, an ninh, bảo vệ môi trường, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn đường thủy nội địa…

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Lan Phương

Link nội dung: https://pld.net.vn/quy-dinh-hoat-dong-cua-phuong-tien-thuy-tren-tuyen-van-tai-ven-bien-a4571.html