Nhiều chính sách đặc thù để phát triển Thanh Hóa nhận được sự ủng hộ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Nhiều cơ chế, chính sách đặc thù vừa được Chính phủ đề xuất cho Thanh Hoá nhận được sự ủng hộ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Sáng nay, 16/9/2021, Chính phủ đã có Tờ trình báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc xây dựng dự thảo Nghị quyết nhằm cụ thể hóa chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 58-NQ/TW, trong đó đưa Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới của khu vực và cả nước.

Dự thảo Nghị quyết quy định tỉnh Thanh Hóa được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ về cho tỉnh vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp. Theo tính toán thì mức dư nợ vay tối đa của Thanh Hoá là hơn 7.900 tỷ đồng thì mới đáp ứng đủ nhu cầu huy động trước nguồn lực để đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng của địa phương.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhất trí quy định hằng năm, ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho tỉnh Thanh Hóa không quá 70% số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn so với dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao (không bao gồm thuế giá trị gia tăng của hàng hóa nhập khẩu để đầu tư hình thành tài sản cố định hoặc để sản xuất hàng hóa xuất khẩu được ngân sách trung ương hoàn lại thuế giá trị gia tăng) để đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hoàn thành việc di dân, tái định cư trong Khu kinh tế Nghi Sơn nhằm tạo quỹ đất sạch cho việc thu hút đầu tư các dự án trọng điểm tại Khu kinh tế Nghi Sơn. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh thêm rằng tỉnh cũng phải đảm bảo không hụt thu ngân sách Trung ương.

1026_Nguyen_Chi_Dung

 Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình của Chính phủ tại phiên họp sáng 16/9/2021

Ngân sách tỉnh Thanh Hóa được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý trên địa bàn tỉnh (trừ các cơ quan, đơn vị thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh) để đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ đầu tư công của tỉnh (khoảng 443 tỷ đồng).

HĐND tỉnh Thanh Hóa được quyết định áp dụng trên địa bàn tỉnh phí, lệ phí chưa được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí; điều chỉnh mức hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí, lệ phí được quy định trong danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí, trừ án phí, lệ phí Tòa án.

Bên cạnh đó, ngân sách tỉnh Thanh Hóa được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách phí, lệ phí trên để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách tỉnh và không dùng để xác định số bổ sung cân đối ngân sách và số bổ sung có mục tiêu của ngân sách trung ương cho ngân sách tỉnh.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình nội dung này song nhấn mạnh trước khi ban hành mức phí, lệ phí cần đánh giá tác động kỹ, không gây tác động tiêu cực và cân nhắc việc tăng, giảm phù hợp để tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Về định mức phân bổ chi thường xuyên, tỉnh Thanh Hóa được phân bổ thêm 45% theo tỷ lệ phần trăm (%) số chi tính theo định mức dân số khi xây dựng định mức chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022.

Liên quan đất đai, dự thảo quy định HĐND tỉnh Thanh Hóa quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10 ha trở lên; đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng từ 20 ha trở lên phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền quyết định; chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sản xuất từ 50 ha đến dưới 1.000 ha bảo đảm nguyên tắc, điều kiện chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp...

Cơ quan thẩm tra cho rằng việc không quy định khống chế mức trần chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng cũng chưa bảo đảm tính chặt chẽ. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, tỉnh được phép thực hiện trong phạm vi khi Thủ tướng Chính phủ uỷ quyền, còn khi thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì Quốc hội có thể uỷ quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định để đảm bảo chặt chẽ cũng như thuận lợi cho Thanh Hoá.

Tỉnh Thanh Hoá cũng được phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch cụ bộ theo uỷ quyền nhưng phải gắn trách nhiệm cụ thể cá nhân, tổ chức, nhất là người đứng đầu để đảm bảo công khai, minh bạch, tránh trục lợi.

Các ý kiến đều tán thành việc áp dụng Nghị quyết từ 01/01/2022 và thực hiện trong 5 năm. Dự thảo nghị quyết sẽ được trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Thiên Vân

Link nội dung: https://pld.net.vn/nhieu-chinh-sach-dac-thu-de-phat-trien-thanh-hoa-nhan-duoc-su-ung-ho-cua-uy-ban-thuong-vu-quoc-hoi-a4615.html