Theo đó, tổng số đối tượng được thụ hưởng là 218 người, trong đó phường Đức Thắng 137 người, phường Phú Hài 81 người. Tổng số tiền hỗ trợ là 327 triệu đồng. Công việc chính của người lao động (NLĐ) trước khi mất việc làm chủ yếu là nghề chạy xe ôm; bán lẻ vé số lưu động; phụ bán cà phê; bán phở; bán bánh mì, bánh ướt; bán mì xào, cơm chiên; bán hàng rong (đồ chơi trẻ em); thợ sơn nước; thợ hồ; phụ hồ; tài xế xe khách; lái xe vận tải hàng hoá; bán sinh tố trái cây; thợ điện; bán cơm gà; làm uốn tóc; bán nước mía, chanh dây…
Theo Quyết định 2108 của UBND tỉnh Bình Thuận quy định chính sách hỗ trợ NLĐ không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết số 68 của Chính phủ; NLĐ đang cư trú hợp pháp trên địa bàn tỉnh theo quy định của Luật Cư trú đang gặp khó khăn về kinh tế do bị mất việc làm liên tục từ 15 ngày trở lên vì phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng chống dịch COVID-19, từ ngày 1/5/2021 đến 31/12/2021 và có đơn đề nghị hỗ trợ theo quy định. Mỗi lao động được nhận hỗ trợ 1 lần với số tiền 1,5 triệu đồng/người.
Về hồ sơ, trình tự, thủ tục thực hiện, NLĐ có nhu cầu hỗ trợ gửi Đơn đề nghị hỗ trợ đến UBND cấp xã nơi cư trú hợp pháp. Thời hạn tiếp nhận hồ sơ đến hết 31/01/2022. Cứ mỗi 3 ngày, UBND cấp xã rà soát và lập danh sách NLĐ đủ điều kiện hỗ trợ gửi UBND cấp huyện, sau 2 ngày kể từ khi nhận được danh sách do UBND cấp xã gửi, UBND cấp huyện hoàn thành việc thẩm định, tổng hợp trình UBND tỉnh; UBND tỉnh ban hành Quyết định phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ sau 2 ngày kể từ khi nhận được danh sách đề nghị của UBND cấp huyện. Việc thực hiện cho đến khi không còn đối tượng được hỗ trợ theo quy định.
Theo ông Nguyễn Lê Phong – Phó Trưởng Phòng LĐTBXH TP Phan Thiết, thực hiện các quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận về việc hỗ trợ người lao động (NLĐ) tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, NLĐ ngừng việc gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết 68 của Chính phủ, trước đó vào đầu tháng 9, phòng đã tiến hành chi tiền hỗ trợ cho 741 NLĐ của 24 doanh nghiệp, cơ sở giáo dục với số tiền 2,9 tỷ đồng.
Cụ thể, Công ty TNHH Giáo dục và Đầu tư Hòa Thắng có 75 người (trong đó có 24 NLĐ đang nuôi con đẻ chưa đủ 6 tuổi được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/người) với tổng số tiền được nhận hỗ trợ trên 300 triệu đồng.
Công ty Cổ phần Bến Thành Mũi Né có 64 người được hỗ trợ (trong đó có 10 lao động đang nuôi con đẻ chưa đủ 6 tuổi được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/người); tổng số tiền trên 247,4 triệu đồng. Trường Mầm non Việt Baby có 23 người (trong đó có 3 NLĐ đang nuôi con đẻ chưa đủ 6 tuổi và 2 lao động đang mang thai được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/người) với tổng số tiền 88,4 triệu đồng. Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Xây lắp Điện Quốc Hùng có 11 người được thụ hưởng (trong đó có 1 NLĐ đang nuôi con đẻ chưa đủ 6 tuổi được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng); tổng số tiền hỗ trợ là 47,1 triệu đồng…
Theo ông Phong, sau khi triển khai hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp và NLĐ các văn bản của tỉnh, phòng đã tiếp nhận hồ sơ của 24 doanh nghiệp, cơ sở giáo dục với 741 lao động. UBND thành phố đã trình UBND tỉnh phê duyệt danh sách và kinh phí chi hỗ trợ cho NLĐ và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 cho các đối tượng này.
Riêng đối với lao động tự do, phòng đã triển khai cho các phường, xã qua zalo để yêu cầu thông báo rộng rãi đến từng người dân và thành lập Ban chỉ đạo, phân công thành viên phụ trách địa bàn để phát và nhận đơn trực tiếp từ NLĐ.
Đến thời điểm này, UBND tỉnh đã phê duyệt hồ sơ thụ hưởng cho 218 người, trong đó phường Đức Thắng 137 người, phường Phú Hài 81 người. Tổng số tiền hỗ trợ là 327 triệu đồng. Hiện nay phòng tiếp tục thu nhận và thẩm định hồ sơ, tham mưu UBND thành phố Phan Thiết ký trình UBND tỉnh. Khi UBND tỉnh ký quyết định hỗ trợ, phòng sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành cấp kinh phí hỗ trợ cho NLĐ 2 hình thức là chuyển khoản và cấp tiền mặt. “Có hồ sơ gửi về, phòng sẽ tiến hành các bước tiếp theo không để NLĐ chờ lâu” – ông Phong cho biết.
Hơn 7 tỷ đồng hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo và chi phòng chống dịch
Thường trực Tỉnh ủy vừa thống nhất chi hỗ trợ 4.363 hộ nghèo trên địa bàn tỉnh, với mức hỗ trợ 1 triệu đồng/hộ, được trích từ “Quỹ vì người nghèo” của các địa phương; chi hỗ trợ 1.208 hộ cận nghèo trên địa bàn TP. Phan Thiết và thị xã La Gi, mỗi hộ 1 triệu đồng, từ nguồn “Quỹ vì người nghèo” của Phan Thiết và La Gi. Riêng các huyện khác, căn cứ điều kiện thực tế, huyện sẽ quyết định chủ trương việc chi hỗ trợ cho hộ cận nghèo của địa phương mình.
Cùng với đó, Thường trực Tỉnh ủy cũng thống nhất chi 800 triệu đồng hỗ trợ cho các chủ phương tiện vận tải, vận chuyển người từ chốt kiểm soát phòng chống dịch tại xã Tân Đức (Hàm Tân) đến các khu cách ly tập trung trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ 642 triệu đồng tiền ăn cho các lực lượng của tỉnh tăng cường về thị xã La Gi phòng chống dịch COVID-19. Nguồn quỹ hỗ trợ được trích từ Quỹ phòng chống Covid – 19 do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh quản lý. Tính đến nay, đã chi 5 tỷ 591 triệu đồng cho hộ nghèo, cận nghèo và 1 tỷ 442 triệu đồng hỗ trợ tiền ăn, vận chuyển người đến khu cách ly.
Link nội dung: https://pld.net.vn/binh-thuan-tiep-tuc-chi-tra-ho-tro-cho-cac-doi-tuong-anh-huong-dich-covid-19-a4655.html