Việc đầu tư, kinh doanh lan đột biến gen đang trở thành trào lưu vì nhìn từ bên ngoài, những tưởng việc kinh doanh này dễ kiếm lời nên nhiều người đã đầu tư hoặc góp vốn để tham gia. Mở đầu cho cơn sốt lan đột biến là giữa năm 2018, khi một người trồng lan ở Thừa Thiên – Huế bán giò lan với giá lên đến 700 triệu đồng cho một dân chơi lan. Trong khi cộng đồng còn chưa hết xôn xao thì giới chơi lan lại một phen ngỡ ngàng khi các diễn đàn phát sóng trực tiếp cuộc giao dịch tiền tỷ với cây lan đột biến đặc biệt có tên Bướm đại ngàn. Sau sự kiện đó các hoạt động mua bán, trao đổi hoa lan đột biến diễn ra khá rầm rộ trên các diễn đàn “online”. Người mua chỉ cần lên mạng xã hội Facebook và tìm kiếm “mua bán hoa lan” sẽ xuất hiện hàng chục tài khoản giao dịch cũng như rất nhiều các hội nhóm thực hiện mua bán, trao đổi hoa lan. Không chỉ vậy, hoạt động này còn được phát trực tiếp trên các trang mạng xã hội như Youtube, Facebook thu hút sự quan tâm của rất nhiều người.
Cơn sốt lan đột biến tiềm ẩn nguy cơ lớn vì rất nhiều người lao vào đầu tư. Giá trị hoa lan được định giá tự do mà không dựa trên cơ sở pháp lý nào. Thực tế cho thấy đây là sự đầu tư đầy may rủi. Các hoạt động trao đổi diễn ra bộc phát, dựa vào cam kết và thỏa thuận giữa người mua và người bán. Các vụ mua bán sau lại có giá trị lớn hơn nhiều lần vụ trước đã đánh vào tâm lý mong muốn làm giàu nhanh nhưng lại thiếu kiến thức của một bộ phận người dân.
Sự tăng mạnh về giá của đồng tiền ảo bitcoin lên gấp 5 lần trong 1 năm trở lại đây đã kéo theo sự hoạt động sôi nổi trở lại trên các sàn giao dịch tiền ảo. Việt Nam hiện có rất nhiều diễn đàn, nhóm kín về tiền ảo với cả hàng chục nghìn, thậm chí cả trăm nghìn người tham gia. Theo thông tin không chính thức tổng hợp từ số liệu thống kê của các trang kỹ thuật số nước ngoài, ước tính Việt Nam cũng có hơn 10 triệu tài khoản đầu tư tiền ảo, cao hơn ít nhất 5 lần số tài khoản chứng khoán hiện nay.
Ứng dụng được sử dụng để “đào Pi”
Trong cộng đồng đầu tư tiền ảo Việt Nam hiện nay, có xuất hiện thuật ngữ “đào Pi”. Pi thực chất là tên gọi của đồng tiền ảo thuộc dự án Pi Network khởi động từ ngày 14/3/2019. Không khó để bắt gặp những hội nhóm với hàng trăm nghìn thành viên trên mạng xã hội Facebook bàn luận và kêu gọi “đào Pi”. Với lời giới thiệu hấp dẫn “xây dựng Pi trở thành đồng tiền điện tử phổ biến nhất trên thế giới” cũng như việc thực hiện hết sức đơn giản, không mất chi phí hay công sức đã thu hút sự tham gia của rất nhiều người. Sau khi đăng ký thành công, người chơi sẽ có 1 đồng Pi trong tài khoản, sau đó chỉ cần vào ứng dụng 24h một lần để "điểm danh" và tăng số lượng Pi. Ngoài ra người chơi có thể tăng tỷ lệ nhận Pi bằng cách mời thêm bạn bè cũng gia nhập cộng đồng. Pi hiện chưa thể đổi ra tiền mặt nhưng trong cộng đồng đã xuất hiện những thông tin như có thể dùng Pi để trao đổi hàng hóa, 500 Pi để đổi lấy một chiếc xe moto Triumph 900 cc, tương đương với khoảng 100 triệu đồng. Điều này càng làm tăng sự kỳ vọng của người chơi về giá trị của đồng Pi trong tương lai.
Tâm lý đám đông và sự đầu tư
Tâm lý đám đông là một hiệu ứng tâm lí mang tính dây chuyền. Theo đó cách hành xử của đám đông sẽ có tác động đến tâm lí của người ngoài cuộc. Người bị ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông có xu hướng hành động theo những gì mà đám đông cùng làm mà không dựa trên suy nghĩ, lập trường, ý kiến của cá nhân. Cứ như vậy, số lượng người bị ảnh hưởng càng nhiều và kết quả của tâm lý đám đông càng lớn hơn.
Tâm lý đám đông thể hiện ngay qua những hành động trong đời sống thường ngày mà ta không hề hay biết. Ví dụ, như việc có xu hướng đến những điểm thăm quan đông người ghé thăm hay mua thứ đồ được nhiều người chọn đều là biểu hiện dễ gặp nhất. Tâm lý đám đông trong cuộc sống hàng ngày không có nhiều hậu quả nhưng việc đi theo đám đông trong đầu tư thì để lại nhiều ảnh hưởng tới nền kinh tế.
Trong “cơn sốt lan đột biến” thời gian qua, một người chơi lan lâu năm cho rằng giá lan đã bị “thổi” giá quá cao bởi một số đầu nậu. Họ có những kế hoạch bài bản để đánh vào lòng tham của nhiều người. Trước tiên họ thổi phồng về giá trị của loài cây này. Giá khởi điểm dù cao hay thấp cũng không ai đánh giá được bởi không có cơ sở để định giá việc này. Khi có người mua tìm đến họ sẽ thuyết phục cho người mua đầu tư và sẵn sàng giới thiệu cho người mua lại với giá cao hơn. Ví dụ, cây được bán lần đầu với giá 50 triệu đồng. Thời gian sau, chính người của nhóm bán cây tìm đến mà mua lại với giá 60 – 70 triệu đồng. Rồi tiếp tục mua bán qua lại để tạo lên cơn sốt. Mọi giao dịch trao đổi, mua bán đều thực hiện một cách công khai và quảng bá rộng rãi thu hút sự chú ý của nhiều người. Đến khi giá đạt điểm thì nhóm đầu nậu đó sẽ rút lui, không mua lại nữa. Người mua sau cùng là người chịu nhiều tổn thất nhất.
Trên thực tế, chỉ những người mới chơi, chưa hiểu về phong lan thì mới dễ sa vào những cuộc giao dịch “khủng”. Người chơi sành sỏi không dễ bị lan đột biến làm cho “phát sốt” bởi họ biết rõ về giá trị của loại lan đó. Rất nhiều người làm giàu bằng nghề trồng lan, kinh doanh hoa lan. Có người mua xe, mua nhà nhưng cũng có người chơi vì không am hiểu, đầu tư theo trào lưu mà mất nhà, mất xe, thậm chí mắc nợ vì sa đà vào săn lùng lan quý và phải trả một cái giá rất đắt.
Theo PGS.TS Đặng Văn Đông - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả (FAVRI - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), một trong những chuyên gia hàng đầu về hoa, cây cảnh ở Việt Nam, công nghệ nhân giống lan đột biến không phải là quá khó, đặc biệt khi đưa vào nuôi cấy mô tế bào (in vitro), chỉ trong vài tháng, các cơ sở nuôi cấy mô có thể đưa ra thị trường được hàng vạn, thậm chí hàng triệu cây lan đột biến giống y chang kiểu dáng mỹ miều của các dòng bố/mẹ. Ông cho biết, Viện Nghiên cứu Rau quả cùng các đơn vị khác cũng đang ứng dụng phương pháp này cho nhiều loại cây hoa. Hiện đã nhân được hàng vạn cây giống "lan phi điệp đột biến", với giá chỉ tương đương những cây lan bình thường khác. Vị chuyên gia này cũng nhắc tới bài học từ phong trào chơi, kinh doanh cây cảnh cổ thụ (sanh, lộc vừng…) ở nhiều địa phương, thời gian trước đây. Điển hình như Nam Điền (Nam Định) hay Văn Giang (Hưng Yên) khi cây cảnh bị "thổi giá" và kết quả là cả người trồng và người kinh doanh đều thua lỗ nặng khi "bong bóng" xẹp.
Tương tự như “cơn sốt lan”, trước đây đồng tiền ảo không được nhiều người quan tâm nhưng từ hiệu ứng tăng giá của đồng bitcoin, họ đã bắt đầu quan tâm, tìm hiểu. Giá bitcoin quá cao nên Pi đang được một bộ phận lớn người Việt lựa chọn với hy vọng một ngày nào đó, Pi sẽ tăng giá khủng khiếp như bitcoin. Nhiều người đổ xô tìm kiếm và bỏ tiền vào đầu tư các loại tiền ảo với mong muốn kiếm tiền 1 cách dễ dàng và làm giàu nhanh. Thời gian qua, lực lượng chức năng đã phanh phui và cảnh báo không ít dự án kinh doanh tiền ảo đa cấp, dùng lãi suất cao lôi kéo người chơi đổ tiền thật vào, không lâu sau đó thì bị “sập”. Các dự án đều lôi kéo người chơi đổ tiền thật để mua tiền ảo rồi chờ ngày các đồng tiền ảo có giá. Pi Network thì lại thu hút người đầu tư bằng việc cho người chơi đào miễn phí, mọi người đổ xô đào Pi với tâm lý không mất gì. Tuy nhiên, không thể biết rằng trong tương lai người sáng lập ra Pi Network có phương thức nào để tiến hành trao đổi tiền ảo với tiền thật của người chơi hay không. Khi đó nhiều rủi ro sẽ xuất hiện và cả nguy cơ đồng Pi sẽ trở về giá trị 0.
Có thể thấy, tâm lý đám đông có một sự tác động lên những biến động trên thị trường đầu tư Việt Nam. Những nhà đầu tư dễ dàng bị ảnh hưởng bởi xu hướng mua bán của đám đông, họ sẽ dồn tiền vào các lĩnh vực đang “hot” trên thị trường. Cách đầu tư như vậy rất dễ dẫn đến việc thua lỗ bởi hầu hết những người đầu tư theo đám đông chỉ tìm hiểu và chi tiền đầu tư khi xu hướng đã nguội dần, giao dịch đã đạt đỉnh nhưng họ vẫn nghĩ rằng lợi nhuận vẫn tiếp tục tăng mãi. Khi nhận ra thị trường không như họ kì vọng, sản phẩm được đầu tư dần bị tụt giá sẽ tạo tâm lý sợ hãi cho người đầu tư khiến họ bán tháo tất cả những gì mình có. Và như vậy, thị trường sụp đổ để lại hậu quả khôn lường cho người đầu tư.
Thùy Linh
Link nội dung: https://pld.net.vn/nhung-con-sot-va-tam-ly-dam-dong-trong-dau-tu-kinh-te-tai-viet-nam-a480.html