Hấp lực mới từ chuỗi đô thị ven sông Hồng

Ngày 23/9, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức Diễn đàn bất động sản trực tuyến: Hấp lực mới từ chuỗi đô thị ven sông Hồng. Diễn đàn mở ra các nội dung về hiện thực hoá giấc mơ đô thị ven sông Hồng, xu hướng lựa chọn không gian sống thay đổi sau dịch COVID-19, bất động sản phía Đông Hà Nội trỗi dậy từ đồ án Quy hoạch đô thị sông Hồng và làn sóng di dân khỏi phố cổ, tiềm năng từ các dự án phía Đông Hà Nội gắn với Quy hoạch đô thị sông Hồng.

 Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến mọi mặt của nền kinh tế thì thị trường bất động sản vẫn là một trong những điểm sáng. Cụ thể, nhiều doanh nghiệp trong ngành bất động sản vẫn duy trì được hoạt động sản xuất, kinh doanh, không ít doanh nghiệp niêm yết ghi nhận lợi nhuận đáng kể.

ong-hoang-quang-phong-pho

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phát biểu khai mạc Diễn đàn.

Đây cũng được cho là thời điểm tốt để các doanh nghiệp bất động sản chuẩn bị đón dòng vốn chảy vào thị trường khi dịch được kiểm soát, đồng thời cũng sẵn sàn phương án thay đổi linh hoạt để ứng phó với thị trường bất định, linh hoạt trong việc đào tạo và cả mở bán trực tuyến vì dịch có thể quay trở lại bất cứ lúc nào.

Nhìn về dài hạn, bất động sản Việt Nam vẫn luôn là thị trường tiềm năng. Bởi bất động sản luôn là “nơi trú ẩn” tài sản vừa đảm bảo tính an toàn và sinh lời trong các thời kỳ khủng hoảng kinh tế, điều này thể hiện rất rõ thời gian qua khi so sánh mức độ ưu tiên đầu tư giữa bất động sản và các kênh khác.

Theo KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, thực tế hiện nay tình trạng xây dựng nhếch nhác, nhà tự phát khiến bộ mặt đô thị Hà Nội nhìn từ sông Hồng trông rất xấu xí. Trong khi đó ở những thành phố có sông chảy qua, bao giờ con sông cũng làm nên điểm nhấn đô thị, thành điểm đến nổi tiếng trên thế giới. Cần một quy hoạch thật tốt để nơi đây thực sự là con sông của đô thị.

“Việc quy hoạch phân KĐT sông Hồng được lập và dự kiến sẽ có thể được phê duyệt vào cuối 2021 là cơ sở, cơ hội tốt để khai thác hiệu quả những tiềm năng kể trên của con sông này, đưa sông Hồng trở thành thương hiệu của thủ đô.” – ông Chính nhấn mạnh.

Thực tế, không gian dọc hai bên bờ sông Hồng rất đẹp, thuận lợi để phát triển kinh tế, nhất là phát triển khu đô thị, dân cư. Theo phân tích của ông Chính, từ ngàn đời nay, tâm lý con người nói chung và người Việt Nam nói riêng thích sinh sống ở khu vực bằng phẳng, gần sông nước.

Hai bên bờ sông Hồng chạy qua địa bàn Hà Nội có địa hình bằng phẳng, những dải đất rộng nối tiếp nhau. Điều này rất thuận lợi để quy hoạch xây dựng một thành phố đa năng. Khi đó, khu vực phía gần sông Hồng sẽ xây dựng những con đường, những quảng trường và nhà cửa, phố xá sẽ hướng ra sông. Khác với hiện nay, đa số nhà cửa, phố xá đều quay lưng ra sông, tạo cảnh tượng nhếch nhác.

mot-trong-nhung-y-tuong-q

Một trong những ý tưởng quy hoạch về bức tranh đô thị ven sông Hồng (Ảnh: Một góc KĐT Vinhomes Ocean Park).

Trước đây, đồ án quy hoạch của người Hàn Quốc cho Hà Nội được đánh giá rất cao. Tuy nhiên, từ năm 2008, khi Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội thì quy hoạch trên không còn phù hợp. Nhưng điều đáng mừng, khi Hà Nội mở rộng, đồng nghĩa với việc diện tích ven sông Hồng được mở rộng gấp thêm nhiều lần, tạo thêm không gian, rất tốt để Hà Nội thực hiện quy hoạch đô thị được tốt hơn, đẹp hơn, ý tưởng phong phú hơn. Với diện tích đó, Hà Nội có đầy đủ điều kiện để xây dựng một thành phố đa chức năng trong nhiều thập niên tới.

Ông Hoàng Đình Khiêm – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Kinh doanh và Phát triển địa ốc Vietstarland cũng cho rằng, trong quy hoạch đô thị sông Hồng, yếu tố nền tảng cốt lõi vững chắc nhất chính là hạ tầng giao thông. Theo quy hoạch phát triển giao thông Thủ đô Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ có 10 cây cầu được xây mới và bổ sung qua sông Hồng, trong đó cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 đang được triển khai sẽ mở thêm 4 làn lưu thông, tăng gấp đôi lưu lượng giao thông; Cầu Trần Hưng Đạo nối từ quận Long Biên sang trung tâm Hoàn Kiếm cũng vừa được phê duyệt phương án thiết kế.

dien-dan-bat-dong-san-tru

Diễn đàn Bất động sản trực tuyến “Hấp lực mới từ chuỗi đô thị ven sông Hồng” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức.

Ông Khiêm đánh giá, thị trường BĐS sẽ như một chiếc lò xo bật tung sau mùa dịch bởi rất nhiều tác động khách quan. Bởi nhìn về bối cảnh chung của nền kinh tế có thể thấy vàng, chứng khoán, ngoại tệ, hay là gửi tiết kiệm đã không còn là những kênh đầu tư  hấp dẫn nữa. Bằng chứng là chứng khoán tăng giảm thất thường, rất khó đoán định; lãi suất huy động tiết kiệm cũng giảm thêm 0,1-0,2%.

Trong khi đó, bất động sản chỉ có 2 xu hướng hoặc đứng yên, hoặc tăng giá, nhất là trong bối cảnh chi phí nguyên vật liệu, sắt thép vẫn không có dấu hiệu dừng lại thì xu hướng tăng giá là tất yếu. Chưa kể, đây còn được xem như tài sản đảm bảo cho tương lai, là của để dành cho thế hệ con cháu. Vậy nên, bất động sản vẫn có hấp lực rất lớn đối với thị trường trong và sau mùa dịch./.

Uyên Phương

Link nội dung: https://pld.net.vn/hap-luc-moi-tu-chuoi-do-thi-ven-song-hong-a4831.html