Nhiều nghệ sĩ bất ngờ gửi đơn tố cáo bà Nguyễn Phương Hằng
Từ ngày 21/9, Công an TP.HCM xác nhận đã tiếp nhận đơn của nhiều người tố cáo bà Nguyễn Phương Hằng (Tổng Giám đốc Công ty Đại Nam) về các hành vi vu khống, làm nhục người khác và đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng xã hội.
Danh tính các nghệ sĩ kiện tụng CEO Đại Nam đã được xác nhận bao gồm: ông Huỳnh Minh Hưng (tức ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng), bà Nguyễn Thị Mỹ Oanh (ca sĩ Vy Oanh), ông Võ Nguyễn Hoài Linh (Nghệ sĩ Ưu tú Hoài Linh), bà Trần Thị Thủy Tiên (ca sĩ Thủy Tiên).
Đến sáng 23/9, nghệ sĩ thứ 5 đã "lộ diện", theo đó, phía CSĐT Công an TP.HCM xác minh đã nhận đơn kiện bà chủ Đại Nam từ phía bà Trịnh Kim Chi (Nghệ sĩ Nhân dân Kim Chi). Hiện các đơn tố cáo đã được Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM tiếp nhận để xử lý, xác minh theo đúng thẩm quyền.
Giới luật sư nói gì về việc sao kê của Thủy Tiên - Công Vinh?
Trước sức ép của dư luận, ngày 17/9, vợ chồng Công Vinh - Thủy Tiên chính thức livestream để chứng minh sự trong sạch của mình trước công chúng với 18.107 trang sao kê, được chia làm 8 thùng. Tuy nhiên, giới luật sư cho rằng vẫn chưa thể chứng minh sự trong sạch của Thủy Tiên chỉ qua việc sao kê.
Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, sao kê chưa phải chứng minh được tất cả và chỉ có cách mời Công an, kiểm toán vào cuộc mới có thể kết luận được đúng, sai. "Với số tiền lên đến 178 tỷ mà chỉ livestream một cách chóng vánh, rất khó để có thể xác định được đầy đủ các thông tin về số tiền ra - vào tài khoản trong thời gian kêu gọi từ thiện", luật sư Cường phân tích. Đặc biệt, theo luật sư, những thông tin về sao kê tài khoản ngân hàng chỉ phản ánh phần nào nội dung về tài chính trong hoạt động từ thiện này, không thể giải đáp được hết những thắc mắc, nghi ngờ trong dư luận. Luật sư cho rằng, trường hợp những người đã chuyển tiền cho nghệ sĩ thực hiện hoạt động từ thiện mà có nghi ngờ gian lận, khuất tất, có thể trình báo sự việc với cơ quan điều tra để được xác minh làm rõ.
Luật sư Nguyễn Quốc Cường (Công ty Luật Infinity Việt Nam, Đoàn Luật sư TP.HCM) khẳng định việc nữ ca sĩ chỉ sao kê tài khoản sau nhiều ồn ào cho thấy cô thiếu sự tự giác, công khai, minh bạch. Theo luật sư, minh bạch trong từ thiện còn thể hiện ở việc giải ngân, phân phối tiền ra sao. Vì thế, 18.000 trang sao kê của Thủy Tiên không thể chứng minh được điều đó. Luật sư nhận định trong các giao dịch rút tiền của Thủy Tiên đa số thực hiện rút tiền mặt với số tiền lớn. Tiếp đó, cô thực hiện phát tiền cho người dân. Tuy nhiên, ở hai giai đoạn này đều không có cơ quan, đơn vị thứ ba giám sát.
Luật sự Nguyễn Đức Hùng (Phó phòng tranh tụng, Công ty Luật TNHH TGS, thuộc Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội) cho rằng các giấy tờ (bao gồm giấy viết tay và giấy xác nhận, thư cảm ơn, biên bản…) mà phía Thủy Tiên, Công Vinh đăng tải đều có sai sót hoặc chi tiết khó hiểu. Ví dụ, Giấy xác nhận của Mặt trận Tổ quốc huyện Đại Lộc, ngày ký là 22/11/2020, nhưng ngày ghi xác nhận lại là 22/12/2020. Với văn bản xác nhận của Mặt trận Tổ quốc xã Hương Phong (Thừa Thiên Huế), ngày trên văn bản là 19/1/2020 nhưng ngày căn cứ để thống kê thiệt hại lại là 15/11/2012 (8 năm trước). Trong văn bản xác nhận của Mặt trận Tổ quốc xã Quảng An (Huế), mỗi hộ dân được phát một triệu đồng, tổng cộng có 2.632 suất quà và số tiền là 2.616.500.000 đồng. Như vậy, nếu đem chia số tiền cho số suất quà thì mỗi hộ chỉ được khoảng hơn 900.000 đồng. Có thể thấy, việc sao kê chỉ là công đoạn rất nhỏ trong việc chứng minh sự minh bạch trong từ thiện. Một điều không thể phủ nhận, khi chỉ công khai vì sức ép dư luận, Thủy Tiên đã phần nào mất điểm trong lòng công chúng.
Luật sư Nguyễn Anh Tuấn (Văn phòng Luật sư Trường Lộc) khẳng định: Sao kê của vợ chồng Thủy Tiên chỉ có giá trị xác định số tiền vào-ra tài khoản, không đủ thể hiện sự minh bạch về tài chính. “Thủy Tiên cầm tiền đi phát cho dân cần có chứng từ. Vấn đề ở chỗ, Thủy Tiên cầm tiền của người khác để đi làm từ thiện, nghĩa là thay người chuyển tiền vào tài khoản để phân chia cho người có hoàn cảnh khó khăn, cô ấy phải chứng minh việc phân chia đó đã đúng và đủ cho những người thụ hưởng. Tuy nhiên việc chứng minh này cực kỳ khó, bởi khi đưa tiền không có biên nhận, hay ký nhận nào cả. Thủy Tiên muốn chứng minh phải xác minh được người nhận tiền đó có nhận đủ hay không”, luật sư AnhTuấn phân tích. Về những tờ giấy xác nhận của địa phương, luật sư Anh Tuấn cho rằng giấy xác nhận không có giá trị, bởi chính quyền địa phương không trực tiếp nhận tiền, Thủy Tiên mới là người cầm tiền phân phát. Trong trường hợp này, chỉ cần có những thông tin trên mạng xã hội, cơ quan chức năng hoàn toàn có đủ cơ sở vào cuộc điều tra.
Hàng loạt báo, đài đồng loạt "réo" tên các nghệ sĩ
Trong các bản tin mang chủ đề "Câu chuyện văn hóa: Nghệ sỹ và văn hóa ứng xử", VTV đã liệt kê một số người nổi tiếng chia sẻ những bài viết thiếu văn hóa như: Nghệ sĩ Đức Hải, diễn viên Lê Bê La, Angela Phương Trinh, MC Trác Thúy Miêu... VTV cho rằng: "Đã đến lúc, những người nổi tiếng cần ý thức hơn về sức ảnh hưởng của mình trên mạng xã hội, bởi đó không phải là góc nhà riêng của họ". Tiếp đó VTV chia sẻ hình ảnh nữ ca sĩ Thủy Tiên, Nghệ sĩ Ưu tú Hoài Linh trong đợt quyên góp tiền cứu trợ đồng bào miền Trung gặp lũ lụt năm 2020 cùng lời bình luận: "Nữ ca sĩ Thủy Tiên kêu gọi được số tiền ủng hộ lên tới 177 tỷ đồng, nhưng số tiền đó chỉ được kê khai với một tờ giấy viết tay cùng một số tờ xác nhận chung chung. Còn nghệ sĩ Hoài Linh kêu gọi được số tiền 14 tỷ đồng nhưng sau 6 tháng tiền cứu trợ vẫn chưa đến được nơi cần đến. Chỉ đến khi dư luận lên tiếng, ông mới vội vàng giải ngân toàn bộ trong chưa đầy một tuần lễ".
Chương trình Bản tin tối 18/9/2021 của kênh VTC đã lên sóng về vấn đề này. MC Xuân Tú đọc lời dẫn: “Câu chuyện vợ chồng Thủy Tiên và Công Vinh livestream công khai 18.000 trang sao kê từ tài khoản cô kêu gọi đóng góp ủng hộ miền Trung năm 2020, vẫn tiếp tục gây xôn xao. Thay vì chứng minh cho sự minh bạch của mình, thì có nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ sau những tờ giấy biên nhận cũng như quá trình giải ngân số tiền hơn 177 tỷ đồng, bởi chỉ sao kê chưa đủ để giải trình sự minh bạch”. Phóng sự nêu rõ: “Luật sư cho rằng chủ tài khoản có quyền yêu cầu sao kê tài khoản. Tuy nhiên, thông tin trong sao kê mới chỉ chứng minh được dòng tiền mạnh thường quân gửi vào và dòng tiền Thủy Tiên rút ra. Sao kê chỉ giúp những người gửi tiền cho Thủy Tiên kiểm tra số tiền họ chuyển có vào tài khoản hay không. Minh bạch trong từ thiện còn thực hiện bởi việc giải ngân, phân phối tiền ra sao. 18.000 trang sao kê của Thủy Tiên không thể chứng minh được điều đó.
Bộ Công an nhận đơn tố cáo và điều tra vấn đề tiền từ thiện
Liên quan ồn ào kêu gọi từ thiện của một số cá nhân, Bộ Công an mới đây xác nhận đã nhận được đơn tố cáo, yêu cầu làm minh bạch chuyện quyên góp tiền từ thiện.
Bộ Công an cho biết không chỉ liên quan đến nghệ sỹ mà các đơn tố cáo gửi về yêu cầu cơ quan chức năng làm rõ một số cá nhân kêu gọi từ thiện nhưng có nhiều dấu hiệu không minh bạch.
Bộ Công an nhận định, đây là tiền đóng góp của người dân chứ không phải là tiền chỉ của một cá nhân hay tổ chức nào. Do đó, người dân có quyền được giám sát việc thu, phân phối các khoản tiền này đến những nơi cần.
Trong các đơn gửi về có một người chia sẻ đã chuyển tiền góp vào quỹ ủng hộ miền Trung của một nghệ sỹ nhưng nhận thấy một số điểm khuất tất.
Vấn đề cá nhân kêu gọi quỹ từ thiện với số tiền lớn và nhiều điểm chưa rõ ràng trong thu-chi đã gây tranh cãi lớn từ đầu năm đến nay. Do đó, theo quan điểm của Bộ Công an, dù không có đơn tố cáo thì Bộ cũng sẽ làm rõ các nội dung liên quan đến việc kêu gọi, phân phát tiền từ thiện.
Quản Trọng Hải
Link nội dung: https://pld.net.vn/nghe-si-sao-ke-tien-tu-thien-drama-hap-dan-voi-nhieu-tinh-tiet-bat-ngo-a4839.html