Văn Phú Invest: Tình hình tài chính trong 6 tháng đầu năm 2021 “yếu”, nợ phải trả tăng chóng mặt

Mặc dù lợi nhuận sau thuế tăng mạnh, nhưng nợ phải trả và hàng tồn kho của Văn Phú Invest (Mã: VPI) đang tăng “ chóng mặt”.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ quý II/2021, tổng tài sản của VPI đạt 9.909 tỉ đồng tăng nhẹ so với quý I là 9.703 tỷ đồng. Trong đó, tài sản ngắn hạn là 5.715 tỷ đồng, phần lớn là các khoản phải thu ngắn hạn 2.560 tỷ đồng và hàng tồn kho 2.192 tỷ đồng. Tiền và tương đương tiền giảm so với đầu kỳ ở mức 625 tỷ đồng.

Hàng tồn kho của VPI ghi nhận 2.192 tỷ đồng, tăng so với 1.803 tỷ đồng từ đầu năm. Trong đó, hàng tồn kho chủ yếu tăng ở chi phí sản xuất kinh doanh dở dang. Cụ thể, dự án The Terra An Hưng - Hà Nội tăng từ 1.212 tỷ đồng thời điểm cuối năm 2020 lên 1.738 tỷ đồng tính đến cuối tháng 6/2021. Dự án Yên Phong Bắc Ninh 37 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần. Đối với tồn kho là bất động sản hoàn thành 316,8 tỷ đồng chủ yếu nằm ở dự án Grandeur Palace Giảng Võ và The Terra Hào Nam.

BCTC 1

Hàng tồn kho tăng chủ yếu ở chi phí sản xuất kinh doanh dở dang

Ngoài ra, tài sản dài hạn của VPI là 4.193 tỷ đồng, chủ yếu ở các khoản phải thu dài hạn 1.315 tỷ đồng, đầu tư tài chính dài hạn 1.266 tỷ đồng, tài sản dở dang dài hạn 842 tỷ đồng và 588 tỷ đồng tài sản cố định.

Trong 6 tháng đầu năm, doanh thu bán hàng của VPI ghi nhận 367.76 tỷ đồng, giảm sâu so với 549.03 tỷ đồng cùng kỳ 2020. Lợi nhuận gộp đạt 127.4 tỷ đồng, giảm đáng kể so với 170.1 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.

Các khoản chi phí của VPI cũng giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Chi phí quản lý doanh nghiệp cũng giảm còn 57.93 tỷ đồng. Chi phí bán hàng tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ, ở mức 26 tỷ đồng.

Đáng chú ý, tính đến thời điểm cuối quý II/2021 nợ phải trả của VPI là 6.922 tỷ đồng, gấp 2,3 lần vốn chủ sở hữu và chiếm 70% tổng cộng nguồn vốn. Trong đó vay và nợ tài chính 3.457 tỷ đồng, tăng 5% so với thời điểm cuối năm 2020. 

BCTC2

Nợ phải trả cao gấp 2,3 lần vốn chủ sở hữu

Được biết, Văn Phú Invest đã lên kế hoạch sẽ phát hành gần 20 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2020 tỷ lệ 10%. Vốn điều lệ sau phát hành dự kiến tăng từ 1.999 tỷ đồng lên 2.198 tỷ đồng. Thời điểm thực hiện trong năm 2021, sau khi UBCK chấp thuận. Nguồn vốn phát hành là từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của doanh nghiệp theo BCTC năm 2020 đã kiểm toán của toán. Tính đến thời điểm 31/12/2020, giá trị này là 735 tỷ đồng.

Mới đây, câu chuyện về Tập đoàn bất động sản hàng đầu Trung Quốc Evergrande tại Trung Quốc đang làm rung chuyển thị trường thế giới với khoản nợ lên đến hơn 300 tỷ USD mất khả năng thanh khoản. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đối với hệ thống tài chính và thị trường bất động sản không chỉ riêng của Trung Quốc, mà còn lan ra nhiều nền kinh tế của các quốc gia liên quan.

Từ câu chuyện “bom nợ” Evergrande, nỗi lo về “bong bóng” nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản Việt Nam được các chuyên gia và cơ quan chức năng cảnh báo. Hiện nay, việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp của các “ông lớn” bất động sản gặp rất nhiều rủi ro khi nhiều doanh nghiệp không có tài sản đảm bảo, tài sản đảm bảo chất lượng thấp, không có tính thanh khoản hoặc đảm bảo bằng cổ phiếu của chính của doanh nghiệp. Điển hình như Văn Phú Invest gần đây đã lên kế hoạch phát hành gần 20 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2020 tỷ lệ 10%. Là một doanh nghiệp bất động sản phát hành thành công nhiều lô trái phiếu, cổ phiếu doanh nghiệp nhưng con số nợ phải trả của VPI vẫn liên tục tăng qua các năm. Tính đến thời điểm cuối tháng 6/2021 nợ phải trả của VPI lên đến 6.922 tỷ đồng, vượt xa vốn chủ sở hữu.

Thu Trang

Link nội dung: https://pld.net.vn/van-phu-invest-tinh-hinh-tai-chinh-trong-6-thang-dau-nam-2021-yeu-no-phai-tra-tang-chong-mat-a4963.html