World Bank dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực Đông Á – Thái Bình Dương chỉ đạt 2,5% trong năm 2021

Ngân hàng Thế giới (World Bank) mới đây đã đưa ra Báo cáo Cập nhật tình hình kinh tế Đông Á - Thái Bình Dương tháng 10/2021. Theo đó, Trung Quốc được dự báo tăng trưởng với tốc độ 8,5%, nhưng các quốc gia còn lại trong khu vực Đông Á – Thái Bình Dương có khả năng cao sẽ tăng trưởng chậm hơn – với tốc độ 2,5%.

Báo cáo ghi nhận khu vực Đông Á – Thái Bình Dương đang phải gánh chịu tác động nặng nề của đại dịch, trái ngược với một năm trước đó. Trong năm 2020, nhiều quốc gia trong khu vực Đông Á - Thái Bình Dương đã kiểm soát thành công dịch COVID-19 và các hoạt động kinh tế được khôi phục, trong khi các quốc gia công nghiệp phát triển phải vật lộn với dịch bệnh và suy giảm kinh tế. Tuy nhiên đến năm 2021, khu vực này lại bị dịch bệnh tấn công trong khi các quốc gia công nghiệp phát triển đang trên lộ trình phục hồi.

5542_photo1626315986967-16263159872261669381591

Đông Á - Thái Bình Dương đang chịu ảnh hưởng mạnh mẽ do biến chủng Delta của COVID-19 

Tăng trưởng kinh tế chậm lại và bất bình đẳng gia tăng

World Bank đánh giá, quá trình phục hồi của khu vực Đông Á - Thái Bình Dương đang bị ảnh hưởng mạnh mẽ do sự lây lan của biến chủng Delta của COVID-19, khiến cho những khó khăn của doanh nghiệp và hộ gia đình bị kéo dài, có khả năng làm tăng trưởng kinh tế chậm lại và bất bình đẳng gia tăng.

Các hoạt động kinh tế đã bắt đầu bị chững lại trong quý 2/2021 và dự báo tăng trưởng trong năm nay ở hầu hết các quốc gia trong khu vực cũng bị ảnh hưởng và hạ thấp. Mặc dù, Trung Quốc được dự báo tăng trưởng với tốc độ 8,5% đúng như dự kiến, nhưng các quốc gia còn lại trong khu vực có khả năng cao sẽ tăng trưởng chậm hơn, với tốc độ 2,5% thay vì 4,4% như báo cáo được World Bank đưa ra vào tháng 4/2021.

Trong khi sản lượng của Trung Quốc, Indonesia và Việt Nam đã vượt mức trước đại dịch, nhưng sản lượng của Campuchia, Malaysia và Mông Cổ chỉ có thể phục hồi hoàn toàn và vượt mức trước đại dịch vào năm 2022, còn sản lượng của Miến Điện, Philippines, Thái Lan và nhiều Quốc đảo Thái Bình Dương vẫn thấp hơn các các mức sản lượng trước đại dịch thậm chí trong năm 2023.

Các biện pháp hạn chế nhằm kiểm soát COVID-19 cho thấy đang có những ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng. Các biện pháp mà các nước trong khu vực đã từng áp dụng thành công là xét nghiệm - truy vết - cách ly đến nay không còn hiệu quả đối với biến chủng Delta có khả năng lây nhiễm cao. Tiêm vaccine - một biện pháp có thể đã giúp giảm tỷ lệ tử vong và lây nhiễm, được triển khai còn chậm.

Chính vì vậy, chính phủ các quốc gia buộc phải áp đặt các biện pháp hạn chế nhằm kiềm chế dịch bệnh, nhất là khi phần lớn dân số vẫn có nguy cơ với dịch bệnh. Những quốc gia có độ phủ vaccine tăng thêm 10%, thì tốc độ tăng trưởng GDP theo quý ước tính tăng thêm trung bình khoảng một nửa điểm phần trăm.

Nguồn cung vaccine được cho là khó khăn lớn nhất đối với các quốc gia lớn trong khu vực Đông Á - Thái Bình Dương như Indonesia, Philippines và Việt Nam. Các quốc gia nhỏ hơn và nghèo hơn như Papua New Guinea và Fiji, được hưởng lợi từ nguồn vaccine tài trợ, nhưng một số quốc gia như Papua New Guinea lại bị bó buộc bởi hạ tầng phân phối hạn chế.

Nhu cầu nhập khẩu toàn cầu đã đạt đỉnh vào quý 2/2020 và xuất khẩu của khu vực Đông Á – Thái Bình Dương đang phải đối mặt với cạnh tranh nhiều hơn khi các khu vực khác đang phục hồi. Giá hàng hóa thế giới đã ngừng tăng. Biến chủng Delta đang gây gián đoạn sản xuất ở trong nước và tại các quốc gia cung cấp nguyên liệu đầu vào, dẫn đến thiếu hụt cung, làm tăng thời gian và chi phí vận tải. Du lịch vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi.

Khó khăn kinh tế kéo dài đang tạo ra áp lực lớn lên khả năng đưa ra các gói hỗ trợ kinh tế của các chính phủ. Khi hạn chế về ngân sách bắt đầu tạo áp lực, thì hỗ trợ tài khóa trong khu vực giảm từ mức bình quân 7,7% năm 2020 xuống còn 4,9% trong năm 2021, mặc dù các nền kinh tế vẫn đang vận hành dưới mức tiềm năng.

Ngược lại, do chỉ số giá tiêu dùng chỉ tăng dưới chỉ tiêu của ngân hàng trung ương ở hầu hết các quốc gia, nên chính sách tiền tệ vẫn mang tính hỗ trợ, và lãi suất chưa tăng cao như ở một số thị trường mới nổi khác. Mặc dù vốn vay có rủi ro đang gia tăng, nhưng hầu hết các quốc gia vẫn chưa thắt chặt quy định về khu vực tài chính hoặc rút lại chính sách gia hạn thời hạn trả nợ theo quy định.

World Bank đánh giá tỉ lệ việc làm đã giảm và đói nghèo sẽ còn dai dẳng và bất bình đẳng đang gia tăng ở một số góc độ. Có khoảng 18 triệu người sẽ không có khả năng thoát nghèo trong năm 2021 ở các quốc gia đang phát triển thuộc khu vực Đông Á - Thái Bình Dương vì COVID-19.

c68760cac0b1dec087491f3c4bcd6281

 Tình trạng đói nghèo và bất bình đẳng gia tăng

Mặc dù tất cả các hộ gia đình đều chịu ảnh hưởng, nhưng người nghèo dễ bị mất thu nhập và dễ rơi vào tình trạng mất an ninh lương thực hơn. Con em họ không được tham gia học tập và họ thậm chí buộc phải bán tháo tài sản để phục vụ sản xuất. Tình trạng thấp còi ở trẻ em cũng đang gia tăng; nguồn nhân lực bị xói mòn và những tài sản đem lại thu nhập bị mất đi, gây ảnh hưởng đến tương lai của những hộ gia đình đó. Thực tế cho thấy, chính sự gia tăng bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp cũng đang làm tăng bất bình đẳng giữa người lao động.

Những doanh nghiệp vốn khỏe mạnh bị suy sụp khiến cho tài sản vô hình có giá trị bị mất đi, trong khi doanh nghiệp có khả năng sống sót phải đình hoãn những khoản đầu tư đem lại của cải vật chất. Mặc dù hầu hết các doanh nghiệp đều gặp tình cảnh khó khăn, nhưng doanh nghiệp càng lớn thì càng ít bị cắt giảm doanh số và vẫn gặp thuận lợi hơn nhờ vào việc áp dụng các công nghệ tiên tiến và được hưởng sự hỗ trợ của Chính phủ.

Theo ông Aaditya Mattoo, Chuyên gia Kinh tế trưởng khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, Ngân hàng Thế giới: “Đẩy nhanh tiêm vaccine và tích cực xét nghiệm để kiểm soát sự lây lan của dịch COVID-19 có thể là cách để những quốc gia đang gặp khó khăn hồi sinh các hoạt động kinh tế từ nửa đầu năm 2022. Đồng thời, có thể nhân đôi tốc độ tăng trưởng trong năm tiếp theo. Về lâu dài, chỉ có những cải cách đi vào chiều sâu mới có thể ngăn ngừa sự chững lại về tốc độ tăng trưởng và sự gia tăng về bất bình đẳng".

Để ngăn ngừa thiệt hại kinh tế lâu dài, các Chính phủ cần hỗ trợ các công ty sản xuất và khuyến khích các đối thủ cạnh tranh mới, thúc đẩy phát triển công nghệ và giảm các rào cản thương mại.

Cùng với đó, cần chú trọng việc xét nghiệm, truy vết và cách ly để kiểm soát lây nhiễm; đẩy mạnh sản xuất vaccine trong khu vực để giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung nhập khẩu. Đồng thời, tăng cường hệ thống y tế nhằm xử lý tình trạng bệch dịch kéo dài.

Hơn nữa, các Chính phủ cũng cần một chiến lược toàn diện để tăng trưởng vừa nhanh vừa đảm bảo bao trùm. Việc gia tăng ứng dụng công nghệ có thể là điểm sáng của khủng hoảng lần này với khả năng nâng cao năng suất, dân chủ hóa về giáo dục và cải thiện hoạt động các cơ quan Nhà nước. Song song đó, là nhu cầu mở cửa thương mại và đầu tư, kết hợp với những chính sách đẩy mạnh cạnh tranh nhằm tạo động lực để các doanh nghiệp áp dụng công nghệ mới...

Tiên Nguyễn

Link nội dung: https://pld.net.vn/world-bank-du-bao-tang-truong-kinh-te-khu-vuc-dong-a-thai-binh-duong-chi-dat-25-trong-nam-2021-a4998.html