Gần 382 nghìn doanh nghiệp được giảm mức đóng từ 1% xuống 0% vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết cơ bản thực hiện xong chính sách giảm mức đóng từ 1% xuống 0% vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp trong 12 tháng với 381.925 doanh nghiệp, tổng tiền trên 7.653 tỷ đồng.

Theo BHXH Việt Nam, sau 05 ngày quyết liệt triển khai, ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã cơ bản thực hiện xong chính sách giảm mức đóng từ 1% xuống 0% vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian 12 tháng (từ 01/10/2021 đến 30/9/2022) đối với 381.925 doanh nghiệp (tương ứng khoảng 10.461.199 người lao động) với tổng số tiền trên 7.653 tỷ đồng. Đồng thời đã có 7.416 người lao động được chi trả tiền hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp với tổng số tiền trên 20,5 tỷ.

1-2-1633680928.jpg
Ảnh minh họa

Ghi nhận phản ánh từ các doanh nghiệp cho thấy, các doanh nghiệp trên cả nước đánh giá cao gói hỗ trợ kịp thời, đầy tính nhân văn của Quốc hội và Chính phủ đúng thời điểm doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch COVID-19. Đặc biệt, gói hỗ trợ này được đơn giản tối đa về thủ tục hành chính, thời gian thực hiện. Nhờ có hệ thống dữ liệu tập trung, cơ quan Bảo hiểm xã hội các cấp đã trực tiếp xử lý các thủ tục và hoàn tất việc giảm đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho từng doanh nghiệp. Đa số các doanh nghiệp đều phấn khởi vì không bị bất kỳ một rào cản nào khi tiếp cận gói hỗ trợ này của Quốc hội, Chính phủ. Số tiền giảm đóng đến đúng lúc khó khăn đã giúp doanh nghiệp có thêm kinh phí duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh, tiếp tục chuỗi cung ứng lao động, qua đó thể hiện rõ tính nhân văn, ưu việt của chính sách bảo hiểm thất nghiệp của Đảng và Nhà nước.

Đặc biệt, với số tiền giảm đóng này, doanh nghiệp sẽ có thêm chi phí sử dụng cho công tác phòng chống dịch tại doanh nghiệp cho người lao động, đầu tư vào sản xuất kinh doanh góp phần tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động.

Ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Thành phố Hà Nội - cho biết, gói hỗ trợ rất cần thiết trong thời điểm này vì nguồn lực tài chính của các doanh nghiệp đang rất khó khăn.

Về vấn đề bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện tốt những chính sách này của phía cơ quan quản lý nhà nước, có những doanh nghiệp đóng 10 năm, 20 năm có doanh nghiệp đóng 1, 2 năm...

Theo ông Mạc Quốc Anh, khi doanh nghiệp tham gia đầy đủ các quy định về bảo hiểm xã hội sẽ được thụ hưởng chính sách là giảm từ 1% xuống 0% đóng bảo hiểm thất nghiệp. Dù doanh nghiệp được hỗ trợ, song quyền lợi người lao động vẫn được đảm bảo như trước.

Qua chính sách này, thấy được sự sát cánh, hỗ trợ doanh nghiệp từ phía cơ quan nhà nước trong giảm, tạm hoãn thuế, phí… “Với một người lao động, doanh nghiệp thì một đồng cũng quý trong thời điểm này. Chi phí này, các doanh nghiệp sẽ dành để phục hồi sản xuất kinh doanh. Ghi nhận từ phía doanh nghiệp trực thuộc phản hồi tốt về chính sách này” - ông Mạc Quốc Anh nói.

2-1-1633680928.jpg
Ảnh minh họa

Điều 43 của Luật Việc làm quy định đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp

1. Người lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc như sau:

a) Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn;

b) Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc xác định thời hạn;

c) Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng.

Trong trường hợp người lao động giao kết và đang thực hiện nhiều hợp đồng lao động quy định tại khoản này thì người lao động và người sử dụng lao động của hợp đồng lao động giao kết đầu tiên có trách nhiệm tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

2. Người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều này đang hưởng lương hưu, giúp việc gia đình thì không phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

3. Người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, hộ kinh doanh, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng làm việc hoặc hợp đồng lao động quy định tại khoản 1 Điều này.

Trước đó, BHXH Việt Nam ban hành Công văn số 3068/BHXH-CSXH gửi BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Công an nhân dân về việc triển khai thực hiện Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, BHXH Việt Nam đã hướng dẫn cụ thể về: đối tượng, mức hỗ trợ, thời gian thực hiện chính sách hỗ trợ NLĐ, người SDLĐ; phân cấp giải quyết đối với đơn vị, NLĐ đang tham gia BHTN và NLĐ đã dừng tham gia BHTN; quy trình giảm đóng vào quỹ BHTN cho người SDLĐ; quy trình chi trả hỗ trợ NLĐ; đồng thời giao trách nhiệm cho từng đơn vị trực thuộc và BHXH các tỉnh, thành phố nhằm huy động tổng lực “vào cuộc” triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ đến người hưởng một cách nhanh chóng, thuận tiện, chính xác, an toàn nhất và bảo đảm công khai, minh bạch.

Link nội dung: https://pld.net.vn/gan-382-nghin-doanh-nghiep-duoc-giam-muc-dong-tu-1-xuong-0-vao-quy-bao-hiem-that-nghiep-a5065.html