Nguồn cung khan hiếm tạo đòn bẩy thị trường
Dịch Covid-19 đã tác động trực tiếp đến thị trường BĐS. Thời điểm khó khăn nhất của thị trường là giai đoạn tháng 7 và tháng 8, khi Chính phủ áp dụng giãn cách diện rộng để phòng, chống dịch. Bước sang tháng 9, những tín hiệu vui từ mục tiêu tiêm chủng vắc-xin diện rộng cùng thông tin tái mở cửa nền kinh tế khiến cho thị trường BĐS tươi sáng lên.
Ghi nhận của PV Báo Tài nguyên và Môi trường tại một số huyện ngoại thành cho thấy, hoạt động mua bán nhà đất đã tấp nập trở lại nhưng thanh khoản vẫn còn yếu.
Bà Nguyễn Tuyết Hạnh - Giám đốc sàn BĐS Địa ốc Xanh (Hà Nội) cho biết, hàng ngày lượng nhà đầu tư đi khảo sát thị trường tăng lên nhiều. Giá đất nền thổ cư, đất dự án vẫn giữ mức cao, không có dấu hiệu giảm do nguồn cung ít. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa mạnh dạn xuống tiền mua vào mà chỉ thăm dò chờ đợi thị trường điều chỉnh.
“Dù thị trường BĐS đang ảm đạm, nhưng đối với nhà đầu tư có vốn nhàn rỗi, có sẵn nguồn tiền, giãn cách xã hội chính là thời điểm quan sát diễn biến của thị trường, nắm bắt cơ hội, nhắm sẵn sản phẩm phù hợp để mua vào chờ khi thị trường khôi phục trở lại” - bà Hạnh chia sẻ.
Nhận định về khả năng hồi phục của thị trường BĐS thời gian tới, nhiều chuyên gia cho rằng, tốc độ hồi phục của thị trường nhà đất sẽ khác nhau tại các địa phương với khả năng phủ sóng vắc-xin. Theo đó, nếu trong điều kiện kiểm soát thành công dịch bệnh, số lượng ca F0 không tăng thêm, độ phủ 2 mũi vắc-xin đạt 90% và tái mở cửa nền kinh tế cũng như phục hồi sản xuất thuận lợi trong quý IV/2021, TP. Hà Nội sẽ là địa phương có tốc độ phục hồi giao dịch và nguồn cung BĐS nhanh và sớm nhất cả nước. Dự kiến trong khoảng cuối tháng 10 tới đây, mức độ quan tâm tìm kiếm nhà đất tại Hà Hội sẽ tăng trở lại.
Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội đánh giá, sau một quý gián đoạn bởi giãn cách xã hội, thị trường BĐS tại Hà Nội dự kiến sẽ nhanh chóng hồi phục nhờ nguồn cầu mạnh mẽ và nguồn cung lớn trong tương lai. Đặc biệt, lãi suất tiết kiệm giảm, lượng tiền gửi ngân hàng thấp kỷ lục cùng lãi suất cho vay mua nhà ở mức thấp nhất trong vòng 15 năm trở lại đây được cho là một phần nguyên nhân khiến dòng tiền chuyển hướng sang các kênh đầu tư khác, trong đó có BĐS.
"Một số dự án còn đưa ra ưu đãi với các gói vay 0% trong một khoảng thời gian nhất định, đây là cơ hội đối với những người có nhu cầu mua nhà để ở. Việc giảm lãi suất vay cũng là cơ hội để kích thích thị trường, cho phép nhiều người dân có thể có cơ hội mua và sở hữu nhà hơn. BĐS vẫn sẽ là kênh đầu tư được lựa chọn, tuy nhiên người mua cần cân nhắc phân khúc đầu tư cũng như vị trí bất động sản phù hợp với khả năng tài chính của mình, không nên đầu tư kiểu đánh cược", ông Matthew Powell cho hay.
Phân khúc sẽ phục hồi không đồng đều
Theo các chuyên gia kinh tế, từ nay đến cuối năm, những tác động của dịch Covid-19 vẫn sẽ ảnh hưởng tới thị trường BĐS. Hiện tại, sau khi hết giãn cách, các doanh nghiệp BĐS đang dồn sức để duy trì hoạt động.
Bà Lâm Thúy - Phó chủ tịch HĐQT Công ty MB Land cho biết, hiện cả nước đều tập trung phòng chống dịch, việc phong tỏa và siết chặt quy định hạn chế di chuyển sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới thị trường đầu tư và kể cả thị trường tiêu dùng BĐS. Sức cầu trên thị trường khó phục hồi do người dân đang có quá nhiều nỗi lo tài chính, khó ưu tiên dòng tiền vào đầu tư. Nếu thời điểm đầu quý IV/2021, các thành phố kiểm soát được Covid-19, các doanh nghiệp sẽ bắt đầu tăng tốc bán hàng và thị trường có thể xuất hiện những gam màu sáng. Còn nếu ngược lại, thị trường sẽ vẫn trầm lắng đến cuối năm và phải chờ đến sau kỳ nghỉ Tết năm 2022 mới bắt đầu tái khởi động lại.
Tuy nhiên, ở khía cạnh nào đó, bà Thúy nhìn nhận, BĐS vẫn là nơi trú ẩn an toàn của dòng tiền nhất là trong bối cảnh lãi suất ngân hàng vẫn đang thấp, các lĩnh vực khác vì ảnh hưởng dịch bệnh nên chưa thể tăng giá trị ngay, do vậy nhà ở gồm căn hộ chung cư và nhà phố sẽ được ưu tiên. Ngoài ra, các lĩnh vực dành cho đầu tư như BĐS nghỉ dưỡng hay BĐS cao cấp cần có độ trễ, chưa thể bật tăng trong quý IV/2021 do tình hình dịch bệnh, du lịch toàn cầu chưa ổn định.
Không quá lạc quan về thị trường, nhiều doanh nghiệp BĐS đã lên phương án tiếp tục đối mặt với kịch bản khó khăn kéo dài và phải đến giữa năm 2022 thị trường mới phục hồi trở lại.
“Còn quá sớm để xác định thời điểm BĐS phục hồi vì sức khỏe thị trường phụ thuộc hoàn toàn vào biến số dịch bệnh và chiến dịch tiêm vắc-xin. Diễn biến dịch tại nhiều nước quanh khu vực đang có xu hướng gia tăng, thậm chí nhiều quốc gia tiềm lực như Mỹ, châu Âu cũng mất 6 - 8 tháng để đưa nền kinh tế trở lại bình thường. Vì vậy, thời gian phục hồi thị trường BĐS Việt Nam không thể lạc quan sau vài tháng hay một vài quý. Riêng đối với doanh nghiệp BĐS, dịch bệnh xảy ra là lúc nhìn lại sức đề kháng của mình ở đâu và cần xem lại chiến lược dài hạn của mình để vượt qua khó khăn” - ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Tổng giám đốc Công ty BĐS Thanh Bình nhận định.
Link nội dung: https://pld.net.vn/thi-truong-bds-ha-noi-se-som-phuc-ho-a5287.html