Bê tông cốt thép là vật liệu xây dựng rất phổ biến từ trước đến nay, giúp đáp ứng những yêu cầu về kết cấu và độ bền của công trình. Song, việc sản xuất bê tông lại thải ra bầu khí quyển hàng tấn khí CO2 mỗi năm. Đây được xem một trong những tác nhân gây biến đổi khí hậu toàn cầu.
Trong xu hướng phát triển của ngành xây dựng hiện nay, những loại vật liệu nhẹ, vật liệu xanh đang là lựa chọn và ưu tiên hàng đầu.
Vật liệu nhẹ là loại vật liệu được sản xuất, tái chế dựa trên công nghệ hiện đại để sử dụng trong ngành xây dựng, đem lại hiệu quả kinh tế vượt trội như giảm chi phí, thi công nhanh và bảo vệ môi trường. Ngoài ra, trong suốt vòng đời, các loại vật liệu xây dựng mới này sử dụng năng lượng ít hơn nên cũng tạo ra giá trị bền vững cho các công trình.
Theo đó, nhờ vào những ưu điểm như khả năng cách âm cách nhiệt, vừa thân thiện với môi trường lại vừa tối ưu chi phí và thời gian thi công, vật liệu bê tông siêu nhẹ đã trở thành một giải pháp thay thế khả thi cho bê tông thông thường.
Bê tông siêu nhẹ hay còn gọi là tấm bê tông đúc sẵn là hỗn hợp bê tông được pha trộn theo một tỷ lệ nhất định gồm đất sét đã được nung đông nở, xi măng và cát theo công nghệ dự ứng lực bán lắp ghép.
Hiện nay, mỗi tấm bê tông nhẹ có kích thước lớn, chiều dài có thể tới 6.000mm và chiều rộng thường 600mm, chiều dày từ 75-200mm. So với các loại bê tông thông thường với khối lượng lên đến 2500kg/m3, bê tông siêu nhẹ chỉ dao động trong mức 500-1900kg/m3.
Các tấm bê tông siêu nhẹ có cường độ khá cao, đạt tới 40MPa trong điều kiện thi công bình thường và cao hơn trong điều kiện thi công đặc biệt. Do đó, khi kết hợp 2 đặc tính là khối lượng nhẹ và cường độ cao, tạo ra cho kết cấu bê tông có độ dày chỉ 30mm.
Tuy là vật liệu nhẹ nhưng loại bê tông này vẫn đảm bảo được các yêu cầu về kết cấu, kỹ thuật trong xây dựng. Hiện các tấm bê tông siêu nhẹ được ứng dụng để làm sàn chịu lực, sàn nâng, sàn gác nhẹ hay làm trần, vách nhà…
Hiện nay, vật liệu bê tông siêu nhẹ được phân loại theo 2 tiêu chí, đó là dựa theo chất kết dính và dựa theo mục đích sử dụng.
Cụ thể, phân loại dựa theo chất kết dính, bê tông siêu nhẹ có các loại như:
- Bê tông xi măng
- Bê tông Silicat
- Bê tông thạch cao
- Bê tông polymer
- Bê tông dùng chất kết dính hỗn hợp hoặc dùng chất kết dính đặc biệt
Theo mục đích sử dụng, bê tông siêu nhẹ có các loại:
- Bê tông dùng trong kết cấu bê tông cốt thép
- Sử dụng để xây công trình dẫn nước
- Bê tông lót mặt đường, vỉa hè
- Dùng cho kết cấu bao che
Ưu điểm của vật liệu nhẹ là sử dụng năng lượng ít hơn, độ bền tốt hơn trong khi khả năng chịu lực tương đương hoặc tốt hơn vật liệu truyền thống. Bên cạnh đó, vật liệu siêu nhẹ còn có thể phản ứng nhanh với những thay đổi về nhiệt độ và giúp giải bài toán kinh tế vì tốn ít chi phí hơn.
Tấm bê tông siêu nhẹ có trọng lượng nhẹ hơn khoảng 1/3 so với các loại bê tông truyền thống. Điều này sẽ giúp hạn chế trọng tải tĩnh lên kết cấu móng.
Bê tông siêu nhẹ có chất lượng ổn định, có khả năng chống nước, chống mối mọt, chịu được thời tiết khắc nghiệt. Độ bền của loại vật liệu này tương tự như bê tông đặc, cường độ chịu nén trên 3.5Mpa đáp ứng tiêu chuẩn trong xây dựng.
Một trong những ưu điểm nổi bật khiến nhiều nhà thầu ưu tiêu sử dụng bê tông nhẹ trong thi công là khả năng chống cháy, cách nhiệt.
Do được làm từ hỗn hợp cốt liệu xi măng, cát và các phụ gia khác có tính năng chống cháy giúp vật liệu này có thể chịu được ở nhiệt độ cao khác nhau và đảm bảo an toàn trong các công trình dân dụng.
Với cấu trúc đặc trưng của tấm bê tông siêu nhẹ là áp dụng nguyên tắc khuôn rỗng, hình thành các ô tinh thể chứa đựng khoảng 60 đến 70% là không khí. Kỹ thuật này đem lại công dụng hữu hiệu cho vấn đề cách âm và ngăn sự truyền tải âm thanh với nhau.
Phần lớn nguyên liệu được lựa chọn để đưa vào sản xuất loại bê tông này đều là vật liệu xanh. Quá trình sản xuất bê tông siêu nhẹ không phát sinh khí thải, đảm bảo an toàn cho môi trường.
Đồng thời, vật liệu này không chứa chất độc hại, an toàn cho người sử dụng. Cụ thể, bê tông nhẹ được kiểm chứng là sản phẩm không chứa Amiang - một chất gây hại nghiêm trọng đến sức khỏe con người và môi trường.
Với kết cấu mỏng, nhẹ, các thao tác như cưa, khoan lên tấm bê tông nhẹ được thực hiện dễ dàng, nhanh chóng. Điều này giúp tiết kiệm được thời gian và chi phí một cách có hiệu quả.
Bên cạnh đó, các khối bê tông siêu nhẹ có kích thước lớn đồng nhất, bề mặt mịn phẳng, chúng tương đồng với vữa bê tông giúp liên kết bám dính tốt hơn, đồng thời giúp tiết kiệm vữa xây tô trát.
Ngoài ra, vật liệu bê tông siêu nhẹ còn có một số ưu điểm nổi bật khác như có thể được uốn cong theo một hình dạng tùy thích ở một góc độ nhất định. Đây là ưu điểm được nhiều người sử dụng và các chuyên gia kiến trúc đánh giá cao và áp dụng rộng rãi trong các công trình hiện đại.
Sự ra đời của những tấm bê tông nhẹ đúc sẵn đã đem lại nhiều tiện ích cho ngành xây dựng. Với những ưu điểm nổi bật, bê tông siêu nhẹ được ứng dụng trong nhiều hạng mục như trần, sàn nhà hay vách tường…
Cụ thể, một trong những ứng dụng phổ biến, được nhiều nhà thiết kế hướng đến đó là làm trần nhà, lợp mái kháng nước, cách nhiệt. Với sự đa dạng về mẫu mã, kích thước, tấm bê tông siêu nhẹ có thể thay thế cho các vật liệu xây dựng khác như thạch cao, tôn… để lợp mái nhà.
Ngoài ra, với khả năng chịu nước, cách âm, chịu nhiệt tốt, sử dụng tấm bê tông siêu nhẹ để ốp hay làm vách ngăn cũng được nhiều ưa chuộng. Một số hạng mục phổ biến được áp dụng như vách ngăn nhà vệ sinh, phòng bếp, văn phòng hoặc trang trí ngoại thất.
Trên đây là những thông tin giúp bạn hiểu hơn về loại vật liệu bê tông siêu nhẹ. Với những ưu điểm cũng như ứng dụng dễ dàng trong thi công, loại vật liệu này đã và đang dần được sử dụng phổ biến trong nhiều công trình hiện nay.
Thiên An
Link nội dung: https://pld.net.vn/be-tong-sieu-nhe-la-gi-co-nen-xay-nha-bang-vat-lieu-nay-khong-a5294.html