Chiều ngày 28/10, Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức Tọa đàm “Nông nghiệp: Trụ đỡ vững chắc trong biến động”. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan và ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, đã phân tích cụ thể nhiều khía cạnh của ngành nông nghiệp, đồng thời nêu giải pháp để nông nghiệp thực sự là “trụ đỡ” của nền kinh tế, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, an ninh lương thực quốc gia.
Theo số liệu thống kê, 9 tháng đầu năm, kinh tế nước ta vẫn tăng trưởng 1,42% so với cùng kỳ năm 2020. Trong kết quả chung đó, nông nghiệp có đóng góp lớn, thực sự là “trụ đỡ” của nền kinh tế, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, an ninh lương thực quốc gia.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt 2,74%, đóng góp 23,52% vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế. Riêng trong quý III, khi dịch COVID-19 diễn ra trên diện rộng ở các tỉnh, thành phía nam, giá trị gia tăng của ngành vẫn tăng 1,04% so với cùng kỳ năm 2020. Trong 9 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cũng đạt trên 35,5 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ, dự báo có thể đạt và vượt mục tiêu cả năm
Đại dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh khó khăn, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân, nước ta đã từng bước triển khai thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội vừa bảo vệ chăm sóc sức khỏe của nhân dân.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết: Trong đại dịch COVID-19 ngành nông nghiệp lại được nhắc đến như một trụ đỡ khi kinh tế chao đảo. Tôi hay nghĩ đến câu nói vui: “Nhất sĩ nhì nông, hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ”.
9 tháng đầu năm, mọi người hay đánh giá thông qua các con số tỉ trọng đóng góp cho tổng sản phẩm quốc gia hay doanh thu của các doanh nghiệp. Nhưng đã đến lúc phải nghĩ đến câu chuyện khác sau đại dịch, đó là đánh giá nền kinh tế và doanh nghiệp dựa trên sự lan toả, chiều sâu của mỗi nền kinh tế và doanh nghiệp.
Quy mô của các doanh nghiệp nông nghiệp có thể không bằng các doanh nghiệp công nghiệp nhưng sức lan toả ra hàng chục triệu hộ nông dân có thể kết nối trở thành sức mạnh. Như vậy phải nhìn nền nông nghiệp là một cấu trúc kinh tế xã hội chứ không phải là ngành kinh tế đơn lẻ, không chỉ là một ngành có đóng góp 14% tổng GDP. Đây là một ngành kinh tế bao trùm đem lại thu nhập cho hàng chục triệu con người chứ không phải 1 nhóm người.
Từ câu chuyện trong đại dịch vừa rồi có thể nhìn thấy ngành nông nghiệp với hàng chục triệu hộ nông dân có thể linh hoạt và năng động hơn trong đại dịch, trên từng mảnh vườn, cái ao… vẫn có thể tạo ra giá trị kinh tế, tạo ra bức tranh nông nghiệp “dương” so với nhiều ngành khác, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Đồng tình với Bộ trưởng Lê Minh Hoan, mặc dù nhận định nền nông nghiệp có nhiều bước chuyển mình quan trọng, ông Vũ Tiến Lộc, cũng chỉ ra một số mặt hạn chế như: trình độ còn thấp so với thế giới; sản phẩm chủ yếu là thô, gia công; nhiều giống, phân bón, thức ăn gia súc, thuốc trừ sâu phải nhập khẩu… nên giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp không cao; thương hiệu, chất lượng, giá cả chưa cạnh tranh, chưa vào được phân khúc cao của thị trường thế giới… Về xuất khẩu ra thế giới, chỉ qua vài hiện tượng nhỏ lẻ, mà nghĩ rằng chúng ta đã chiếm lĩnh thị trường thế giới, thương hiệu giá trị gia tăng, phẩm cấp cao là không đúng thực tiễn.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, đất nước đang trong quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, trong đó có đặt ra vấn đề tái cấu trúc ngành nông nghiệp, chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Như vậy phải có tinh thần doanh nhân trong doanh nghiệp. Khi nói đến kinh tế nông nghiệp là phải gắn với nông nghiệp, nông dân cũng phải có tinh thần doanh nghiệp và chúng ta phải hình thành doanh nhân trong nông nghiệp, đó là lưu ý quan trọng nhất.
Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng ngành nông nghiệp năm 2021 mà Bộ đề ra từ 2,5-2,8%. Bộ trưởng Lê Minh Hoan đánh giá, qua khảo sát sơ bộ đánh giá đối với từng ngành hàng, từng địa phương và làm việc với Tổng cục Thống kê, tăng trưởng của ngành sẽ đảm bảo và góp phần vào tăng trưởng chung của nền kinh tế nước ta. “Mặc dù đang ở giai đoạn chống chọi với dịch bệnh, ngay cả ngành nông nghiệp, các doanh nghiệp nông nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn như chi phí đầu vào tăng, những biến cố thị trường, đứt gãy logistic cung ứng thế giới..., tuy nhiên dư địa chúng ta còn và chúng ta có niềm tin”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan bày tỏ.
Trong bối cảnh đó, những bước đi của ngành nông nghiệp nhiệm kỳ 2021-2025 với tầm nhìn phát triển chiến lược, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại trong giai đoạn sắp tới, không phải quy hoạch lại ngành này hay ngành kia, tăng ngành này giảm ngành kia mà chính là chuyển đổi mô hình tăng trưởng của ngành nông nghiệp, chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp dựa trên mục tiêu tăng sản lượng sang tư duy kinh tế với mục tiêu là tăng giá trị.
Nguồn lực cho sự phát triển nông nghiệp là nguồn lực về văn hóa, vốn xã hội vô cùng lớn, cần phát huy yếu tố này. Hướng phát triển của nông nghiệp sẽ phải kết hợp cả quy mô lớn với quy mô nhỏ. Tác động của kinh tế số có thể đưa một hộ nông dân trồng hoa tại Đà Lạt hoặc một người trồng cà phê ở Đắk Lắk vươn tới thị trường thế giới nếu làm theo kiểu của một doanh nhân, của một nhà khởi nghiệp; phải tích tụ, tập trung thành những chuỗi lớn, đồng thời không xóa đi vai trò của những hộ kinh doanh nhỏ, nhỏ phải liên kết lại với nhau, cái nhỏ kết nối sẽ thành chuỗi lớn.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, với điều kiện tự nhiên nước ta, có các vùng khí hậu, thổ nhưỡng, ngành nông nghiệp nên phát triển đúng theo phương thức thuận thiên, tận dụng các điều kiện để có các sản phẩm chất lượng cao hơn. Trước hết phải thay đổi tư duy của người nông dân. Tất cả nông dân bây giờ đều phải đứng trước nhu cầu khởi nghiệp. Người nông dân cần có tinh thần của người kinh doanh.
Nguồn nhân lực được đào tạo bài bản chỉ khoảng 4% nông dân có kỹ thuật chuyên môn. Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, nếu nông nghiệp không chuyên nghiệp thì sẽ để lại hệ lụy rất lớn. Quốc hội đang bàn Luật Bảo hiểm, trong đó có đặt vấn đề bảo hiểm nông nghiệp. Nhưng không thể áp dụng bảo hiểm nông nghiệp nếu một nền nông nghiệp không chuyên nghiệp, nếu người nông dân không chuyên nghiệp.
Với sự phát triển của công nghệ, các nền tảng có thể hỗ trợ bà con nông dân tiếp cận được với kiến thức, thông tin; được đào tạo, tư vấn, hỗ trợ… Qua đó, có thể đào tạo cấp tập, nâng cao kiến thức của nông dân.
Việt Nam cần tập trung nguồn lực cho đào tạo nhân lực chất lượng cao, và hướng mục tiêu vào đào tạo ứng dụng thực tế. Có cơ chế để doanh nghiệp tham gia và có trách nhiệm cùng các trường đại học, cơ sở đào tạo trong đào tạo nguồn nhân lực, qua đó thu hút đầu tư của doanh nghiệp cho hệ thống đào tạo.
Quỳnh Chi
Link nội dung: https://pld.net.vn/nong-nghiep-tru-do-vung-chac-trong-bien-dong-a5340.html