6 tiêu chuẩn phải đáp ứng để trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ lên sàn

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến cho dự thảo Thông tư về tổ chức giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ. Theo đó, dự thảo Thông tư quy định nhiều tiêu chuẩn đối với trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ muốn niêm yết.

Phải có tài sản đảm bảo

Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang xây dựng dự thảo Thông tư hướng dẫn hoạt động tổ chức giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ trên hệ thống giao dịch chứng khoán của Sở Giao dịch chứng khoán theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.

untitled-design

Trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ phải đáp ứng 6 tiêu chuẩn để được giao dịch tại Sở Giao dịch chứng khoán 

Theo đó, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam chịu trách nhiệm ban hành quy chế thành viên, quy chế tiếp nhận, giám sát việc thực hiện công bố thông tin, báo cáo và giám sát giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ, quy chế giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.

Đồng thời, trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ chào bán theo quy định tại Nghị định số 153/2020/NĐ-CP được giao dịch trên hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ cần đáp ứng 6 tiêu chuẩn.

Thứ nhất, trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền.

Thứ hai, doanh nghiệp phát hành trái phiếu có mức vốn điều lệ đã góp tại thời điểm giao dịch trên hệ thống từ 30 tỷ đồng trở lên theo báo cáo tài chính năm gần nhất được kiểm toán.

Thứ ba, doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh của năm liền trước năm giao dịch trên hệ thống phải có lãi và không có lỗ lũy kế căn cứ trên báo cáo tài chính năm gần nhất được kiểm toán. Trường hợp doanh nghiệp phát hành là công ty mẹ, vốn điều lệ và kết quả kinh doanh được xác định trên báo cáo tài chính hợp nhất. Trường hợp doanh nghiệp phát hành là đơn vị kế toán cấp trên có các đơn vị trực thuộc tổ chức bộ máy kế toán riêng, vốn điều lệ và kết quả kinh doanh được xác định trên báo cáo tài chính tổng hợp.

Thứ tư, trái phiếu của công ty không phải công ty đại chúng phải có tài sản bảo đảm hoặc bảo đảm thanh toán toàn bộ gốc, lãi khi đến hạn.

Thứ năm, trái phiếu đã được đăng ký tập trung tại Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam.

Thứ sáu, trái phiếu phát hành đáp ứng các điều kiện chào bán quy định tại Nghị định 153/2020/NĐ-CP.

Ngoài ra, dự thảo cũng quy định, trái phiếu doanh nghiệp chào bán riêng lẻ chỉ được giao dịch giữa các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, trừ trường hợp thực hiện theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, quyết định của trọng tài hoặc thừa kế theo quy định pháp luật.

Mặt khác, trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ giao dịch trên hệ thống giao dịch chứng khoán quy định tại dự thảo không bao gồm các trường hợp chuyển quyền sở hữu tại các tổ chức đăng ký, lưu ký trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Về thủ tục niêm yết trái phiếu, dự thảo Thông tư quy định tổ chức phát hành gửi hồ sơ đề nghị chấp thuận giao dịch trái phiếu trên hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ cho Sở Giao dịch chứng khoán bằng hình thức điện tử.

Trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, Sở giao dịch chứng khoán ra thông báo về việc chấp thuận trái phiếu giao dịch trên hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đồng thời thực hiện công bố thông tin trên trang thông tin điện tử của Sở Giao dịch chứng khoán.

Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày Sở Giao dịch chứng khoán ra thông báo về việc đưa trái phiếu giao dịch trên hệ thống giao dịch, tổ chức phát hành có trách nhiệm đưa trái phiếu vào giao dịch trên hệ thống giao dịch. Trường hợp từ chối, Sở Giao dịch chứng khoán phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Cẩn trọng rủi ro trong việc đầu tư trái phiếu riêng lẻ

Việc đưa trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ lên sàn là quyền của doanh nghiệp và phải đảm bảo tiêu chuẩn nhất định, nên thực tế sẽ có những doanh nghiệp huy động vốn bằng trái phiếu riêng lẻ mà không muốn lên sàn hoặc không đủ tiêu chuẩn lên sàn. Rủi ro cho các nhà đầu tư đại chúng trước những lời mời gọi mua công cụ tài chính này vẫn rất lớn, khi theo Luật Chứng khoán và Nghị định số 153/2020/NĐ-CP, doanh nghiệp huy động vốn trái phiếu riêng lẻ theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm, cơ quan quản lý Nhà nước không cấp phép phát hành.

trai-phieu

Nhà đầu tư cần đánh giá kỹ về các rủi ro trước khi quyết định mua trái phiếu doanh nghiệp.  

Thời gian qua, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng nhanh. Theo Bộ Tài chính, sau gần 8 tháng triển khai các quy định mới tại Nghị định số 153/2020/NĐ-CP, thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn duy trì đà tăng trưởng. Khối lượng phát hành trái phiếu riêng lẻ 7 tháng đầu năm tăng 17% so với cùng kỳ năm 2020.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tiềm ẩn một số rủi ro như một số doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu với lãi suất cao; chất lượng tài sản đảm bảo của trái phiếu hạn chế (chủ yếu là các dự án đầu tư, tài sản hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu của doanh nghiệp bất động sản); có sự tham gia của nhà đầu tư cá nhân nhỏ, lẻ.

Với tính chất rủi ro cao hơn nên trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ chỉ phù hợp với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là đối tượng nhà đầu tư có khả năng phân tích, đánh giá rủi ro, có năng lực tài chính và dám chấp nhận rủi ro khi quyết định mua trái phiếu.

Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và các Nghị định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã quy định rõ chỉ nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp được mua và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ. Theo đó, nếu không đủ điều kiện để trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, nhà đầu tư nên cân nhắc các quy định về điều kiện, tài liệu chứng minh và các quy định về xử phạt vi phạm đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Bộ Tài chính khuyến cáo nhà đầu tư cần hết sức lưu ý là lãi suất cao sẽ đi kèm với rủi ro cao; do đó phải hết sức thận trọng đánh giá kỹ về các rủi ro trước khi quyết định mua trái phiếu; không mua trái phiếu thông qua chào mời của các tổ chức cung cấp dịch vụ như công ty chứng khoán khi chưa tìm hiểu kỹ về tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành và các điều kiện, điều khoản của trái phiếu. Trái phiếu cần được đánh giá, phân tích trên các khía cạnh về lĩnh vực hoạt động, doanh nghiệp phát hành, tình hình tài chính, mục đích sử dụng vốn, chất lượng tài sản đảm bảo cũng như các điều kiện, điều khoản của trái phiếu.

Nhà đầu tư cũng cần lưu ý việc các doanh nghiệp như công ty chứng khoán phân phối trái phiếu doanh nghiệp không có nghĩa là các tổ chức này đảm bảo an toàn cho việc mua trái phiếu. Các tổ chức này chỉ là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, hưởng phí dịch vụ từ doanh nghiệp phát hành mà không chịu trách nhiệm về việc doanh nghiệp có hoàn trả gốc và lãi trái phiếu khi đến hạn hay không. Rủi ro của trái phiếu vẫn là rủi ro của doanh nghiệp phát hành.

Đặc biệt, trong trường hợp “lách” quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp bằng hình thức mua trái phiếu thông qua các hợp đồng đầu tư với công ty chứng khoán, nhà đầu tư sẽ không phải là chủ sở hữu trái phiếu và không được bảo đảm các quyền lợi đối với trái phiếu theo các cam kết của doanh nghiệp phát hành. Vì vậy, tuân thủ pháp luật và nắm rõ thông tin về trái phiếu trước khi đầu tư là cách duy nhất để hạn chế rủi ro cho các nhà đầu tư cá nhân khi tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Tiên Nguyễn

Link nội dung: https://pld.net.vn/6-tieu-chuan-phai-dap-ung-de-trai-phieu-doanh-nghiep-rieng-le-len-san-a5343.html