Cụ thể, ngày 01/11/2021, Đại học Linacre thông báo về Lễ ký kết bản ghi nhớ (MoU) với Tập đoàn Sovico do Chủ tịch Nguyễn Thị Phương Thảo đại diện về khoản tài trợ "khủng" lên đến 155 triệu bảng Anh (tương đương khoảng 212 triệu đô la Mỹ).
Theo đó, số tiền tài trợ 155 triệu bảng Anh (tương đương khoảng 4.810 tỷ đồng) do Sovico của bà Phương Thảo tặng cho Đại học Linacre đã vượt qua “món quà tặng” 150 triệu bảng Anh do Tập đoàn “khủng” của Mỹ là Tập đoàn Blackstore của Chủ tịch - tỷ phú Stephen A. Schwarzman đã từng tài trợ cho Oxford trong năm 2019. Như vậy, hiện nay Sovico đã phá kỷ lục về số tiền tài trợ tại Viện đại học Oxford.
Theo thông tin từ lãnh đạo Đại học Linacre, sau khi nhận được 50 triệu bảng Anh đầu tiên từ gói tài trợ này của Sovico, nhà trường sẽ đệ trình lên Hội đồng Cơ mật Hoàng gia Anh để đổi tên trường thành "Thao College", nhằm ghi nhận khoản tài trợ "mang tính chất bước ngoặt" đối với ngôi trường này.
Nợ tỷ đô la Mỹ, vốn và lợi nhuận “trượt dốc”
Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là: Sovico rộng tay tài trợ cho Đại học Linacre ở Anh, trong bối cảnh Tập đoàn đang ghi nhận vốn, lợi nhuận suy giảm mạnh và nợ đạt tới tỷ đô la Mỹ, số nợ quá lớn so với vốn chủ sở hữu.
Tại sao như vậy?
Trước hết, nhìn vào lợi nhuận sau thuế của Sovico năm 2020 chỉ đạt khoảng 893 triệu đồng, giảm khoảng 163,1 tỷ đồng, tương đương khoảng 99,5% so với năm 2019. Nhưng, điều gì dẫn đến lợi nhuận “rơi tự do”, trong khi doanh thu và doanh thu hoạt động tài chính tại Sovico vẫn đang cải thiện mạnh?
Video Player is loading. Play Advertisement (2 of 3): 11:24 XCụ thể, trong năm 2020, Doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ tại Sovico tăng khoảng 1,2 tỷ đồng, tương đương 70,6%, đưa con số lên khoảng 2,7 tỷ đồng. Mặt khác, doanh thu hoạt động tài chính lên tới 1.896 tỷ đồng, tăng 1.555 tỷ đồng, tương đương 456%.
Doanh thu vẫn tăng mạnh, nhưng chi phí tài chính lại quá cao, bởi: Năm 2020, Sovico có Chi phí tài chính vọt lên 1.829 tỷ đồng, từ con số 161 tỷ đồng của năm 2019. Trong đó, chi phí lãi vay chiếm tỷ trọng gần như tuyệt đối, đạt 1.816 tỷ đồng.
Do đó, Chi phí tài chính quá cao chính là nguyên nhân “nhấn chìm” lợi nhuận của Sovico.
Hơn thế nữa, tổng các khoản nợ phải trả của Tập đoàn Sovico đến cuối năm 2020 là 23.900 tỷ đồng (khoảng 1,03 tỷ USD), tăng rất mạnh, tăng 17.741 tỷ đồng, tương đương 288% so với cuối năm 2019 và cao gấp 2,4 lần vốn chủ sở hữu.
Trong đó, vay và nợ thuê tài chính dài hạn lên tới 21.978 tỷ đồng, tăng vượt bậc so với con số 6.000 tỷ đồng vào cuối năm 2019. Nợ vay quá cao đã gây áp lực tới lợi nhuận của Sovico. Xét trong cơ cấu tài sản (nguồn vốn) của Sovico, nợ chiếm chủ yếu. Nợ phải trả đạt khoảng 23.900 tỷ đồng, chiếm khoảng 71% tổng nguồn vốn.
Không những vậy, mặc dù nợ vay tăng “phi mã”, nhưng Sovico lại rơi vào tình trạng âm nặng dòng tiền tính đến thời điểm cuối năm 2020. Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Sovico là âm khoảng 1.308 tỷ đồng, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư là âm khoảng 13.132 tỷ đồng.
Vì vậy, đó chính là những nguyên nhân dẫn đến kết quả tổng nợ tại Sovico rất cao, đạt mức tỷ đô la Mỹ.
4.810 tỷ đồng có thể xây được gần 5.000 ngôi trường vùng cao tại Việt Nam
Khoản tiền 4.810 tỷ đồng (155 triệu bảng Anh) mà Sovico của bà Phương Thảo tài trợ được chính Đại học Linacre đánh giá là “hào phóng” và “có ảnh hưởng to lớn tới trường”. Nếu số tiền này được tài trợ và sử dụng đúng và hợp lý tại các ngôi trường vùng cao ở Viêt Nam, thì giá trị và ý nghĩa của nó chắc chắn sẽ vô cùng to lớn.
Với hiện trạng trường học ở Việt Nam, đặc biệt tại các tỉnh vùng cao, vùng sâu, vùng xa, rất nhiều điểm trường tạm bợ, thiếu cơ sở vật chất, không đảm bảo việc dạy và học. Theo con số thống kê của ngành giáo dục được đưa ra trong Chương trình “Kết nối nguồn lực - xây dựng trường học an toàn, thân thiện giai đoạn 2021-2025” vào đầu năm 2021 vừa qua:
Hiện cả nước hiện có khoảng 584.732 phòng học, khoảng 270.695 nhà vệ sinh tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập. Trong đó, tỷ lệ phòng học thiếu kiên cố và tỷ lệ nhà vệ sinh không đạt chuẩn lần lượt chiếm 24,6% và 30,6%. 33,6% số trường trên cả nước thiếu phòng học. Tỷ lệ thiết bị tại các cơ sở giáo dục chỉ đáp ứng được khoảng 56,5% nhu cầu dạy và học.
Chính vì vậy, môi trường học đường đang tiềm ẩn nguy cơ thiếu an toàn, phổ biến tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, địa bàn có nhiều khu công nghiệp, miền núi, biên giới, hải đảo.
Mặt khác, theo thống kê, nhiều học sinh tại các vùng miền núi, biên giới còn nhiều khó khăn về việc tổ chức bữa ăn trưa tại trường, chế độ dinh dưỡng, điều kiện sân chơi, bãi tập luyện thể thao để thực hiện chương trình giáo dục thể chất. Đây là một trong các nguyên nhân dẫn tới tình trạng học sinh bỏ học, thể vóc thấp bé; Quá trình tiếp thu kiến thức, rèn luyện phát triển toàn diện đức-trí-thể-mỹ cho trẻ em hiện đang gặp nhiều khó khăn.
Cũng tại chương trình này, Thứ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh cho biết: Trong bối cảnh ngân sách Nhà nước có hạn, cùng ảnh hưởng không nhỏ của thiên tai dịch bệnh, Bộ GD&ĐT xác định huy động, kết nối nguồn nhân lực để xây dựng trường học an toàn, thân thiện là giải pháp quan trọng, đồng thời là trách nhiệm của ngành Giáo dục và toàn xã hội.
Tham khảo theo số liệu và kết quả hoạt động của anh Phạm Đình Quý (sinh năm 1973), một trong 10 nhân vật truyền cảm hứng năm 2018: Trong những năm qua, với số tiền trên 20 tỷ đồng quyên góp, tài trợ của các nhà hảo tâm trên cả nước, anh Quý đã tổ chức xây dựng được 31 trường học. Như vậy, với số tiền gần 5.000 tỷ đồng tài trợ cho ngành giáo dục nước nhà, chắc chắn sẽ có ít nhất khoảng 5000 điểm trường vùng cao xây dựng theo mô hình xây dựng như của anh Quý và sẽ mang lại nhiều hoạt động có giá trị, tác động tích cực và kết quả có ý nghĩa cho ngành giáo dục trong nước, nhất các các điểm vùng cao, vùng xa, biên giới, hải đảo,… Như vậy, ngành giáo dục Việt Nam cần có những chính sách, cơ chế phù hợp để kêu gọi, khuyến khích các nguồn đầu tư, tài trợ trong và nước nhằm đóng góp cho sự hoàn thiện và phát triển cho hệ thống giáo dục nước nhà.
Tiền tài trợ cao gấp gần 5 lần tổng tài sản của Đại học Linacre
"Món quà này sẽ có tác động thay đổi to lớn đối với nhà trường và chúng tôi vô cùng biết ơn sự hào phóng của họ", đây chính là phát ngôn của Đại học Linacre khi nhà trường được nhận số tiền tài trợ 155 triệu bảng Anh từ Tập đoàn Sovico của bà Phương Thảo. Số tiền 155 triệu bảng Anh này thật sự rất lớn đối với Linacre, vì nó cao gấp gần 5 lần tổng tài sản mà Linacre tích luỹ được sau rất nhiều năm hoạt động và gấp hơn 90 lần lợi nhuận trong 1 năm tại trường Linacre. Bởi, theo báo cáo thường niên 2019-2020, doanh thu của Đại học Linacre là khoảng 4.4 triệu bảng Anh và lợi nhuận ròng của Linacre trong niên độ 2019 là khoảng 1,73 triệu bảng Anh (khoảng 2,36 triệu USD). Năm 2020, trường ghi nhận doanh thu chỉ khoảng 4,4 triệu bảng Anh, thua lỗ khoảng 16.000 bảng Anh.
Cụ thể, tại thời điểm cuối năm 2020, tổng tài sản tại Linacre chỉ là 32,13 triệu bảng Anh, giảm nhẹ so với 32,14 triệu bảng Anh trong năm 2019. Hơn nữa, tại thời 31/12/2020, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của trường là âm khoảng 496.000 bảng Anh, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư là âm khoảng 9,2 triệu bảng Anh, tăng vọt so với con số âm khoảng 122.000 bảng Anh.
Từ những số liệu kém tích cực trên, có thể một phần nguyên nhân là do tác động của dịch bệnh Covid-19, Đại học Linacre cũng đang trong tình trạng âm dòng tiền giống như Tập đoàn Sovico, doanh thu và lợi nhuận của Linacre cũng đang sụt giảm mạnh.
Như vậy, dư luận trong nước đang băn khoăn, lo lắng, đặt dấu hỏi cho việc: Liệu Tập đoàn Sovico và Chủ tịch Nguyễn Thị Phương Thảo có chiến lược, mục tiêu như thế nào, khi tài trợ một số tiền khủng cho một trường đại học ở Anh có tình trạng âm dòng tiền, doanh thu và lợi nhuận “xuống dốc”, trong khi đó Tập đoàn Sovico cũng đang trong bối cảnh vốn, lợi nhuận trượt dốc và nợ lên đến tỷ đô la Mỹ?
Bên cạnh đó, phải chăng Chính phủ, ngành giáo dục nước nhà, các cơ quan chức năng và chính quyền quản lý các cấp cần xây dựng chính sách, cơ chế tài chính, tổ chức những chương trình có ý nghĩa, tác động tích cực, khuyến khích, kêu gọi, huy động nguồn tài trợ của các Tập đoàn, doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước nhằm xây dựng, hoàn thiện cơ sở vật chất, giúp phát triển nhiều hơn nữa cho hệ thống giáo dục nước nhà, đảm bảo việc dạy và học đạt chất lượng, hiệu quả, đặc biết là các điểm vùng núi ca, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo,…?./.
Liên Minh
Link nội dung: https://pld.net.vn/sovico-cua-ba-phuong-thao-pha-ky-luc-tai-tro-tai-oxford-khi-von-loi-nhuan-truot-doc-no-ty-do-la-my-a5423.html