Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Quốc hội sẽ dành 2,5 ngày để thực hiện phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Đây cũng là phiên chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Theo Chủ tịch Quốc hội, hoạt động chất vấn trong suốt nhiệm kỳ Quốc hội vừa qua đã liên tục được đổi mới để nâng cao hiệu quả, đáp ứng đòi hỏi chung của việc đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội tại các kỳ họp, làm cho hoạt động chất vấn không chỉ đơn thuần là một hình thức hoạt động giám sát, tăng cường trách nhiệm giải trình, nhất là của người đứng đầu, mà còn là một dịp để tương tác, bổ trợ cho hoạt động giám sát khác, cũng như thực hiện chức năng lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng quốc gia của Quốc hội. Thành công của phiên họp chất vấn lần này là một yếu tố để đảm bảo cho thành công của Kỳ họp thứ 2. Kết quả của phiên chất vấn đầu tiên này trong nhiệm kỳ cũng là tiền đề tiếp tục rút kinh nghiệm cho các phiên chất vấn của các kỳ họp sau được tốt hơn.
Về việc lựa chọn chủ đề chất vấn và người được chất vấn, Chủ tịch Quốc hội cho biết, căn cứ vào đề nghị của 63 Đoàn đại biểu Quốc hội, ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, việc chất vấn bằng phiếu của các vị đại biểu Quốc hội, ý kiến của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ hai và tình hình nổi lên qua các phiên thảo luận ở các tổ liên quan đến tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, Tổng Thư ký Quốc hội đã lựa chọn ra 12 lĩnh vực, mỗi lĩnh vực bao gồm một số vấn đề quan trọng nhất để thảo luận kỹ lưỡng với Thường trực Hội đồng dân tộc, Thường trực các cơ quan Quốc hội và đã biểu quyết chọn ra 6/12 vấn đề được xem xét.
Sáu vấn đề này đã được Tổng Thư ký lấy ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau khi phân tích, đánh giá kỹ lưỡng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết, chọn ra 5 vấn đề, 5 nhóm lĩnh vực và trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Trên cơ sở 5 nhóm vấn đề đó, đại biểu Quốc hội đã biểu quyết lựa chọn ra 4 vấn đề sẽ tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn trong Kỳ họp thứ 2 này.
Đó là các nhóm vấn đề liên quan đến lĩnh vực y tế đối với Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long; vấn đề liên quan đến lao động, việc làm và các vấn đề xã hội liên quan đến Bộ trưởng Đào Ngọc Dung; các vấn đề liên quan đến kinh tế vĩ mô, đầu tư công, phục hồi và phát triển kinh tế trong và hậu đại dịch liên quan đến trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; và vấn đề liên quan đến giáo dục và đào tạo thuộc trách nhiệm của Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Kim Sơn.
Cuối phiên thảo luận, Quốc hội sẽ dành thời gian để Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính báo cáo thêm một số vấn đề thuộc 4 lĩnh vực nêu trên mà Quốc hội quan tâm và trả lời trực tiếp các câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Mở đầu phiên chất vấn, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long trả lời chất vấn đối với các lĩnh vực: Công tác phòng, chống dịch COVID-19 thời gian qua và chiến lược phòng, chống dịch, chiến lược vaccine trong thời gian tới; việc bảo đảm nguồn cung và quản lý giá xét nghiệm COVID-19, thuốc chữa bệnh, trang thiết bị y tế, sinh phẩm xét nghiệm; giải pháp giảm thiểu sự chênh lệch chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh giữa các tuyến, các vùng, miền và nâng cao năng lực của hệ thống y tế cơ sở, đặc biệt là ở các vùng khó khăn; định hướng đào tạo, sử dụng và chế độ đặc thù cho đội ngũ cán bộ y tế.
Tại phiên chất vấn các đại biểu: Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu); Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình); Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp); Đinh Ngọc Sỹ (Bình Thuận); Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương); Đinh Văn Đức (Đắk Lắk); Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn);... chất vấn Bộ trưởng về giải pháp triển khai đồng bộ, thống nhất Nghị quyết 128/NQ-CP trên phạm vi toàn quốc; tổ chức cách ly F1 tại nhà; quản lý giá dịch vụ xét nghiệm phát hiện virus SARS-CoV-2; quản lý bệnh viện công; sản xuất kit xét nghiệm trong nước; phân bổ vaccine và tiêm vaccine cho trẻ em; đào tạo nguồn nhân lực y tế chất lượng cao, tránh chảy máu chất xám; nâng cao chất lượng công tác dự báo diễn biến dịch; tham mưu, triển khai chiến lược vaccine công bằng; giải pháp đột phá để giảm thiểu chênh lệch chất lượng giữa miền núi và đồng bằng; vấn đề cán bộ y tế sai phạm, vướng vào lao lý; nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước...
Giá xét nghiệm mỗi nơi một kiểu, có buông lỏng hay không?
Cơ bản thống nhất với những ý kiến giải trình của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long về quản lý giá xét nghiệm, tuy nhiên đại biểu Phạm Văn Hòa cũng nêu thêm ý kiến tranh luận.
Theo đại biểu, trong thời gian qua, Bộ Y tế dường như buông lỏng giá xét nghiệm. Vì vậy, dẫn đến tình trạng mỗi nơi mỗi kiểu, mỗi địa phương đều có giá khác nhau.
Mặc dù, giá kit xét nghiệm nhập về có chênh lệch giá, doanh nghiệp này nhập vào cao hơn, doanh nghiệp khác thì có thể thấp hơn nhưng Bộ Y tế lại không quản lý giá.
Đại biểu cho rằng đây là một thiếu sót, thời gian qua người dân rất phàn nàn về điều này.
Tới đây, Bộ Y tế đã có quy định mới, tuy nhiên, không biết giá này có tham khảo với Bộ Tài chính hay không? Do đó, đại biểu đề nghị phải rất cẩn trọng để có một sự kiểm tra, giám sát, tránh trường hợp thiếu sự đồng bộ.
Mặc dù giá xét nghiệm đề ra là 106 – 109 nghìn sắp tới đây là của Nhà nước nhưng còn của tư nhân thì thế nào?
Chắc chắn giá xét nghiệm sẽ được điều chỉnh
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, giá xét nghiệm phụ thuộc nhiều vào giá sinh phẩm. Tuy nhiên, sinh phẩm lại không thuộc mặt hàng quản lý giá theo quy định của Luật Giá và đây chính là điểm khiến cho giá có sự khác nhau.
Theo Bộ trưởng, đối với giá xét nghiệm của các đơn vị y tế công lập thực hiện theo quy định của Bộ Y tế là thực thanh thực chi; đối với các đơn vị y tế tư nhân, giá là do đơn vị tự chịu trách nhiệm nhưng phải niêm yết, phải công khai.
Bộ trưởng xin tiếp thu ý kiến của đại biểu, để trên cơ sở đó cùng với các đơn vị chức năng đưa ra những hình thức tăng cường kiểm tra, giám sát đối với việc giá xét nghiệm của các đơn vị tư nhân.
Đồng thời, Bộ trưởng cũng đề nghị đối với các địa phương cũng tăng cường việc kiểm tra, giám sát và cho biết Bộ Y tế đã có văn bản gửi cho các địa phương đối với việc này.
Bộ Y tế cũng đã nhận thấy trách nhiệm và đã có triển khai rất quyết liệt trong thời gian qua. Vì vậy, Bộ Y tế cũng đã chính thức đưa mặt hàng về sinh phẩm xét nghiệm vào mặt hàng về quản lý giá.
Bộ trưởng khẳng định: Tới đây chắc chắn rằng việc giá xét nghiệm sẽ từng bước được điều chỉnh và trên một quan điểm chung là cố gắng hạ được giá xét nghiệm để bảo đảm cho vấn đề về thực thi những biện pháp về phòng, chống dịch cũng như bảo đảm hiệu quả.
Xử lý cán bộ sai phạm là việc rất đau lòng!
Về sai phạm, vi phạm của một số cán bộ y tế bị xử lý trong thời gian qua, nhất là trong công tác đấu thầu, mua sắm thuốc men vật tư, trang thiết bị y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long bày tỏ, đây là vấn đề rất đau lòng, bên cạnh nguyên nhân chủ quan, có những nguyên nhân khách quan.
Bộ trưởng cho biết, Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản để quy định, hướng dẫn trong lĩnh vực này; thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, để kịp thời phát hiện, ngăn ngừa, xử lý nghiêm các sai phạm.
Về nghiên cứu sản xuất vaccine phòng COVID-19, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, Bộ Y tế hết sức quan tâm và mong muốn chủ động được nguồn vaccine trong nước. Tuy nhiên, việc cấp phép sản xuất vaccine phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, Bộ cố gắng giảm tối đa thời gian thực hiện các thủ tục hành chính.
Bộ Y tế đã thành lập 2 hội đồng (Hội đồng Y đức và Hội đồng cấp phép). Các hội đồng này hoạt động độc lập với Bộ trưởng; được biết các hội đồng đã phối hợp rất chặt chẽ với các đơn vị nghiên cứu, sản xuất để hoàn thiện hồ sơ theo quy định. Thời gian cụ thể phải chờ đợi kết quả từ 2 hội đồng.
Phòng chống đại dịch chưa có trong tiền lệ
Về giải pháp thực hiện Nghị quyết 128, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, đại dịch COVID-19 là đại dịch chưa có trong tiền lệ, các quốc gia đều phải căn cứ vào tình hình thực tế để triển khai các biện pháp, chiến lược chống dịch, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, hoàn thiện dần.
Trên cơ sở thực tiễn đất nước và tham khảo ý kiến của các tổ chức quốc tế, kinh nghiệm của các nước, Bộ Y tế đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị quyết 128, triển khai chiến lược "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19".
Căn cứ vào Nghị quyết 128 và Quyết định 4800 của Bộ Y tế, các địa phương chủ động đánh giá cấp độ dịch trong địa bàn quản lý (từ cấp xã, huyện, tỉnh), căn cứ vào tình hình cụ thể, các địa phương chủ động triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp với từng cấp độ, đảm bảo hiệu quả; tránh tình trạng lơ là, chủ quan, mất cảnh giác,... Đến nay, về cơ bản các địa phương đã triển khai đồng bộ, thống nhất Nghị quyết 128 trên phạm vi cả nước.
Tổ chức cách ly linh hoạt, bảo đảm an toàn
Về công tác cách ly, Bộ trưởng cho biết, căn cứ trên Nghị quyết 128 và Quyết định 4800, Bộ Y tế đã có hướng dẫn về việc xét nghiệm, cách ly đối với những trường hợp đi từ những vùng dịch trở về, đối với cấp độ 3 và cấp độ 4 được phân ra làm nhiều quy định.
Thứ nhất, người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine chỉ cần theo dõi y tế ở nhà 7 ngày và xét nghiệm ngày thứ nhất, người đã khỏi bệnh cũng như vậy. Những người đã tiêm 1 mũi vaccine thì cách ly tại nhà 7 ngày, người chưa tiêm mũi nào sẽ cách ly tại nhà 14 ngày.
Tuy nhiên, còn tùy thuộc vào các điều kiện của từng địa phương và trong khuyến cáo của Bộ Y tế là tùy mức độ, tùy địa phương và nhất là vấn đề về việc bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch đối với những khu vực có mật độ dân cư cao như chung cư hay những khu vực có nhiều người dân sinh sống mà chưa được tiêm vaccine thì cố gắng bảo đảm việc cách ly một cách linh hoạt để bảo đảm tính an toàn.
Đối với trường hợp này, Bộ Y tế cũng kiến nghị áp dụng cho cụ thể. Đối với những khu chung cư đông người mà tỷ lệ tiêm chủng chưa cao thì phải áp dụng hình thức cách ly tập trung hoặc cách ly tại nhà. Đây là những điều mà Bộ Y tế đã có văn bản hướng dẫn.
Có bắt buộc F1 tiêm đủ 2 mũi vaccine phải cách ly tập trung không?
Về việc những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, đeo khẩu trang và không tiếp xúc nhưng chẳng may vô tình đi cùng thang máy với F0 và hoàn toàn có đủ khả năng tự cách ly tại căn hộ và trong trường hợp đó có bắt buộc phải đưa họ đi cách ly tập trung hay không? Bộ trưởng cho biết, tình trạng này cũng đã xảy ra đối với một vài địa phương và đối với TP. Hà Nội.
Bộ Y tế đã trao đổi với TP. Hà Nội trong những trường hợp như vậy thì không bắt buộc cách ly tập trung 14 ngày và trong hướng dẫn của Bộ Y tế đã nêu rất rõ trường hợp như vậy chỉ cách ly tại nhà 7 ngày.
Đồng thời, Bộ Y tế đã có văn bản đưa ra các mức độ về những đối tượng tiêm 2 mũi vaccine, 1 mũi vaccine, người chưa tiêm và người đã khỏi bệnh thì như thế nào.
Bộ trưởng đề nghị đối với các địa phương áp dụng để tạo sự thống nhất trong vấn đề thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ. Bởi vì hiện nay đã chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả thì phải quản lý những rủi ro và làm tốt trên bình diện chung của tất cả các địa phương để tạo sự thống nhất, đồng bộ.
Giá sinh phẩm phụ thuộc nhiều yếu tố
Về quản lý giá sinh phẩm, trang thiết bị y tế, giá xét nghiệm, Bộ trưởng nêu rõ: Về khách quan, giá cả thiết bị, sinh phẩm phụ thuộc vào nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, thời điểm mua; khi dịch bệnh mới bùng phát, thiếu nguồn cung, các quốc gia tranh mua,... nên giá cao; sau khi nguồn cung được mở rộng, giá giảm;...
Bộ Y tế đã chỉ đạo các doanh nghiệp cung ứng sản phẩm phải công khai, niêm yết giá trên Cổng TTĐT của Bộ để các địa phương tham khảo, quyết định mua sắm;...
Đồng thời, Bộ Y tế cũng tăng cường cấp phép cho các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu test kit, tạo điều kiện nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm mới, mở rộng nguồn cung, hạ giá thành sản phẩm; tăng cường vận động doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế, các nước tài trợ để bảo đảm đủ số lượng, chất lượng test kit, sinh phẩm,... phục vụ công tác phòng chống dịch;...
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng liên tục điều chỉnh chiến lược xét nghiệm cho phù hợp với từng thời điểm diễn biến dịch bệnh, để triển khai công tác xét nghiệm tiết kiệm, hiệu quả; liên tục có văn bản nhắc nhở các địa phương đảm bảo việc thực hiện đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm theo đúng quy định của pháp luật.
Đối với giá dịch vụ xét nghiệm của các bệnh viện công thực hiện theo "thực thanh, thực chi", đối với các cơ sở y tế tư nhân, thực hiện theo cơ chế thị trường và phải công khai niêm yết giá. Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với lĩnh vực xét nghiệm để kịp thời phát hiện, điều chỉnh những bất cập và xử lý nghiệm những sai phạm.
Về phân bổ vaccine, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, việc phân bổ vaccine được thực hiện theo Nghị quyết 21 của Chính phủ, phân bổ theo các khu vực ưu tiên, các địa bàn trọng tâm, trọng điểm,... Hiện các địa phương đang tiến hành tiêm vaccine cho các đối tượng ưu tiên: Nhóm đối tượng tuyến đầu chống dịch, người cao tuổi, người có bệnh lý nền,... Một số địa phương đang tiến hành tiêm vaccine cho trẻ em.
Về việc quản lý các bệnh viện công, Bộ trưởng Bộ Y tế bày tỏ đồng tình với quan điểm cần phải tách bạch giữa quản lý chuyên môn, chuyên ngành với quản lý tài chính, hậu cần,... Bộ Y tế tiếp thu ý kiến của các đại biểu, phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan để hoàn thiện các quy định, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ sở y tế.
Dự báo diễn biến dịch bệnh là việc rất khó
Về đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế, "giữ chân người tài" trong lĩnh vực y tế công lập, Bộ trưởng nhấn mạnh, Bộ Y tế luôn quan tâm đến công tác này, đã tham mưu cho cấp có thẩm quyền ban hành nhiều chính sách, chế độ phụ cấp nhằm thu hút, giữ chân cán bộ giỏi; thực tế hiện nay, đa số các chuyên gia đầu ngành đều đang công tác trong các cơ sở y tế công lập, số người chuyển sang làm việc ở khu vực y tế tư nhân chỉ là thiểu số... Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan để xây dựng, hoàn thiện cơ chế trong lĩnh vực này.
Về dự báo tình hình dịch bệnh, Bộ trưởng nhấn mạnh: Đây là công việc rất khó khăn, khó thực hiện, do virus liên tục biến chủng, đại dịch chưa có tiền lệ, diễn biến dịch bệnh vẫn rất phức tạp... Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp, tham khảo tư vấn của các tổ chức quốc tế trong công tác này; đồng thời yêu cầu các địa phương không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trong phòng chống dịch bệnh, đẩy nhanh tiến độ bao phủ vaccine; Bộ trưởng đề nghị người dân phải thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K để phòng chống dịch.
Về giải pháp nhằm giảm chênh lệch về chất lượng khám chữa bệnh giữa các khu vực, Bộ Y tế sẽ quy hoạch lại mạng lưới y tế, tiến hành xây dựng các bệnh viện tuyến cuối trên các địa bàn trọng điểm (Tây Bắc, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ); tiếp tục đổi mới công tác đào tạo nhân lực, chuyển giao kỹ thuật từ tuyến trên xuống tuyến dưới; nâng cao số lượng, chất lượng nhân lực cho vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; triển khai đề án khám chữa bệnh từ xa, kết nỗi hỗ trợ khám chữa bệnh, điều trị trực tuyến;...
“Hỏi nhanh, đáp gọn”, đúng trọng tâm, trọng điểm
Phát biểu khai mạc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, bắt đầu từ buổi sáng hôm nay Quốc hội sẽ dành 2,5 ngày để tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Đây cũng là phiên chất vấn đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Theo Chủ tịch Quốc hội, trong suốt các nhiệm kỳ vừa qua, hoạt động chất vấn không ngừng được đổi mới, nâng cao hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của cử tri cả nước. Làm cho hoạt động chất vấn không chỉ là hoạt động để nâng cao chất lượng giám sát của Quốc hội mà còn nâng cao tính tương tác, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn đối với 4 nhóm vấn đề: Y tế; lao động, việc làm và các vấn đề xã hội; các vấn đề liên quan đến kinh tế vĩ mô, đầu tư công, phục hồi kinh tế trong và hậu đại dịch; giáo dục và đào tạo.
Cuối phiên thảo luận, Quốc hội sẽ dành thời gian để Thủ tướng Chính phủ báo cáo thêm các vấn đề đại biểu quan tâm và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị mỗi đại biểu lựa chọn vấn đề tâm đắc nhất, đặt câu hỏi chất vấn ngắn gọn, trọng tâm trong vòng 1 phút, Bộ trưởng trả lời trong phạm vi 3 phút theo tinh thần “hỏi nhanh, đáp gọn”. Trong quá trình trả lời chất vấn của các Bộ trưởng, các Phó Thủ tướng và các thành viên Chính phủ tham gia trả lời chất vấn những vấn đề cử tri và đại biểu quan tâm. Các đại biểu có quyền tranh luận lại với phần trả lời của các Bộ trưởng, không tranh luận giữa các đại biểu với nhau, Chủ tịch Quốc hội lưu ý. Sau phiên họp, Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết chung về phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Theo chương trình phiên họp, sau khi phát biểu mở đầu phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội chủ trì điều hành chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực y tế gồm: Công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 thời gian qua và chiến lược phòng, chống dịch, chiến lược vaccine trong thời gian tới; Việc bảo đảm nguồn cung và quản lý giá xét nghiệm COVID-19, thuốc chữa bệnh, trang thiết bị y tế, sinh phẩm xét nghiệm; Giải pháp giảm thiểu sự chênh lệch chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh giữa các tuyến, các vùng, miền và nâng cao năng lực của hệ thống y tế cơ sở, đặc biệt là ở các vùng khó khăn; Định hướng đào tạo, sử dụng và chế độ đặc thù cho đội ngũ cán bộ y tế. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề này.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng các Bộ: Công an, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ; Tổng Thanh tra Chính phủ, Tổng Kiểm toán Nhà nước cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Buổi chiều, Bộ trưởng Bộ Y tế và các thành viên Chính phủ liên quan, Tổng Kiểm toán Nhà nước tiếp tục trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ nhất.
Tiếp đó, Chủ tịch Quốc hội phát biểu kết thúc chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ nhất.
Link nội dung: https://pld.net.vn/bo-truong-bo-y-te-nguyen-thanh-long-tra-loi-chat-van-truoc-quoc-hoi-a5456.html