COVID-19: Thời điểm tín dụng đen “bùng nổ” và núp bóng dưới nhiều hình thức

Trung tá Đỗ Minh Phương - Phó Trưởng Phòng Trọng án - Cục Cảnh sát Hình sự - Bộ Công an cho biết thời gian qua, các hoạt động cho vay nặng lãi, tín dụng đen “bùng nổ” và núp bóng dưới các hình thức khác nhau, gây ảnh hưởng xấu tới tình hình an ninh, trật tự tại nhiều địa phương…

Xử phạt hơn 7.000 tỷ đồng với các cơ sở vi phạm về kinh doanh dịch vụ cầm đồ

Tại hội thảo "Cảnh báo bẫy tín dụng đen, đẩy mạnh kênh tín dụng chính thức" do Báo Lao động tổ chức chiều ngày 12/11, Trung tá Đỗ Minh Phương - Phó Trưởng Phòng Trọng án - Cục Cảnh sát Hình sự - Bộ Công an cho biết, hiện toàn quốc có 26.942 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ.

256186333_2906463663

Toàn cảnh hội thảo

Từ đầu năm 2020 đến nay, Công an các địa phương đã cấp mới 2.436, thu hồi 175 Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự để kinh doanh dịch vụ cầm đồ, phát hiện 2.736 cơ sở vi phạm, xử phạt hành chính số tiền 7,728 tỷ đồng. Qua công tác nghiệp vụ, Công an các địa phương đã rà soát, phát hiện: 6664 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ; 540 cơ sở kinh doanh tài chính;  3667 cá nhân có biểu hiện hoạt động cho vay lãi suất cao.

Trung tá Đỗ Minh Phương cho biết, kể từ khi Chỉ thị số 12 ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính Phủ được ban hành, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen đã có những chuyển biến tích cực. Các đối tượng cho vay và đòi nợ không còn hoạt động công khai, lộng hành như trước; nhận thức và ý thức cảnh giác của người dân từng bước được nâng cao. Công tác quản lý nhà nước theo chức năng của lực lượng công an đạt hiệu quả hơn. Hoạt động kiểm tra liên ngành đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, kinh doanh tài chính được duy trì thường xuyên.

Trong năm thứ hai thực hiện Chỉ thị 12, qua thống kê các vụ án, vụ việc liên quan đến hoạt động tín dụng đen, lực lượng Công an đã tiếp nhận, phát hiện: 1047 vụ/1718 đối tượng, đã khởi tố 554 vụ/990 bị can; Xử phạt hành chính 375 vụ/593 đối tượng. Riêng về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự đã phát hiện, tiếp nhận 539 vụ/884 đối tượng (51,48%) trong đó đã khởi tố 314 vụ/541 bị can; xử phạt hành chính 153 vụ/249 đối tượng.

Tín dụng đen “núp bóng” dưới nhiều hình thức

Mặc dù, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen đã được kiềm chế nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang gây thiệt hại nặng nề đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội.

256177269_1015213165

Trung tá Đỗ Minh Phương - Phó Trưởng Phòng Trọng án - Cục Cảnh sát Hình sự - Bộ Công an

Trung tá Đỗ Minh Phương cho biết, các đối tượng hoạt động tín dụng đen chuyển hướng lợi dụng công nghệ, mạng xã hội mời chào, dụ dỗ người kinh doanh nhỏ lẻ, người lao động thu nhập thấp, công nhân, thanh thiếu niên vay tiền. Để đối phó với các cơ quan chức năng, các đối tượng này chuyển hướng lập các doanh nghiệp núp bóng, cho vay trực tuyến, vay qua ứng dụng hoặc lập các tài khoản, hội nhóm trên mạng xã hội (Zalo, Facebook) để len lỏi, tiếp cận, mời chào số lượng lớn người có nhu cầu vay tiền với thủ đoạn quảng cáo không cần thế chấp tài sản, chỉ cần giấy tờ tùy thân, giải ngân ngay qua tài khoản ngân hàng. Nhưng lại tiến hành thu thêm nhiều khoản phí, tiền phạt trái pháp luật (thực chất là để lách số tiền lãi vượt ngưỡng theo quy định của pháp luật).

Bên cạnh các ứng dụng cho vay tiền của các tổ chức tín dụng, công ty tài chính, xuất hiện nhiều ứng dụng không rõ nguồn gốc về đơn vị chủ quản có biểu hiện hoạt động tín dụng đen. Khi khách hàng cài đặt ứng dụng vay và để lại thông tin cá nhân, sẽ có đối tượng liên hệ, mời chào vay tiền và cài đặt các ứng dụng vay khác. Các ứng dụng này có khả năng truy cập thu thập danh bạ, lịch sử tin nhắn, cuộc gọi, thông tin tài khoản mạng xã hội…. của người vay để sử dụng khi đòi nợ hoặc cho những mục đích trái pháp luật khác.

Ông Lê Ngọc Lâm, Tổng Giám đốc Ngân hàng BIDV chia sẻ, tín dụng đen ngày càng len lỏi, tồn tại không chỉ ở vùng sâu, vùng xa, mà ở ngay giữa lòng thành thị, do nhiều khách hàng cá nhân ít có cơ hội tiếp cận thông tin, chính sách cho vay của các ngân hàng; chưa hiểu rõ về tài sản bảo đảm, giá trị, tính pháp lý tài sản bảo đảm khi đi vay. Bên cạnh đó, hệ thống thông tin, liên kết chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan chức năng tại Việt Nam chưa hoàn thiện; chế tài xử phạt đối với việc cho vay nặng lãi, tổ chức tín dụng đen chưa đủ tính răn đe.

Quá trình cấp tín dụng vẫn gặp khó khăn

Bà Hà Thu Giang - Phó Vụ trưởng - Vụ tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho biết dịch COVID-19 ảnh hưởng tiêu cực và tác động trực tiếp đến thu nhập của người dân đặc biệt là tập trung vào nhóm người có thu nhập thấp như công nhân, người lao động thời vụ, người kinh doanh nhỏ... dẫn tới tình hình tội phạm tín dụng đen có chiều hướng diễn biến phức tạp.

255979040_2252119862

 Bà Hà Thu Giang - Phó Vụ trưởng - Vụ tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã liên tiếp 3 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành, tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Thường xuyên chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm tối đa chi phí hoạt động, dành nguồn lực để giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng. Đến nay, mặt bằng lãi suất vay giảm khoảng 1,66%/năm so với trước dịch.

Ngân hàng Nhà nước cũng ban hành Thông tư 01 ngày 13/3/2020, Thông tư 03 ngày 2/4/2021 và Thông tư 14/2021/TT-NHNN tạo khuôn khổ pháp lý để các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi phí, giữ nguyên nhóm nợ, tháo gỡ khó khăn cho các khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Tuy nhiên, theo bà Hà Thu Giang, quá trình cấp tín dụng vẫn gặp khó khăn, tội phạm tín dụng đen vẫn có cơ hội để phát triển.

Bà Giang chỉ ra nguyên nhân do các nhu cầu vay vốn tiêu dùng cấp bách của khách hàng thường khó chứng minh mục đích sử dụng vốn và khả năng trả nợ, quá trình thẩm định cấp tín dụng khó khăn do nguồn thông tin không đầy đủ, độ chính xác không cao. Đặc biệt trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát như thời gian qua thì việc thẩm định cho vay lại càng khó khăn hơn. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng cũng phải đảm bảo chất lượng nợ, an toàn vốn và an toàn hệ thống, thủ tục cho vay, xử lý nợ, rủi ro không giống các tổ chức cung ứng tín dụng đen.

Đẩy mạnh kênh tín dụng chính thức, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tín dụng đen

Phát biểu tại hội thảo, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước đánh giá tội phạm tín dụng đen những năm vừa qua ngày càng biến tướng, gây ra nhiều hệ lụy. Đặc biệt, trước tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19 khiến nhiều người lao động rơi vào cảnh khó khăn, mất việc làm và không có tiền chi tiêu, tội phạm tín dụng đen đã lợi dụng tình cảnh này để mở rộng “bẫy” vay nợ thông qua nhiều hình thức, phương thức và thủ đoạn mới.

Dao-Minh-Tu

Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước

Phó Thống đốc cũng thừa nhận vẫn còn những hạn chế trong việc đẩy lùi tín dụng đen như các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng liên quan đến hoạt động tín dụng đen ngày càng gia tăng phức tạp.

"Mặc dù các tổ chức tín dụng đã tích cực đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng tiêu dùng, đơn giản hóa thủ tục vay vốn, tuy nhiên một số bộ phận người dân còn tìm đến vay tiền từ tín dụng đen do để phục vụ nhu cầu vay vốn không hợp pháp (cờ bạc, ma tuý, kinh doanh phi pháp,...) hoặc do thói quen tiêu dùng, tâm lý e ngại tiếp xúc với ngân hàng", Phó Thống đốc nói.

Do đó, Phó Thống đốc cho rằng cần đẩy mạnh kênh tín dụng chính thức, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tín dụng đen. Cùng với đó, triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi COVID-19, thiên tai, dịch bệnh hoặc khi người dân gặp khó khăn do các nguyên nhân chính đáng chưa thể trả được nợ đúng hạn như xem xét gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, giúp người dân tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, không phải đi vay nặng lãi từ các đối tượng cho vay tín dụng đen.

Một điểm quan trọng mà ngành ngân hàng cần thực hiện được Phó Thống đốc nhấn mạnh là tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động tín dụng, ngân hàng, cải tiến quy trình, thủ tục, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay; khuyến khích phát triển mô hình ngân hàng lưu động ở những vùng khó khăn, tạo điều kiện cho các khách hàng thuận tiện hơn trong việc tiếp cận vốn và các dịch vụ ngân hàng khác.

Trung tá Đỗ Minh Phương cũng cho rằng, UBND các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành có liên quan kịp thời giải quyết các vấn đề về an sinh xã hội trong và sau thời gian dịch bệnh COVID-19; nắm bắt khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận nguồn vốn để có giải pháp tháo gỡ, góp phần hạn chế người dân có nhu cầu vay tiền chính đáng, phục vụ sản xuất, kinh doanh phải tìm đến hoạt động tín dụng đen.

Song song đó, Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương siết chặt công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự có liên quan đến phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen.

Tiên Nguyễn

Link nội dung: https://pld.net.vn/covid-19-thoi-diem-tin-dung-den-bung-no-va-nup-bong-duoi-nhieu-hinh-thuc-a5491.html