Bàn giao đất để yên tâm sản xuất
Quy định Luật Đất đai 2013 đã thu hẹp đối với các đối tượng được giao đất không thu tiền, giao đất có thu tiền và mở rộng đối tượng được thuê đất. Tính từ thời điểm 2012 đến hết năm 2020, trên địa bàn tỉnh đã tiến hành giao đất, cho thuê đất cho 974 tổ chức với diện tích 10.452,76ha. Trong đó: đã giao đất cho 410 tổ chức với diện tích 2.660,5ha; cho 564 tổ chức thuê đất với diện tích 7.738,28ha. Đối với thời hạn giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng đã kéo dài từ 20 năm lên 50 năm, đã tạo điều kiện khuyến khích cho nông dân gắn bó hơn với đất và yên tâm sản xuất.
Bên cạnh đó, Khánh Hòa thu hồi 3.353,03ha đất của các công ty lâm nghiệp và ban quản lý rừng phòng hộ để giao đất cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo thiếu đất sản xuất tại các địa phương.
Chuyển đổi đất đai từng bước đưa Khánh Hòa trở thành đô thị văn minh hiện đại.Tỉnh thường xuyên chỉ đạo công tác thẩm định hồ sơ, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi trong công tác giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất nên đã thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Khánh Hòa là địa phương đề ra rất nhiều biện pháp tháo gỡ những vướng mắc về vấn đề tái định cư như: Giải quyết việc làm cho người dân tái định cư nhằm ổn định cuộc sống tại nơi ở mới; về giá bồi thường đất ở khi thu hồi đất ở cho người bị thu hồi đất; về hiệu quả công tác bồi thường và tác động xã hội do công tác bồi thường làm ảnh hưởng, không để thời gian thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ kéo dài, gây khó khăn trong việc ổn định đời sống nhân dân, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án của nhà đầu tư.
Ưu tiên thế mạnh du lịch
Trong công tác thu hồi đất, tỉnh đã có nhiều biện pháp hỗ trợ người bị thu hồi đất trong việc bố trí tái định cư và các chính sách hỗ trợ khác nhằm giúp người dân bị thu hồi đất sớm ổn định đời sống. Mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh là phát triển bền vững trên cơ sở chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, tăng tỷ lệ lao động dịch vụ, công nghiệp và xây dựng, phát huy hiệu quả của 3 vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh gồm: khu vực vịnh Cam Ranh, khu kinh tế Vân Phong và thành phố Nha Trang.
Từ năm 2012 đến nay, nhiều dự án nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố Nha Trang đã được triển khai xây dựng, góp phần giải quyết nhà ở cho người lao động trong khu vực, nhất là lao động trong lĩnh vực dịch vụ du lịch, công nghiệp. Các dự án bất động sản lớn hầu hết đều tập trung tại 3 vùng kinh tế trọng điểm, từng bước đưa Khánh Hòa trở thành đô thị văn minh hiện đại. Ngoài ra, việc các dự án bất động sản triển khai, còn góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ lệ lao động xây dựng theo định hướng của tỉnh.
Tính đến hết năm 2020, tổng số dự án đã thực hiện thu hồi đất theo Luật Đất đai 2013 trên địa bàn tỉnh là 348 dự án với diện tích 7.828,48ha. Đặc biệt từ năm 2012 đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để thực hiện một số dự án lớn như: Quốc lộ 1, Hầm Đường bộ Đèo Cả, cao tốc Bắc Nam: đoạn Nha Trang - Cam Lâm, đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo.
Để khai thác tối đa thế mạnh về du lịch, tỉnh Khánh Hòa chủ trương đẩy mạnh phát triển hạ tầng về du lịch gắn với việc triển khai hàng loạt dự án bất động sản du lịch, đa dạng hóa sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng để thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư quan tâm đến loại hình này. Việc phát triển nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội được quan tâm, từng bước cải thiện điều kiện nhà ở của nhân dân tại địa phương: chỉ tiêu diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt khoảng 21,3m2/người (chỉ tiêu là 22m2/người); tỷ lệ nhà bán kiên cố và kiên cố đến năm 2020 đạt khoảng 98% (chỉ tiêu là 85%).
Về phát triển nhà ở cho các đối tượng chính sách, thu nhập thấp đến năm 2020, toàn tỉnh có diện tích sàn nhà ở đạt khoảng 96.840,8m2 (chỉ tiêu là 60.000m2 sàn). Các chỉ tiêu trong lĩnh vực nhà ở, nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn này cơ bản đạt và vượt so với chỉ tiêu đề ra. Tỉnh đã chú trọng công tác quy hoạch phần diện tích bên cạnh công trình kết cấu hạ tầng, vùng phụ cận để thu hồi, tạo nguồn lực từ đất đai đầu tư đối với các dự án xây dựng công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, chỉnh trang đô thị tại địa phương, tạo được quỹ đất để đấu giá giúp tăng nguồn thu từ đất. Về việc rà soát lại các điều kiện lựa chọn nhà đầu tư, bảo đảm nhà đầu tư phải có đủ năng lực thực hiện các dự án bất động sản tại địa phương.
Link nội dung: https://pld.net.vn/khanh-hoa-chuyen-doi-dat-dai-phuc-vu-phat-trien-kinh-te-a5516.html