Úc: Khai thác năng lượng sóng biển phục vụ nuôi trồng thủy sản

Công ty Carnegie Clean Energy (CCE) chuyên về năng lượng sạch tại Tây Úc vừa khởi động một dự án trình diễn (demonstrator project) công nghệ MoorPower để khai thác năng lượng từ sóng biển – trị giá 3,4 triệu USD.

Dự án được kỳ vọng, nếu thành công thì sẽ mang đến cho chúng ta một giải pháp năng lượng thay thế sạch và đáng tin cậy cho các hoạt động ngoài khơi, giúp giảm thiểu sự phụ thuộc vào máy phát điện diesel. CCE cho biết, thị trường mục tiêu ban đầu mà họ hướng tới là những tàu xa bờ như xà lan chở thức ăn nuôi cá biển, và sau này sẽ mở rộng sang nhiều hoạt động khác cần tiêu thụ năng lượng.

tram-cap-dien-tren-bien-1637759222.png
Minh họa cách một trạm MoorPower cấp điện cho xà lan chở thức ăn trên biển. Ảnh: Carnegie Clean Energy.

CCE đặt mục tiêu trong 2 năm sẽ hoàn tất công việc thiết kế, lắp đặt và vận hành một cơ sở khai thác năng lượng sóng bằng công nghệ MoorPower gần trụ sở chính và cơ sở R&D tại Bắc Fremantle, Tây Úc, dưới sự phối hợp chặt chẽ cùng hai đối tác nuôi trồng thủy sản (NTTS) lớn nhất nước: Huon Aquearch và Tassal Group. Bên cạnh Trung tâm Nghiên cứu Hợp tác Kinh tế biển xanh (BECRC), dự án còn thu hút được rất nhiều đối tác công nghiệp và học thuật khác, bao gồm DNV GL Australia, Advanced Composite Structures Australia, Đại học Tasmania, Climate KIC/Australian Ocean Energy Group, AMC Search và Đại học Queensland,… Trong số này, BECRC tài trợ 1,35 triệu USD, CCE huy động được 265.000 USD và các đối tác khác đóng góp 1,8 triệu USD.

Ngành công nghiệp NTTS đang ngày càng tiến ra xa bờ. Những phương tiện ngoài khơi như sà lan chở thức ăn vì thế sẽ khó tiếp cận nguồn cấp điện trên đất liền; trong khi máy phát điện chạy bằng dầu diesel, bên cạnh chi phí không nhỏ còn kéo theo vấn đề khí thải CO2 và rủi ro ô nhiễm môi trường do rơi vãi nhiên liệu. Nhưng thách thức này cũng mang lại cơ hội cho năng lượng sóng – một nguồn năng lượng gần như vô tận song chưa hề được khai thác đúng mực. Theo dự báo của tổ chức Ocean Energy Europe (OEE) tại châu Âu, năng lượng sóng có thể tạo ra một thị trường tiềm năng đạt giá trị 653 tỷ euro vào năm 2050.

CCE mong muốn duy trì sự hợp tác sâu rộng cùng các công ty NTTS để hiểu rõ nguyện vọng cùng những khó khăn và thách thức mà họ phải đối mặt. Các đối tác cung cấp giải pháp khác, chẳng hạn công ty chế tạo sà lan chở thức ăn, cũng cam kết sẽ hỗ trợ cho dự án MoorPower. Trong tầm nhìn của CCE, công nghệ này khi hoàn thiện sẽ được tích hợp cùng những hệ thống sản xuất năng lượng tái tạo khác ở ngoài khơi, bao gồm điện gió, mặt trời, hydrogen và cả pin nhiên liệu.

Thành phần cốt lõi của công nghệ MoorPower là một phao chìm nằm sâu vài mét bên dưới bề mặt đại dương và có khả năng di chuyển theo sóng. Chuyển động theo quỹ đạo này sẽ dẫn động một hệ thống Power take-off (PTO) giúp chuyển hóa năng lượng sóng thành điện.

“Chúng tôi rất mong đợi các cơ hội mà MoorPower sẽ mang đến cho ngành NTTS, bên cạnh tiềm năng mở rộng sang các hoạt động khác ở ngoài khơi cần đến nguồn năng lượng sạch và đáng tin cậy. Dự án cũng mở đường cho triển vọng hợp tác giữa nhiều chuyên gia do CCE dẫn dắt cùng những đối tác khác trên khắp cả nươc,” Tiến sĩ John Whittington, CEO của BECRC, phát biểu trong thông cáo báo chí.

Mark Asman, trưởng bộ phận nuôi trồng thủy sản tại Tassal Group, nhận định: “Trước thực trạng dân số tăng, các nguồn tài nguyên đất canh tác và nước ngọt dần trở nên khan hiếm, trữ lượng cá tự nhiên cũng ngày càng sụt giảm, hoạt động NTTS đang cung cấp cho nhân loại nguồn protein có khả năng tái tạo bền vững nhờ vào những sáng tạo và thành quả R&D mang tính đột phá. Thông qua việc khám phá các dạng năng lượng tái tạo mới từ đại dương, ngành NTTS sẽ tiếp tục tạo ra những thực phẩm chất lượng với tỷ lệ phát thải CO2 thấp.”

Link nội dung: https://pld.net.vn/uc-khai-thac-nang-luong-song-bien-phuc-vu-nuoi-trong-thuy-san-a5643.html