Sốt đất khắp nơi, các Bộ lên tiếng, địa phương ra văn bản “chống sốt”

Đã 21h, chị Hà ở Hoàng Mai gọi điện tha thiết xin anh Thắng đi taxi cùng sang Gia Lâm, cho chị xem mảnh đất hơn 40m2, có sẵn nhà 1,5 tầng để mua cho con ở. Thế nhưng, chỉ sau 3 ngày, mảnh đất mỗi ngày mỗi giá của anh Thắng không bán được vì… sốt quá.

Sốt đất: nhanh tay thì tiếc tiền, chậm chân… uống nước đục

Không phải kể thì chỉ trong 2 tuần gần đây, thông tin đề án Quy hoạch nội đô, Quy hoạch thành phố ven sông Hồng của Hà Nội công bố, đất khắp nơi lên cơn sốt. Ở các huyện: Gia Lâm, Đông Anh, Hoài Đức, Thanh Trì đất lên theo ngày, thậm chí sáng một giá, chiều một giá. Người dân đi mua đất ở hay môi giới địa ốc khắp các quận, huyện ở Hà Nội đều đang trong giai đoạn “thức trắng” tìm đất và… đất.

Anh Sầm Vũ Thắng có mảnh đất hơn 40m ở gần chợ Bún, Đa Tốn, Gia Lâm, Hà Nội. Đây là một trong số bốn huyện ngoại thành “ứng cử” lên quận. Thêm nữa, Đa Tốn là địa điểm nằm giữa các dự án lớn như Vin Ocean Park và Ecoparrk nên chỉ trong vòng ba năm nay, đất “nằm im” từ khoảng 12 triệu đồng/m2, vọt lên hơn 30 triệu và nay thì 40 triệu đồng/m2. Đó là đất trong làng.

“Vì sắp sinh con nên gia đình mình muốn bán, chuyển mua nhà quận Hoàng Mai cho tiện sinh hoạt. Đầu tháng 3 mình rao bán, hàng xóm mách, môi giới gọi trả 1.450 triệu đồng. Mình đang lưỡng lự, tuần sau cậu ấy trả 1.490 triệu đồng, xin 10 triệu đồng tiền môi giới. Gia đình đang cân nhắc thì ngay chiều tối hôm sau, thứ 7, ngày 20/3, cậu ấy trả tròn 1,5 tỷ đồng, không nhận phí, tự lo thủ tục sang tên. Đến hôm 24/3, cậu ấy lại trả 1,6 tỷ đồng. Mình có đất bán mà cũng “sợ”, không dám quyết”, anh Thắng nói. Sau 1 tuần, đến nay, mảnh đất của anh Thắng lại lặng thinh, không ai gọi hỏi nữa.

sot dat
Ảnh minh họa)

Không riêng gì Hà Nội trong “chảo lửa” sốt đất, khắp các địa phương đất đều tăng vù vù, người người làm môi giới bán đất. Trường hợp chị Nguyễn Hà My có mảnh đất ở Thanh Hóa cũng trong vòng xoáy “đất lên hàng giờ”.

Chị My kể, công tác ở môt cơ quan Bộ tại Hà Nội, mấy năm trước, chị mua mảnh đất ở Thanh Hóa, quê chồng.  Thời gian gần đây, vì cần tiền và cũng đã chốt lãi được hơn 300 triệu đồng nên đặt bút bán. Người mua cọc 50% giá trị mảnh đất. Chưa kịp làm thủ tục sang tên, sau 2 ngày nhận cọc, mảnh đất của chị có người trả cao hơn 200 triệu đồng nữa. “Không thể ngờ đất lên quá như vậy. Trong hai ngày, mình mất 200 triệu đồng vì… bán sớm”, chị My nói.

Theo chị My, tuy có lãi rồi nhưng chị vẫn tiếc ngẩn ngơ vì chỉ 2 ngày, chưa cầm hết tiền bán đất trong tay mà mất 200 triệu đồng.

Các Bộ và Ngân hàng Nhà nước lên tiếng

Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 31/3,  Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng, một trong những vấn đề cần lưu ý trong tình hình kinh tế - xã hội những tháng đầu năm là việc nguồn vốn tập trung vào một số lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro hơn là để phục vụ mở rộng sản xuất, kinh doanh.

“Một phần nguyên nhân do lãi suất ở mức thấp, dòng tiền đang có xu hướng đầu tư vào thị trường bất động sản, một phần do công tác quản lý đất đai, quy hoạch và việc thổi giá của đối tượng môi giới, tạo nên các cơn sốt đất, khiến giá bất động sản nhiều khu vực tăng mạnh trong những tháng đầu năm, bất chấp diễn biến của dịch bệnh”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định.

“Trong thời gian tới, cần chú trọng theo dõi sát diễn biến các thị trường trên, không để xảy ra tình trạng bong bóng thị trường, tiềm ẩn nhiều rủi ro, ảnh hưởng đến nền kinh tế”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước cần giám sát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, BOT giao thông.

“Tuy nhiên trên thực tế, nhiều dự án có diện tích sử dụng đất lớn được lập ra với mục đích chiếm dụng đất, trông chờ chênh lệch địa tô, bán lại dự án, không phải mục đích đầu tư phát triển... cản trở đến hiệu quả sử dụng đất, phát triển kinh tế của các địa phương”, ông Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều cùng ngày ngay sau phiên họp Chính phủ, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, vấn đề bất động sản thời gian gần đây tương đối nóng, tại nhiều địa phương, giá bất động sản có chiều hướng tăng lên. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên, trong đó có tình trạng một số đối tượng cơ hội, tung tin không chính xác dựa vào một số vấn đề hiện nay trong công tác điều hành giá cả, thuế đất… để kiếm chênh lệch, lợi nhuận từ việc đầu cơ.

Phó Thống đốc khẳng định, về phía ngành ngân hàng, tín dụng bất động sản là một trong lĩnh vực ngành ngân hàng quản lý rất sát sao, chặt chẽ.  Việc dịch chuyển dòng vốn, tiền tệ sang thị trường bất động sản hay thị trường khác đều là một trong những nội dung được quán xuyến và quan tâm trong điều hành hoạt động của Ngân hàng Nhà nước. Cho đến ngày 15/3, dư nợ cho vay bất động sản của ngành ngân hàng tăng 2,13%, tăng nhanh hơn so với tăng trưởng tín dụng cho nền kinh tế nói chung.

sot dat 2
Các Bộ, các địa phương ra văn bản cảnh báo tình trạng sốt đất, lợi dụng quy hoạch để nâng giá ảo.)

"Với các đối tượng đầu cơ bất động sản, hoặc đầu tư tại các dự án với khả năng thanh toán hoặc hiệu quả đầu tư không cao, chúng tôi luôn kiểm soát chặt chẽ và có biện pháp hạn chế, đồng thời có chế tài trực tiếp hoặc gián tiếp với các tổ chức tín dụng", ông Đào Minh Tú nói.

Bộ Xây dựng yêu cầu công khai thông tin quy hoạch để chống sốt đất. Thực hiện việc này, Bộ Xây dựng cũng vừa có văn bản gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác quản lý thị trường bất động sản tại các địa phương.

Theo Bộ Xây dựng, tại một số địa phương đã, đang xuất hiện tình trạng một số nhà đầu tư, người môi giới bất động sản lợi dụng các thông tin về quy hoạch, việc ban hành bảng giá đất mới, việc sáp nhập thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính, nâng cấp hệ thống hạ tầng và việc triển khai các dự án lớn tại các địa phương… để tung tin đồn thổi, mua đi bán lại bất động sản, lôi kéo người dân tham gia theo tâm lý đám đông vào các giao dịch bất động sản gây nhiễu loạn thông tin nhằm đẩy giá bất động sản lên cao để lợi dụng trục lợi. Bộ đề nghị các địa phương cần công bố công khai thông tin về quy hoạch, tiến độ triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, các dự án bất động sản đặc biệt là các dự án lớn và việc sáp nhập thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính… tại địa phương để minh bạch thông tin, ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ nhằm đẩy giá để trục lợi bất hợp pháp.

Cũng là đơn vị đưa ra “bài thuốc” chống sốt đất, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước về giá đất.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường và các Sở, ngành có liên quan tăng cường quản lý chặt chẽ các dự án bất động sản, nhất là bất động sản hình thành trong tương lai. Trên cơ sở này, bảo đảm việc đưa bất động sản vào kinh doanh, chuyển nhượng dự án bất động sản phải đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về đầu tư và pháp luật về kinh doanh bất động sản. Kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động môi giới bất động sản bảo đảm hoạt động này tuân thủ đúng các quy định của pháp luật.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các cơ quan thực hiện nghiêm các quy định về đăng ký chuyển quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất… để thu nghĩa vụ thuế, kiểm soát các giao dịch ảo, thổi giá đất, giá bất động sản. Quản lý chặt chẽ, bảo đảm tuân thủ đúng các quy định của pháp luật đất đai về việc tách thửa đất. Xử lý nghiêm đối với hành vi không đưa đất vào sử dụng, sử dụng đất chậm so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư theo quy định của pháp luật.

Các tỉnh, thành cũng ra cảnh báo

Trước thực trạng sốt đất, các địa phương bắt đầu kiểm soát mọi hoạt động sử dụng, đầu tư, giao dịch đất. Chính quyền liên tục khuyến cáo người dân, nhà đầu tư không để các đối tượng đầu cơ lôi kéo mua bán đất.

Hà Nội là địa phương được cho là “chảo lửa” chứ không còn là sốt đất sau khi có thông tin các huyện “lên quận”, có Quy hoạch nội đô và phân khu đô thị sông Hồng. Ngay lập tức, trong quá trình hoàn thiện đồ án quy hoạch, Ban thường vụ Thành ủy Hà Nội giao cấp ủy, UBND các quận, huyện làm tốt công tác tuyên truyền, đảm bảo công khai, minh bạch, tạo sự đồng thuận của người dân.

Do quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đang trong quá trình lấy ý kiến, hoàn thiện, Ban thường vụ Thành ủy Hà Nội yêu cầu cấp ủy, UBND các quận, huyện tăng cường công tác quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, quản lý đô thị, trật tự xây dựng, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lợi dụng quy hoạch để có các hành vi vi phạm để trục lợi chính sách về đất đai, đầu cơ đất đai, xây dựng công trình trái phép, gây mất ổn định an ninh trật tự trên địa bàn.

Bắc Ninh thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra 6 dự án bất động sản phân lô, bán nền trái phép.

Ninh Bình tăng cường quản lý, thanh tra, kiểm tra việc quản lý đất đai, quản lý giá và siết chặt biện pháp thu thuế quyền sử dụng đất. Tỉnh này cũng phổ biến rộng rãi, minh bạch thông tin quy hoạch, sử dụng đất nhằm giúp người dân tránh sa bẫy, đầu tư ồ ạt.

Mới đây, ông Vũ Đại Thắng - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình đã ký công văn gửi Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh; các huyện ủy, thị ủy, thành ủy; Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Quảng Bình về việc tăng cường quản lý đất đai, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh. Thị trường bất động sản tại Quảng Bình có nhiều biến động, tiềm ẩn rủi ro khi sự phát triển chưa thực sự ổn định. Giá đất bị đẩy lên cao, hiện tượng đầu cơ, mua đi bán lại theo kiểu “lướt sóng” cũng hoạt động thiếu kiểm soát gây ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, gây khó khăn đối với người có nhu cầu đất ở thực sự.

Nhiều tỉnh, thành phố có dự án lớn về sân bay, bến cảng, đô thị trong quy hoạch phát triển, đã xảy ra “sốt đất”. Như tình trạng ở sân bay Long Thành (Đồng Nai), Phú Quốc (Kiên Giang), Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa). Bên cạnh đó, nhiều ý tưởng về quy hoạch đô thị, quy hoạch hạ tầng cũng được đưa ra. Dự án thành phố Thủ Đức, thành phố Cần Giờ, tuyến cao tốc huyết mạch tại TP.HCM trở thành tin nóng.

Chưa rõ các “bài thuốc hạ sốt đất” có tác dụng đến đâu bởi trên thực tế, lợi nhuận tiền gửi ngân hàng chỉ 4% - 5% khiến nhiều người nghĩ tới đầu tư bất động sản để tăng thu nhập. Các chiêu trò của giới đầu cơ, cò mồi đất cũng gây nhũng nhiễu thông tin tạo nên những “cơn sốt” đất, nhà đầu tư không tìm hiểu kỹ thông tin, chỉ “nghe đồn” rồi lao vào sóng sẽ thiệt hại.

3 tháng đầu năm nay, trong các ngành có số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng cao thì bất động sản là ngành kinh doanh bất động sản đứng đầu về số doanh nghiệp thành lập mới với 1.733 doanh nghiệp, tăng 27,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, tính trung bình mỗi ngày có 19 doanh nghiệp bất động sản mới ra đời trong quý 1/2021.

PV

Link nội dung: https://pld.net.vn/sot-dat-khap-noi-cac-bo-len-tieng-dia-phuong-ra-van-ban-chong-sot-a566.html