Theo các chuyên gia kinh tế, rủi ro lạm phát dễ khiến tài sản của nhà đầu tư "bốc hơi" nếu mất giá, nên yếu tố lợi nhuận cần đặt lùi về sau và hướng đến việc bảo vệ tài sản trước tiên. Chính vì vậy, BĐS hiện đang trở thành kênh đầu tư được dòng tiền nhắm đến hàng đầu. Theo báo cáo thị trường của Batdongsan.com.vn tháng 10/2021 cho thấy, nhu cầu tìm mua BĐS tại các đô thị vệ tinh quanh TP.HCM, như: Bình Dương, Đồng Nai, Long An đều tăng mạnh. Trong đó, Bình Dương là thị trường được tìm kiến hàng đầu với sức mua tăng đến 69% và tập trung nhiều nhất vào loại hình nhà liền thổ.
Theo báo cáo của các đơn vị nghiên cứu thị trường cũng cho thấy, thị trường BĐS chịu tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, khiến bức tranh chung khá ảm đạm. Tuy nhiên, dù nguồn cung rao bán và nhu cầu giảm mạnh, giá BĐS tại TP.HCM và nhiều tỉnh lân cận vẫn không có dấu hiệu giảm theo, thậm chí còn tăng so với cùng kỳ. Ngoài ra, nguồn cung khan hiếm cộng với dòng vốn đổ vào BĐS tương đối dồi dào cũng là những nguyên nhân chính khiến giá BĐS được đẩy lên cao.
Ông Nguyễn Quốc Anh - Phó TGĐ Batdongsan.com.vn cho rằng, khi lạm phát tăng cao thì dòng tiền sẽ còn đổ mạnh hơn vào BĐS, áp lực tăng giá nhà đất cũng sẽ lớn hơn. Thực tế, dòng tiền đổ vào BĐS đang tăng nhanh, nhất là khi đại dịch xảy ra, dòng vốn từ nhiều nhà đầu tư không luân chuyển được vào các kênh sản xuất, tiêu dùng có xu hướng rót vào BĐS. Trong thời điểm dịch bệnh, giá nhà vẫn leo thang ngoài dự đoán của giới đầu tư.
“Hiện nay, một lượng lớn tiền rút từ các lĩnh vực khác đang có xu hướng đổ vào BĐS tìm cơ hội đầu tư cũng tạo áp lực tăng giá. Dù kinh tế khó khăn do dịch Covid-19 thì nhu cầu nhà ở vẫn luôn cao. Càng trong dịch bệnh, người dân càng mong muốn sở hữu một ngôi nhà riêng an toàn. Tâm lý nhà đầu tư với thị trường BĐS hiện tại vẫn là tin tưởng vào sự phục hồi”, ông Nguyễn Quốc Anh cho hay.
Theo dự báo của các chuyên gia, trong năm 2022, thị trường BĐS sẽ nhận được nhiều tín hiệu và xung lực tích cực cho sự phục hồi và tăng trưởng. Trong đó, một số dòng vốn lớn được dự báo sẽ tiếp tục chảy vào thị trường BĐS, bao gồm: vốn vay ngân hàng, vốn doanh nghiệp huy động trực tiếp trên thị trường thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp bên cạnh dòng vốn tự thân của doanh nghiệp.
Ông Phạm Lâm - Tổng Giám đốc DKRA Việt Nam dự báo, trong năm 2022 sẽ có sự gia tăng đột biến dòng vốn FDI đổ vào thị trường BĐS gắn với sự phục hồi của du lịch, gia tăng xu hướng tái cơ cấu các chuỗi cung ứng công nghiệp trong khu vực cũng như kế hoạch triển khai hàng loạt dự án BĐS lớn trên cả nước như các thành phố thông minh khi lượng vốn lớn từ các quỹ đầu tư BĐS mới thành lập đã sẵn sàng "đổ bộ" vào Việt Nam.
Link nội dung: https://pld.net.vn/bat-dong-san-thu-hut-dong-tien-dau-tu-a5836.html