Sầm Sơn (Thanh Hóa): Cần kiểm tra lại nguồn gốc đất của gia đình ông Lê Cao Phong

Mặc dù có tên trong Sổ mục kê năm 2010 của Sở Tài nguyên và Môi trường, tại Tờ Bản đồ số 17 là đất ở đô thị (ODT) và năm 2015, phường Trung Sơn, Thị xã Sầm Sơn (nay là thành phố Sầm Sơn) có Biên bản xác minh nguồn gốc sử dụng đất ở và Tờ trình gửi UBND thành phố để cấp GCNQSDĐ cho gia đình ông Lê Cao Phong và bà Nguyễn Thị Liên. Tuy nhiên, đến năm 2018, thực hiện dự án thì đất của gia đình lại biến thành đất trồng cây hàng năm (BHK)!?.

Trong đơn gửi Báo Tài nguyên và Môi trường, ông Lê Cao Phong, bà Nguyễn Thị Liên, thường trú tại phố Trung Kỳ, phường Trung Sơn, thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa, trình bày: Ông Nguyễn Hữu Hải có mảnh đất với diện tích 1.988 m2 đã ở từ trước năm 1980, được xác định tại Bản đồ 299 năm 1985, thửa đất số 709, tờ Bản đồ số 1, gia đình ông Hải đã làm nhà và ở ổn định, không tranh chấp với ai. Năm 2003, ông Hải đã sang nhượng lại cho gia đình ông với diện tích 309,2 m2. Đến năm 2010, diện tích đất của gia đình ông được Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất (Sở Tài nguyên và Môi trường) xác lập tại thửa số 134, Tờ bản đồ số 17, với diện tích 309,2 m2, loại đất ODT (đất ở đô thị). Sau đó, năm 2015 gia đình đã làm Hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đã được phường Trung Sơn có Biên bản xác minh thời gian, nguồn gốc sử dụng đất ở và Tờ trình gửi UBND thành phố để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình ông. Năm 2018, thực hiện chủ trương xây dựng dự án. Nhưng chỉ đền bù cho gia đình theo đất trồng cây hàng năm (BHK) như thế là không đúng.

e1

Khu đất ở của gia đình ông Lê Cao Phong và bà Nguyễn Thị Liên được Sở Tài nguyên và Môi trường xác lập tại Tờ Bản đồ số 17 là đất ở đô thị (ODT) nay "bỗng chốc" biến thành đất nông nghiệp?

Qua tìm hiểu, Phóng viên nhận thấy thửa đất của gia đình ông Nguyễn Hữu Hải đã được xác lập tại Bản đồ 299 năm 1985, thửa đất số 709, tờ Bản đồ số 1, gia đình ông đã làm nhà và ở ổn định, không tranh chấp với ai. Năm 2003, ông Hải đã sang nhượng lại cho ông Lê Cao Phong và bà Nguyễn Thị Liên với diện tích 309,2 m2 và việc ông Hải chuyển nhượng cho gia đình ông Lê Cao Phong và bà Lê Thị Liên là hoàn toàn hợp pháp. Sau đó thửa đất này được Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất (Sở Tài nguyên và Môi trường) xác lập tại thửa số 134, Tờ bản đồ số 17, với diện tích 309,2 m2, loại đất ODT (đất ở đô thị).

Đặc biệt, vào năm 2015, gia đình ông Phong, bà Liên đã có Đơn xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, UBND phường Trung Sơn đã có Biên bản xác minh thời gian, nguồn gốc sử dụng đất ở; Biên bản kiểm tra nhà ở, đất đô thị đều chứng nhận diện tích đất ở của gia đình ông Phong, bà Liên là hợp pháp, không có tranh chấp với ai và đề nghị Phòng Tài nguyên và Môi trường, Thị xã Sầm Sơn xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình ông Phong, bà Liên.

Đến ngày 3/5/2015, Chủ tịch UBND phường Trung Sơn lúc bấy giờ là ông Lê Anh Quyết có Tờ trình số 168/TTr- UBND bao gồm: (Đơn xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Biên bản kiểm tra nhà ở, đất ở; Biên bản xác minh thời gian và nguồn gốc sử dụng đất; Giấy chuyển nhượng đất ở viết tay; Phiếu lấy ý kiến dân cư; Tờ khai lệ phí trước bạ; Biên bản xét duyệt của HĐKK đất đai phường Trung Sơn; Biên bản kết thúc công khai kết quả xét duyệt đơn xin Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và danh sách niêm yết công khai các trường hợp đủ điều kiện Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) gửi UBND thị xã Sầm Sơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình ông Phong, bà Liên theo hạn mức được quy định.

e2

Biên bản xác minh thời gian và nguồn gốc sử dụng đất ở của gia đình năm 2015

Tuy nhiên, năm 2018, thực hiện chủ trương xây dựng dự án, thì Chủ tịch UBND phường Trung Sơn lại có Biên bản xác nhận toàn bộ diện tích đất trên của gia đình ông Phong, bà Liên là đất trồng cây hàng năm (BHK)?.

Trao đổi với Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường, ông Hoàng Thăng Giáp, Chủ tịch UBND phường Trung Sơn cho biết, đất của gia đình ông Lê Cao Phong là đất nông nghiệp sử dụng trước ngày 1/7/2004. Nhưng khi được hỏi: Nếu là đất nông nghiệp thì tại sao năm 2010, Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra và đã xác định đây là đất ở đô thị và năm 2015, UBND phường Trung Sơn cũng đã có Hồ sơ xác nhận thời gian, nguồn gốc đất ở để cấp GCNQSDĐ cho gia đình anh Phong, nhưng hiện nay UBND phường lại không sử dụng hồ sơ này?.

Về vấn đề này, ông Đỗ Văn Châu, Cán bộ địa chính phường cho rằng: Vào thời điểm đó (năm 2010) Sở Tài nguyên và Môi trường đo vẽ phường không biết? và Hồ sơ xin cấp đất năm 2015 của UBND phường Trung Sơn là lập chưa đúng, chứ không phải là sai (!?) và ông Châu cũng cho rằng gia đình ông Phong, bà Liên mua đất nhưng chỉ có nhà, ngoài có tên trong sổ Mục kê và bản đồ 2010, thì ông Phong, bà Liên không có hóa đơn điện nước để chúng minh mình ở đó.

Rõ ràng, diện tích đất của gia đình ông Lê Cao Phong và bà Nguyễn Thị Liên được xác lập tại Bản đồ 299, Bản đồ và Sổ Mục kê đo vẽ năm 2010 của Sở Tài nguyên và Môi trường và Hồ sơ được UBND phường Trung Sơn xác lập là đất ở đô thị năm 2015 gửi UBND thị xã Sầm Sơn để xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nhưng khi giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án lại không được công nhận là đất ở?.

Đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa, UBND thành phố Sầm Sơn cần xem xét lại nguồn gốc đất của gia đình ông Lê Cao Phong và bà Nguyễn Thị Liên để trả lại quyền lợi chính đáng cho người dân.

Báo Tài nguyên và Môi trường tiếp tục thông tin./.

 

 

Tuyết Trang

Link nội dung: https://pld.net.vn/sam-son-thanh-hoa-can-kiem-tra-lai-nguon-goc-dat-cua-gia-dinh-ong-le-cao-phong-a5860.html