Mắc phải bệnh truyền nhiễm vào đầu những năm 1900 tại London hẳn là một trải nghiệm đáng ngại. Vào thời điểm này, người ta không chỉ khó có được phương pháp điều trị hiệu quả, mà chính quyền còn có quyền vào nhà bạn và khử trùng nữa. Người ta có thể tịch thu đồ đạc của bạn và mang đi làm sạch bằng hơi nước, trên danh nghĩa vì sức khỏe cộng đồng. Nếu quy trình này khiến bạn không có nơi để ở, thì bạn sẽ được cung cấp chỗ qua đêm trong căn hộ một phòng ngủ tiện nghi, hiện đại bên cạnh tòa nhà nơi tài sản của bạn được khử trùng.
Đối với một số người, các biện pháp ngăn dịch ngày nay, như yêu cầu người dân ở nhà và bắt buộc đeo khẩu trang, ở góc độ nào đó giống như xâm phạm thô bạo vào cuộc sống hằng ngày của họ. Tuy nhiên, tại Trạm khử trùng ở London, các hành động chống dịch bệnh đó thực sự là tiện ích công cộng, một cách để giữ cho người dân được khỏe mạnh và gắn kết thành một khối.
Cứu giúp nhiều mạng sống
Ở Đông Bắc London, Đô thị tự quản Hackney (MBH) – chính quyền địa phương giám sát trạm khử trùng – ra đời vào năm 1899 theo Đạo luật Chính phủ London. Đỉnh điểm của một loạt các thay đổi lập pháp bắt đầu từ năm 1855, đạo luật đã mang lại cuộc cải tổ và tiêu chuẩn hóa lớn cho chính quyền địa phương ở thủ đô nước Anh. Trước đây, Hackney là một xã ở Middlesex – hạt tiếp giáp thành phố London (một khu vực có quyền hạn pháp lý riêng), ranh giới cổ của khu vực này không thay đổi nhiều khi trở thành một đô thị tự quản của ‘Hạt London’ mới. Nhưng cách quản lý khu vực này phản ánh việc thủ đô mở rộng ra những vùng từng là ngoại ô rợp cây xanh.
Hackney là nơi phần lớn người dân thuộc tầng lớp lao động sinh sống trong những ngôi nhà chật chội. Trong thời kỳ này, Hackney thường xuyên phải hứng chịu những đợt bùng phát bệnh truyền nhiễm như đậu mùa, bạch hầu, ban đỏ, sởi và ho gà. Tuy kết quả sức khỏe cộng đồng đã được cải thiện nhiều nhờ việc đầu tư vào cơ sở vệ sinh và quy trình vệ sinh ở thế kỷ XIX, nhưng số người Anh tử vong vì các bệnh truyền nhiễm vẫn cao, nhất là trẻ em. Năm 1899, năm MBH được thành lập, 116 cư dân Hackney tử vong vì bệnh sởi, 115 người trong số đó là trẻ em dưới 15 tuổi. Cả 47 ca tử vong do ho gà ở khu này là trẻ em, ngoài ra còn 252 ca tử vong do bệnh bạch hầu ở trẻ sơ sinh. Tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh (trẻ em dưới 1 tuổi tử vong) là 165/1.000 trẻ ra đời, để so sánh đặt vào bối cảnh năm 2018, con số này là 4/1.000 trẻ.
Sử gia y học Graham Mooney tại Đại học Johns Hopkins cho biết: “Nếu sống sót thì thường bạn từng mắc ít nhất một trong những căn bệnh đó lúc nhỏ. Và tỷ lệ mắc bệnh cũng quan trọng như tỷ lệ tử vong vậy. Có rất nhiều loại bệnh rình rập xung quanh. Những căn bệnh đó phổ biến thật nhưng chúng rất đáng sợ. Chúng gây ra những tổn thất lớn về tinh thần và thực tế với cuộc sống của người dân”.
Chính quyền địa phương đã khử trùng toàn bộ nhà cửa, quần áo và chăn đệm ở Anh ít nhất từ năm 1866, khi chính phủ ban hành luật yêu cầu họ quản lý thiết bị khử trùng. Biện pháp này phổ biến khắp cả nước nhưng các quy định khác nhau rất nhiều, và hiệu quả của Hackney khá khiêm tốn. Đến năm 1892, một ủy ban vệ sinh thành phố đã lên án Hackney “không thực hiện hiệu quả các yêu cầu của quận theo cách hời hợt và nguy hiểm”.
Năm 1893, một cơ sở chuyên dụng được mở ra với đầy đủ thiết bị khử trùng bằng hơi nước hiện đại, nhưng chuyên gia y tế John King Warry của Hackney không dừng lại ở đó. Được luật mới của quốc gia cho phép, nhóm của ông có thể thực hiện những điều cần thiết để vệ sinh cho người dân và nhà cửa “bị nhiễm ký sinh”. Do đó, ông đã vận động thành lập một trạm khử trùng và ký sinh tiên tiến, bao gồm chỗ ở cho bất cứ ai có nhu cầu.
Những nỗ lực của King Warry đã đem lại kết quả là một khu phức hợp ba tòa nhà, hoàn thành vào năm 1901 với chi phí chỉ dưới 10.000 bảng Anh (khoảng 1,25 triệu bảng ngày nay), và được sử dụng trong nhiều thập niên. Sơ đồ mặt bằng của tòa nhà được giữ tại Hackney Archives, kho lưu trữ chính thức các hồ sơ lịch sử của MBH và cơ quan kế nhiệm nó, Hội đồng Khu vực Hackney London. Sơ đồ này cho thấy các phòng “bị nhiễm” và “khử trùng” được nối với nhau bằng một lò hơi lớn, một phân xưởng, phòng tắm cho nam và nữ, phòng giặt, phòng là và phòng sấy, cũng như chuồng ngựa và nhà để xe kéo. Những người bị nhiễm bệnh cùng đồ đạc sẽ đi vào trạm từ một phía, di chuyển qua quy trình khử trùng bằng hơi nước và đi ra ở phía bên kia. Trong phòng tắm của nam và nữ, mọi người sẽ để quần áo bị nhiễm ký sinh vào các phễu kim loại rồi vào tắm lưu huỳnh để trị bệnh ghẻ. “Một trong những mối quan tâm là nếu có người bị bệnh truyền nhiễm, để đảm bảo họ không lây bệnh thêm cho ai, thì việc vệ sinh, khử trùng và tẩy rửa cả nơi họ sống lẫn đồ vật mà họ sở hữu và tiếp xúc, là một cách diệt trùng”, sử gia Mooney cho biết.
Ông cho biết thêm, “Vì vậy, rất nhiều cơ quan y tế, ngoài các bệnh viện cách ly ra thì họ sẽ xây dựng những trạm khử trùng như này để thực hiện quy trình khử trùng. Những nơi này cực kỳ phổ biến và là một phần rất quan trọng trong cách chính quyền địa phương dưới thời Victoria và Edward đối phó với dịch bùng phát”.
Trạm khử trùng điều hành theo những tiến bộ của y tế công cộng
Việc cử các nhóm tới khử trùng và khử khuẩn các ngôi nhà trên toàn quân luôn là một phần việc quan trọng của chuyên gia y tế địa phương. Năm 1902, tròn một năm hoạt động đầu tiên của trạm, họ đã hun trùng được 2.838 căn phòng, 1.009 căn trong số này được lột giấy dán tường và rửa bằng dung dịch carbolic. Cùng năm đó, tại trạm có 24.226 món đồ nội thất, chăn đệm và quần áo được khử trùng, tất cả số liệu đều theo báo cáo hằng năm của bộ y tế Hackney, có thể xem trên mạng trong kho lưu trữ kỹ thuật số của Bộ sưu tập Wellcome.
Bất kể phần còn lại của khu phức hợp bận rộn thế nào, người ta cũng ít sử dụng nhà tạm trú. Vào năm 1902, chỉ có 97 người ở lại qua đêm và đến năm 1905, quận phải quảng bá về những căn hộ trong đây. Người ta hẳn cho rằng trạm có nhu cầu lớn hơn bình thường trong đại dịch cúm năm 1918, nhưng thực ra không phải vậy. Tuy năm đó ở Hackney có 698 người qua đời vì bệnh cúm, tăng cao so với chỉ 28 ca tử vong vào năm 1917, nhưng số phòng được xông khói và số đồ đạc được khử trùng thực sự đã giảm, con số này giảm từ 1.988 phòng và 12.626 đồ vào năm 1917 lần lượt xuống còn 1.347 và 11.491 vào năm sau. Trong bài báo “Người phụ nữ Tây Ban Nha đến London: Đại dịch cúm 1918–1919”, Andrea Tanner cho rằng lý do mà các biện pháp can thiệp của trạm giảm chứ không phải tăng là do nhà cầm quyền thời đó đã khuyến khích chính quyền địa phương “tập trung các hoạt động vào cung cấp dịch vụ điều dưỡng và trợ giúp tại nhà” hơn là các biện pháp khử trùng. Các trạm làm điều đó bởi vì kinh nghiệm từ trận đại dịch cúm trước đó năm 1889-1892 cho thấy các biện pháp vệ sinh phần lớn không hiệu quả. Ngoài ra, việc chuẩn bị cho chiến tranh khiến nhiều nhân viên vốn phải khử trùng bị gọi đi nghĩa vụ quân sự hoặc dân sự.
Vào những năm 1930, khi các bệnh truyền nhiễm bớt gây chết người và dễ điều trị hơn nhờ vào sự kết hợp của vaccine và thuốc kháng sinh, khu phức hợp này chuyển thành nơi ở cho người dân di dời từ các khu ổ chuột bị xóa bỏ. Vào năm 1935, sở y tế công cộng của quận sản xuất một bộ phim về chương trình tái định cư và giải tỏa khu ổ chuột. Từng thước phim cho thấy các dãy chật cứng những ngôi nhà cũ nát với công trình phụ ọp ẹp, cửa sổ vỡ vụn và hàng rào đổ gãy. Bên trong là các căn phòng chật hẹp với trần thấp, nấm mốc sinh sôi. Ở phần sau của bộ phim, cảnh quay cho thấy những khu chung cư mới mà chính quyền địa phương xây dựng thay cho các khu ổ chuột: Các tòa nhà cao vượt hẳn khu nhà cũ xung quanh, gọn gàng hơn, có cửa sổ lớn và ban công.
Năm 1934, chính quyền địa phương xây một xưởng xông hơi và khử trùng thoáng khí tại trạm Hackney với sức chứa 3.400 feet khối, đủ lớn để chứa toàn bộ một chiếc xe tải chở “đồ đạc của một đến ba gia đình”, theo báo cáo năm 1936. Căn phòng này có một cửa trượt khổng lồ lót kẽm, mái bê tông cốt thép phủ nhựa đường.
Xưởng này vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay, thiết kế tiện dụng của nó bất đồng với tính thẩm mỹ dễ chịu của kiến trúc trước đó. Đây là nơi câu chuyện chuyển hướng đáng ngại. Đủ lớn để khử trùng toàn bộ xe tải chất đầy đồ đạc, các xưởng này sử dụng Zyklon B để tạo ra khí hydro xyanua, cùng loại hóa chất mà Đức Quốc xã sử dụng trong các trại tập trung tử thần của chúng. Như Walder viết trong báo cáo về tòa nhà, “việc sử dụng Zyklon B vào những năm 1930 của Hackney nếu có độc đoán thì cũng thực sự vì sức khỏe cộng đồng (để tiêu diệt sâu bọ).Vì việc sử dụng hóa chất thiếu kinh nghiệm phổ biến ở châu Âu thời đó.
Các vai trò khác của trạm khử trùng bao gồm khử trùng sách ở thư viện (khoảng 4.348 cuốn mỗi năm trong những năm 1960) để giúp ngăn ngừa bùng phát dịch bệnh giữa các hộ gia đình và trong Chiến tranh Thế giới Thứ hai là điều trị cho các nhân viên dân phòng mắc bệnh ghẻ.
Trạm tiếp tục hoạt động cho đến năm 1984, một mặt khử trùng quần áo cũ trước khi xuất khẩu bán ra nước ngoài, và mặt khác là trị chấy rận. Giáo sư Martin Gorsky về lịch sử y tế công cộng tại Trường Y học Nhiệt đới và Vệ sinh London cho rằng việc trạm không còn được trọng dụng là điều hiển nhiên, do kết quả sức khỏe được cải thiện đáng kể - “tiêm vaccine cho trẻ em là giải quyết được tỷ lệ tử vong” - và Dịch vụ Y tế Quốc gia được thành lập vào năm 1948 đã tước bỏ quyền lực của chính quyền địa phương. Ông cho biết: “Môi trường vệ sinh an toàn cho sức khỏe cộng đồng hiện đại đã được áp dụng”.
Ngày nay, người ta có thể tìm thấy trạm này nằm giữa kho rác thải và trạm biến áp điện gần ranh giới phía Đông Hackney. Không còn được sử dụng từ giữa những năm 1980, “sự tồn tại hiếm có và trọn vẹn của một trạm khử trùng” từ lâu đã bị Lịch sử nước Anh, cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm bảo vệ các tòa nhà lịch sử của đất nước, đánh giá là có nguy cơ rủi ro.
Walder đã xâu chuỗi mọi thứ lại với nhau sau khi nghiền ngẫm các tài liệu được giữ trong Kho lưu trữ Hackney, Bộ sưu tập Wellcome, Kho lưu trữ đô thị London và thư viện của Viện Kiến trúc Hoàng gia Anh, cũng như tham khảo ý kiến của các nhóm chuyên gia trong các hội Anh Quốc Lịch sử, Hiệp hội Victoria và Hiệp hội khảo cổ học Đại công nghiệp London.
Vào mùa thu năm 2020, dựa trên báo cáo của Walder, Hội đồng Hackney thông báo rằng họ sẽ cho ngừng hoạt động trạm với hy vọng bảo vệ nó cho tương lai. Tuy nhiên, một ngày nào đó, Walder muốn thấy Trạm khử trùng được biến thành khu xưởng hoặc văn phòng, có trưng bày ở tiền sảnh để minh họa lịch sử của địa điểm này. Khi Walder viết báo cáo về tòa nhà cho hội đồng, ông nhớ rằng, tòa nhà như từ một thế kỷ khác đến hiện tại. Nhưng những sự kiện diễn ra từ đại dịch COVID khiến ông hiểu rằng “nơi đây thực sự mang lại ảnh hưởng thật sâu sắc đến cộng đồng”.
Nguồn: smithsonianmag
Phương Anh lược dịch
Link nội dung: https://pld.net.vn/dich-benh-the-ky-xix-tram-khu-trung-o-london-a5942.html