Nhật Bản đã huy động được hơn 3 tỷ USD (342,5 tỷ yên) chỉ trong sáu tháng đầu năm 2021, gấp ba lần số tiền trong cùng kỳ năm năm trước đó, nhờ sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài với hầu bao rủng rỉnh, bao gồm Sequoia, Soros Capital và Quỹ của nhà đầu tư nổi tiếng Peter Thiel - cũng như Masayoshi Son, người đứng đầu Vision Fund, năm nay đánh dấu lần đầu tiên quỹ này đầu tư vào các công ty khởi nghiệp Nhật Bản.
Một trong những yếu tố quan trọng dẫn đến làn sóng đầu tư này, đó là nỗi e ngại về sự bành trướng của các công ty công nghệ Trung Quốc. Các nhà đầu tư, chẳng hạn như Masayoshi Son, cho rằng đại dịch đã mang lại một vài điểm tích cực, những cuộc họp trên Zoom đã thay thế các buổi thảo luận trực tiếp, khiến vị trí đặt trụ sở công ty khởi nghiệp không còn là một yếu tố quá quan trọng. Và do đó, các nhà đầu tư đã bắt đầu hướng tầm nhìn của mình sang Nhật Bản - ‘vùng đất’ có phần còn mới mẻ và đang dần phát triển mạnh. “Trước đây, họ khá thờ ơ với thị trường Nhật Bản và thậm chí còn không muốn dành thời gian để nói chuyện với tôi”, James Riney, đối tác sáng lập kiêm giám đốc điều hành của Coral Capital, một công ty đầu tư mạo hiểm giai đoạn hạt giống có trụ sở tại Tokyo, cho biết. Giờ đây, “họ bắt đầu quan tâm đến Nhật Bản hơn như một thị trường khởi nghiệp đầy tiềm năng”.
Tháng chín năm nay, công ty thanh toán điện tử PayPal Holdings của Mỹ đã mua lại đơn vị cung cấp dịch vụ “mua trước, trả sau” Paidy của Nhật Bản với giá khoảng 2,6 tỷ USD (300 tỷ yên), gợi mở sự hợp tác giữa các công ty khởi nghiệp Nhật Bản với các nhà đầu tư trên khắp thế giới. Thương vụ mua bán này được dự đoán sẽ giúp PayPal tăng cường hơn nữa khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực thanh toán ở thị trường Nhật Bản.
Nhiều nhà đầu tư cũng ‘dòm ngó’ thị trường này khi nhận ra Nhật Bản là quốc gia quan tâm đến việc phát triển các loại công nghệ bền vững, có lợi cho môi trường. Có thể kể đến startup TBM chuyên phát triển và bán các vật liệu giấy làm từ đá vôi, startup Spiber sử dụng các vi sinh vật có nguồn gốc thực vật và lên men để chiết xuất protein nhân tạo, sử dụng trong ngành công nghiệp may mặc và các sản phẩm khác. Những vật liệu này được cho là ít gây hại cho môi trường hơn so với các vật liệu làm từ các sản phẩm có nguồn gốc từ dầu mỏ.
Ngoài ra, công ty khởi nghiệp Preferred Networks có trụ sở tại Tokyo đã phát triển nên siêu máy tính MN-3 - siêu máy tính giành được danh hiệu tiết kiệm năng lượng nhất thế giới lần thứ hai liên tiếp. Startup này cũng đang hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng AI trong hoạt động kinh doanh, chẳng hạn như dịch vụ liên kết với Nissin Foods để phân tích sức khỏe của người tiêu dùng và cung cấp các bữa ăn phù hợp với nhu cầu của họ.
Ngay cả nhà sáng lập SoftBank Group Corp., Masayoshi Son, người từ lâu đã hoài nghi về khả năng phát triển của các công ty Nhật Bản, cũng bắt đầu thay đổi suy nghĩ của mình. Gần đây nhất là năm 2019, ông đã chỉ trích các doanh nhân trong nước là loài “động vật ăn cỏ” không có tham vọng vươn xa. Tuy nhiên, trong bối cảnh các phi vụ đầu tư của ông ở Trung Quốc không mấy khả quan, Son đã chuyển hướng tham gia vào làn sóng các nhà đầu tư đang tìm cách đa dạng hóa các khoản đầu tư của họ trên toàn cầu.
Chỉ trong hai tháng qua, Quỹ Vision Fund của SoftBank đã tiến hành hai khoản đầu tư đầu tiên vào các công ty Nhật Bản, mua công ty công nghệ sinh học Aculys Pharma Inc. và nền tảng giày thể thao Soda Inc. “Trong số 3.000 công ty mà chúng tôi đã xem xét, thật không may khi có quá ít công ty Nhật Bản”, Son phát biểu tại một cuộc họp báo cáo tài chính tháng 11. “Chúng tôi muốn tăng cường đầu tư vào Nhật Bản”.
“Kỳ lân ẩn mình”
Dù đây là năm bước ngoặt của thị trường khởi nghiệp trong nước với khoản tài trợ kỷ lục, nhưng số tiền huy động được ở Nhật Bản vẫn chỉ là một phần cực nhỏ trong tổng số 288 tỷ USD trên toàn cầu trong nửa đầu năm 2021. Thu hẹp khoảng cách với Mỹ là một trong những mục tiêu mà Thủ tướng Fumio Kishida, người đã hỗ trợ hết mình cho làn sóng khởi nghiệp Nhật Bản, đặt ra.
Kishida đã thành lập một nhóm các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và chuyên gia nhằm tìm kiếm biện pháp hỗ trợ các startup non trẻ. “Trong khi ở Mỹ, các công ty khởi nghiệp được đầu tư dựa trên kỳ vọng về tăng trưởng trong tương lai xa, thì ở Nhật Bản, nhu cầu về lợi nhuận ngắn hạn đã khiến các công ty khởi nghiệp gặp khó khăn trong việc phát triển kinh doanh”, nhóm này đưa ra nhận định trong một báo cáo vừa công bố vào tháng 11 qua.
Các công ty khởi nghiệp cũng đang trở thành mục tiêu làm việc hấp dẫn cho thế hệ trẻ không muốn đi theo con đường sự nghiệp cứng nhắc truyền thống của Nhật Bản. Paul McInerney, người đồng sở hữu quỹ đầu tư mạo hiểm Incubate Fund, cho biết thay vì theo học trường đại học danh tiếng để đảm bảo một công việc ổn định tại một thương hiệu kinh doanh hoặc ngân hàng, thanh niên Nhật Bản giờ đây sẵn sàng chấp nhận rủi ro, sẵn sàng sống chết cùng các startup non trẻ để thực hiện các dự án mà họ đam mê. “Khái niệm về con đường vươn đến thành công ở Nhật Bản đang thay đổi nhanh chóng hơn nhiều so với chúng ta tưởng”, McInerney nói.
Vào năm 2016, Nhật Bản chỉ có một công ty khởi nghiệp trị giá 1 tỷ USD, nhưng giờ đây họ đã tự hào tuyên bố rằng mình có sáu công ty, bao gồm cả công ty vật liệu sinh học tổng hợp do Carlyle Group Inc. hậu thuẫn và công ty phát triển trí tuệ nhân tạo Preferred Networks Inc., startup giá trị nhất của đất nước.
Nhiều người lưu ý rằng quốc gia này thực tế còn có nhiều công ty khởi nghiệp được định giá trên 1 tỷ USD. Những “kỳ lân ẩn mình”, như cách mà Riney và McInerney đã mô tả, thường đạt được mức giá trị ấy ngay sau khi phát hành cổ phiếu. “Nếu bạn đếm tất cả các công ty đã tồn tại dưới 10 năm, đã niêm yết cổ phiếu và được định giá trên 1 tỷ USD, thì bạn thậm chí sẽ thấy số lượng còn nhiều hơn nữa”, Soichiro Swimmy Minami, nhà sáng lập Visional Inc., cho biết. Cũng giống như Money Forward Inc. và Freee KK, Visional Inc. là một liên doanh công nghệ đã chào bán cổ phiếu ra công chúng trong vài năm gần đây và giá trị của nó đã vượt quá 1 tỷ USD. Tuy vậy, một khi đã niêm yết, các công ty sẽ không còn là startup nữa, và do đó họ cũng không được xem là kỳ lân dù giá trị đã vượt mốc.
Minami cho biết “thật không công bằng” khi so sánh số lượng kỳ lân tư nhân ở Nhật Bản với số lượng kỳ lân ở nước ngoài khi xem xét mức độ dễ dàng để được niêm yết ở Nhật Bản. Các công ty có thể niêm yết trên sàn khởi nghiệp Mothers với giá trị thị trường chỉ 4,4 triệu USD. Điều này đã dẫn đến một số lượng kỷ lục các công ty niêm yết trong tháng 12, chủ yếu ở mức định giá nhỏ.
“Rất nhiều công ty ở giai đoạn sau cần vốn nhưng vì thực tế không có nhiều nhà đầu tư mạo hiểm hoặc nhà đầu tư sẵn sàng cung cấp vốn ở giai đoạn sau, nên họ rất muốn niêm yết cổ phiếu,” Kathy Matsui, cựu phó chủ tịch Goldman Sachs Nhật Bản, và bây giờ là nhà đồng sở hữu MPower Partners, cho biết tại một sự kiện trong tuần này. “Thông thường, họ chào bán cổ phiếu ra công chúng quá sớm”.
Vì lẽ đó, quốc gia này mới chỉ có thêm hai kỳ lân trong năm nay và hiện có tổng cộng năm công ty chưa niêm yết trị giá 1 tỷ USD trở lên, trong khi đó số kỳ lân ở Vương quốc Anh và Hàn Quốc lần lượt là 34 và 11 kỳ lân.
Thêm vào đó, dù đã phát triển vượt bậc, nhưng các công ty khởi nghiệp lớn nhất của Nhật Bản vẫn nhạt nhòa so với các công ty cùng ngành ở nước ngoài. Công ty TNHH ByteDance của Trung Quốc, điều hành TikTok, được CB Insights định giá 140 tỷ USD. Các công ty khởi nghiệp của Nhật Bản không có khả năng thâu tóm và vươn xa sớm như Stripe Inc. hoặc Spotify Technology SA.
Vì sao lại như vậy? Các nhà sáng lập công ty khởi nghiệp ở Nhật Bản thường thiếu kiến thức văn hóa cần thiết để cạnh tranh ở thị trường phương Tây, trong khi quy mô thị trường nội địa đã đủ lớn để họ có thể trở nên cực kỳ dư dả mà không cần phải lấn sân sang các thị trường khác. Tuy nhiên, việc những nhà đầu tư quốc tế như Masayoshi Son đang dần thay đổi khuynh hướng đầu tư có thể giúp đất nước thực hiện bước tiếp theo. “Tôi thực sự nghĩ rằng thị trường khởi nghiệp Nhật Bản rồi sẽ có một siêu kỳ lân (decacorn - một công ty khởi nghiệp tư nhân với định giá 10 tỷ USD) trong vòng ba đến năm năm tới”, Riney bày tỏ mong muốn.
Theo Nikkei, Japan Times
Anh Thư
Link nội dung: https://pld.net.vn/thi-truong-khoi-nghiep-nhat-ban-nghi-ve-nhung-startup-ti-do-a5966.html