Nỗ lực vượt khó
Năm 2021, đại dịch Covid-19 kéo dài, lan rộng trên nhiều tỉnh thành, diễn biến phức tạp, khó lường, tác động tiêu cực đến quá trình phục hồi và hoạt động sản xuất kinh doanh của VNR, đặc biệt là ảnh hưởng rất nặng nề, trực tiếp đến các công ty vận tải đường sắt. Doanh thu của ngành vẫn đạt 1.446 tỷ đồng bằng 83% so với cùng kỳ.
Do thực hiện các biện pháp thắt chặt chi tiêu nên dù doanh thu chỉ đạt hơn 90% chỉ tiêu kế hoạch nhưng chỉ tiêu lợi nhuận đảm bảo hoàn thành kế hoạch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp giao là 101,3%.
Góp ý về phương hướng thời gian tới, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Cao Lục đề nghị Tổng công ty cần xác định mục tiêu vận tải hàng hóa là chính, chuyển đổi chiến lược trong ngắn hạn.Phương hướng năm 2022, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR cho biết: Tổng công ty xác định tiếp tục đẩy mạnh, tăng cường công tác vận tải hàng hóa, xác định mục tiêu chuyển hướng vận tải hàng hóa là chủ đạo, từng bước hỗ trợ cho vận tải hành khách đảm bảo doanh thu và hiệu quả sản xuất kinh doanh. Thực hiện vận chuyển hàng hóa theo chuyên môn hóa, container là chủ đạo. Phát triển thêm các sản phẩm dịch vụ tàu chuyên tuyến, tàu container Bắc Nam, container lạnh chở hoa quả, thực phẩm…
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho rằng lãnh đạo VNR nói riêng, toàn ngành đường sắt nói chung phải đổi mới tư duy, tập trung vào vận tải hàng hóa trong bối cảnh còn nhiều cơ hội. Theo Bộ trưởng, sắp tới đường cao tốc Bắc Nam phía đông đi vào hoạt động, xe chạy 100 km/giờ, trong khi đường sắt vẫn mấy chục km/giờ, lại qua nhiều đường ngang, khu dân cư thì không thể cạnh tranh được.
Nhắc đến tình trạng tắc ùn tắc hàng hóa, xe container tắc nghẽn ở các cửa khẩu của Việt Nam-Trung Quốc vừa qua, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh cho rằng, nếu có vận tải hàng hóa đường sắt thì sẽ giải quyết được rất lớn. Chủ tịch cũng mong muốn ngành đường sắt cần đổi mới tư duy trong sản xuất kinh doanh.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành: Ngành đường sắt dứt khoát phải hiện đại hóa. Ảnh: Đức Tuân |
Phải quyết tâm đổi mới
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chia sẻ với những khó khăn mà ngành đang gặp phải. Trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 rất phức tạp, ngành đường sắt đã có nhiều nỗ lực để vượt qua khó khăn, vươn lên.
Phó Thủ tướng cho rằng, hiện nay, hạ tầng đường sắt còn nhiều hạn chế, mà nguyên nhân chủ yếu là do chưa được đầu tư tương xứng. Thu nhập bình quân của người lao động còn thấp. “Để hiện đại hóa ngành đường sắt thì đòi hỏi nguồn vốn rất lớn bởi cần đầu tư đồng bộ cả hệ thống, không thể đầu tư hiện đại hóa từng phần”, Phó Thủ tướng chia sẻ.
Muốn vượt qua khó khăn thì cần sự hỗ trợ, Phó Thủ tướng nêu rõ, “Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tạo điều kiện thuận lợi để hiện đại hoá ngành đường sắt”.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng, cán bộ, lãnh đạo ngành đường sắt phải đổi mới tư duy, quyết liệt, chủ động hơn nữa, có các giải pháp, cách làm mới để đưa ngành đường sắt phát triển hơn trong thời gian tới.
“Tôi đề nghị Hội đồng thành viên, Ban Tổng giám đốc nghiên cứu có một phương án hoàn chỉnh để phát huy tối đa vận tải hàng hóa trong năm 2022, để bù cho các phương tiện vận tải khác có thể bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Chúng ta cũng chưa lường hết được diễn biến dịch bệnh vì vậy tôi đề nghị các đồng chí hết sức chú trọng tính toán xây dựng kế hoạch, các biện pháp giải pháp chủ động” - Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nói.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị Tổng công ty tập trung hơn cho đầu tư hạ tầng, huy động các nguồn vốn cho đầu tư mới phương tiện vận tải để thay thế những phương tiện đã hết niên hạn sử dụng, nhằm nâng cao chất lượng phục vụ vận tải. Đồng thời khai thác tối đa khối lượng vận tải tại các khu công nghiệp, nhà máy, cảng biển có kết nối với đường sắt quốc gia và tích cực tham gia vào chuỗi logistics. Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Giao thông vận tải cần ưu tiên thêm nguồn lực để đầu tư cho ngành đường sắt cải tạo hệ thống hạ tầng, đồng thời đầu tư những tuyến đường mới.
Về dài hạn, Phó Thủ tướng yêu cầu phải tập trung hơn nữa cho đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt, trong đó chú ý bảo dưỡng và đầu tư mới, đầu tư đến đâu dứt điểm đến đó.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải và VNR tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ về quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, tuyệt đối không để lặp lại những vướng mắc như trong vài năm qua, đảm bảo an toàn khai thác trên toàn hệ thống.
Về các đề xuất cụ thể của VNR, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Giao thông vận tải và các Bộ, ngành tổng hợp, xử lý trên tinh thần tạo điều kiện thuận lợi để từng bước hiện đại hóa ngành đường sắt.
PV
Link nội dung: https://pld.net.vn/pho-thu-tuong-le-van-thanh-tao-dieu-kien-thuan-loi-de-hien-dai-hoa-nganh-duong-sat-a5976.html