Các doanh nghiệp đau khổ về cơ chế, chính sách giá
Hưởng ứng chủ trương phát triển điện năng lượng tái tạo theo Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, và triển khai thực hiện Quyết định 39/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, có 106 dự án điện gió với tổng công suất 5.655,5 MW đăng ký triển khai bởi các doanh nghiệp. Để khuyến khích, cơ quan quản lý tạo cơ chế giá ưu đãi (giá FIT) với điều kiện dự án phải vận hành thương mại trước ngày 31/10.
Fit là các mức giá áp dụng cho điện sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo để bán lên lưới hoặc sử dụng tại chỗ nhằm giảm tải cho lưới điện làm sao cho đảm bảo các nhà đầu tư có lợi nhuận. Đây là cơ chế được các nước tiên tiến trên thế giới áp dụng để “kích thích” các doanh nghiệp đầu tư vào năng lượng tái tạo, từng bước giảm sự phụ thuộc và các nhà máy điện truyền thống đang ngày ngày tác động đến môi trường và gây biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, qua “thời điểm vàng” nêu trên chỉ có 69 dự án với tổng công suất 3.298,95 MW được công nhận vận hành thương mại (COD). Nguyên nhân thì chủ quan có, khách quan có nhưng dịch bệnh COVID-19 là điều được nhắc tới nhiều và rõ nhất.
Tiêu biểu là trường hợp của Công ty Cổ phần Điện gió Hanbaram được thể hiện trong văn bản gần nhất gửi Thủ tướng và các bộ ngành liên quan cách đây ít lâu. Dự án điện gió được triển khai tại Ninh Thuận dự kiến hoàn thành thi công, lắp đặt và kết nối 29/29 trụ tuabin, hoàn thành toàn bộ đường dây, trạm biến áp đấu nối lên hệ thống lưới điện quốc gia, đang thử nghiệm kỹ thuật toàn bộ và vận hành thương mại (COD) các trụ tuabin vào thời điểm 31/10. Đơn vị này đã huy động tổng lực sức người, sức của để thực hiện dự án theo tiến độ đề ra nhưng thực tế cho thấy có những vấn đề mà ý chí con người là chưa đủ.
Dịch COVID-19 gây ra rất nhiều khó khăn trong việc triển khai dự án mà doanh nghiệp không vượt qua nổi. Theo ông Đặng Mạnh Cường - Tổng Giám đốc Công ty Hanbaram cho biết, đơn vị chậm tiến độ là do việc mua sắm, thiết bị đã về cảng Sài Gòn nhưng nằm đó 4 tháng không lấy ra được do giãn cách xã hội. Mặt khác đúng vào thời điểm phong tỏa, quá trình vận chuyển thiết bị từ Tp. Hồ Chí Minh đi Ninh Thuận, Gia Lai cũng như huy động nhân lực thi công, lắp đặt cũng gặp nhiều khó khăn do nhiều địa phương thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch. Thiết bị vận chuyển đã khó, quá trình đưa chuyên gia từ nước ngoài sang Việt Nam cũng cực kỳ phức tạp, với các quy định phòng chống dịch ngặt nghèo ở nhiều nơi khiến thời gian tăng lên từ 6 tuần lên đến 10 tuần.
Chính vì vậy, vì lý do “bất khả kháng” này nên tới mốc 31/10/2021, chỉ có 6/29 trụ điện gió kịp vận hành COD để hưởng giá FIT ưu đãi, trong khi 23 trụ còn lại dù đã hoàn thiện nhưng chưa kịp COD để được hưởng giá FIT ưu đãi theo Quyết định 39. Không được ưu đãi đã dành, từ đó đến nay, dự án cũng không thể COD tiếp vì ngành điện chưa có hướng dẫn về giá mua. Dó chính là lý do mà Công ty Hanbaram cùng hàng chục doanh nghiệp đầu tư đang phải làm đơn kêu cứu vì có nguy cơ phá sản khi nguồn thu chưa có mà phải gánh áp lực trả nợ từ các khoản vay từ tổ chức tín dụng. Chưa kể, dịch bệnh làm phát sinh chi phí như giá cước vận tải tăng, phí lưu kho, bãi tăng, các chi phí cách ly, 3 tại chỗ, xét nghiệm cho lực lượng nhân sự tăng và nhiều khoản chi phí khác… cũng làm các nhà đầu tư hết sức đau đầu.
Cũng như dự án điện gió Hanbaram, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Phong điện Gia Lai cho biết đã hoàn thành thi công, lắp đặt và kết nối 25/25 trụ tuabin cùng nhiều hạng mục, nên đang thử nghiệm kỹ thuật để đi vào vận hành, nhưng do tác động của đại dịch COVID-19 nên chỉ 1/25 trụ điện gió kịp vận hành thương mại. Ngoài ra, cùng trong tình cảnh tương tự vì tác động của đại dịch Covid-19, có gần 40 dự án khác như Nhà máy điện gió Hòa Đông 2 (Sóc Trăng), Điện gió Lạc Hoà 2 ( Sóc Trăng), Hưng Hải (Gia Lai), Yang Trung (Gia Lai)…
Một doanh nghiệp khác tại Bến Tre là Công ty Điện gió Sunpro Bến Tre cho biết thêm, đơn vị đã rót vốn vào dự án lên tới 56 triệu USD (tương đương 1.270 tỉ đồng), nhưng dù chạy đua tiến độ vẫn chỉ hoàn thành được 75%. Nhiều tháng giãn cách, không chỉ công trường bị gián đoạn, chuyên gia, công nhân ra vào nhà máy khó khăn; mua bán và vận chuyển vật tư cũng tắc đường, mà việc giải phóng mặt bằng cũng đình trệ khi giám đốc không thể xuống công trường hoặc gặp người dân để thương lượng. Nhưng tới thời điểm này, doanh nghiệp đồng hành cùng với chủ trương chính sách của Chính phủ nhưng có cảm giá bị bỏ rơi. Cùng với các doanh nghiệp khác, ông Hoàng Giang - Tổng Giám đốc cùng các đồng sự chỉ biết gửi đơn kêu cứu tới các Bộ, ngành và Chính phủ vì lâm vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan” như bây giờ.
Cần sớm có chính sách nếu không nền kinh tế sẽ chịu vết thương cực lớn
Theo thống kê chưa chính thức, có khoảng 4.185 MW theo đăng ký đã không đạt được tiến độ COD trước 01/11/2021. Với tổng mức đầu tư khoảng 202.794 tỷ đồng (khoảng 8.8 tỷ USD, tương đương 3,2% GDP Việt Nam năm 2020), trong đó vốn chủ sở hữu là 60.892 tỷ đồng, vốn vay ngân hàng dự kiến là 142.082 tỷ đồng. Tới thời điểm hiện tại, các ngân hàng đã giải ngân được khoảng 40% tổng mức đầu tư của các dự án nêu trên tương đương 81.190 tỷ đồng.
Với lãi suất vay thương mại trung bình là 10%/năm, hiện các nhà đầu tư hiện đang phải trả lãi hàng năm 8.119 tỷ đồng (số giải ngân) trong khi không có doanh thu hoặc chỉ nhận được một phần doanh thu trên tổng công suất quy hoạch. Điều này tiềm ẩn nguy cơ rủi ro nợ xấu cao cho hệ thống ngân hàng đối với khoản nợ trên, ảnh hưởng nghiêm trọng đến dòng tiền lưu thông của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, các chủ đầu tư cũng đã bỏ ra hàng trăm tỷ cho mỗi dự án để đóng thuế NK, thuế này sẽ không được hoàn lại nếu không có Giấy phép hoạt động điện lực (chỉ có sau khi có chứng chỉ COD). Mặt khác, do không đạt được giá FIT, chưa có cơ chế giá quan hệ hợp đồng giữa các chủ đầu tư và nhà thầu cũng thực sự là vấn đề có thể phát sinh khiếu kiện do không thể nghiệm thu, không thể thanh toán.
Được biết, trước sức ép của các nhà đầu tư, Bộ Công Thương và các bên liên quan cũng đã họp và dự kiến sẽ đưa ra giá mua điện từ các nhà máy điện gió từ sau 31/10/2021 giảm khoảng 12% so với giá FIT theo Quyết định 39.
Tuy nhiên, nói về mức giá nêu trên, nhiều chủ đầu tư cho rằng, chưa rõ mức giảm này căn cứ vào đâu bởi nếu áp dụng mức giảm 12% thì gần 40 dự án triển khai trong các năm vừa qua sẽ bị thua lỗ trầm trọng, thậm chí mất trắng lợi nhuận. Mà kể cả áp dụng mức giảm nào thì cũng cần có tiến độ công bố và thực hiện bởi chậm ngày nào thì doanh nghiệp không có đầu ra ngày đó, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn tiền để trả nợ…
Trên thực tế, theo ông Nguyễn Anh Tuấn, nguyên Giám đốc Trung tâm Năng lượng (Viện Năng lượng) đánh giá “phát triển điện gió ở Việt Nam hiện mới ở giai đoạn "chạy đà". Để tới được giai đoạn cất cánh 5 năm tới là quãng đường dài với cả nhà đầu tư và hoạch định chính sách. "Để điện gió 'cất cánh' được, cần hàng loạt chính sách phát triển phù hợp, như chuỗi cung ứng, cơ chế tài chính, công nghệ... Cơ chế chính sách hỗ trợ cho điện gió cũng cần ổn định, bền vững và ít thay đổi".
Quả thực đúng như vậy, doanh nghiệp đồng hành cùng chủ trương của Chính phủ trong công cuộc mở rộng năng lượng tái tạo, hạn chế các hình thức sản xuất điện tác động xấu đến môi trường nhưng lại gặp liên tục các “cú sốc” ngay khi vừa mới bắt đầu.
Ông Tuấn cho rằng cần có cơ chế chia sẻ rủi ro giữa nhà đầu tư và cơ quan quản lý, hoạch định chính sách. Đặc biệt là trường hợp rủi ro ngoài tầm kiểm soát như Covid-19, ngay lập tức các nhà quản lý nắm tình hình, đề xuất lãnh đạo Nhà nước đồng hành cùng nhà đầu tư bằng các biện pháp như gia hạn cơ chế ưu đãi hoặc có chính sách nối tiếp để tạo an tâm cho nhà đầu tư.
Thực tế, nhiều nước cũng đã có chính sách "giải cứu" doanh nghiệp và chủ đầu tư điện gió khi họ gặp phải những khó khăn do nguyên nhân bất khả kháng - dịch Covid-19 gây ra. Chẳng hạn tại Đức, tháng 5/2020, Chính phủ nước này thông qua đạo luật Bảo vệ quy hoạch, cho phép các dự án năng lượng tái tạo có hạn COD trước hoặc vào ngày 30/6/2020 được hưởng gia hạn thêm 6 tháng.
Hay tại Mỹ, tháng 5/2020, Bộ Tài chính nước này có hướng dẫn kéo dài thời hạn hưởng tín dụng thuế thêm một năm cho các dự án điện gió trên bờ và điện mặt trời khởi công năm 2016 và 2017 để hoàn thành dự án và nhận ưu đãi từ chính sách tín dụng thuế sản xuất.
Tại hội nghị COP26, tầm nhìn của lãnh đạo quốc gia về biến đổi khí hậu đã được thể hiện qua bài phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính trước các nhà lãnh đạo toàn thế giới. Thủ tướng cho rằng “Việt Nam là một nước có lợi thế về năng lượng tái tạo, sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của mình”. Nói như vậy để thấy, vai trò rất quan trọng của điện gió trong công cuộc thay đổi của năng lượng quốc gia, ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh năng lượng.
Hơn lúc nào hết, ngay bây giờ, các cơ quan quản lý, Bộ, ngành cần thể hiện vai trò của mình, đối thoại và cùng doanh nghiệp tìm ra con đường tháo gỡ khó khăn. Trong bối cảnh, Đảng và Chính phủ đã xác định điện gió là một ngành then chốt đối với an ninh năng lượng và giảm thải carbon trong khuôn khổ Nghị quyết 55, dự thảo Quy hoạch điện quốc gia và các văn bản khác thì không thể để doanh nghiệp đầu tư bỏ ra hàng chục tỷ USD rồi cảm thấy “cô đơn trên sân nhà”.
Bình Minh
Link nội dung: https://pld.net.vn/khong-the-ho-hung-voi-doanh-nghiep-dau-tu-dien-gio-a6035.html