Đoàn 21 cán bộ được Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh cử sang Liên Xô học tập là những ai? Tại sao có chuyến đi Liên Xô năm 1951 này? Kế hoạch bí mật đó là như thế nào? Những kết quả từ chuyến đi đó ra sao?
Do yêu cầu “bí mật” của chuyến đi nên hiện nay vẫn chưa tìm thấy các văn bản có liên quan trong những cơ quan lưu trữ Việt Nam. Sự bí mật của chuyến đi thậm chí còn khiến một số nhà nghiên cứu lịch sử và người làm công tác lưu trữ nhầm tưởng rằng đến năm 1953 mới có đoàn lưu học sinh Việt Nam đầu tiên được chính thức cử sang Liên Xô học tập.
Với mong muốn phần nào lấp đầy sự khuyết thiếu trong nghiên cứu lịch sử giai đoạn 1945-1954 và nhân kỷ niệm 70 năm đoàn cán bộ đầu tiên được Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh cử sang Liên Xô học tập, Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam mới đây đã cho ra mắt cuốn sách “Hồ sơ những hạt giống bí mật” vén mở những bí ẩn về đoàn Liên Xô 1951.
Cuốn sách là kết quả của sự nỗ lực trong công tác nghiên cứu, sưu tầm suốt một thập kỷ của các cán bộ thuôc Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Chia sẻ tại sự kiện ra mắt sách vào ngày 13/1 vừa qua, ThS Trần Bích Hạnh, Giám đốc điều hành Trung tâm, cho biết, ý tưởng nghiên cứu đoàn cán bộ đi học ở Liên Xô năm 1951 (gọi tắt là đoàn LX51) xuất phát tình cờ từ bức thư của GS.TS Nguyễn Trọng Nhân (nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế) gửi Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, trong đó đề cập đến đoàn cán bộ đầu tiên sang Liên Xô học tập. Nhờ những dòng đề cập này, Trung tâm đã quyết định tìm hiểu để thực hiện chuyên đề về đoàn cán bộ ‘bí ẩn’ năm 1951.
Mẩu thông tin đầu tiên giúp họ lần tìm những thành viên trong đoàn LX51 chính là từ bài viết ‘Đầu xuôi đuôi lọt” của Thiếu tướng Phạm Như Vưu trên tạp chí Xưa và nay vào năm 1997. Nhóm nghiên cứu đã tìm gặp Thiếu tướng Phạm Như Vưu và Thiếu tướng Lê Văn Chiểu - hai nhân chứng sống cuối cùng trong đoàn - để tìm hiểu về chuyến công tác học tập tại Liên Xô hàng chục năm trước. Nhờ những chia sẻ của hai Thiếu tướng, chân dung của 21 thành viên trong chuyến đi năm xưa dần được hé mở:
Tháng 7-1951, đoàn cán bộ đầu tiên sang học tập tại Liên Xô qua con đường ngoại giao, mang theo thư giới thiệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng chí Xuxlôp - Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô. Trong bức thư ngỏ bằng tiếng Pháp, có đoạn viết: “Được phép của đồng chí Stalin, tôi hân hạnh gửi 21 đồng chí Việt Nam để được giáo dục về chính trị và kỹ thuật”.
Từ năm 1955-1956, những thành viên trong đoàn cán bộ năm xưa lần lượt trở về nước và đã góp phần đáng kể vào công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và phục vụ trực tiếp cho cuộc kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam, như kỹ sư Lê Văn Chiểu, Phạm Như Vưu, và Hoàng Văn Lâm, là những người xây dựng và phát triển lĩnh vực công nghiệp quốc phòng; Bác sỹ Nguyễn Sĩ Quốc phụ trách Tổ chức mạng lưới Quân y cho chiến trường khu 4, Đông Nam Bộ, Lào, Campuchia; Phó tiến sỹ Trần Linh Sơn; Phó TGĐ NHNN Việt Nam đóng góp không nhỏ vào việc dự thảo để ban hành các chế độ, thể lệ, biện pháp để quản lý công tác tín dụng và tổ chức công tác thanh toán không dùng tiền mặt qua các giai đoạn phát triển của đất nước; Kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh và Đỗ Hữu Dư đã thiết kế xây dựng các công trình kiến trúc: Khu Văn công Quân đội ở Mai Dịch-Hà Nội năm 1959; Khu nhà ở 4 tầng Nam Đồng; Bệnh viện 103 Hà Đông, Trụ sở Bộ Tư lệnh thông tin,v.v.
Tại buổi ra mắt sách, ông Phạm Hồng Việt - con trai của Thiếu tướng Phạm Như Vưu, chia sẻ: “Tôi đã đọc xong cuốn sách với một cảm xúc rất tự hào và xúc động vì những gì cha mình và các bác đã làm trong quá khứ. Đây là một cuốn sách được viết và trình bày một cách công phu và cũng rất hấp dẫn”.
Cuốn sách đã làm sống lại những câu chuyện, cảm xúc về những thành viên đoàn năm xưa và có tác dụng nhất định đối với những người quan tâm nghiên cứu về lịch sử Việt Nam nói chung. Dù cuốn sách đã được hoàn tất, nhưng TS Nguyễn Thanh Hóa, Phó giám đốc Trung tâm, tác giả chính của cuốn sách, cho biết công việc nghiên cứu vẫn sẽ tiếp tục, bởi lẽ “còn rất nhiều câu hỏi chưa được giải đáp. Chẳng hạn như việc vì sao các thành viên trong đoàn LX51 đã giao lưu và gắn kết với nhau trong suốt cuộc hành trình từ Việt Bắc sang Liên Xô, nhưng khi về lại Việt Nam thì họ lại về trong bí mật và không có cơ hội gặp lại nhau đầy đủ, và phải đến 40 năm sau thì câu chuyện về họ mới được ‘vén mở’ thông qua bài viết của một thành viên trong đoàn?”
Anh Thư
Link nội dung: https://pld.net.vn/ra-mat-sach-ve-doan-can-bo-dau-tien-duoc-cu-sang-lien-xo-hoc-tap-a6098.html