Sử dụng hiệu quả các nguồn lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo

Trước đòi hỏi của công cuộc phát triển kinh tế - xã hội và đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, ngành KH&CN cần có những giải pháp thiết thực để cải thiện chất lượng và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước. Đó là nội dung cuộc trao đổi của Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt với báo Khoa học và Phát triển.

PV: Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo với yêu cầu về đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo (KH, CN & ĐMST), nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Để thực hiện yêu cầu này, theo Bộ trưởng, trong năm 2022, ngành KH&CN cần tập trung vào những nhiệm vụ chính gì?

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt: Để KH, CN&ĐMST thực sự góp phần vào tăng cường sức cạnh tranh quốc gia và trở thành nền tảng để đất nước phát triển bền vững, tôi cho rằng, không có cách nào khác cần phải có những cải thiện rõ rệt về chất và lượng đối với các nguồn lực của đất nước, bao gồm cả nguồn lực công và tư, dành cho KH,CN&ĐMST. Tuy nhiên, những chuyển biến mới trong đầu tư nguồn lực như vậy sẽ đòi hỏi ngành KH&CN phải có những thay đổi và nỗ lực hơn nữa để đủ sức đón nhận và sử dụng thật hiệu quả các nguồn lực đó.

huynh-dat-nhan-pld-1642988874.jpeg
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt.

Chúng ta cần thực hiện nhiệm vụ trọng tâm và nền tảng là hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về thu hút và sử dụng các nguồn lực dành cho KH,CN&ĐMST. Đó là cơ sở quan trọng hỗ trợ thiết thực, khuyến khích cho doanh nghiệp đầu tư đổi mới và ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo, đồng thời giúp Nhà nước phân bổ và sử dụng có hiệu quả chi ngân sách dành cho phát triển KH,CN&ĐMST.

Được biết, Bộ KH&CN đã tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế, chính sách thu hút, sử dụng các nguồn lực của Nhà nước dành cho KH,CN&ĐMST trong nhiều năm qua. Vậy đâu là điểm đột phá mà Bộ KH&CN tập trung thực hiện trong thời gian tới để làm tốt nhiệm vụ trọng tâm này?

Nếu cùng nhìn lại hoạt động KH,CN&ĐMST trong những năm qua, chúng ta có thể thấy, điều khiến cho những nỗ lực của ngành KH&CN chưa đạt được hiệu quả như mong muốn là những điểm vướng mắc trong chính cơ chế chính sách, đặc biệt là vấn đề sử dụng ngân sách nhà nước dành cho KH,CN&ĐMST. Đó là, tỉ trọng chi cho hoạt động KH, CN&ĐMST chưa thực sự hợp lý, chi đầu tư còn thấp, chi thường xuyên quá cao. Mức chi cho một số nhiệm vụ KH&CN phục vụ thiết thực các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội còn chưa tới ngưỡng. Điểm nghẽn lớn thứ hai là về tâm lý thì các nhà quản lý vẫn chưa chấp nhận rủi ro và chưa tin tưởng những người làm nghiên cứu. Do đó, trên thực tế thì không chỉ việc sử dụng nguồn lực của nhà nước gặp khó khăn mà cả trong quá trình chuyển giao kết quả nghiên cứu và tài sản hình thành qua các nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước đều gặp lúng túng.

Để tháo gỡ những điểm nghẽn này, theo tôi, cần phải có sự đổi mới mạnh mẽ tư duy, phương pháp quản lý, chấp nhận rủi ro để thúc đẩy triển khai ứng dụng công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới dựa trên KH&CN.

 

Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ứng dụng và đổi mới công nghệ. Nguồn: nangluongvietnam.vn

Trong bối cảnh nguồn lực đầu tư còn hạn hẹp, chúng ta có cách nào tối ưu các nguồn lực đó để đầu tư hiệu quả cho KH, CN&ĐMST không?

Chúng tôi rất trăn trở về vấn đề này. Khi nguồn lực của chúng ta còn hạn hẹp thì một trong những giải pháp hữu hiệu nhất là đề cao tính minh bạch và khách quan trong quản lý các đề tài và nhiệm vụ KH&CN các cấp. Đó cũng là yêu cầu mà Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặt ra trong nhiều buổi làm việc với ngành KH&CN.

Bộ KH&CN đang rà soát và sửa đổi các quy định về xét duyệt, quản lý và đánh giá các nhiệm vụ KH&CN theo hướng công khai, minh bạch, khách quan và đơn giản hóa các thủ tục hành chính. Điều đó cũng đòi hỏi tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn bộ hoạt động quản lý và điều hành các nhiệm vụ KH&CN các cấp theo hướng giảm thủ tục hành chính, giảm thời gian và chi phí, liên thông, nâng cao tính công khai và minh bạch, cho phép nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân dễ dàng tra cứu và giám sát, cũng như tham gia vào việc đề xuất hoặc thực hiện các nhiệm vụ KH&CN.

Các nhà khoa học Việt Nam hoàn thiện quy trình công nghệ đảm bảo vaccine ổn định về chất lượng.

Các nguồn lực tài chính dành cho KH,CN&ĐMST cần được mở rộng và linh hoạt hơn nữa, tuy nhiên hiệu quả sử dụng nguồn lực này còn phụ thuộc rất lớn vào hiệu quả hoạt động của các tổ chức KH&CN, mà nòng cốt hiện nay vẫn là các tổ chức KH&CN công lập. Ngành KH&CN có thể làm gì để nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống các tổ chức này?

Trước hết, chúng ta phải quy hoạch lại mạng lưới các tổ chức KH&CN trong cả nước để đáp ứng được yêu cầu xã hội, nhu cầu phát triển của đất nước, nhằm đầu tư các nguồn lực có trọng điểm hơn, không dàn trải. Công tác nghiên cứu quy hoạch mạng lưới tổ chức KH&CN công lập thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được Bộ KH&CN tiến hành nhằm tạo điều kiện cho tổ chức hoạt động hiệu quả hơn. Đây là một công việc phức tạp bởi theo sự phát triển của đất nước, không chỉ riêng các tổ chức KH&CN trong các trường, viện hay các bộ, ngành đa dạng về hình thức tổ chức, cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính mà các tổ chức KH&CN địa phương cũng muôn màu muôn vẻ. Điều chúng ta cần làm ngay là quyết liệt rà soát, sắp xếp lại hệ thống tổ chức KH&CN công lập, giảm số lượng các tổ chức yếu kém để phù hợp với các định hướng ưu tiên về kinh tế - xã hội của quốc gia, ngành, vùng.

Quy hoạch các tổ chức KH&CN cũng là cơ sở để từ đó chúng ta có nhiều cơ hội lựa chọn đầu tư, phát triển một số tổ chức KH&CN đạt trình độ khu vực và thế giới.

Song song với đó, cần nâng cao vai trò của các trường đại học trong hệ thống KH&CN để tận dụng hiệu quả nguồn tri thức này, thúc đẩy gắn kết giữa nghiên cứu, đào tạo với nhu cầu của doanh nghiệp và nền kinh tế.

 

Từng bước ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng ngày càng cao. Ảnh: TTXVN

Như Bộ trưởng đã đề cập, việc xây dựng các đại học nghiên cứu là thành tố không thể thiếu nhằm nâng cao chất lượng hệ thống các tổ chức KH&CN. Vậy đâu là giải pháp cần được chú trọng để thực hiện yêu cầu này?

Để đại học thực sự trở thành các trung tâm nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và là nguồn tri thức cho các hoạt động đổi mới sáng tạo thì cần chú trọng triển khai các chính sách phát triển nhóm nghiên cứu mạnh thuộc các lĩnh vực KH&CN ưu tiên trong các trường đại học, hình thành và phát triển các nhóm nghiên cứu với sự dẫn dắt của nhà khoa học đầu ngành đẳng cấp quốc tế. Nhà nước cũng cần tăng nguồn lực dành cho đào tạo sau đại học và có chính sách tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ cho các học viên cao học, nghiên cứu sinh và người làm nghiên cứu sau tiến sĩ, coi họ là một trong những chủ thể quan trọng thực hiện hoạt động nghiên cứu và phát triển. Mặt khác, cần có cơ chế chính sách khuyến khích thành lập các tổ chức chuyển giao, khai thác sáng chế, các doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục đại học.

Hiện nay, Bộ KH&CN vẫn đang tiếp tục phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc xây dựng dự thảo Nghị định quy định hoạt động KH&CN trong các cơ sở giáo dục đại học.

Nhiều nhà quản lý khoa học và nhà khoa học cho rằng, hệ thống quản lý nhà nước về KH,CN&ĐMST cần được kiện toàn theo hướng tập trung vào hoạch định cơ chế, chính sách và định hướng chiến lược, quy hoạch và kế hoạch. Bộ trưởng nghĩ gì về quan điểm này?

Theo tôi, đó là nhu cầu tất yếu, nếu chúng ta muốn đến năm 2030 KH,CN&ĐMST có tiềm lực và trình độ tiên tiến ở nhiều lĩnh vực quan trọng, thuộc nhóm dẫn đầu trong các nước có thu nhập trung bình cao; trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp đạt mức trên trung bình của thế giới; một số lĩnh vực KH&CN tiếp cận được trình độ quốc tế.

Để làm được điều này, chúng ta cần thành lập một hội đồng điều phối hoạt động KH,CN&ĐMST quốc gia để có sự phối hợp đồng bộ và chặt chẽ giữa các cơ quan xây dựng và thực hiện các chính sách KH,CN&ĐMST. Đồng thời, cần xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo và bồi dưỡng cán bộ quản lý KH,CN&ĐMST ở các cấp. Nội dung các chương trình này cần được bảm đảo sự đa dạng và thiết thực, phù hợp với tính chất quản lý nhà nước, trên cơ sở tham khảo và cập nhật những chương trình của các quốc gia có năng lực và trình độ cao hơn trong quản lý KH,CN&ĐMST.

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

 

Phạm Trần Lê thực hiện

Link nội dung: https://pld.net.vn/su-dung-hieu-qua-cac-nguon-luc-khoa-hoc-cong-nghe-va-doi-moi-sang-tao-a6105.html